Nói đến nhân quả thì mọi người đều hiểu đại khái sơ sơ, loại như: “ Gieo gió gặt bão, gieo nhân nào gặt quả ấy “ Vậy cụ thể nhân quả thể hiện như thế nào trong đời sống.
Người hiểu rõ nhân quả thì họ luôn nhìn đời với đôi mắt nhân quả, nghĩa là mỗi mỗi 1 chuyện xảy ra xung quanh chúng ta đều là nhân quả, dù là một chuyện nhỏ như hột cát, cây kim. Từng chuyện xảy ra hằng ngày, hàng phút, hàng giây đều là nhân quả, nhìn thấy quả biết nhân, nhìn thấy mình đang gieo nhân gì thì biết sẽ gặp quả đó trong tương lai.
Ngoài ra, họ còn hiểu rõ tính chất của nhân quả. Vậy nhân quả có bao nhiêu tính chất? Rất nhiều, đại khái tôi xin liệt kê vài cái đơn giản mà tôi biết:
- Tính chất một nhân có nhiều quả.
- Tính chất quả luôn to hơn nhân.
- Tính chất một quả có nhiều nhân.
- Tính chất nhân nào quả đó. Quả nào nhân đó.
- Tính chất thiện và ác.
- Tính chất vô thường.
- Tính chất chuyển đổi, chuyển hóa.
- Tính chất hiện tại tái sanh.
- Tính chất công bằng.
- V. V…
Để tìm rõ về những tính chất trên chúng ta hãy luôn liên hệ nhân quả đời sống con người giống như nhân quả thực vật. Vì con người, động thực vật đều tồn tại trong một môi trường vũ trụ nhân quả cho nên nhân quả của con người, của vũ trụ, của thiên nhiên thời tiết,… Không khác gì so với nhân quả thực vật.
1/ Tính chất một nhân có nhiều quả: gieo 1 hạt chanh, 1 hạt đu đủ,… đều cho ra trái nhiều quả chanh, trái đu đủ. Gieo nhân mắng chửi người ta thì coi chừng bị nhiều người, nhiều lần bị người khác mắng chửi lại. Không những bị mắng không mà có khi còn bị đánh, bị đập, bị đâm, bị bắn, bị giết,..
2/ Tính chất quả luôn to hơn nhân: điều này ai cũng biết trái quả nào đều to hơn hạt. Một lời nói không vừa lòng nhau có thể dẫn đến nhiều sự hiểu lầm và những việc xảy ra trầm trọng khác như cãi vả, nghi kỵ, mất lòng tin,… Giống như có câu “ Chuyện nhỏ xé to “
3/ Tính chất một quả có nhiều nhân. Trong một trái chanh, trái đu đủ có rất nhiều hạt. Khi bị mắng chửi trong tâm chúng ta ai cũng đều có sự giận dữ, nóng giận, muốn mắng chửi lại, muốn đánh, muốn vả, muốn đâm, muốn chém, muốn giết hoặc là ngược lại chỉ nhẫn nhịn, im lặng, yêu thương, tha thứ. Tất cả những tâm trạng đó đều là nhiều nhân từ 1 quả bị mắng chửi.
4/ Tính chất nhân nào quả đó. Quả nào nhân đó. Gieo hạt chanh sẽ cho ra trái chanh, chứ không thể hái được quả đào hay đu đủ. Nhìn trái chanh thì biết do gieo hạt chanh mà có. Quả có thân bị bệnh đau nhức, bị đủ loại bệnh,.. Bị người khác đâm, chém, giết là do đã gieo nhân xem thường mạng sống của các loài động vật khác, là do gieo nhân dùng dao cắt họng, thọc bụng, làm thịt, cạo da, giết hại và ăn thịt các loài vật khác.
5/ Tính chất vô thường. Vô thường là luôn thay đổi, không bền chắc. Dù là trái quả nào chín xong rồi cũng héo tàn, vị ngọt thành nhạt dần, không thể nào mãi mãi ngọt. Dù chúng ta gặp chuyện tốt hay xấu nào xảy đến, những chuyện đó rồi cũng qua, không ai mỗi lần mua vé số đều trúng, không ai gặp chuyện xấu chuyện xui mãi.
6/ Tính chất chuyển đổi, chuyển hóa. Với thời đại công nghệ khoa học cao như ngày nay, con người đã cải tiến những thực vật có tính chất xấu thành tốt hơn như các giống lúa tăng năng suất, thơm hơn, mềm hơn, hoa đủ mày, đẹp hơn, trái cây ngọn, bổ, đẹp và ít hột hơn. Nhân quả là có thể thay đổi, chúng ta đang sống trong môi trường nhân quả, nhân quả luôn thay đổi, không cố định, là vô thường. Chỉ cần chúng ta luôn biết giao nhân thiện thì sẽ gặt quả thiện, không còn gieo nhân ác nữa thì cuộc đời này không phải là thiên đường sao. Do vậy không có định mệnh hay số mệnh mà chỉ có nhân quả. Chúng ta đã biết tính chất trong quả có nhiều hạt do vậy hãy luôn giữ gìn và trao dồi tâm thiện dù bất kỳ chuyện xấu gì xảy ra.
