Wednesday, 3 April 2013

ĐỨC LY SÂN

Người sống không bao giờ giận hờn ai, gọi là người có đức ly sân, người đó luôn sống biết đem niềm vui và hạnh phúc đến cho chính mình và mọi người. Người sống với đức ly sân là người có lòng yêu thương bao la rộng lớn trãi rộng khắp mọi nơi, nơi đâu có sự sống, ở đó sẽ có lòng thương yêu và tha thứ của họ.


Trong ngũ triền cái có sân triền cái là lòng tức giận, ngăn che không thấy cái khổ. Thí dụ khi nghe người khác mạ nhục, mình tức giận rút cây, hoặc dao rựa ra đánh, hoặc chém người cho hã giận. Khi hết giận thì sự khổ phải ôm lấy, như nằm nhà thương, hoặc ở tù. Lòng sân che đậy không thấy sự khổ sẽ đến với mình đầy dẫy trong cuộc sống hàng ngày nên gọi là sân triền cái. 
 
Vậy tại sao con người thường sống sân giận, hận thù?


Đó là vì họ chấp vào cái thân và các pháp thế gian này là họ, là của họ, là bản ngã của họ. Khi họ chấp như vậy thì ai đụng vào, có ý muốn xâm phạm, xâm chiếm, làm hại, chiếm hữu,... cái thân và những thứ khác thì họ giận lên. Ví dụ:
  1. Khi ai xem thường họ, thì họ giận.
  2. Khi ai mắng nhiếc, trách mắng, chửi mắng, che bai, chọc ghẹo, nói oan ức, nói xấu, nói cái xấu, nói cái sai, cái lỗi, nói lời hung dữ, dùng lời nói ly gián, thêu dệt về họ thì họ giận lên.
  3. Khi ai đó muốn sai khiến, ra lệnh, cấm đoán, phạt, đuổi, lên mặt, dạy đời thì họ cũng giận.
  4. Khi ai đó muốn làm hại, muốn đánh, muốn giết, muốn tạt axit, có ý đồ xấu muốn hãm hiếp, muốn chiếm hữu thân h thì họ cũng sân giận.
  5. Khi ai có ý kiến trái, làm trái, nói trái ý của họ thì họ giận lên.
  6. Khi ai có ý muốn chiếm đoạt, tranh giành, tranh chấp tài sản, của cải vật chất của họ thì họ giận lên.
  7. Khi ai đã làm hư hại tài sản, của cải, vật chất của họ thì họ giận lên.
  8. Khi ai muốn tranh cãi, tranh luận với họ thì họ giận lên.
  9. Khi họ không đạt được mục đích, không toại nguyện, không làm được việc, thất bại, gặp khó khăn, nghịch cảnh,...họ cũng giận lên.
  10. Khi ai đó không làm vừa lòng họ, họ cũng giận.
  11. Khi ai đó mượn đồ vật, của cải, tài sản, tiền bạc của họ mà không trả, họ cũng giận.
  12. Khi ai đó nấu ăn cho họ không ngon, phục vụ không chu đáo, không ân cần tử tế, nói năng không lễ phép, lịch sự, không lễ độ,.. họ cũng giận.
  13. Khi ai đó làm hư hoại hoặc mất ca cải tài sản của họ thì họ cũng giận. VD như ai làm trầy xe, làm dơ quần áo, làm bể bình bông, làm đổ ly cofffe mới pha, làm hư chiếc xe, làm mất cây búa, cây kềm, máy cưa, mất xe, mất tiền,...
  14. Khi ai không nghe lời, không làm theo ý của họ thì họ cũng giận lên.
  15. Khi ai hứa mà không thực hiện, nói dối, lừa gạt, đến trễ hẹn, họ cũng giận.
  16. Khi thấy ai đó giận mình thì mình cũng giận lại.
  17. V.v...

Như trên ta thấy khi con người chấp vào cái thân và tất cả tài sản của cải, vật chất, sự hiểu biết là họ, là của họ, là bản ngã của họ thì người đó rất dễ giận. Họ chỉ biết sống ích kỷ, nghĩ đến bản thân, ai không làm vừa lòng họ thì họ giận, họ sống thiếu lòng yêu thương và tha thứ. Do vậy, đức Phật dạy: "ở đâu có lòng yêu thương, ở đó sẽ không có sự sân giận."

