Thursday 21 April 2022

SỰ GIẢI THOÁT NẰM Ở ĐÂU.

        

SỰ GIẢI THOÁT TRONG ĐẠO PHẬT


1- Người tu sinh khi vào tu viện không phải lo cái ăn, cái ở, cái mặc. Không còn lo nghĩ, sợ hãi hay buồn phiền vì danh lợi. 

2- Khi vào tu viện chỉ ngồi chơi không cần tu tập gì cả. Còn tu tập thì làm sao còn gọi là đạo giải thoát, làm sao còn gọi “ Đạo ta không có thời gian, đến để mà thấy”. 

- Chứng minh là trong Bức Tâm Thơ ngày 31-05-2011 sách ‘ Hướng dẫn nhắc nhỡ tu sinh’  trang 38, Thầy đã viết “Không phải lúc nào cũng đi kinh hành, mà còn phải đi THÂN HÀNH NIỆM khi bị hôn trầm, thùy miên, vô ký; còn bao nhiêu giờ khác thì ngồi chơi như người vô sự, đừng tu tập pháp môn nào khác nữa.”


- Trong sách ‘ Sống độc cư như con tê ngưu 1 sừng’  bài kệ thứ 5 có đoạn: “ Đạo Phật chỉ ngồi chơi MỘT MÌNH từ ngày này sang ngày khác, từ tháng này sang tháng khác, nhưng lúc nào cũng làm chủ thân tâm mình, thân tâm mình không sai bảo mình được, đó là mình đã tu chứng đạo.”

Đúng vậy, Người tu sinh suốt ngày sống một mình chỉ ngồi chơi, chờ đến giờ khất thực là đi lấy thức ăn, còn những giờ khác thì chỉ sống ngồi chơi 1 mình. Đó chính là sự giải thoát. 


3/ Tu là vệ sinh tâm ( Bài ‘Vệ Sinh Tâm’ trong sách ‘ Hướng dẫn nhắc nhỡ tu sinh’  trang 52) Thầy dạy “Khi trong tâm quý vị có cọng rác bẩn nào thì quét nó đi, quét đi thì tâm quý vị sẽ không còn rác bẩn nữa, và như vậy gọi là làm vệ sinh; còn không có rác bẩn thì thôi, cớ sao lại cứ quét mãi, như vậy quý vị có phải là người khùng không? 


Giải thoát của Phật giáo rất là đơn giản, đâu có gì cầu kỳ khó khăn, đâu có gì ngoài cuộc sống của con người? Họ cũng ăn, cũng làm việc bình thường. Nhưng họ khác hơn người thường là luôn luôn lúc nào cũng làm chủ tâm mình; vì thế đời sống của họ vui vẻ, an lạc; không có một việc gì làm cho họ buồn phiền, giận hờn hay cay cú.


Người nào có duyên, sáng nghe Phật thuyết thì chiều đã hoàn toàn giải thoát, chớ có tu tập cái gì nhiều đâu; chỉ cần buông xuống, không hơn thua ai cả là giải thoát. Cho nên đạo Phật duy nhất chỉ biết LY DỤC, LY ÁC PHÁP là giải thoát ngay liền.”

4/ Trong bức tâm thư thầy gửi tu sinh ‘ Phật pháp tu hành không khó’ thuộc sách ‘ Hướng dẫn nhắc nhỡ tu sinh’  trang 58 có viết :


“ Sự GIẢI THOÁT của Phật pháp rất đơn giản, chỉ cần sống TỰ NHIÊN với tâm BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC và VÔ SỰ; sống mà không có sự tu tập gò bó thân tâm thì mới thấy sự GIẢI THOÁT chân thật của đạo Phật. Còn ngược lại, dụng công tu tập làm gò bó thân tâm để tâm BẤT ĐỘNG, thì làm sao thấy sự GIẢI THOÁT. Phải không thưa quý vị?


Từ lâu mọi người hiểu sai Phật pháp, nên cố gắng tu tập, vì thế mà không có một vị sư, thầy nào làm chủ SINH, GIÀ, BỆNH, CHẾT như Phật.


       Dù sử dụng trong bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi, mà tâm vẫn tự nhiên như người NHÀN DU, VÔ SỰ; đó là người đã BUÔNG XẢ sạch. Vì thế, họ không còn tu tập một pháp môn nào nữa cả... Bởi vậy, người nào hiểu đúng Phật pháp là phải cảm nhận được tâm BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC và VÔ SỰ. Nhờ có cảm nhận được tâm như vậy, nên họ đã trở thành CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG luôn luôn sống MỘT MÌNH.”


