Wednesday, 3 April 2013

Những Lời Nên Và Không Nên Nói


Sống yêu thương là một nghệ thuật sống giúp cho cuộc sống này luôn đầy niềm vui và hạnh phúc. Có nhiều người đặt câu hỏi: Làm sao để có thể sống biết yêu thương nhau? Lòng yêu thương luôn thể hiện qua 3 nơi: suy nghĩ, lời nói và hành động. Những suy nghĩ, lời nói hay hành động nào không làm khổ mình, khổ người hoặc không làm khổ các loài vật khác thì nên suy nghĩ, nên nói và nên làm. Ngược lại, những suy nghĩ, lời nói hoặc hành động nào làm khổ mình, làm khổ người và làm khổ các loài vật khác thì không nên. Trong bài viết này sẽ nói về sự quan trọng của lời nói.

Qua lời nói chúng ta sẽ biết được con người có yêu thương nhau hay không? Qua lời nói chúng ta có thể đánh giá được giá trị của một con người. Qua lời nói chúng ta có thể biết được là người tốt hay người xấu. Qua lời nói chúng ta biết được mức độ yêu thương,...

Chính lời nói là đường đi lối về của nhân quả. Một lời nói ra luôn sẽ có những hậu quả của chúng. Hậu quả thường thấy ngay trong 2 trường hợp:
  • Ngay lập tức. Ví dụ khi ta trách mắng người khác thì bị người khác lớn tiếng trách mắng lại hoặc bị họ đánh trả lại, động tay động chân,... Khi ta nói những lời nói thương yêu thì được mọi người thương yêu đáp lại bằng những lời nói chân thật, sự tin cậy, lời nói của họ cũng nhẹ nhàng, ôn tồn hơn,... hoặc bằng những hành động thương yêu như ôm vào lòng, cho tặng quà,...
  • Trong tương lai. Có ai tự hỏi là tại sao mình bị lừa dối, dối gạt, bị trách mắng, bị chê bai, bị chỉ trích, bị người khác ly gián, mạ nhục,...hay không? Đó là vì trong quá khứ chúng ta đã từng gieo nhân lừa dối, dối gạt, trách mắng, chê bai, chỉ trích, ly gián, mạ nhục,... người khác. Khi ta được mọi người tin cậy, nói những lời nói chân thật thật lòng, không dối gạt là do trong quá khứ chúng ta đã từng nói những lời nói chân thật, thật lòng và không dối gạt mọi người.

Là người có trí tuệ sống biết yêu thương, chúng ta không nên nói bừa bãi, nên lựa lời mà nói, trước khi nói nên suy nghĩ xem lời nói:

  1. Có đúng thời hay phi thời,
  2. Có chân thật hay không chân thật,
  3. Có lợi ích hay không lợi ích,
  4. Có nhu nhuyến hay không nhu nhuyến,
  5. Có nói với tâm không sân giận với lòng "Từ" thương yêu mọi chúng sanh hay không?

Có như vậy ta mới tránh được các nhân quả khổ đau do lời nói được nói ra. Do đó khi nói, ta không nên nói láo, nói lời bịa đặt, nói lời nói thêu dệt , thêm bớt, nói hai lưỡi, nói xấu người, chê bai, chỉ trích, dọa nạt người ta, chửi thề hay nói lời nói hung dữ ác độc. Có tránh các lời nói ác đó thì ta mới gây được lòng tin nơi người khác, là biết sống yêu thương, không có làm khổ mình, làm khổ người và làm khổ chúng sanh khác.

Ngược lại để có được lời nói tao nhã, chân thật, có lợi ích, ôn tồn, nhã nhặn, nhẹ nhàng. Cụ thể hơn chúng ta hãy cùng xem xét những lời nói sau:

1)Nói vọng ngữ:
Là nói không đúng sự thật, là nói láo, nói dối, nói lường gạt hay nói những lời nói không đáng tin cậy.

Những người nói vọng ngữ là những người ác có âm mưu che đậy sự thật. Họ là những người ích kỹ chỉ nghĩ đến cái lợi cho bản thân. Đồng thời họ cũng sợ mang tiếng, bị tai tiếng, bị khinh chê, hay bị người đời khinh chê những cái sai của họ nên họ muốn che dấu cái xấu của họ cho nên họ nghĩ ra đủ trò để nói láo, lường gạt người khác.

