Monday 10 November 2014

PHÂN BIỆT TỐT XẤU

Nếu như chúng ta từ nhỏ không được dạy như thế nào là tốt xấu thì khi ra đời chúng ta rất dễ bị nhiễm những tính xấu của đời rất nhanh, bởi vì những dục lạc thế gian như ăn uống, sắc dục, danh, lợi có sức hút cám dỗ rất mạnh, khiến cho tâm trí con người điên đảo trở nên mù quáng, không còn phân biệt tốt xấu nữa, lúc đó chúng ta trở thành nô lệ cho chúng, tìm đủ mọi cách để có được những thứ mình đang muốn, bất chấp tất cả, hại mình, hại người, mất hết nhân tính, trở nên ích kỷ, hẹp hòi, coi thường mạng sống của mình và người khác,...

Ông bà, cha mẹ hoặc người lớn thường dạy "không hại người là tốt, hại người là xấu". Đó là một câu nói chung chung, chưa thể lột tả hết và chưa đi sâu vào chi tiết. Do vậy, khi ra đời, gặp người gặp việc, đối diện với thực tế trong đời sống, chúng ta cần nhạy bén nhận ra đâu là tốt, đâu là xấu ngay.

Vậy tốt, xấu nằm ở đâu ? Tốt xấu được đức Phật chia ra làm 5 giới, 10 điều lành và 10 điều ác:


Mười điều lành và mười điều ác này thường thể hiện ở 3 nơi: thân ( tay, chân), khẩu (miệng), ý.

Ngũ giới và Mười điều lành có nhiều điểm chung gộp lại thành 11 điều gồm:

(1)   Thân có ba việc làm lành:
-          Không sát sanh, không dùng gậy, gộc, cây, dao, búa, súng hay bất kỳ vật nào làm hại người và vật.
-          Không trộm cắp, không lấy của không cho.
-          Không tà dâm

(2)     Khẩu có năm việc làm lành:
-          Không nói dối
-          Không nói thêu dệt
-          Không nói lật lọng (nói lưỡi đôi chiều)
-          Không nói lời hung ác

-          Không nên uống rượu bia, hút thuốc lá, uống coffee, chơi ma túy,...

(3)     Ý có ba việc làm lành:
-          Không tham lam
-          Không sân hận
-          Không si mê

Ngược lại với 11 điều lành là 11 điều ác: 1- Sát sanh, ăn thịt người và vật, dùng gậy, cây, dao, búa hay bất kỳ vật nào làm hại người và vật; 2: Tham lam trộm cắp, lấy của không cho; 3: Tà dâm, hãm hiếp người khác, phá hoại trinh tiết người khác, phá hoại hạnh phúc gia đình người khác, tự thủ dâm; 4: Nói dối, lường gạt người; 5: Nói thêu dệt thêm bới; chuyện không nói có chuyện có nói không; 6: Nói lật lọng; nói 2 chiều trắng thành đen, đen thành trắng; trước mặt nói như thế này, sau lưng nói thế khác, gây chia rẽ, ly gián; 7: Nói những lời hung ác, dữ tợn, hung dữ, lớn tiếng, chửi thề, xưng hô phách lối, nói oan ức cho người khác,...; 8: uống rượu bia, hút thuốc lá, ma túy, uống các chất kích thích như coffee,...; 9; tham lam; 10: sân giận; 11: Si mê, mê mờ không hiểu rõ đâu là tốt xấu,...

Để hiểu rõ thêm về 10 điều lành, chúng ta nên đọc quyển sách "Sống mười điều lành" tại đây.

Ngoài hiểu rõ mười điều lành trên, chúng ta cũng nghiên cứu thêm "Những lời nên và không nên nói" tại đây.

Tóm tắt ngắn gọn lại của việc sống tốt là sống thiện, sống thiện được định nghĩa là sống không làm khổ mình, khổ người và khổ các loài vật khác. Ngược lại, sống xấu là sống ác, nghĩa là sống mang đau khổ đến cho mình, cho người và cho các loài vật khác. 

Chỉ cần trước khi làm hay nói điều gì, chúng ta tư duy suy nghĩ xem lời nói và việc làm đó có đem đau khổ đến cho mình, cho người và cho các loài vạn vật khác hay không. Nếu không thì chúng ta mới nói và làm,  còn nếu có làm khổ ai thì dứt khoát không nói và làm.

Trong 11 điều thiện trên, mỗi một điều là một đức hạnh của con người. Ví dụ: không sát sanh nói về đức hiếu sinh, không tham lam trộm cắp nói về đức buông xả, không tà dâm nói về đức gia đình chung thủy, không nói dối nói về đức thành thật, không uống rượu bia nói về đức minh mẫn,...

Người sống thiện là những người tốt, người sống ác là những người xấu. Tiêu chuẩn tốt xấu đã được phân tích rõ ràng. Ngoài ra mỗi một hành động tốt đều mang theo những đức hạnh tốt như đã nói ở trên và còn vô số những đức hạnh cần biết như đức tha thứ, đức khiêm tốn, đức bố thí, đức chia sẻ, đức cung kính và tôn trọng, đức trân trọng, đức nhìn lỗi mình, đức giác ngộ, đức không ích kỷ, đức vệ sinh, đức cẩn thận an toàn giao thông, đức tĩnh giác, đức nhường nhịn, đức quan tâm, đức trách nhiệm, đức nghề nghiệp, ...

Tóm lại, tốt xấu đều có tiêu chuẩn rõ ràng, không thể hiểu chung chung hoặc sơ sài được. Có hiểu rõ thì chúng ta mới không phạm phải những tính xấu, có hiểu rõ thì chúng ta mới rèn luyện mình thành người tốt, có hiểu rõ thì mới phân biệt được tốt xấu trong cuộc sống, phân biệt được người tốt và người xấu. Cha mẹ và người lớn cần dạy rõ cho trẻ em những tiêu chuẩn phân biệt tốt xấu để giúp đường đời của các em sau này không phải vấp ngã vào đường xấu.

Saturday 18 October 2014

ĐỨC TRÂN TRỌNG HIẾU SINH


"Người tu học đạo đức hiếu sinh bao giờ cũng trân trọng quý kính tất cả mọi người, dù người hung ác hay người thiện. Người hung ác sẽ cho chúng ta một bài học hung ác, người hiền lương sẽ cho ta một bài học đạo đức hiếu sinh. 

- Bài học hung ác cũng như bài học đạo đức hiếu sinh đều giúp chúng ta trên con đường tu tập đến chỗ giải thoát hoàn toàn. 

- Bài học hung ác giúp chúng ta sống không làm theo, và ngăn chặn diệt trừ các ác pháp đó không cho xâm chiếm vào tâm; còn bài học đạo đức hiếu sinh thì chúng ta làm theo và thực hiện sống trong cuộc sống hằng ngày như hình với bóng.

Cho nên, dù ác pháp hay thiện pháp, người tu học đạo đức hiếu sinh đều trân trọng quý kính, nhưng sáng suốt biết cần theo pháp nào hay không theo mà còn ngăn và diệt. Nhờ thế đối với người ác chúng ta không giận hờn, mặc dù họ chửi mắng, nói xấu, nặng lời, mạt sát, mạ lị, vu oan chúng ta, nhưng chúng ta vẫn thấy thương họ và thương họ nhiều hơn, vì họ là những người ân nhân giúp chúng ta vượt ra khỏi những ác pháp và cũng không bị sai phạm theo những pháp ác đó..."