7/ Tính chất hiện tại tái sanh. Một cây đu đủ có nhiều quả, trong quả có nhiều hạt,. Chúng ta lại tiếp tục lấy những hạt mới đó gieo xuống thì sẽ tiếp tục gặt hái những quả đu đủ mới, cứ như vậy tiếp tục những cây quả cháu, chắt, chít,… của cây đu đủ đầu tiên xuất hiện và tồn tại. Điều tôi muốn nói ở đây là dù đã có cháu, chắt hoặc chít,…nhưng cây đu đủ đầu tiên vẫn có thể còn sống chưa chết. Mỗi một hành động tốt xấu của người tạo ra hằng ngày khi đủ duyên chúng sẽ kết hợp tái sanh ra thành hàng trăm, hàng nghìn con người hay các loài vật khác, chứ không phải chờ khi người đó chết rồi mới có tái sanh. Tái sanh luôn xảy ra trong hiện tại.
Chính vì biết một nhân luôn có nhiều quả, chứ ít khi có 1 quả, do vậy ai biết sống gieo nhân yêu thương thì sẽ tái sanh làm người trong hiện tại, ai gieo nhân không yêu thương, không quý trọng sự sống của các loài động vật khác thì trong hiện tại nghiệp nhân quả tương ưng tái sanh thành hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn loài vật như gà, vịt, cá, ốc, tôm, cua, chó, mèo để trả nhân quả. Những con người hay các loài động vật đó cũng sẽ bị người khác giết, bị cạo da, bị nướng cháy, bị hỏa hoạn, bị đâm chém, bị đánh đập hoặc chính thân họ bị đủ các loại bệnh, thân luôn bị đau nhức . Do có tính chất tái sinh hiện tại này mà chúng ta thấy dân số của loài người và động vật ngày càng nhiều và đông hơn.
8/ Tính chất công bằng. Đã gieo nhân thì có ngày gặt quả. Khi đủ duyên thì cây sẽ có quả. Đất có đầy đủ dinh dưỡng, khí hậu tốt, có sự chăm sóc tốt thì cây sẽ có quả tốt. Quả không đến sớm thì đến muộn. Đã gieo nhân thì sẽ có quả. Không ai trốn được. Không thể có chuyện làm chuyện xấu trộm cắp, giết người rồi đi vào chùa, đền thờ bỏ tiền ra cầu xin thần thánh tha tội hay nhờ các vị thầy trong chùa tụng niệm cầu an, cầu siêu cho là sẽ hết tội, là sẽ được tái sanh được thân người có phú có quý. Đó là trái với luật nhân quả.
Chính vì nhân quả công bằng cho nên có thân người hay động vật sinh ra được phú quí, hoặc bị nghèo, bị bệnh tật, bị chết yểu, bị bỏ rơi, bị ganh ghét, bị đánh,… Do nhân quả công bằng nên mới có sự tái sanh luân hồi, để con người hoặc các loài động vật trả nhân quả kiếp trước. Chứ không phải chết là hết, chết là rủ sạch tất cả, đó là thuyết không công bằng, thuyết này chỉ làm cho con người bất chấp mọi chuyện xấu, chạy theo dục vọng bản thân làm đủ chuyện xấu ác rồi nhờ các vị tu sĩ trong tôn giáo rửa tội, tha tội thì điều đó không thể xảy ra. Đã gieo nhân thì phải gặp quả.
Do công bằng, do nhân quả là vô thường là có thể chuyển hóa được nên con người tự thay đổi, tự chuyển hóa chính mình tiến đến sống thiện, nghĩ, nói và làm điều thiện, không nghĩ, nói hay làm điều ác nữa thì cuộc sống của người đó sẽ dần dần thay đổi thành tốt. Đúng như lời Đức Phật nói: “ Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi, ta không thể thay các con đi được” Dù đã trở thành Phật có bao nhiêu quyền năng nhưng Đức Phật vẫn sống trong môi trường nhân quả, vẫn bị chịu nhân quả tác động, không thể thay con người gánh tội hay tha tội hay giúp cho người khác không bị quả ác đến thăm được.
Người hiểu được nhân quả sẽ không lạc lối, không bị các thuyết phi nhân quả lừa gạt, họ luôn sáng suốt, tin vào chính mình, tin vào chỉ chính mình mới có thể tự chuyển đổi cuộc đời của mình, chớ không có bất kỳ ai có thể giúp mình dù Thần Thánh nào, Trời Phật nào cũng không thể.