  • Tất cả những người làm nghề buôn bán đều phạm lỗi lầm này là nói vọng ngữ, không ai là không nói dối. Cho nên họ làm cho mọi người mất lòng tin vào họ. Đến khi nói thật thì không ai tin họ cả. Ví dụ họ nói bán 1 Kg đậu chỉ lời có 1000 đồng.
  • Những người xem bói, xem tướng, xem tử vi, xem chỉ tay, xem phong thủy, xem ngày giờ chết, xem ngày gả vợ gả chồng là những ngưòi nói dối và không căn cứ.
  • Những người làm nghề luật sư cũng không tránh khỏi.

Chính vì vậy mà những người nói láo sẽ bị mất uy tín và mọi người sẽ tránh xa. Muốn trở thành một người có đạo đức về vọng ngữ chúng ta phải cương quyết :

  • Từ bỏ nói láo
  • Tránh xa nói láo: đó là tránh xa người nói láo, tránh xa những nơi nói láo và tránh xa lời nói láo.
  • Chỉ nói những lời nói chân thật.
  • Y chỉ sự thật: có sao nói vậy, không phóng đại, không bóp méo, chỉ nói thẳng, nói thật không sợ ai cả.
  • Nói những lời chắc chắn đáng tin cậy: là những lời nói đem lại kết quả rõ ràng, không trừu tượng mơ hồ.
  • Nói lời nói không lường gạt

Chúng ta hãy thường nhắc tâm mình “Không được nói dối , chỉ nói đúng sự thật, dù cho nói dối không hại ai tôi cũng không nói” Có cương quyết và biết sợ hãi, xấu hổ từng lỗi nhỏ nhặt của mình thì thân tâm mới yên vui đạt được sự thanh thản, an lạc và vô sự.

2) Lời nói hai lưỡi:
Là những lời nói ly gián mọi người, đem cái xấu của người này nói cho nguời khác và ngược lại để gây chia rẽ. Đó là những lời nói ác đem đau khổ đến cho mình cho người và cho cả hai. Vì khi người ta biết mình có ý ác như vậy thì người ta sẽ tránh xa, không tin tưởng mình. Lúc đó mình còn mặt mũi đâu mà nhìn người ta.

Làm người muốn có được hạnh phúc an vui thật sự thì ta phải:
  • Từ bỏ nói lời nói hai lưỡi.
  • Tránh xa nói hai lưỡi: tránh xa người nói hai lưỡi, tránh xa những nơi nói hai lưỡi, và tránh xa lời nói hai lưỡi.
  • Sống hòa hợp với những kẻ ly gián bằng đức nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng. Chỉ nói lời tốt đẹp về người khác. Khuyên nhủ người ly gián đoàn kết nhau, thương yêu và tha thứ những lỗi lầm của nhau.
  • Khuyến khích những kẻ sống hòa hợp: không nói lời nói chia rẽ, vui mừng khi thấy sự hòa hợp, giúp nhau hiểu nhau hơn. Cùng nhau chia sẽ những buồn vui trong cuộc sống.
  • Nói những lời đưa đến hòa hợp: Khuyến khích nhau xem nhau như những người trong nhà, không khách sáo tự nhiên. Phải hiểu rõ nhau để nói về những sở thích của nhau v.v Biết xin lỗi , nhận lỗi lầm về phần mình. Nói những lời nói giúp nhau giảm bớt sự lo lắng.

Biết được sự quí báo của sự sống hòa hơp chúng ta hãy thường nhắc tâm mình “Hãy sống hòa hơp với mọi người, biết nhẫn nhục tùy thuận và bằng lòng. Chỉ nói những lời đưa đến sự hòa hợp và đoàn kết .” Đó là ta tự tạo cảnh vui cho mình và cho mọi người.