(Giáo án rèn nhân cách - Đức Hiếu Sinh - T2 Tr 303)

Thursday 14 August 2014

TÊN TRỘM TRONG ĐỀN


"Chỉ trích một người đã làm cho ta không hài lòng không khó, nhưng vượt lên trên sự phán xét ấy để cư xử rộng lượng, vị tha mới là điều đáng tự hào"


Trong túi ông nội tôi lúc nào cũng có vài đồng tiền xu. Đó vốn là thói quen của ông. Một lần lúc còn bé, tôi theo ông vào đền cầu nguyện. Khi ông quỳ xuống cúi lạy, mấy đồng tiền trong túi áo rơi xuống nhẹ nhàng trên tấm chiếu. Có lẽ vì chúng chẳng gây ra tiếng động nào. hay vì quá tập trung nên ông nội tôi không hề hay biết. Tuy nhiên, người đàn ông quỳ gần đấy thì lại khác. Ông này nhanh như chớp đưa tay lấy vội mấy đồng tiền xu rớt trên tấm chiếu rồi lẫn vào đám đông đằng xa, trước khi tôi kịp phản ứng.

Chờ cho ông cầu nguyện xong, tôi vội kể lại toàn bộ sự việc và hăng hái bảo sẽ chỉ mặt người ấy cho ông. Tuy nhiên, trái với vẻ hùng hổ của tôi, ông chỉ từ tốn nói:

"Nếu người đàn ông ấp phải ăn trộm ở nơi thờ cúng tôn nghiêm này thì chắc hẳn ông ấy phải túng thiếu cùng cực lắm. Ta không nên vội."

Dạo ấy, gia đình tôi có một cửa hàng rau quả nên ông tôi nảy ra một ý định. Ông bảo tôi:

"Mỗi tháng, chúng ta sẽ gói một ít thức ăn, rau quả và cháu sẽ gửi cho ông ấy nhé! Đó sẽ là món quà bí mật mà chúng ta dành cho ông ấy"

Wednesday 6 August 2014

ĐỨC KHIÊM HẠ




Đức khiêm hạ là một đức hạnh diết ngã xả tâm, luôn hạ mình xuống để không làm khổ mình, khổ người. Ở đâu có đức khiêm hạ ở đó có đức cung kính và tôn trọng, ở đâu có đức cung kính và tôn trọng ở đó có lòng yêu thương. Người biết sống với đức khiêm hạ là người luôn trao ra lòng yêu thương đến mọi người, mong muốn mọi người vui vẻ và hạnh phúc, đồng thời tâm mình luôn thanh thản an lạc và vô sự.



Đức khiêm hạ thường thể hiện qua từng hành động, lời nói và suy nghĩ không khoe khoang hay nói:



  1. Những gì mình biết, mình giỏi (nấu ăn giỏi, chuyên môn, …)
  2. Những gì mình có (của cải, sự giàu sang từ cái nhà, chiếc xe, quần áo model nhất, thức ăn ngon, vật dụng điện tử mới nhất, cho tới những vật dụng nhỏ nhất trong nhà)
  3. Những gì mình đã đạt được, đã làm được (đã học xong bằng tiến sĩ, vừa mới ráp được một hệ thống chống trộm,…)
  4. Những gì mình hiểu (lời dạy của Phật, của Chúa, của vị nào đó, của ai đó,…)
  5. Về những bằng cấp, chứng chỉ, bằng khen, huy chương,…
  6. Về những việc làm tốt, việc làm từ thiện, những việc giúp người, giúp thú vật, giúp thành phố bằng cách bỏ thời gian, công sức, trí tuệ, tiền của, vật chất hay những lời khuyên,…
  7. Về những quan hệ của mình với những người có danh, có thế lực, nổi tiếng, giàu sang hay có đức trọng,…
  8. Về cái đẹp, cái thông minh, sự giàu sang, sự hiểu biết hay học thức, cái tài, gia đình, dòng họ, dân tộc, đất nước của mình.
  9. Không thổi phồng hoặc tự đánh giá cao về mình.


Ngoài ra những người khiêm hạ còn
  1. Không tham gia vào những trò thi đấu hơn thua, tranh tài.
  2. Không tham gia vào những nơi đông đúc, ồn náo mà chỉ thích sống một mình, trầm lặng tư duy về cuộc sống thiện ác để tránh xa điều ác, tăng trưởng điều thiện.
  3. Tránh xa những người giàu có, có thế lực, có uy quyền, …
  4. Làm việc gì cũng không cần ai khen, chỉ biết làm tốt, làm cho xong việc và rất cẩn thận.
  5. Biết sống nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng. Luôn làm theo ý kiến, yêu cầu, quyết định, đề nghị của người khác để người vui, mình vui. Không bao giờ làm theo ý mình, cho ý mình là hay là đúng nhất,…
  6. Người khiêm hạ biết sống nhẫn nhục với mọi lời nói xấu, ác, độc của mọi người, không buồn giận mà ngược lại trao ra lòng yêu thương đối với những người không thích mình.
  7. Luôn thấy mọi quyết định của người khác là đúng. Không tranh cãi đúng sai. Vui vẻ với quyết định của mọi người.
  8. Luôn thưa hỏi người khác trước khi làm việc gì mà không tự ý làm theo ý của mình.
  9. Ai nói gì, khen hay chê, nói tốt hay xấu, nói về người khác thì người khiêm hạ đều im lặng không bình luận đúng sai, phải trái.
  10. Không nhiều chuyện phân tích chuyện của người, chuyện đời, chuyện kinh tế, chính trị của xã hội,…
  11. Không tự nói lên ý kiến của mình mà chỉ trả lời những gì người khác hỏi.
  12. Ăn mặc giản dị, gọn gàng sạch sẽ.
  13. Sống đơn giản, không cầu kỳ, khoe trương ta cũng có thứ này thứ nọ như mọi người, không chạy theo vật chất thế gian, không chạy theo cách sống của người khác. Họ sống rất thiểu dục tri túc, không ăn xài phung phí, biết suy nghĩ tính toán, tư duy kỹ trước khi làm điều gì.
  14. Biết lắng nghe người khác, không chú trọng “cái tôi”, mà biết quan tâm đến vấn đề của người khác.
  15. Luôn không ngừng học hỏi những cái hay của mọi người xung quanh, chứ không bó chặt, cố chấp, bảo thủ vào những gì mình biết.
  16. Luôn nhìn thấy lỗi mình, không nhìn lỗi người.
  17. Luôn sống cung kính và tôn trọng mọi người dù là một em bé, người nhỏ tuổi, người nghèo hèn, người hầu, người không quen biết, phụ nữ, người tàn tật, người tội phạm, người bị xã hội ruồng bỏ, người đến sau, người mới,....
  18. Luôn nhường nhịn, nhún nhường người khác như nhường cho người khác làm trước, nói trước, đứng trước, nằm trước, ăn trước, nghỉ trước, ngồi trước, đi trước, nói chung là nhường quyền ưu tiên cho người khác kể cả nhường giải thưởng, vị trí cao nhất, chức vụ cao, quyền hành, bổng lộc cho người. Nhường nhịn những gì ngon nhất, đẹp nhất, hay nhất, tốt nhất, tiện nhất, phù hợp nhất,… cho người.
  19. Luôn mong mọi người chỉ lỗi cho, chỉ chỗ sai, chỉ cái xấu của mình để sửa đổi thành tốt hơn.
  20. Luôn tự đánh giá về những gì mình làm là chưa hoàn hảo, chưa toàn diện, chưa đủ, chưa chất lượng, chưa tốt. Do vậy mà luôn muốn lắng nghe mọi người góp ý kiến sửa đổi để tốt hơn.
  21. Khi thưa hỏi thì dùng danh từ lịch sự như “Kính thưa, dạ, thưa,…” , xưng hô, chú, bác, anh, chị, em,... hoặc gọi tên.
  22. Không so sánh mình với bất kỳ ai, hơn thua kém hoặc bằng người.
  23. Người khiêm hạ sống để phục vụ người, mang lợi ích đến cho người chứ không phải mong rằng sống để người khác phục vụ mình.
  24. Người khiêm hạ khi làm việc tốt không cần ai biết, không mong người khác trả ơn và không mong có phước báu gì cả.
  25. Người khiêm hạ luôn sống ly dục ly ác pháp, vì nếu không biết sống ly dục thì sẽ bị ác pháp chi phối, ác pháp chi phối thì tâm tham sân si mạn nghi đều đầy đủ và lộ ra ngoài.
  26. Họ luôn thấy mọi người là người tốt, người thiện, người lành.
  27. Họ không tự nhiên làm bất kỳ việc gì, ai sai bảo việc gì thì làm, còn không có việc gì thì ngồi chơi thanh thản, an lạc và vô sự.
  28. Khiêm hạ thừa nhận sự thiếu khiêm hạ của mình.
Tóm lại khiêm hạ là một đức hạnh diệt ngã xả tâm, giúp cho tâm hồn thanh thản an lạc và vô sự, người khiêm hạ
    • Không khoe khoang,
    • Không đề cao bản thân,
    • Không cần tạo ấn tượng với ai,
    • Không tỏ ra mình hơn người khác,
    • Không cần lôi kéo sự chú ý của ai về mình,
    • Không bao giờ tự mãn về những điều mình có, mình đạt được hay mình biết, mà luôn mở lòng học hỏi, trau dồi từng lời nói, hành động, suy nghĩ và từng cử chỉ nhỏ nhặt.
    • Luôn sống cung kính và tôn trọng mọi người.
    • Luôn biết nhún nhường chứ không tranh dành.
    • Luôn nhìn thấy lỗi mình, không nhìn lỗi người.

