Wednesday, 3 April 2013

ĐỨC HIẾU SINH

Đức hiếu sinh là một đức hạnh tuyệt vời trong tuyệt vời. Khi ai sống được với đức hiếu sinh thì lòng yêu thương của người đó bao la cao cả, rộng mở thương yêu tất cả và quý trọng sự sống của muôn loài vạn vật có mặt trên thế gian này. Lòng yêu thương của họ không bao giờ ích kỷ, nhỏ hẹp mà luôn trải rộng bình đẳng không những đối với con người, mà còn các loài vật, các loài thực vật. Do vậy trong cuộc sống người có đức hiếu sinh luôn bình an, vui vẻ, hạnh phúc và vô sự.

Đức hiếu sinh được thể hiện ở nhiều góc độ, chúng ta hãy xem vài minh họa căn bản dưới đây:

1/ Sống không phân biệt thân sơ. Mình đối xử với người thân như thế nào thì hãy đối xử với người ngoài như vậy. Nếu mình sẵn lòng cho người thân chiếc xe, ngôi nhà hay những gì mình yêu thích nhất thì hãy sẵn lòng cho người ngoài như vậy.

Hãy thương yêu người ngoài như người mẹ thương yêu con một của mình. Do thương yêu ai cũng như con một của mình thì người đó sẽ luôn cảm thấy hạnh phúc dù người con ruột không bên cạnh, vì lúc đó người mẹ không cảm thấy cô đơn, mà biết rằng còn có nhiều người con khác bên cạnh.

Người tu hành là người có tâm thương yêu rộng lớn, họ sống không chỉ có thương yêu người thân mà còn cả mọi người và loài vật có sự sống trên hành tinh này. Tình thương yêu của họ không còn ích kỷ hẹp hòi cá nhân nữa mà mở rộng thương yêu bình đẳng không phân biệt thân sơ. Họ hy sinh đời sống cá nhân riêng tư để yêu thương phục vụ cho mọi người trên thế gian này như chúa Giêsu từ bỏ cuộc sống gia đình, đem tình thương của mình trải rộng ra thương yêu tất cả mọi người. Ở nước Ấn Độ thì có đức Phật và thánh Mahatma Gandhi. Có thể những nhân vật này thất bại trong việc hy sinh của mình trước sự tàn ác tham lam của con người, nhưng họ đều để lại cho con người cách sống biết yêu thương nhau.

Tất cả mọi người trên thế gian đều đang khổ, dù đó là người giàu có. Chỉ khi hiểu và sống đạo đức biết thương yêu nhau thì mới giúp mọi người hết khổ. Chính đời sống thiện sẽ chuyển đổi hoàn cảnh sống của mọi người. Dù cho con người có giúp nhau bằng tiền bạc vật chất, thì đó cũng chỉ là tạm thời, không thể chuyển tâm tánh tham lam, sân giận, kiêu mạn, nghi ngờ, và ích kỷ của con người thành thiện được.

Chỉ khi con người ý thức, tự giác được lợi ích của đạo đức và tự nguyện biết sống thương yêu nhau, thì mới chuyển đổi được hoàn cảnh nghèo đói, thiên tai bệnh tật của họ thành no ấm, khỏe mạnh an vui và hạnh phúc. Đức này là đức hiếu sinh đa hướng.

 2/ Sống biết thương yêu sự sống của muôn loài vạn vật. Ai cũng tham sống sợ chết. Mình cũng vậy thì mọi người hay muôn loài vạn vật khác cũng vậy. Do vậy chớ giết người, giết vật; chớ cầm cây đánh người, đánh vật; chớ buôn bán người, buôn bán vật; chớ ăn thịt người, ăn thịt các loài vật.

Mình sống biết tôn trọng sự sống của muôn loài vạn vật khác thì mạng sống mình mới bảo tồn được, người sống được như vậy thì ít bệnh tật, tai nạn, bệnh nhẹ thì mau hết, bệnh nặng thì có người giúp đỡ và hết nhanh, không kéo dài.