3)Lời nói phù phiếm:
Là nói những lời nói bịa đặt, thêm bớt làm sai sự thật, không còn mang đến lợi ích cho mình cho người nữa.
Người nói lời phù phiếm là những người ba hoa, nói nhiều, thêm bớt những hiểu biết, kiến giải của họ thêm, nói những lời nói ảo tưởng, trừu tượng không đúng sự thật, không đúng chân lý của cuộc sống và không đúng với khoa học tự nhiên.
Những người như vậy có thể làm hại và tiêu hủy cả một cơ đồ, làm mất đi những chân lý quý báo của con người như các Tổ và các Thầy tu hành chưa đến đâu mà kiến giải và giải thích Phật pháp theo ý của mình làm lệch ý những lời Phật dạy. Làm cho muôn vàn đệ tử theo tu Phật giáo phải khổ sở tu hành, ức chế thân tâm, sống trong điên đảo, đời không ra đời mà đạo cũng không ra đạo.
Để tránh những lời nói phù phiếm chúng ta nên:
  • Từ bỏ nói lời nói phù phiếm.
  • Tránh xa lời nói phù phiếm: tránh xa người nói phù phiếm, tránh xa nơi nói lời phù phiếm và tránh xa những lời nói phù phiếm.
  • Không nói phi thời: khi nói đúng thời, có đủ nhân duyên đầy đủ thì lời nói mới có giá trị, có ích lợi cho mọi người.
  • Không nên nói những lời phi chân lý.
  • Không nên nói những lời nói không lợi ích.
  • Không nên nói những lời phi pháp.
  • Không nên nói những lời nói phi luật.
  • Không nên nói những lời không đáng giữ gìn: là những lời nói không có ích, là những lời ác, những lời nói ngụy biện che đậy.

Ví du: ta nói nước Mỹ là một nước tự do tín ngưỡng đó là lời nói đúng luật pháp của nước Mỹ.

Để tránh những lời nói phù phiếm chúng ta nên thường xuyên tác ý “Lời nói phù phiếm là những lời nói ảo tưởng đưa đến hại mình, hại người. Ta phải từ bỏ những hiểu biết, kiến giải, tri thức của ta để tránh nói lòi nói phù phiếm.”

4)Lời nói hung dữ và ác độc:
Là những lời nói cực ác, sắc bén như kiếm đâm vào tim người nghe, làm cho người nghe nghẹn ngào, cứng họng, e thắt giọng không nói được lời nào, có thể khóc và xúc động mạnh đưa đến các bệnh tật phát khởi, v.v.

Người nói lời hung dữ ác độc là người tự biến mình thành con thú độc ác và hung dữ không còn chút nào tình người. Chỉ có những người nghe và người ngoài thấy, biết gương mặt, điệu bộ, lời nói và hành động của người nói lời hung dữ và ác độc. Còn chính họ thì như người điên thì làm sao nhận ra được gương mặt, điệu bộ, lời nói và hành động của họ.

Lời nói của họ cộc cằn, gay gắt như một lưỡi dao lam mõng cắt cổ, như một nhát chém nhanh của thanh kiếm bén.

Tự người nói lời hung dữ ác độc làm mất đạo đức giá trị của mình, tự biến mình thành con người không văn hóa, không giáo dục. Tự đẩy mình xuống đáy xã hội, tự mình giết mình. Làm cho mọi người tránh xa, không dám tiếp xúc.

Nếu ai thấy rõ những lời nói ác đó là không tốt thì hãy tự biết xấu hổ, quyết tâm sữa đổi thì chắc chắn sẽ được. Do đó ta phải quyết tâm

A - Từ bỏ những lời độc ác: là những lời nói sau đây:
  • Chửi mắng, mạ lị, mạt sát người khác.
  • La lớn tiếng, nạt nộ khiến cho người khác sợ hãi.
  • Nói châm biếm, chế giễu người, khiến cho người ta xấu hổ và đau khổ.
  • Nói vu khống người, nói oan ức cho người.
  • Nói lưỡi hai chiều.
  • Xưng hô gọi nhau bằng: mày, tao, mi , tớ.v.v
  • Nói tục tĩu, chửi thề v.v.
  • Nói mắng mỏ nhau.
  • Khi nói đến một người nào mà gọi là “đồ đó” hay “thứ đó”, v.v...
  • Hù dọa hâm he khiến cho người khác sợ
  • Tự thề những lời nói độc ác làm hại mình, hại người. Ví dụ: "nếu nói dối thì ra đường bị xe cán chết"
  • Nói những lời nói khuyến khích người khác sát sanh, nói lời nói tán thán hoan hỷ người khác sát sanh.
  • Nói những lời nói khuyến khích người khác trộm cướp , nói lời nói tán thán hoan hỷ người khác trộm cướp .
  • Nói những lời nói khuyến khích người khác tà hạnh, nói lời nói tán thán hoan hỷ người khác tà hạnh.
  • Nói những lời nói khuyến khích người khác nói dối, nói lời nói tán thán hoan hỷ người khác nói dối.
  • Nói những lời nói khuyến khích người khác nói 2 lưỡi, nói lời nói tán thán hoan hỷ người khác nói 2 lưỡi.
  • Nói những lời nói khuyến khích người khác nói phù phiếm, nói lời nói tán thán hoan hỷ người khác nói phù phiếm.
  • Nói những lời nói khuyến khích người khác nói lòi nói hung dữ, nói lời nói tán thán hoan hỷ người khác nói lời nói hung dữ.
  • Nói những lời nói khuyến khích người khác tham tài sản của người khác, nói lời nói tán thán hoan hỷ người khác tham tài sản của người khác.
  • Nói những lời nói khuyến khích người khác sân giận, nói lời nói tán thán hoan hỷ người khác sân giận.
  • Nói những lời nói khuyến khích người khác có tà kiến, nói lời nói tán thán hoan hỷ người khác có tà kiến.