Trong bài thầy viết “ Sống tự nhiên” chứ không phải vào tu viện để tu tập. Ngoài đời chịu bao đau khổ, chúng ta bỏ hết vào chùa tìm sự giải thoát mà lại ôm thêm một hoặc nhiều cái đau khổ khác như tu tập hết cái này đến cái khác thì làm sao thấy được sự giải thoát của đạo Phật. Do vậy, chúng ta còn có ý nghĩ vào tu viện tu tập giải thoát là chúng ta sai, là chúng ta đang mang thêm sự đau khổ khác cho mình. 


Chỉ khi chúng ta nghĩ rằng: chúng ta vào chùa sống giải thoát thì chúng ta mới tìm thấy sự giải thoát. Sống giải thoát là sống tự nhiên như 1 người bình thường, không ôm pháp nào tu tập cả. Suốt ngày ngồi chơi, đi chơi, nằm chơi, đứng chơi vô sự như người nhàn du. Sống như vậy chính là sự giải thoát của đạo Phật. Dễ như vậy mà không ai chịu sống, ai ai cũng thích tu tập, nên gương mặt của mọi người đều đau khổ, không thấy sự vui vẻ. Do hiểu sai ý nghĩa của sự giải thoát nên mọi người bị hôn trầm thùy miên. Từ đó mọi người phải ôm pháp phá, mất đi sự thanh thản, vô sự giải thoát. Cứ như vậy mà bao năm qua rất ít ai tim được sự giải thoát tại tu viện Chơn Như mặc dù tu theo đạo giải thoát nhưng không thấy được sự giải thoát. 


5/ Khi vào tu viện Ai cũng nghĩ họ phải tu tập để có được sự giải thoát nhưng đâu ngờ sự giải thoát đã nằm ngay trước mắt họ mà họ không chịu theo, không chịu theo lời dạy của thầy Thông Lạc, buông xuống hết. Buông xuống các pháp tu từ các môn phái khác, buông xuống các kiểu ngồi thiền nhiếp tâm, buông xuống các trạng thái an lạc hỷ tưởng, buông xuống tâm bất động,… 


Do vậy trong tâm thư thầy gửi tu sinh bài “Hiểu đúng Phật pháp” sách ‘ Hướng dẫn nhắc nhỡ tu sinh’  trang 40 có viết:


- Đạo Phật là đạo của con người, nên sáng hiểu đạo chiều chứng đạo.

- Đạo Phật là đạo trí tuệ, chứ không phải là đạo con cóc, thế mà các con cứ ngồi như cóc có ích gì?

- Đạo Phật là đạo trí tuệ, vì ai biết dùng Tri Kiến là giải thoát ngay, khỏi cần tu.

- Đạo Phật là đạo như thật, ai hiểu đạo là chứng đạo.

- Đạo Phật là đạo sống một mình, không chơi với ai cả.

- Đạo Phật là đạo vô sự, có đâu đi trồng cây trái, đào mương đào rãnh, làm rào làm giậu! “


Chỉ cần hiểu đúng sự giải thoát của đạo Phật, buông xuống hết chuyện ngoài đời, vào tu viện sống tự nhiên như 1 người bình thường, không ôm pháp nào tu tập cả, suốt ngày ngồi chơi, đi chơi, nằm chơi, đứng chơi.  Đến giờ khất thực thì đi xin cơm ăn, hôm nay cho ăn gì thì ăn cái đó, không ăn những thức ăn để sẵn trên kệ từ ngày hôm trước, lập hạnh khất thực như thời đức Phật. 


Sống tự nhiên bình thường, có niệm rác bẩn đến thì chúng ta quét ra, quét xong thì tiếp tục sống bình thường với tâm thanh thản an lạc vô sự. Ngày qua ngày như vậy là đủ rồi. 


6/ Ai cũng có sự giải thoát riêng của chính mình. Riêng tôi về sự giải thoát của đạo phật là như vậy. Tu viện Chơn Như chính là môi trường Niết Bàn tại thế gian, là một mô hình cần nhân rộng ra khắp thế giới để mọi người tìm thấy sự giải thoát ngay trong hiện tại. 


Kính chúc quý vị sống với sự giải thoát của chính mình.