Do sống không quý trọng sự sống của muôn loài vạn vật khác mà loài người không ai tránh bệnh tật, kẻ liệt giường, tàn tật hay bị tai nạn cho đến hàng ngàn bệnh tật khác ngày càng nguy hiểm hơn và khó trị hơn. Nhiều người nghĩ rằng có thuốc rồi không còn sợ gì nữa, nhưng đâu ai tránh được không bệnh, không bệnh này thì có bệnh khác. Thuốc chỉ dùng để trị cái ngọn chứ đâu trị được cái gốc của bệnh tật. Cái gốc chính là ở chổ quý trọng sự sống của muôn loài vạn vật.

Quý trọng sự sống của muôn loài vạn vật cho nên mình ăn chay. Đó là ý nghĩa cao quý và lợi ích của ăn chay. Chính vì ăn chay, không sát sanh mà chúng ta đang trau dồi lòng thương yêu hằng ngày, không muốn thấy sự đau khổ của muôn loài vạn vật trong chén cơm của mình. Do vậy mà chúng ta tập dần thói quen không muốn thấy ai khổ, không muốn làm ai khổ qua từng hành động lời nói và suy nghĩ hằng ngày.

Chỉ cần mỗi ngày dành ra 15’, hoặc trước khi đi ngủ kiểm nghiệm lại từng hành động, lời nói và ý nghĩ của mình trong ngày có làm khổ mình, làm khổ người hay làm khổ các loài vật khác hay không. Nếu có thì tác ý chừa bỏ không làm, nói hay suy nghĩ trong tương lai nữa. Chỉ cần như vậy hằng ngày đều đặn sẽ tập một thói quen tốt, và khi đã thuần thục thì tâm luôn bất động, thanh thản, an lạc và vô sự một cách kỳ lạ tự nhiên. Đó là tâm của kẻ sống thiện, tâm của kẻ sống trên Thiên Đàng, Cực Lạc. Không còn tham, sân, si, kiêu mạn, nghi ngờ nữa mà chỉ có sống yêu thương. Đức này là đức hiếu sinh.

 3/ Đi đường thấy cây đinh, con ốc nhọn, vỏ chuối thì lượm lên, không nên bỏ đinh hay vỏ chuối ra đường cũng là sống thương yêu biết lo nghĩ đến người khác. Đây là đức hiếu sinh.

 4/ Đừng mang chuyện lo lắng, buồn bực từ nơi công sở hay bên ngoài về nhà. Đức này là đức hiếu sinh.

 5/" Nhận lỗi thay người khác. Gánh tội hay cái sai dùm người." Có một quản đốc
xưởng dệt tên là Gary, tuy là một chức vị nhỏ nhưng ông yêu thương công nhân của mình như con. Lần đó một thanh niên trẻ tên Tom vừa được nhận vào làm chưa quen, làm chậm hơn và ảnh hưởng đến năng suất sản xuất của cả dây chuyền. Giám đốc mời ông Gary lên hỏi thì người ông Gary chỉ nhận lỗi mình, không hề nhắc đến tên Tom trước mặt giám đốc. Khi ai sống với lòng thương yêu chân thật thì hành động sống của họ thật giản dị và cao thượng tuyệt vời. Đức này là đức hiếu sinh.

 6/ Sống biết dũng cảm cứu người, cứu vật khi người gặp hoạn nạn như cháy nhà, bị nước cuốn trôi hoặc cứu con ếch đang bị con rắn cắn, cứu vớt các loài thú bị rơi xuống nước …Đức này là đức hiếu sinh dũng cảm.

 7/ Sống biết lắng nghe. Biết kiên nhẫn lắng nghe người khác tâm sự, giúp cho người khác trút hết mọi phiền não, tức giận, hay lắng nghe sự chia sẻ những gì người khác thích. Đừng cắt ngang câu chuyện, viện cớ bỏ đi hay có chuyện khác phải làm. Đừng sợ mất thời gian quý báo của mình mà hãy nghĩ rằng đây là thời gian để yêu thương. Lắng nghe là yêu thương. Đức này là đức hiếu sinh lắng nghe.