Tóm lại, đức khiêm hạ dễ đưa mọi người đến gần nhau, làm lan tỏa mối thân thiện giữa môi trường làm việc cũng như trong quan hệ bằng hữu, tình yêu, giao tiếp, ngoại giao,…. Trong môi trường xả hội ngày nay, ở đâu có đức khiêm hạ ở đó sẽ có lòng yêu thương, sự hòa hợp và đoàn kết. Người càng giỏi ở vị trí cao như quản lý, quản trị, lãnh đạo sống với đức khiêm hạ thì càng được mọi người cung kính và tôn trọng.

Friday 1 August 2014

CHỚ CÓ TIN

Trong trang blog này có nhiều bài không ghi rõ nguồn gốc, đó là những bài do tự tác giả blog viết ra theo cái hiểu của mình. Vì tác giả blog là người đang nghiên cứu học Phật, nên chắc chắn không tránh khỏi sai lầm. Kính mong quý đạo hữu góp ý xây dựng thêm.

Chỉ cần quý đọc giả khi nghiên cứu kinh tạng, kinh điển, sách kinh,... hãy nhớ lời Phật dạy:

“Này các Kàlàmà!

1- Chớ có tin vì nghe truyền thuyết,
2- Chớ có tin vì nghe truyền thống,
3- Chớ có tin vì nghe người ta đồn,
4- Chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng,
5- Chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình,
6- Chớ có tin vì đúng theo một lập trường,
7- Chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dự kiện,
8- Chớ có tin vì phù hợp với định kiến của mình,
9- Chớ có tin vì nơi phát xuất có uy quyền,
10- Chớ có tin vì bậc Sa Môn là Ðạo Sư của mình, v.v…

Nhưng này các Kàlàmà! Khi nào, tự mình biết rõ như sau: Các pháp này bất thiện, các pháp này là có tội lỗi, các pháp này bị người có trí hiểu biết chỉ trích, các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau. Thời này, Kàlàmà hãy từ bỏ chúng, không nên tin theo”.


Những lời dạy trên đây của đức Phật, là những lời nhắc nhở và cảnh cáo đệ tử của mình, đừng quá vội tin mà bị lừa đảo những pháp môn ngoại đạo giả mạo của Phật giáo.

Rút ra từ những lời dạy này, khi bước chân vào tôn giáo nào thì chúng ta cần phải dè dặt cẩn thận nhiều hơn, không nên tin mù quáng mà phải chọn đúng chánh pháp dạy đạo đức làm Người, làm Thánh. Vì chính đạo đức làm Người, làm Thánh là sẽ không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả những loài chúng sanh.

(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích ĐVXP.1, TG.2011, tr.51-52)

