Wednesday 12 August 2020

CHỨNG ĐẠO

YẾU CHỈ TU TẬP - TRƯỞNG LÃO THÍCH THÔNG LẠC 
Album pháp âm đức Trưởng lão khai ngộ trạng thái chứng đạo và cô đọng những phương pháp tu tập.
Khai ngộ trạng thái chứng đạo:
“Bởi vậy cho nên Thầy thấy khi mà hiểu rồi sao mà đạo Phật dễ quá, mà chưa hiểu thì sao lại khó quá. Mà hầu hết Thầy thấy quý thầy chưa hiểu cho nên tu coi khó, đi khất thực thì mặt nào cũng ỉu xìu, đi cứ gầm gầm gầm gầm hổng có thấy cái vẻ hân hoan gì hết, tu thì phải hân hoan vui vẻ chứ tu gì mà coi khổ quá, quá khổ. 
Tại sachúng ta lại dẹp hết vọng tưởng để trở thành cây đá? Tu là làm chủ cái sự đau khổ để hết đau khổ chứ đâu phải tu để làm cho chúng ta trở thành con người ngơ ngơ ngẩn ngẩn, gầm gầm đi không dám nhìn ngó ai. Tu là đem lại cho tâm hân hoan vui vẻ, đoan trang, chánh trực, không liếc xéo, liếc ngang, không nói xấu nói lỗi người, không ly gián người này với người khác, tu là đi đứng khoan thai nhẹ nhàng, thoải mái chứ đâu phải đi cúi đầu, khom lưng bước thấp, bước cao. Tu là tĩnh giác nhưng tĩnh giác đâu có nghĩa là chỉ có biết bước đi, hơi thở mà tĩnh giác là tĩnh giác trong tất cả mọi sự việc xung quanh chúng ta. Nghĩa là đâu có tĩnh giác ở trên bước đi không đâu, mà đây là tĩnh giác những chuyện gì xung quanh chúng ta xảy ra, ta biết rõ thiện ác, biết rõ cái bị sanh, bị già, bị chết biết rõ, sự kiện xảy ra biết được, đó là mới tĩnh. Chứ không phải tĩnh mỗi trong hơi thở, biết hơi thở ra, biết hơi thở vô.

Chứng đạo cũng như người bình thường, nhưng người bình thường thì đang bị sanh già bệnh chết làm dao động, còn người chứng đạo thì không bị sanh già bệnh chết gì hết, bất động. Cho nên người bình thường và người chứng đạo khác nhau ở chỗ tâm bất động trước ác pháp và các cảm thọ. Tu như vậy đâu có nghĩa là khó khăn phải không quý vị. Tu đâu có nghĩa là làm cho chúng ta thay đổi thân tâm khác thường, mà làm cho thay đổi thân tâm khác thường thì đâu gọi là tu đúng. Tu là ngăn diệt những hành động làm khổ mình, khổ người đó là cách thức tu.
Tu mà làm cho mấy con quá cực khổ, đó là cái sai. Cho nên khi mà chứng đạo rồi đức Phật nói, con đường khổ hạnh đức Phật không có chấp nhận, mà con đường lợi dưỡng cũng không có chập nhận, hai cái ngả này Phật không chấp nhận, cho nên nó trung đạo, trung đạo là trung đạo cái chỗ nào? Cho nên trung đạo là cái chỗ không tự làm khổ mình. Tu mà làm khổ mình quá như vậy thì làm sao mà tu cho tới nơi tới chốn được? Cho nên cái tu mà làm khổ mình tức là khổ.

Đâu phải tu hết các tưởng là chứng đạo, đâu phải tĩnh giác là chứng đạo, đâu phải thần thông là chứng đạo, đâu phải ngồi thiền nhiều là chứng đạo, chứng đạo là tâm định tỉnh, nhu nhuyễn dễ sử dụng, ý muốn gì sai bảo thì thân tâm làm theo. Các con có nghe cái câu mà đức Phật đã dạy không? Tâm định tỉnh nhu nhuyễn dễ sử dụng.

Chứ không nhẽ bây giờ con người mình tu rồi mình làm cái gốc cây, cục đá ngồi hàng rào chứ, ngồi bất động đó sáu tháng như cái chú bé người Ấn Độ đó, làm gì đó. Không lẽ tu như vậy sao, các con thấy Thầy bác sạch ba cái thứ quỷ quái này. Con người thì con người chứ tại sao con người tu để rồi bây giờ ngồi đó sáu, bẩy tháng không ăn uống gì hết, không nói gì hết, để làm gốc cây sao?