 8/ Sống biết thương yêu kẻ thù, người ghét mình, người ăn hiếp mình, người hại mình,… Khi có cơ hội giúp họ thì mình giúp ngay. Đó là sống yêu thương. Chỉ có lòng thương yêu mới hàn gắn lại lòng thù hận, lòng ghen ghét,… của người khác. Đức này là đức hiếu sinh tha thứ.
 

9/ Sống biết thương yêu những người tội phạm. Ví dụ: khi có kẻ trộm muốn vào nhà lấy vật gì của mình mà mình biết được thì mình hãy bình tĩnh nói rằng nếu bạn đói thì hãy lấy cơm mà ăn, nếu bạn cần tiền thì hãy lấy tiền mà xài. Tiền, cơm,… mất có thể kiếm lại được, chứ lòng thương yêu không thể kiếm lại được đâu.

Chỉ khi mình rèn luyện lòng thương yêu hằng ngày bằng phương pháp như lý tác ý (tự kỷ ám thị) thì dần dần lòng thương yêu sẽ rộng lớn, khi lòng thương yêu rộng lớn rồi thì sẽ không còn sân giận hay sợ hãi ai kể cả có ai đó giết mình mà mình chỉ biết thương yêu họ chứ không bao giờ giận họ.

Khi chưa thuần thục thì hãy tác ý nhắc tâm hằng ngày những gì mình sống chưa biết thương yêu. Ví dụ: nhắc tâm “Hãy sống thương yêu người ăn trộm, kẻ cướp hay kẻ đánh giết mình”, “Hãy sống luôn biết chia sẻ mọi thứ mà người khác thích, người khác cần”,…Đức này là đức hiếu sinh ly tham.

10/ Sống biết cho đi hạnh phúc của mình. Đây là một việc khó nhưng khó mà làm được thì người đó là phi thường. Chỉ đơn giản một điều là mình hiểu được ý nghĩa của cuộc sống này chính là “đem niềm vui hạnh phúc đến cho mình, cho người khác và muôn loài vạn vật khác.”

Người biết sống yêu thương hiểu rằng khi thấy ai hạnh phúc thì mình mừng vui, lấy niềm vui hạnh phúc của người làm niềm vui hạnh phúc cho mình. Đó là phương châm sống của họ.

Ví dụ một người mẹ có đứa con trai một. Khi thấy người vợ mới cưới của con trai làm cho con trai hạnh phúc vui vẻ thì người mẹ cũng mừng vui hạnh phúc. Cũng vậy khi một người có vợ hay chồng có bạn đời khác thì người đó cũng nên vui mừng, vì có người đem hạnh phúc và niềm vui đến cho vợ hay chồng của mình. Mình thấy vợ hay chồng của mình hạnh phúc thì mình vui chứ sao lại buồn, lại ghen tức, rồi tìm cách đánh ghen.

Mục đích sống của mình là thấy người mình thương yêu hạnh phúc như người mẹ thấy con trai mình hạnh phúc thì vui, chứ đâu có ghen với người con dâu. Do “thấy người mình thương yêu hạnh phúc thì mình mừng vui, sống là vui trên cái vui của người khác” chứ sao lại ghen với người kia. Đôi khi người ta bị hiểu lầm về tình yêu nam nữ như một tình yêu chiếm hữu, ích kỷ, sau khi cưới là của nhau, không còn của ai khác nữa. Chỉ muốn là của riêng mình.

Chính vì do hiểu như vậy mà thay vì có thể sống biết thương yêu thì con người biến lòng thương yêu thành sự thù hận suốt đời không quên được. Có người biết cách sống thương yêu này còn tìm gặp người bạn của vợ hay chồng mình nói lời cám ơn đã giúp cho vợ hay chồng mình vui, hay có người vợ mua hoa cho chồng đem tặng cho cô bạn mới.