Wednesday 23 July 2014

LÒNG YÊU THƯƠNG CHÂN THẬT

Dưới đây là những lời nhắn nhủ quan trọng của thầy Thích Thông Lạc rút ra từ "Giáo án rèn nhân cách Đức Hiếu Sinh"
  1. Đức hiếu sinh là lòng yêu thương tất cả sự sống của muôn loài trên hành tinh này (đó là lòng yêu thương nhiều hướng ) thì chỉ có xuất gia, sống đời sống 3 y một bát, cắt ái ly gia, lìa xa ái dục thì mới thực hiện được lòng yêu thương rộng lớn đó.
  2. Hằng ngày phải sống với lòng yêu thương chân thật mà mình đã học được trong những bài học đạo đức có nhiều ấn tượng, có nhiều cảm xúc.
  3. Khi chúng ta tư duy suy nghĩ một việc thiện đem lại sự an vui cho mình, cho người, đó là lòng yêu thương thuộc về ý hành. Một người có ý thức tư duy các điều thiện là người có đạo đức hiếu sinh. Ai muốn tu tập lòng thương yêu rộng lớn thì nên tư duy suy nghĩ những điều lành tránh xa và từ bỏ tư duy suy nghĩ những điều ác. Càng tư duy suy nghĩ những điều lành là càng làm cho lòng yêu thương rộng lớn bao la như trời, như biển, như không gian vũ trụ. Người có lòng thương yêu rộng lớn như vậy là người đã làm chủ sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi sinh tử; người ấy đã thoát ra khỏi vòng quy luật nhân quả của vũ trụ.  
  4.  Về đạo đức thương yêu ý hành, trước khi muốn làm một điều gì và muốn nói một điều gì thì phải tư duy suy nghĩ cho chín chắn rồi mới nói hoặc hành động, còn khi thấy mình có tâm sân hận thì không nên nói hay làm một hành động nào cả mà hãy cố giữ tâm mình im lặng như Thánh. Chỉ có im lặng như Thánh thì chúng ta mới chuyển hóa được nhân quả từ vô lượng kiếp.
  5. Đạo đức hiếu sinh đối trị tâm sân rất tuyệt vời, chỉ những người có quyết chí xa lìa các pháp làm khổ mình khổ người thì nổ lực kiên cường khắc phục, nhẫn nhịn, im lặng như thánh không để ác lẫy lừng thì diệt tâm sân không phải khó khăn. Diệt trừ tâm sân thì ngay trên tâm sân khởi lòng thương yêu ý hành thì tâm sân sẽ bị diệt ngay liền tức khắc. 
  6. Trong cuộc sống này nếu ai cũng biết thương yêu và tha thứ những lỗi lầm của kẻ khác thì thế gian này là Thiên đàng, Cực lạc, con người sống hạnh phúc biết bao. 
  7. Người sống biết nhẫn nhịn là người có một lòng thương yêu chúng sinh rộng lớn như đất trời. Nhờ lòng yêu thương ấy nên  khi bị người khác mạ lị, mạt sát thậm tệ bằng những lời lẽ thô ác, hoặc khi bị nói oan ức,... họ vẫn làm thinh một cách kiên cường, anh dũng. Dũng cảm im lặng như thánh, họ không minh oan một lời nào cả, đó là sự tuyệt vời của đức hạnh hiếu sinh nhẫn nhục mà không thể có một đức hạnh nào hơn được. Không những nhẫn nhục im lặng mà người đó còn trao ra lòng yêu thương của mình đối với người ghét mình. Tình thương yêu đó thật tuyệt vời và cao thượng không thể nghĩ lường được. Đó chính là lòng yêu thương chân thật.
  8. Bất cứ chúng ta làm một điều gì giúp người khác không tính hơn thiệt đều xuất phát từ lòng yêu thương chân thật. Ví dụ như giúp người không cần đền đáp, không cần ai trả ơn, không nhận sự trả ơn, không cần ai biết, không cần ai khen, không mong phước báu gì cả.
  9. Giá trị chân thật của một con người chính là lòng yêu thương, ai đánh mất lòng yêu thương là đã đánh mất giá trị của chính mình. Khi đứng trước mọi tình trạng, mọi cảnh huống như thế nào vẫn không đánh mất lòng thương yêu của mình (đức hiếu sinh) đối với sự sống trên hành tinh, người đó là người có lòng yêu thương chân thật. Người có lòng yêu thương dù đứng trước hoàn cảnh nào thà chịu chết chớ không giết hại và ăn thịt chúng sinh; người có lòng yêu thương sự sống dù đứng trước hoàn cảnh nào thà chịu nghèo đói, chứ không bao giờ lấy của không cho; người có lòng yêu thương sự sống, dù đứng trước hoàn cảnh nào thà chịu khổ chia sẻ ngọt bùi có nhau, chớ không bẻ gánh sang ngang; người có lòng yêu thương sự sống dù đứng trước hoàn cảnh nào thà chịu chết chứ không nói dối lường gạt người khác; người có lòng yêu thương sự sống trước hoàn cảnh nào thà chịu bị đánh đập, chửi mắng ,ngu si có khi bị giết cũng không bao giờ uống rượu và ăn thịt chúng sinh. Cho nên đạo đức hiếu sinh là một đạo đức tuyệt vời làm cho giá trị con người mãi mãi trường tồn.  
  10. Tình thương một hướng là tình thương ích kỷ, nhỏ mọn, hẹp hòi, nó thuộc về tình thương trong thất tình lục dục. Người sống với tình thương một hướng sẽ làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai. Lòng yêu thương đặt nhiều hướng là lòng yêu thương thuộc về ĐỨC HIẾU SINH TỨ VÔ LƯỢNG TÂM, nó là một thứ tình thương yêu rộng lớn như trời cao, như biển rộng. Bởi làm người chúng ta cần phải tu học và rèn luyện nhân cách ĐỨC HIẾU SINH TỨ VÔ LƯỢNG TÂM NÀY để luôn luôn lúc nào cũng sống với đức HIẾU SINH. Nhờ có sống với ĐỨC HIẾU SINH rộng lớn như vậy mới đem lại sự an vui cho mình, cho người và cho tất cả sự sống trên hành tinh này.
  11. Đức yêu thương và đức thành thật rất quan trọng đối với giá trị của con người. Người có yêu thương mình và người khác thì không bao giờ nói dối. Người nào sống biết thương yêu mọi sự sống trên hành tinh này là người ở gần bên Phật, người nào đánh mất lòng yêu thương là người sống xa Phật. Đó là điều đúng như vậy, vì Phật là lòng thương yêu rộng lớn vô bờ bến, cho nên người nào có lòng yêu thương thì sẽ tương ưng với lòng yêu thương của Phật tức là sống bên Phật. 
  12.  Chỉ có lòng yêu thương mà con người trở thành một người toàn thiện, một người không còn bị ác pháp chi phối, tâm luôn luôn bất động thật là tuyệt vời. Chỉ có lòng yêu thương mà con người trở thành một người chứng quả giải thoát vô lậu. Bởi vậy ông Phú Lâu Na và em ông Cấp Cô Độc chỉ có thành tựu lòng yêu thương mà chứng quả A La Hán như trong kinh sách nguyên thủy thường nhắc đến. Đó là những gương hạnh tu tập TỨ VÔ LƯỢNG TÂM tức là tu hạnh HIẾU SINH. 
  13. Ở đâu có nghi ngờ, ở đó mất đoàn kết; ở đâu có nghi ngờ, ở đó nội lực bị suy yếu; ở đâu có nghi ngờ, ở đó có khổ đau; ở đâu có nghi ngờ, ở đó không có lòng yêu thương. Cho nên lòng nghi ngờ là một ác pháp cực ác, nó đánh mất tất cả đạo đức của con người nhất là đức hiếu sinh. Một khi người ta sinh nghi ngờ người khác thì lòng thương yêu sẽ bị đánh mất, lòng yêu thương đánh mất thì chỉ còn tâm ghét cay, ghét đắng v.v...Chỉ còn lòng căm ghét là nỗi khổ đau tùy miên trong lòng người nghi ngờ. Cho nên người tu hành theo Phật giáo là phải biết triệt hạ tâm nghi, nếu tâm nghi còn là còn khổ đau. 
  14. Bất cứ ai trong cuộc đời này làm những điều mờ ám như: gian tham, trộm cắp, cướp giựt, giết người hay làm bất cứ một việc ác hại nào khác chúng ta cũng đừng nghi ngờ. Họ làm ác không thể nào trốn tránh khỏi quả đau khổ; không thể nào tránh luật pháp Nhà nước được, còn riêng chúng ta phải giữ tâm mình không nghi ngờ ai hết. Nếu tâm vừa khởi nghi là dẹp xuống liền, đừng để ôm ấp trong lòng. Dẹp xuống liền bằng cách nào? Dẹp xuống liền bằng cách tư duy suy nghĩ: đức Phật dạy có năm điều ác trong tâm của mọi người, đó là: tham, sân, si, mạn, nghi. Năm tâm ác này chỉ có lòng yêu thương là diệt sạch ngay liền. Cho nên khi thấy ai đang ở trong ác pháp thì chúng ta khởi lòng yêu thương họ, khi yêu thương họ thì tâm tham, sân, si, mạn, nghi trong lòng chúng ta liền xả sạch. Lòng yêu thương là đệ nhất pháp xả tâm, nếu ai sống với lòng thương yêu tròn đầy thì người ấy là bậc A La Hán.  
  15. Muốn bỏ qua những bực dọc ngã mạn, những tức giận thù oán, những điều nghi ngờ, những lòng tham lam không đáy, những mê mờ không sáng suốt thì chỉ có lòng yêu thương thì mới xóa bỏ những trạng thái tâm ác ở trên. Bất cứ trên đời này có những sự khổ đau như thế nào, có những ác pháp như thế nào, muốn thoát ra mọi sự khổ đau ấy và các ác pháp thì chỉ có lòng yêu thương rộng lớn mới cứu chúng ta thoát khỏi; mới đem chúng ta đến với tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Vì vậy ở đâu có tình thương yêu thì ở đó có sự bình an, yên vui và hạnh phúc. 