Chứng đạo là làm chủ sanh già bệnh chết khi tâm ham muốn một điều gì ý thức bảo không được ham muốn điều đó là nó không làm, chứng đạo là vậy

“Cho nên hôm cái bài pháp tuy nó ngắn gọn nhưng nó cô đọng đầy đủ những cái phương pháp.Người nào mà chưa ngộ được cái sự chứng đạo, cái trạng thái chứng đạo rồi đến hỏi Thầy, cần thiết để hiểu biết cái này này chứ đừng có hiểu biết cái ba lăng nhăng mà tập ức chế tâm, hỏi Thầy lăng nhăng ba cái tưởng này tưởng kia, ba cái đó dẹp xuống hết đi, ở đây không có ba cái thứ đó nữa.”

“Đây là người tu chứng đạo ý thức làm chủ sự sống chết, tâm lúc nào cũng thoải mái dễ chịu hoan hỷ vui vẻ. Các con thấy mình đuổi nó rồi thì nó bình an cho mình thì ngồi vui vẻ chơi chứ có làm cái gì đâu, chứ đâu phải quá dụng công dụng sức tu tập mệt nhọc quá cho nên mặt héo xèo.”
(Thư viện Thầy Thông Lạc)

Saturday 8 August 2020

SỢ Ở TÙ



Đối với 1 người bình thường chưa bao giờ ở tù thì sự sợ hãi đó sẽ đ bám và ám ảnh người đó suốt ngày đêm, từ từ trở thành 1 tâm bệnh, dẫn đến trầm cảm và các triệu chứng tâm thần khác. 

Vậy có cách nào vượt qua được sự sợ hãi đó không ? Dĩ nhiên là có.

1/ Nếu chúng ta hỏi những người thường xuyên phạm tội ở tù thì họ sẽ trả lời “Ở tù nhiều lần rồi quen thôi, không còn sợ nữa“. 

2/ Cách 2 là tìm bác sĩ tâm lý, uống thuốc an thần. 

3/ Cách thứ 3 là ta phải dùng phương pháp của Phật Giáo. Phương pháp của Phật giáo chỉ rõ nguồn gốc của tâm sợ đó từ đâu mà có rồi diệt chúng. 

Phật giáo là một tôn giáo có nền tảng đạo đức nhân bản-nhân quả, dạy con người sống có đạo đức để làm chủ nhân quả của mình. Bởi nhân quả luôn công bằng, không thiên vị ai, dù người đó là Phật, cũng chịu nhân quả chi phối. 

Thời đức Phật còn tại thế có một tên cướp tàn ác thích giết người, giết xong cắt tai và xâu lại đeo trên người. Sau khi gặp được đức Phật, đức Phật độ hóa cho anh ta giúp anh ta hiểu rõ được đâu là thiện ác, đâu là giải thoát. Anh ta bèn muốn quy y Phật. Đức Phật dĩ nhiên là đồng ý nhưng với điều kiện anh ta phải ra đầu thú và chấp nhận sự trừng phạt của pháp luật thời đó. 

Qua câu chuyện trên chúng ta thấy đức Phật là một người có trí tuệ và rất công bằng, không dùng quyền uy của mình xen vào nhân quả của anh cướp đó, vì nếu đức Phật nhúng tay vào thì xã hội sẽ không còn công bằng nữa, dân chúng sẽ căm phẫn và ghét Phật hơn. Nếu chúng ta xen vào nhân quả của ai đó thì chúng ta phải chịu gánh nhân quả thay cho họ. 

Anh cướp sau khi được đức Phật độ hóa thì tìm thấy được con đường giải thoát cho nên sẽ sẵn sàng chấp nhận mọi nhân quả đến với mình khi ra đầu thú dù là bị treo cổ tử hình. 

Có lẽ chúng ta sẽ hỏi nếu như anh cướp bị treo cổ chết thì làm sao theo Đức Phật tu tập giải thoát. Trong Phật giáo có câu “Phật tại tâm” . Khi anh cướp hiểu rõ những hành động cướp giết người của mình xưa kia là ác, là đem đau khổ đến cho người, cho mình. Rồi quyết tâm từ bỏ, quay đầu trở thành một người tốt thì chính ngay đó tâm của anh ta đã giải thoát. Mà đã giải thoát rồi thì dù có ở trong tù, bị đày hay bị treo cổ, tâm anh ta cũng đã giải thoát rồi. Bởi những việc cướp giết kia đều đã là quá khứ, anh cướp đang sống với tâm giải thoát trong hiện tại. 

Sợ tù tội là một tâm bệnh, bởi vì chúng ta không hiểu nhân quả, không chấp nhận nhân quả. Dù cho chúng ta có đi bao nhiêu bác sĩ, uống bao nhiêu thuốc quý hiếm, đi chùa, tụng kinh, làm việc thiện bao nhiêu cũng là những cách trị ngọn hoặc trị không đúng bệnh chứ không phải trị đúng gốc bệnh. 