B-Tránh xa nói lời nói độc ác: tránh xa người nói lời nói độc ác, tránh xa những nơi nói lời nói độc ác và tránh xa những lời nói độc ác.

C- Nói những lời nói không lỗi lầm: Nghĩa là phải cân nhắc rõ ràng kỹ lưỡng trước khi nói. Phản tỉnh từng lời nói để không làm khổ mình , làm khổ người và làm khổ chúng sanh, ví dụ như:
  • Lời nói không chân thật
  • Lời nói hung dữ
  • Đặt điều nói xấu người khác
  • Đem chuyện người này nói chuyện với người kia và ngược lại.
  • Xưng hô một cách phách lối.
  • Nói oan ức cho người khác
  • Nói hai chiều.
  • Nói lời thô tục tục tĩu
  • Nói lời ly gián
  • Nói lật lọng

D-Nói những lời đẹp tai : khiến cho người nghe vui lòng, mang đến cho người nghe sự cảm mến, một niềm vui an lạc và hạnh phúc. Những lời đep tai gồm có:
  • Lời ca ngợi khen tặng đúng chánh pháp.
  • Lời nói chia sẽ những nỗi niềm ưu tư với những người khác.
  • Lời nói nhẹ nhàng, ôn tồn nhã nhặn và êm dịu.
  • Lời nói gợi lòng yêu thương tổ quốc.
  • Lời nói gợi lòng hiếu hạnh đối với cha mẹ.
  • Lời kêu gọi thiết tha giúp đỡ những người bất hạnh.
  • Lời khuyên lơn an ủi giúp cho người khác bình tỉnh để vượt qua những chặng đường đầy khó khăn, đầy chông gai và nguy hiểm.
  • Tiếng xưng hô ngọt ngào, ông, bà, cha, mẹ, chú, bác, cô, dì, anh, chị, em,v.v
  • Lời nói tạo duyên đoàn kết, gây tình yêu thương, xả bỏ lòng thù hận.
  • Lời kêu gọi thương yêu sự sống muôn loài, đừng làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh.

E- Nói những lời dễ thương: là những lời nói ái ngữ, êm dịu, nhẹ nhàng ôn tồn và nhã nhặn, v.v... Lúc nào cũng phải cẩn thận không được phát ngôn bừa bãi, không được nói nghịch ý trái lòng mọi người, không được mắng chưởi mạ nhục người khác, không được to tiếng nạt nọ người khác, không được nói xấu người khác.
 
    Khi nói ra khiến người nghe có cảm tình thương mến, tức là oai nghi tế hạnh truyền đạt ngôn ngữ làm cho người nghe dễ chịu có thiện cảm, có tình thương yêu chân thật. Muốn được vậy các bạn nên cẩn thận dè dặt khi nói ra phải phản ảnh từng lời nói; khi nói ra phải là lời nói thân thiện, ái ngữ; khi nói ra phải tránh những lời nói chạm tự ái người khác; khi nói ra phải tránh xa những lời nói phách lối, kiêu căng tự đắc, tự phụ; khi nói ra không được nói xấu người khác, không được nói chuyện xấu của người khác; khi nói ra phải nói tốt người khác, nói chuyện tốt của người khác; khi nói ra không được nói thêu dệt, không được nói lật lọng; khi nói ra không được nói oan ức cho người khác, vu khống người khác; khi nói ra phải nói những lời chân thật, không dối trá gian xảo, đó là đức hạnh về ngôn ngữ mà làm người ai ai cũng phải học tập và rèn luyện những ngôn ngữ này để xứng đáng là một người có đạo đức.

F-Nói những lời thông cảm đến tâm mọi người: là những lời nói ôn tồn, nhẹ nhàng khiêm tốn, nhất là những lời nói chân thật, thông hiểu mọi tâm lý của kẻ khác.