  16. Danh dự lớn nhất là lòng yêu thương, người có lòng thương yêu biết tha thứ mỗi lỗi lầm của người khác, đem lại sự an vui cho mình, cho người là danh dự lớn nhất trên thế gian này. Người giết con mà có danh dự gì, chỉ che giấu được người khác, chứ làm sao che giấu được tâm mình. Chuyện trai gái, chồng vợ là chuyện rất tầm thường, nhưng con người hơn các loài động vật là lòng chung thủy, biết thương nhau có trách nhiệm chồng vợ và con cái, khi đã hòa hợp cuộc sống với nhau, chứ không phải vì chữ trinh giá đáng nghìn vàng mà làm nên tội giết người, nhất là người mẹ lại giết con của mình thì tội còn nặng nhất trong lịch sử loài người. Khi ai đã lỡ lầm không làm chủ được tâm mình thì hãy tự thương mình, thương con của mình, đó là danh dự lớn nhất đời của đời người. Nếu ai biết thương mình và con mình thì đạp trên dư luận khen chê tốt xấu mà đi. Trên đời này không có điều gì xấu cả mà chỉ có ác và thiện; ác là đau khổ; thiện là hạnh phúc an vui. Nếu ai nạo bỏ thai nhi là người đó tạo tội lỗi giết người. 
  17. "Nếu sự sống có giá trị thật, thì chỉ có lòng thương yêu mới bảo vệ giá trị sự sống ấy được". Vì sự sống không có lòng yêu thương, nên giá trị sự sống bị chà đạp, bị đánh mất. Trên đời ai cũng có sự sống và muốn sống, nhưng lại xem thường giá trị sự sống, nên vì sự sống mà chà đạp lên sự sống, đành phải đánh mất lòng yêu thương.  Nếu ai chạm đến sự sống của muôn loài là người vô đạo đức hiếu sinh không xứng đáng làm con người. Làm con người phải có lòng yêu thương rộng lớn mới được được gọi là con người. 
  18. Chỉ có lòng yêu thương thì con người mới dám hy sinh mình cho người khác, mới đem lại hạnh phúc an vui cho con người trên hành tinh này; chỉ có lòng yêu thương chân thật mới phá tan những hận thù oán ghét; chỉ có lòng yêu thương chân thật mới không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sinh; chỉ có lòng yêu thương chân thật thì con người mới gần nhau mà không làm khổ cho nhau; chỉ có lòng yêu thương chân thật con người mới đem lại lợi ích cho con người, cho gia đình, cho xã hội, cho đất nước, cho thế giới. 
  19. Luật nhân quả rất công bằng, muốn tạo ra sự sống cho mình mà làm hại sự sống của loài vật khác thì sự sống của mình sẽ không được bảo đảm, bằng chứng sự sống của loài người trên hành tinh này nay không chiến tranh chỗ này thì mai lại có chiến tranh chỗ khác, thiên tai lũ lụt, sóng thần, bão tố, động đất không nước này thì nước khác, cho nên sự sống của loài người đang bị đe dọa. Vậy mà con người có biết do đâu mà ra không? Do giết hại và ăn thịt chúng sinh. Hằng ngày số chúng sinh bị giết trên hành tinh này máu chảy thành sông, xương chất như núi. Ôi! Thật là kinh khủng. Ai cũng tham sống sợ chết như nhau thế mà nỡ nhẫn tâm lấy sự sống của loài vật làm sự sống cho mình, thật là con người sống như vậy mà sống được, sống phi đạo đức hiếu sinh, sống phi nhân bản, sống như một loài cầm thú chỉ biết giết hại và ăn thịt nhau như loài hùm beo, lang sói, kên kên, quà quạ v.v... Mình muốn sống mà giết hại chúng sinh thì cái sống của mình có bảo đảm hay không? Cho nên mình muốn sống thì phải thương sự sống của người khác, loài vật khác thì sự sống của mình mới bảo đảm. Đó mới chính là lòng yêu thương chân thật.
  20. Làm người lòng yêu thương phải rộng lớn vô bờ bến thì mới xứng đáng làm người. Làm người mà hẹp hòi ích kỷ không biết thương những loài vật khác nỡ tâm giết hại loài vật ăn thịt thì làm người như vậy có xứng đáng làm người chưa? Bởi căn bản con người sinh ra là người nào cũng có sẵn lòng yêu thương, nhưng lòng yêu thương ấy cần phải được rèn luyện trong nền đạo đức hiếu sinh nhân bản thì con người mới phát triển lòng yêu thương tối đa. Không có người nào là không có tình thương, nhưng tình thương ích kỷ nhỏ mọn chỉ biết thương mình. Chỉ biết thương mình thì lòng thương ấy không trọn vẹn; chỉ biết thương mình thì lòng thương ấy không bảo đảm sự sống của mình; chỉ biết thương mình thì lòng thương ấy là sợi chỉ mành treo chuông. Loài người hãy suy tư lại đi, những việc làm cướp mạng sống của loài vật khác có xứng đáng là lòng thương yêu của con người nữa không?
  21. Người giết hại ăn thịt chúng sinh mà muốn cho mình không bệnh tật đau khổ, không tai nạn hiểm nghèo thì không bao giờ có. Lấy máu của chúng sinh tức là giết hại chúng sinh, làm khổ chúng sinh mà muốn cho mình không tội lỗi thì điều ấy không bao giờ xảy ra. Lời dạy này còn một nghĩa nữa là giết hại chúng sinh cúng tế quỉ thần thì chẳng có thần thánh nào mà rửa tội cho mình được. Lời dạy này là lời cảnh giác để mọi người đừng bị tà sư ngoại đạo lừa đảo bằng cách giết chúng sinh cúng tế cầu an cầu siêu, cầu tài, cầu lợi, cầu quan, cầu thi đậu v.v...  Tóm lại lời dạy này là một đạo đức hiếu sinh khẩu hành rất tuyệt vời, vừa ngăn chặn sự giết hại chúng sinh, vừa khiến cho mọi người đem lại tình thương yêu chan hòa cùng nhau với mọi loài, mọi sự sống trên hành tinh này và nhất là con người tránh khỏi bị những tôn giáo thần quyền lừa đảo cúng tế thần thánh ban phước giải trừ tai ách một cách phi đạo đức hiếu sinh. 
  22. Trong luật nhân quả dạy ai làm lành thì hưởng được phước, ai làm ác thì phải gánh chịu hậu quả đau thương, chứ không có thần thánh nào ban phước rửa tội cho. Cho nên đức Phật khẳng định: "Xin các vị thiên thần tha tội là làm một việc vô ích". Lời dạy này quý vị nên ghi nhớ: Cầu khẩn cúng bái van xin thánh thần để ban phước cho quý vị là một việc làm vô ích. Một việc làm dối trá phi đạo đức. Làm ác, giết người cướp của, hiếp dâm, hằng ngày giết hại mạng chúng sinh để ăn thịt mà đến chùa, đình, điện, miếu để cầu cho được bình an, hạnh phúc yên vui thì không bao giờ có. Quý vị sống biết thương yêu sự sống của muôn loài, thường sống không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sinh thì cuộc sống của quý vị không cần cầu Thần, Thánh, Tiên, Phật, Ngọc Hoàng, Thượng Đế phò hộ mà vẫn bình an, yên ổn, hạnh phúc. Quý vị có tin không? Có tin nhân quả không? Nếu tin thì quý vị sẽ trở thành những nhà đạo đức nhân bản – nhân quả, những con người đầy lòng thương yêu rộng lớn bao la đối với muôn loài sống trên hành tinh này. Quý vị sẽ là những người hạnh phúc nhất trần gian. 
  23. Chúng ta là những người tu hành theo Phật giáo thì phải sống trong đức hạnh hiếu sinh thương mình, thương người nên lúc cũng phải cẩn thận tỉnh giác trong mọi tình huống. Người sống trong đức hiếu sinh thương mình, thương người thì không bao giờ thiếu đức hạnh cẩn trọng tỉnh giác thân hành. Vì thế người có đức hạnh cẩn trọng tỉnh giác là có đức hiếu sinh thương mình, thương người và thương tất cả chúng sinh. Trong cuộc đời này chỉ có đức hiếu sinh mới đem lại sự bình an cho hành tinh. 
  24. Lòng còn ganh tị hơn thua là còn bản ngã; lòng còn tức giận là còn bản ngã; lòng còn nói xấu, vu khống mạ lị mạt sát người khác là còn bản ngã; người nào còn bản ngã là người chưa có lòng yêu thương thật sự. Những người này còn phải học hỏi đạo đức hiếu sinh nhiều nữa, nếu cố chấp không chịu học đạo đức thì họ chỉ là một con thú vật hung dữ mà thôi. Người nào còn mang bản tính kiêu mạn là người còn đầy đủ tánh hung ác, là người chưa biết thương mình, thương người, thường làm khổ mình, khổ người. 
  25. Một ý nghĩ thương yêu người, vật đến cỏ cây, đất đá núi sông, hồ ao v.v... đều là đức hiếu sinh thể hiện qua ý hành; một lời nói ái ngữ khuyên bảo, an ủi ai đó làm điều lành cũng là đức hiếu sinh khẩu hành; một hành động ra tay cứu vớt người, vật dù là giúp một côn trùng thoát chết khỏi một đoàn kiến hoặc vớt một con kiến khỏi vũng nước, đó đều là đức hiếu sinh thân hành. Nếu hằng ngày chúng ta đều có những hành động thân, miệng, ý thương yêu và tha thứ mỗi lỗi lầm, biết tránh không làm tổn hại sinh mạng sống chúng sinh, không làm đau khổ cho người khác loài vật khác. Đó là đạo đức hiếu sinh thân hành ý hành và khẩu hành. Muốn thoát khỏi sanh tử luân hồi thì chỉ có lòng yêu thương là pháp độc nhất giúp chúng ta ra khỏi sông mê bể khổ của cuộc đời này.
  26. Muốn có được tâm bình tĩnh sáng suốt, thì hằng ngày phải tập sống tỉnh thức thân hành, khẩu hành và ý hành với lòng yêu thương bao la rộng lớn đối với tất cả chúng sinh, lúc nào chúng ta cũng đem lòng yêu thương chúng, tránh không làm tổn thương và khổ đau chúng.