Trị bệnh tận gốc là phải dùng sự hiểu biết tư duy quán xét vấn đề cho thấu đáo để thấy rõ quả tù tội hôm nay là do tâm tham, sân, si của chúng ta mà ra. Do bị tâm tham chi phối cho nên nói hay làm những việc trái pháp luật nên phải chịu bị pháp luật trừng trị. 

Pháp luật cũng là một phần của nhân quả. Mà đã là nhân quả thì nó sẽ công bằng không thiên vị ai cả, không ai có thể hối lộ để thoát được. Do vậy đừng nghĩ rằng đi chùa, cầu cúng Phật hay thần thánh nào sẽ thoát khỏi tù tội. Đó là chúng ta đang bị tâm tham lừa dối. Nếu chúng ta nghĩ như vậy thì tâm sợ hãi của chúng ta càng mạnh hơn mà thôi. 

Chỉ có đối diện nhân quả, chấp nhận và vượt qua. Sau khi quán xét thấy rõ do nhân tham trước kia mà có quả hôm nay, thì chúng ta tự quyết tâm sửa đổi, không bao giờ lặp lại những hành động tham kia nữa dù bất kỳ hoàn cảnh nào, nghĩa là trong hiện tại chúng ta đang sống với tâm không tham. Mà tâm không tham chính là tâm giải thoát. 

Do vậy khi tâm sợ tù tội khởi lên trong đầu chúng ta hãy dùng phương pháp “Như lý tác ý”. Đây là một phương pháp nhắc tâm,  như cái lý giải thoát nhắc tâm bằng cách tác ý để dẫn tâm vào chỗ giải thoát. 

Ví dụ như chúng ta nhắc “ tâm  tham cút đi, mày là tâm ác, mang đau khổ đến cho người, cho mình, từ đây về sau ta sẽ sống thiện, không tham nữa. Dù cho tù tội gì tôi cũng chấp nhận hết. Tâm sợ hãi cút hết“

Hoặc là nhắc : “Hiện tại tâm ta không có tham, ta đang sống với tâm giải thoát, thì có gì phải sợ, nhân quả nào đến ta cũng chấp nhận hết, tâm sợ hãi cút đi”

Sau Khi nhắc đuổi tâm sợ hãi thì tác ý “ tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự”

Tùy nhân quả và tâm trạng của mình mà chúng ta trạch ra câu tác ý để đuổi những tâm tư tiêu cực. Chỉ có như vậy chúng ta mới vượt qua được nhân quả. 

Nói rõ hơn về tâm sợ hãi Đức Phật đã dạy qua bài“ năm sợ hãi và hận thù”. https://www.nguyenthuychonnhu.net/index.php/bdt/106-5sohai      

Do không sống đúng ngũ giới mà con người thường sống trong sợ hãi và hận thù. Ai sống đúng ngũ giới thì họ đâu còn có sợ hãi, dù nhân quả gì đến họ đều chấp nhận vì họ biết trong hiện tại họ đang gieo nhân thiện thì tương lai họ sẽ gặt quả thiện.
1-  Người thường sát sanh, ăn thịt chúng sanh thì luôn sợ bị giết, bị đánh đập, sợ bị đau bệnh, sợ già, sợ chết
2-  Người thường trộm cắp thì sợ nghèo túng, sợ mất đồ, sợ trộm cắp, sợ tốn tiền hao của, sợ bị lừa gạt tiền tài của cải, sợ tù tội. 
3-  Người thường có những tà hạnh thì sợ người hay vật hại mình, sợ người khác phát hiện việc làm xấu của mình, sợ ở tù. 
4-  Người thường nói dối thì sợ bị lừa dối, sợ bị gạt, luôn sống trong nghi ngờ người khác, không tin tưởng ai, sợ bị phát giác, sợ người khác phát hiện mình nói dối, lừa gạt người khác. 
5-  Người thường uống rượu thì sợ bệnh, sợ người khác hơn mình, chèn ép mình,...

Ngoài ra vì con người không hiểu lý nhân duyên, thường chấp cái thân, tâm là mình, là của mình cho nên chạy theo ngũ dục lạc: sắc, danh, lợi, ăn và ngủ. Hết thích cái này đến cái khác, do vậy luôn sợ mất, sợ thân bị tổn hại, sợ xấu, sợ bị giết, bị già, bị chết,...sợ đủ thứ. Suốt đời làm nô lệ cho cái thân và tâm, bị chúng coi như nô lệ, bị sai bảo, suốt ngày chạy đông chạy tây, tâm  như con khỉ hết suy nghĩ cái này đến suy nghĩ cái khác không bao giờ yên lặng trừ lúc đi ngủ. 

Tóm lại, muốn trị được mọi bệnh tận gốc thì phải hiểu rõ nhân quả, luôn sống thiện nghĩa là luôn hành thập thiện và có tri kiến giải thoát thì tâm bệnh sợ hãi sẽ được diệt trừ tận gốc.