  • Người sống với lòng yêu thương rộng lớn, luôn thấy mọi người là người tốt, người thiện, người hiền, người lành, người muốn đem những điều tốt lành đến cho mình, người muốn giúp đỡ mình, người thương yêu mình, người muốn đem niềm vui và hạnh phúc đến cho mình, người muốn dạy cho mình những điều hay lẽ phải, hoặc truyền đạt kinh nghiệm của họ cho mình,... Do vậy, họ không thấy ai muốn hại họ, không thấy ai muốn những điều xấu đến với họ, ai cũng có ý tốt, do vậy họ không bao giờ giận ai.
  • Người biết sống nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng theo mọi ý kiến, mọi lời nói, mọi việc làm, sự xếp đặt bố trí, yêu cầu của người khác thì sẽ không bao giờ giận vì họ đã xả bỏ cái ngã, không còn chấp vào cái gì là ta là của ta là bản ngã của ta nữa, chỉ sống theo ý của người khác mà thôi. Chỉ luôn nhắc tâm "tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự"
  • Do biết sống nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng, cho nên người đó không thấy lỗi người, không thấy lỗi người thì không bao giờ nói ai sai, ai đúng, ai xấu, ai lỗi, và do vậy họ không bao giờ giận. Chỉ luôn nhắc tâm "tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự"
  • Dù cho có chuyện gì xảy ra, người có tri kiến nhân quả, cũng sẽ không bao giờ giận, vì họ chỉ thấy lỗi mình. Do lỗi của mình trước, mình đã tạo ra trong quá khứ, cho nên ngày nay mới gặt quả báo bị người đời chê cười, trách móc, ra lệnh sai khiến, làm nhục, bị đánh, bị đâm, bị giết, bị tai nạn, bị lừa gạt, bị trêu chọc, bị đổ oan ức, bị làm phiền hà, bị chơi xấu, bị bôi nhọa, bị giáng chức, bị giảm lương, bị thất bại, bị bệnh, bị già, bị chết, bị các loài vật cắn như kiến, rắn, muỗi, bò cạp, bị gai đâm, chạy xe bị cán đinh,...Do thấy rõ nhân quả, hiểu rõ lỗi của mình trước, nên họ chấp nhận và vui lòng với mọi việc xảy đến, không sân giận, buồn phiền, lo lắng hoặc sợ hãi. Chỉ luôn nhắc tâm "tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự"
  • Sống thiểu dục tri túc, ít muốn biết đủ, do sống ít muốn biết đủ, không tham thì sẽ không còn sân giận. Chỉ có ai sống bị lòng ham muốn chi phối, khi không đạt được mục đích thì mới sân giận, còn người không tham muốn, không bị lòng ham muốn chi phối tác động, do vậy họ không có giận.
  • Ai hiểu rõ lý vô thuờng của cuộc sống thì sẽ không bao giờ sân giận vì tất cả mọi pháp đều vô thường, thay đổi, nay như thế này, một lát sẽ khác, tâm mình lúc này là như vầy, lát sau lại khác,v.v... thay đổi và thay đổi liên tục. Do vậy đâu có cái gì là của mình đâu là giận.
  • Sống với tâm không còn ích kỷ, keo kiệt, biết bố thí, sẵn sàng chia sẻ mọi thứ cho người khác, giúp đỡ mọi người từ vật chất, tiền bạc, thời gian, công sức, sự hiểu biết, lời nói thương yêu,... Khi sống được với tâm bố thí thì bạn sẽ thấy mình luôn thương yêu mọi người, thông cảm với nỗi khổ của cuộc đời, không muốn làm hại ai, chỉ muốn mang niềm vui và hạnh phúc đến cho người. Người đó sẽ không bao giờ giận.
  • Luôn quán xét mọi cơn sân giận của mình để thấy mình làm khổ mình, khổ người. Thấy được sự nguy hiểm của cơn sân giận mang đến những tai hại nào cho mình và cho người, làm cho mọi người khiếp sợ, lo lắng, buồn khổ, không vui, chạy trốn mình, lánh xa mình,... Rồi trạch ra một câu tác ý để luôn nhắc tâm mỗi ngày hay lúc cơn sân giận nổi lên. Ví dụ: "Sân giận cút đi. tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự". Pháp nhắc tâm là một pháp không thể thiếu được. Do nhắc tâm mỗi ngày mà tâm mình sẽ nhạy bén với cơn sân, đến khi thuần thục thì tự nó hiện ra khi tâm sân khởi lên và cơn sân biến mất.
  • Kế đó mình nhắc tâm "hãy luôn thương yêu và tha thứ" thì sau này bạn sẽ thấy tại sao tâm mình luôn thương yêu và tha thứ mọi người, đồng cảm với mọi người, giàu lòng thương yêu, không muốn làm, nói hay suy nghĩ một điều gì xấu về ai, chỉ có thương yêu và tha thứ.
  • Hãy học cách thương yêu và tha thứ từ con vật, con vật mà mình thương yêu được thì con người mình sao không thương yêu phải không các bạn?
  • Quán xét nhân quả, thấy rõ người sân giận là người đang đau khổ, đang tạo nghiệp ác. Do vậy ta hãy thương yêu người đang sân giận. Đối với ta thì ta quyết từ bỏ tính sân giận để không còn khổ nữa, không muốn tạo thêm nghiệp ác.

Tóm lại, người sống với đức ly sân, luôn trang bị cho mình mọi hành trang để có đủ tri kiến giải thoát sống không để tâm sân giận chi phối và tác động. Buông xả sạch không còn chấp vào cái thân và các pháp thế gian là mình, là của mình hoặc bản ngã của mình. Chỉ sống với lòng yêu thương và tha thứ rộng lớn, cung kính và tôn trọng tất cả mọi người, luôn sống nhẫn nhục tùy thuận và bằng lòng, quán xét nhân quả, thấy lỗi mình, sống thiểu dục tri túc, sống với đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình, khổ người và khổ các loài vạn vật.

Do sống có tri kiến giải thoát, người có đức ly sân luôn dẫn tâm vào chân lý giải thoát "tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự", luôn giữ gìn, bảo vệ và hộ trì chân lý đó suốt đời, không để bất kỳ một niệm sân giận nào tác động được vào tâm họ.

Mời các bạn đọc tiếp bài "Đức Ly mạn"

No comments:

Post a Comment