  27. Tĩnh giác chánh niệm là đức hạnh điềm đạm giúp cho chúng ta không giận dữ, bình tĩnh trước các ác pháp, giúp cho chúng ta được bình an trong cuộc sống. Chúng ta hãy rèn luyện đức điềm đạm hiếu sinh ý hành tức là ngồi yên lặng một lúc rồi mới tư duy, tập như vậy lâu thành một thói quen rất tốt. Muốn tập yên lặng được như vậy thì nương vào hơi thở tác ý tâm thanh thản, an lạc và vô sự rồi mới suy tư 1 ý niệm gì hay muốn nói 1 điều gì hoặc làm 1 việc gì.
  28. Ngoài tình yêu thương bản thân và gia đình không bao giờ có tình thương yêu rộng lớn đến với mọi người, mọi vật. Nhưng nếu không có tình thương yêu rộng lớn đến với muôn người, muôn lòai vật thì không bao giờ bảo vệ được tình thương yêu bản thân và gia đình.
  29. Mỗi lần tìm thấy được lỗi mình là mỗi lần huân tập thêm đạo đức. Mỗi lần thấy lỗi người là mỗi lần đánh mất đức hiếu sinh. Đánh mất đức hiếu sinh là làm khổ mình, khổ người và như vậy cuộc sống là địa ngục tràn đầy mọi sự khổ đau.
  30. Khi ban lòng yêu thương chân thật cho mọi người thì chúng ta phải có một hành động đi kèm theo, như người mẹ thương con thì hành động thương con bằng cách ôm hôn con, đó là ban tình thương cho con.
  31. Khen tặng một điều làm tốt của người khác cũng là ban tặng lòng yêu thương đến với họ. Tha thứ mọi lỗi lầm của người khác cũng là đạo đức hiếu sinh.
  32. Nếu không có lòng yêu thương thì không bao giờ có sự bình đẳng. Người ta kêu gọi sự tự do bình đẳng nhưng người ta không có lòng yêu thương thì sự tự do bình đẳng đó không bao giờ có. Cho nên tất cả những đức hạnh khác cũng từ đức hiếu sinh mà ra. Người có đức hiếu sinh bình đẳng thì đánh mất tính ngã mạn, tính tự cao, tự đại của mình. Cho nên càng học cao thì càng lộ đức khiêm hạ, lúc đó học giỏi học cao mới được mọi người quý trọng.
  33. Có đức khiêm hạ thì mới có đức cung kính và đức tôn trọng. Có đức cung kính và tôn trọng thì mới có lòng yêu thương chân thật.
  34. Lúc nào cũng nhớ mọi người thương mình và lúc nào mình cũng đang nhớ yêu thương mọi người, mọi loài chúng sinh. Có sống được như vậy mới thể hiện đức bình đẳng hiếu sinh. 
  35. Người sống không có giai cấp là người sống với lòng yêu thương chân thật.
  36. Chứng đạo của đạo Phật chỉ cần hiểu rốt ráo các pháp vô thường, khổ và vô ngã. Nhờ hiểu biết như vậy nên buông xả sạch. Khi ngộ các pháp là vô thường, khổ và vô ngã thì biết các pháp không có gì là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Người tu theo đạo Phật chỉ có tri kiến hiểu biết, tri kiến hiểu biết là giác ngộ các pháp vô thường, khổ và vô ngã.
  37. Dù là vua, quan, làm dân hay bất cứ một người nào trong xã hội đều phải sống với đức khiêm hạ. Có đức khiêm hạ thì mới có đức bình đẳng.
  38. Ông Phú Lâu Na có cái nhìn hiếu sinh kỳ lạ luôn luôn thấy mọi người đều thương ông, đều tốt, không có người nào ác xấu, vì thế ông chứng quả Alahan dễ dàng.
  39. Giai cấp sống là giai cấp bình đẳng từ loài vật cho đến loài người đều sống như nhau.
  40. Bởi sự sống trên hành tinh này là sự sống nương tựa vào nhau, cái này đau khổ thì cái kia đau khổ, cái này an vui thì cái kia an vui.
  41. Nếu người tu hành nào cũng lắng nghe những sự đau khổ, buồn phiền của những người xung quanh mình và tìm mọi cách an ủi, giúp đỡ và hướng dẫn họ biết phương pháp xả tâm để không còn buồn phiền nữa. Hành động giúp đỡ người như vậy là ban cho tình thương đến họ, tức là yêu thương người. Đức hiếu sinh cũng vậy thường khởi lên trong ý nghĩ, lời nói, trong hành động bằng cách ban cho mình, cho người, đó là áp dụng đức hiếu sinh vào đời sống hằng ngày.
  42. Dù trong lòng có sự lo lắng, những buồn phiền hay có những sự đau khổ, chúng ta cũng không nên thổ lộ cho người khác biết, vì biết rằng sẽ làm cho họ buồn phiền, lo lắng, đau khổ. Đó là chúng ta thiếu lòng yêu thương người, tức là làm khổ người.
  43. Chỉ có đức hiếu sinh mới có sự thương mình, thương người. Thương mà không nói là THƯƠNG mà chỉ nói những lời ÁI NGỮ, lời nói êm dịu, nhẹ nhàng, ôn tồn, thanh lịch, nhã nhặn,...
  44. Khi chúng ta đứng trước các pháp dù thiện hay ác, chúng ta hãy vui lòng, chấp nhận, thương yêu và tha thứ mọi lỗi lầm của kẻ khác. Chính nhờ sự chấp nhận, yêu thương và tha thứ mà chúng ta xả được tâm tham, sân, si, mạn, nghi.
  45. Đạo Phật dạy chúng ta CHO mà không ai bíết ơn mình, CHO mà không cần trả ơn, CHO mà không mong ước cầu được phước báu. Người biết cách CHO như vậy là người đầy đủ tình yêu thương nhiều hướng, vì lòng yêu thương chân thật tự trong thân tâm.
  46. Đứng trước các người ác, pháp ác, chúng ta hãy ban cho họ lòng tha thứ và thương yêu, hãy dang rộng vòng tay và chia sẻ, nâng đỡ và giúp họ vượt lên, lìa xa không làm những điều ác ở trên. Chúng ta làm được điều này đều do xuất phát từ lòng yêu thương rộng lớn. Nếu không có lòng yêu thương rộng lớn thì không thể dang rộng vòng tay, thì không thể chia sẻ, cảm thông và giúp đỡ họ được. Ngay khi chúng ta thương yêu thực sự thì đức buông xả có ngay liền. 
  47. Khi người đáng ghét nhất, người ác nhất gặp tai nạn, hay có sự cố, sự đau khổ, bệnh tật gì xảy đến cho họ thì chúng ta hãy mau mau sẵn sàng chia sẻ, an ủi và giúp đỡ với lòng yêu thương chân thật.
  48. Đừng sống ích kỷ, hẹp hòi cá nhân chỉ biết nghĩ đến mình, lo cho mình. Tâm lượng lòng yêu thương rộng lớn như trời biển dung chứa tất cả cái xấu cũng như cái tốt, cái dơ cũng như cái sạch, lòng yêu thương ấy vẫn xem như nhau. Thương mình mà cứ lo cho mình là không thương mình, là làm khổ mình. Thương người mà lo cho người, giúp đỡ người, đó mới chính là thương mình, đem sự an vui cho mình. 
  49. Phải sống có lòng tin rằng rất cả mọi người đều thương yêu chúng ta.
  50. Cuộc sống chúng ta là 1 cuộc sống liên kết chặc chẽ với nhau, người này nương tựa và người kia, vật kia và ngược lại. Vì chúng ta không biết sự sống có sự liên kết với nhau nên thường nghĩ "Trên đời này chỉ có mình là trên hết, xem mọi người mọi vật không ra gì, lúc nào cũng dữ tợn, la hét, chửi mắng, nói nặng, nói nhẹ, đánh đập người vật khác, còn đối với các lòai vật thì giết hại và ăn thịt, luôn chà đạp lên sự sống của người khác vật khác". Do không hiểu bíết sự sống có liên kết chặc chẽ với nhau, chúng ta mới làm khổ mình, khổ người và khổ muôn lòai vạn vật cho đến cỏ cây đất đá núi sông. Do vậy chỉ có đức hiếu sinh mới dung thông người này với người kia, người này với người nọ, lòai vật với cỏ cây, cỏ cây với lòai vật. Nhờ có sự hiểu biết như vậy mới đem lại sự bình an cho nhau. Chúng ta thương yêu người khác chính là chúng ta thương yêu chúng ta.
  51. Người nào muốn biết mình là ai thì hãy sống với lòng yêu thương rộng lớn như đất trời thì mới biết mình là ai, từ đâu đến, và như vậy họ mới sống cho mình. Còn không thì họ phải sống theo nghiệp báo nhân quả.
  52. Đức hiếu sinh bao gồm cả thiện pháp và ác pháp. Niềm vui là thiện pháp, nổi buồn là ác pháp, nhưng đối với người có đức hiếu sinh gặp vui thì chia sẻ với mọi người, gặp buồn thì chuyển đổi cho mình và mọi người cùng vui. Đức hiếu sinh đến đâu thì phải có trí tuệ sáng suốt đến đó, vì thế gặp ác pháp thì nó chuyển đổi thành thiện pháp. Đức Phật dạy: "Tri kiến ở đâu thì giới luật ở đó, giới luật ở đâu thì tri kiến ở đó". Lời dạy này có nghĩa là "Lòng yêu thương ở đâu thì tri kiến ở đó, tri kiến ở đâu thì lòng yêu thương ở đó" Có hiểu bíết thì mới có lòng yêu thương chân thật.
  53. Dù gian nan lao khổ, nhọc nhằn đến đâu cũng không nên lìa lòng yêu thương của quý tu sinh.
  54. Muốn tâm lúc nào cũng được thanh thản, an lạc và vô sự thì phải giữ gìn lòng yêu thương rộng lớn như đất trời, lúc nào cũng hiện hữu lòng yêu thương không để đánh mất. Dù trong cảnh thuận hay cảnh nghịch cũng không được đánh mất. Nói chung là tất cả thời gian nào, hoàn cảnh nào và các ác pháp nào cũng không được để tâm bất an, mà phải bảo vệ tâm thanh thản, an lạc và vô sự.
  55. Niệm Phật chính là niệm lòng yêu thương đến chúng sanh, đến cây cỏ, sông hồ, ao núi, thời tiết, khí hậu, môi trường, thiên nhiên và toàn thể những gì có trong vũ trụ này. Thật là hạnh phúc biết bao khi được niệm Phật bằng ý hành yêu thương, bằng khẩu hành yêu thương, bằng thân hành, bằng hành động yêu thương đối với muôn loài vạn vật có sự sống trên hành tinh này. Niệm Phật như vậy mới thực tế và có nhiều lợi ích.