Nếu muốn có những lời nói cảm thông đến tâm mọi người như vậy thì phải có lòng yêu thương chân thật, phải cùng sống trong cảnh ngộ, phải có hoàn cảnh như nhau thì lời nói cảm thông mới dễ dàng.
  1. Ví dụ 1: Tai nạn giao thông để lại một sự đau thương cho một người vợ trẻ và hai đứa con thơ năm, sáu tuổi. Ai có hoàn cảnh này thì mới cảm thông người vợ trẻ goá chồng và hai đứa con thơ. Nhờ có sống trong hoàn cảnh này nên mới có những lời nói cảm thông đến tâm mọi người
  2. Ví dụ 2: Khi rút mũi tên ra, vượn mẹ biết mình không thể sống được, nên trao con cho chồng, rồi buông tay rơi xuống đất. Ai có làm mẹ mới cảm thông được lòng mẹ thương con
  3. Ví dụ 3: Ai nỡ lòng nào nhai thịt chúng sanh và nuốt vào lòng. Ai có lòng thương yêu sự sống của chúng sanh thì mới cảm thông được sự khổ đau của chúng sanh trong lời nói này.
  4. Ví dụ 4: Trước giờ phút chia tay đi vào cõi vĩnh hằng của một người mẹ, đứa con ôm mẹ kêu khóc: “Mẹ ơi! Mẹ đừng bỏ con...” Ai có sống trong cảnh này các bạn mới cảm thông tiếng kêu nức nở của đứa con sắp mất mẹ. Phải không các bạn?

G-Những lời nói tao nhã: là những lời nói thanh cao, trang nhã, lịch sự.
  • Ví dụ 1: “Kính thưa các bạn! Những điều chúng tôi đã viết trên đây, có những điều chi sơ sót, xin các bạn vui lòng chỉ giáo cho, chúng tôi thành kính tri ân”, đó là những lời nói thanh cao, trang nhã và lịch sự.
    - “Đứa nào lười biếng ngồi chơi không chịu làm việc hãy đập nát đầu nó đi”, đó là những lời nói không thanh cao, trang nhã và lịch sự
  • Ví dụ 2: “Cháu ngoan hãy lại đây bác thương cháu nhiều”, đó là những lời nói thanh cao, trang nhã và lịch sự.
    Mày hãy lại đây tao bảo”, đó là những lời nói không thanh cao, trang nhã và lịch sự.
Những lời nói tao nhã là đức hạnh mang đến sự an vui cho mình và cho mọi người; mang đến cho mọi gia đình đầm ấm hạnh phúc; mang đến cho xã hội có trật tự an ninh. Vậy mong các bạn cố gắng tu tập rèn luyện để mỗi khi nói ra một điều gì bằng những lời nói tao nhã, thanh lịch.

H-Nói những lời đẹp lòng nhiều người: là khen tặng và ca ngợi đúng sự thật không nịnh bợ. Khen ngợi là phải khen ngợi đúng sự thật, phải chính xác 100%, đó là khen ngợi đúng chánh pháp. Không được khen ngợi theo kiểu a dua, xu nịnh, bợ dỡ v.v..., đó là khen ngợi không đúng chánh pháp.

Biết áp dụng những lời nói đẹp trên, chúng ta sẽ sửa tính hung dữ và ác độc của mình thành một người có thiện ngôn, nghe đẹp tai, nói đẹp lòng đến tâm của mọi người. Biết đươc hiệu quả như vậy thì ta nên tự nhắc tâm mình “ Từ bỏ nói lời nói hung dữ và độc ác, chỉ nói những lời nói đẹp lòng người khác.”

Tóm lại, lời nói rất quan trọng trong cuộc sống. Khi lỡ nói ra những gì không nên nói thì sẽ làm khổ mình, khổ người và khổ các loài vạn vật có sự sống khác. Lời nói sai sẽ không thể lấy lại được. Do vậy, trước khi nói nên suy nghĩ cẩn thận.

Để có thói quen biết suy nghĩ trước khi nói, chúng ta hãy tập sống một mình, thường tư duy lại những suy nghĩ, những lời nói và việc làm trong ngày, thường xuyên tự mình nhắc nhủ tâm mình từ bỏ những lời không nên nói. Từ đó thành một thói quen, trước khi nói sẽ biết suy nghĩ, uốn lưỡi 7 lần.

Phần lớn nội dung của bài này đều nương vào sách “Văn hóa truyền thống tập II.” tại đây.

1 comment:

  1. Bài này hay quá! Đọc xong cố gắng sửa bớt cách nói chuyện

    ReplyDelete