Người làm được như vậy là người biết cho đi hạnh phúc của mình. Đó là cách sống biết yêu thương. Chỉ có người sống có lòng thương yêu thì mới làm được những điều phi thường này, còn chưa hiểu và chưa biết sống thương yêu thì chỉ nuôi lòng thù hận, đánh mất lòng thương yêu suốt đời. Đức này là đức thương yêu hy sinh.

 11/ Sống với tâm bình đẳng, không phân biệt nam nữ, người tu sĩ nam hay tu sĩ nữ, già hay trẻ con, nam hay nữ, người tu hay không tu, sang hay hèn, giàu hay nghèo, có học thức hay thiếu học, có tôn giáo hay không tôn giáo, bình đẳng giữa các tôn giáo với nhau, dân thành thị hay nông thôn, màu da, cùng dân tộc hay khác dân tộc, loài người và thú vật, chủ và tớ, …

Người ta kêu gọi sự tự do bình đẳng, nhưng người ta không có lòng yêu thương thì sự tự do bình đẳng đó không bao giờ có. Ở Ấn Độ thời Đức Phật, Ngài đã nhận đệ tử tên Chiên Đà La là một người hốt phân thuộc giai cấp cùng đinh hạ liệt, ông Chiên Đà La đã tu chứng đạo trong vòng một tuần. Đức Phật muốn chứng minh cho những người thuộc giai cấp khác thấy ông Chiên Đà La cũng là con người như bao nhiêu người khác có thể tu chứng đạo. Ông Mahatma Gandhi cũng là một vị thánh nhân được cả Thế Giới kính mộ cũng đã từng từ bỏ hết quần áo sang giàu, chỉ mặc một chiếc áo vải bình thường, sống chung với những người dân thuộc tầng lớp cùng đinh, cho họ ở chung 1 nhà và xem như là anh em.

Bình đẳng ở đây là bình đẳng sự sống, ai có sự sống thì đều được xem như nhau. Con người vì tự xem mình là thông minh, cho nên đánh mất tình thương, không biết quí trọng sự sống của muôn loài, thường gây chiến tranh và giết hại hàng triệu loài vật hàng ngày. Họ chỉ biết lấy mạnh hiếp yếu, nhưng đâu ngờ trong vũ trụ này vẫn có bàn tay nhân quả công bằng. Bệnh tật, thiên tai động đất, sóng thần, lũ lụt, dịch bệnh, v.v… mỗi lần xảy ra đã và đang cướp đi hàng trăm ngàn sinh mệnh. Đó là những lời cảnh báo cho con người biết nên sống tôn trọng sự sống của nhau.

Chiến tranh không thể giải quyết mọi xung đột, hận thù diệt hận thù đời này không thể có, chỉ có lòng thương yêu sự sống mới xóa được hận thù mà thôi. Chỉ có mỗi con người tự giác biết sống thương yêu và quí trọng sự sống của nhau thì hòa bình mới có. Chiến tranh do con người mà ra, hòa bình chỉ có khi con người từ bỏ lòng tham lam và sân hận của mình. Đức này là đức hiếu sinh bình đẳng tôn trọng.


12/ Trong gia đình, từ những việc nhỏ đều có thể nói lên lòng yêu thương của con cái đối với cha mẹ, giữa người này với người kia. Ví dụ như: con cái phụ cha mẹ quét nhà, nấu cơm, đi chợ, giặt giũ, dọn dẹp, lau chùi, đóng khóa cửa, sửa chữa, chở đi mua đồ, sẵn sàng vui vẻ khi được sai bảo, học hành giỏi, phụ giúp kinh tế tài chánh cho gia đình, mua quà cho mọi người trong gia đình, tổ chức đi chơi, thay đổi không khí cho gia đình,...Tất cả những việc làm đó đều là đức hiếu sinh.  