Sunday 23 February 2014

KHÔNG LÀM KHỔ MÌNH, KHỔ NGƯỜI


CÂU HỎI CỦA DIỆU HIỀN: Kính bạch Thầy, Thầy dạy không làm khổ mình, khổ người, nhưng trong cuộc sống tương quan hằng ngày con thấy khó mà giữ cho tuyệt đối và trọn vẹn. Ví dụ:
1- Một bà mẹ vì thương con, thấy con làm sai, lầm lỗi, nên phải la rầy, đánh dạy. Đứa con bị la rầy, đánh dạy nên buồn phiền đau khổ.
2- Một cậu trai yêu một cô gái. Cô gái không yêu đáp lại. Cậu trai đau khổ, buồn phiền.
3- Anh B sai. Anh A dùng lời ngay thẳng để khuyên nhắc anh B. Anh B tự ái rồi giận khổ, buồn phiền.
Kính bạch Thầy, những chuyện này có nằm trong “khổ mình, khổ người” không? Con thấy hầu như tất cả mọi người ai cũng đều có cái khổ; khổ do họ làm hoặc người khác vô tình hay cố ý làm. Như vậy làm sao cho sự “không làm khổ mình, khổ người” được trọn vẹn?

TRƯỞNG LÃO TRẢ LỜI: Để trả lời câu hỏi này, tức là trả lời ba ví dụ con đã nêu.

1/ Để trả lời ví dụ thứ nhất:

Chỉ vì con người chưa học đạo đức làm người, nên thường làm khổ mình, khổ người. Trong cuộc sống chung của con người mà không có đạo đức, thì con người vô tình đã tự làm khổ đau cho nhau mà còn đổ thừa tại người khác, chứ không phải tại mình.

Một người mẹ vì thương con, thấy con làm sai, lầm lỗi, nên tức giận la rầy, đánh con, làm cho đứa con khổ đau. Đó là người mẹ không học đạo đức làm người, nên “đặt tình thương không đúng chỗ”.
Đặt tình thương không đúng chỗ, khiến cho mẹ con cách biệt nhau; con làm điều gì đều giấu mẹ, vì sợ mẹ la rầy, đánh, mắng. Đến khi đứa con nghiện ngập xì ke, ma túy hoặc bị tù tội thì việc đã rồi, còn mong gì cứu chữa được.

Cho nên, hầu hết một số thanh niên hư hỏng đều do cha mẹ đặt tình thương sai hướng mà đưa con mình vào cuộc đời đen tối. Đó là một trách nhiệm rất lớn của những bậc làm cha mẹ phải gánh chịu những hậu quả này.
Muốn đặt tình thương đúng chỗ, thì những bậc làm cha mẹ phải xem con mình là một người bạn, hơn là một đứa con.

Thương con mà rầy mắng, đánh con là một điều sai, là một việc thiếu đạo đức làm người:
1- Cái sai thứ nhất là tự mình tức giận, làm khổ mình mà không thấy.
2- Cái sai thứ hai là làm cho đứa con đau khổ (rầy mắng, đánh làm người khác khổ)

Khi biết đứa con làm sai, lầm lỗi, thì cha hay mẹ phải tìm thấy lỗi của mình trước:
1- Lỗi thứ nhất là cha mẹ không gần gũi con cái, mà cứ mải lo làm ăn, đầu tắt mặt tối, cứ nghĩ rằng có tiền là mua tiên cũng được.
2- Lỗi thứ hai là cha mẹ thiếu chăm sóc con cái từ cái ăn, cái mặc cho đến sự học tập, có nghĩa là cha mẹ chỉ thỉnh thoảng mua quà cho con và không thường xuyên xem xét sự học hành của con.
3- Lỗi thứ ba là cha mẹ thiếu ban tình thương âu yếm cho chúng: một lời nói, một cử chỉ, một cái nhìn.
4- Lỗi thứ tư là cha mẹ không dùng lời nói ôn tồn, nhã nhặn, nhẹ nhàng đối với con mình.
5- Lỗi thứ năm là cha mẹ không xem con cái là một người bạn thân, mà chỉ xem chúng là một đứa bé khờ dại trong khi chúng đã trưởng thành, có nhiều sự hiểu biết và có nhiều sự ham muốn đang phát triển.

Nếu các bậc làm cha mẹ đã thấy được những lỗi lầm này của mình, thì con cái của mình đâu còn làm sự sai trái, phải không hỡi con?

Ở đời, người ta chỉ thấy lỗi người mà không thấy lỗi mình, do đó mà đã tự tạo khổ cho nhau. Nếu ai cũng thấy được lỗi mình tức là đã thấy được nhân quả; thấy được nhân quả tức là chuyển được nhân quả; chuyển được nhân quả thì trên thế gian này còn ai là người đau khổ nữa.

Người ta biết thương yêu là một điều thiện, nhưng lòng thương yêu đặt không đúng chỗ thì sẽ trở thành một điều ác, một điều khổ.

Người ta ở đời thường che đậy, hoặc vô tình không thấy những lỗi lầm của mình, mỗi mỗi đều thấy lỗi lầm của người khác, do đó mà có sự khổ đau trên thế gian này vậy.

2/ Để trả lời ví dụ thứ hai:

Một cậu trai yêu thương một cô gái, nhưng cô gái không yêu đáp lại; cậu trai đau khổ buồn phiền, đó là cậu trai “đặt tình yêu sai hướng”.

Một cậu trai không quá nông nổi thì không bao giờ đặt tình yêu thương vào một người, mà người ấy không yêu mình.

Tình yêu chân thật không cho phép chúng ta yêu thương nông nổi, mà phải có sự tìm hiểu đôi bên; sự tìm hiểu đó giúp chúng ta đặt tình yêu thương đúng chỗ, khiến mình hạnh phúc mà người mình yêu thương cũng hạnh phúc.

Bởi người ta không học đạo đức làm người, nên người ta đặt tình yêu thương sai hướng; đặt tình yêu thương sai hướng, nên người ta mới tự làm khổ đau như vậy.

Trai gái yêu thương nhau là tìm hạnh phúc an vui cho nhau, chứ không phải tìm sự khổ đau, nhưng thật sự người ta không tìm chân hạnh phúc giữa trai và gái, mà tìm sự đau khổ giữa trai gái nhiều hơn. Nếu ai đã có chồng, có vợ, có con thì hãy tư duy xem lời nói của Thầy có đúng hay không.

Trên đời này, ai đã trải qua tình chồng, nghĩa vợ, nuôi con thì mới rõ được lời đức Phật dạy: “Đời là khổ”, không những đôi vợ chồng khổ mà đoàn con cái được sanh ra đời sau này cũng đều khổ.

3/ Để trả lời ví dụ thứ ba:

Anh B làm sai; anh A dùng lời ngay thẳng để khuyên nhắc anh B, nhưng anh B tự ái rồi giận khổ, buồn phiền, đó là anh A đặt tình thương không đúng chỗ, và không xét lời nói của mình có trọng lượng đối với anh B hay không.

Muốn khuyên người thì hãy xét lại mình; mình sống có đúng đạo đức làm người chưa? Mình có làm gương hạnh đạo đức cho ai chưa? Tất cả mọi người xung quanh có ai kính trọng mình chân thật chưa?

Nếu chưa thì Thầy xin quý vị đừng khuyên nhắc ai hết, mà hãy khuyên nhắc mình không làm khổ mình, khổ người để tâm hồn mình được thanh thản, nhẹ nhàng, an vui.

Anh A vẫn còn khổ đau, vẫn còn làm khổ mình và người khác khổ, thế mà đi khuyên nhắc người khác thì có ai mà nghe cho! Người ta đã không nghe mà còn sinh ra tức giận và cho anh A là người muốn làm thầy dạy đời.

Những ví dụ trên đây, đều nằm trong việc thiếu đạo đức làm khổ mình, khổ người con ạ! Không có một sự đau khổ nào của con người mà hiện hữu được nằm ngoài luật nhân quả cả.
Con người là thừa tự của nghiệp lực nhân quả; nghiệp lực nhân quả là cha mẹ đẻ sanh ra loài người, vì thế làm sao có sự đau khổ ngoài luật nhân quả được. Cho nên người sống đúng đạo đức nhân bản không làm khổ mình, khổ người là người sống đúng đạo luật nhân quả, nên chuyển tất cả quả khổ thành quả vui; mình vui, người vui.

Người sống đúng đạo đức nhân quả không làm khổ mình, khổ người là người phải ly dục, ly ác pháp; là người có tâm bất động trước các pháp. Người có tâm bất động trước các pháp là vị Thánh đệ tử Phật chứ không còn là một kẻ phàm phu tục tử nữa.

Vì thế, các con là đệ tử của đức Phật thì phải thực hiện sống cho bằng được đạo đức nhân bản làm người, thì mới xứng đáng là con của Phật, thì mới không phụ lòng mong ước của Phật, của Thầy. Phải không hỡi các con?

(Trích từ Những bức tâm thư tập 3 tại tu viện Chơn Như)