13/ Đức hiếu sinh còn thể hiện qua lời nói ái ngữ, lời nói yêu thương, lời nói ngọt ngào ôn tồn, nhã nhặn, nhẹ nhàng chứa đầy tình yêu thương, sự quan tâm, an ủi, khuyến khích, khích lệ, khen ngợi,....

14/ Người có đức hiếu sinh không những luôn cung kính và tôn trọng tất cả mọi người qua lời nói và hành động, mà còn qua từng suy nghĩ. Họ luôn tư duy thiện, tư duy tích cực, tư duy những điều không làm khổ mình, khổ người và khổ các loài vật khác. Họ xem tất cả mọi người và muôn loài vạn vật là người vật tốt, là người hiền, là người thiện, là người muốn giúp đỡ mình, muốn tốt cho mình, là người đang muốn truyền dạy cho mình những kinh nghiệm hay của họ, là những người thương mình, đang lo lắng quan tâm đến mình,...

15/ Một vị lãnh đạo đất nước biết sống vì nhân dân của mình, suốt đời phục vụ cho dân, lo cho dân, biết lắng nghe dân, giúp dân luôn an tâm, giúp dân giải quyết mọi mâu thuẫn, xung đột trong đời sống, giải quyết những tệ nạn, tội phạm trong đất nước, giữ đất nước luôn bình an, không chiến tranh,...Khi dân cần thì luôn phục vụ dân, khi dân không cần thì sẵn sàng từ chức thoái vị, không tiếc nuối. Người lãnh đạo đó là người lãnh đạo vì dân, vì nước, không vì danh vì lợi. Người đó có đức hiếu sinh đa hướng.

Tóm lại, đức hiếu sinh hiện hữu khắp nơi từ cá nhân, gia đình cho đến ngoài xã hội. Ai ai trong đời đều đã từng sống với đức hiếu sinh dù là một người ác, phạm nhân hay bất kỳ ai, kể cả các loài vật cũng có đức hiếu sinh. Khi sống với đức hiếu sinh con người sẽ thấy được giá trị của sự sống trên cuộc đời này, đó là mang niềm vui và hạnh phúc đến cho người, vui trên cái vui của mọi người.

Sự trình bày ở trên chỉ là khái quát, đơn giản và căn bản. Dĩ nhiên còn hàng trăm hành động khác cũng thuộc về đức hiếu sinh. Mỗi người một hoàn cảnh sẽ có những kinh nghiệm hay về đức hiếu sinh. Kính mong các bạn chia sẻ thêm để đề tài này thêm phong phú. Kính chúc tất cả các bạn luôn sống với đức hiếu sinh.

Để hiểu rõ về đức hiếu sinh, xin mời các bạn đọc những bộ sách  về đức hiếu sinh tại đây.


Hoặc đọc tiếp bài "Đức hiếu sinh một hướng và đa hướng"

1 comment:

  1. bài này chắc là của tu sinh trong tu viện chứ ắt hẳn không phải do thầy Thông Lạc viết ra. Đoạn văn này rất dễ gây hiểu lầm cho người Phật tử làm ảnh hưởng, cụ thể nguyên văn "Cũng vậy khi một người có vợ hay chồng có bạn đời khác thì người đó cũng nên vui mừng, vì có người đem hạnh phúc và niềm vui đến cho vợ hay chồng của mình. Mình thấy vợ hay chồng của mình hạnh phúc thì mình vui chứ sao lại buồn, lại ghen tức, rồi tìm cách đánh ghen." => Điều này nếu không được nói và giải thích rõ, thì có thể hiểu đây là cổ súy cho việc sống lang chạ, quan hệ bừa bãi. Nên chú thích lại là "Mình thấy vợ hay chồng của mình vui vẻ khi có bạn" chứ không phải bạn đời mới(kiểu ngoại tình hoặc là lừa dối nhau) vì đây vi phạm vào Đức Chung thủy trong đời sống cư sĩ Phật giáo

    ReplyDelete