Wednesday, 3 April 2013

ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP 1



Đạo đức nghề nghiệp luôn đi đôi với TRÁCH NHIỆM. Trách nhiệm làm tốt những việc được giao và trong quyền hạn của mình.
Chức vị đi đôi với trách nhiệm chứ không phải quyền lực. Ai hiểu sai sẽ tự hủy hoại cuộc đời của mình, hại mình và hại người.
 
Ngoài ra TRÁCH NHIỆM của nghề nghiệp còn là PHỤC VỤ mọi người. Sống và làm viêc vì mọi người, mang niềm vui và hạnh phúc đến cho mình và mọi người, chứ không phải làm giàu. Người có đạo đức nghề nghiệp đặt quyền lợi và lợi ích của mọi người lên trên danh và lợi, không bị danh và lợi sai khiến, cám dỗ, không bị cuốn hút vào vòng xoay của thế giới của danh và lợi. Nên nhớ câu: "Làm ăn kiếm tiền không khó, khó nhất là lấy lòng người" và câu: "Hòa khí sanh tài"

 Ví dụ: trong cơ quan chính quyền quận, huyện phường, xã nhân viên phục vụ nhân dân; trên máy bay nhân viên hàng không phục vụ hành khách, trên đường phố cảnh sát giao thông phục vụ người lái xe và người đi bộ; trong tất cả cơ quan công sở hay quầy bán hàng nhân viên phục vụ khách hàng; v.v…


PHỤC VỤ luôn đi đôi với SÁNG TẠO. Sáng tạo ra những cái mới để cải thiện cuộc sống của mình và mọi người trong xã hội, giúp cho mình và mọi người bớt khổ. Ví dụ như theo báo Thanh Niên ngày 28/11/2012 có bài viết về kỹ sư Phan Đình Phương, phương châm của ông là "Sáng Tạo để làm người hạnh phúc". Khi nhìn thấy những người quét rác thâu đêm đến sáng quá cực khổ, ông đã nghĩ cách sáng tạo ra những máy quét rác thật nhanh để họ được nghĩ sớm hơn và bớt cực khổ hơn. Ngoài máy quét rác, đội ngũ của ông còn sáng tạo ra hơn 50 loại máy hữu ích khác.  Với những người trẻ khát khao sáng tạo, ông chia sẽ 5 bí quyết "đã theo ông suốt cuộc đời", đó là:
  1. Hãy nhìn bằng đôi mắt trẻ thơ, bạn sẽ mãi mãi ngạc nhiên và liên tục sáng tạo.
  2. Hãy nhạy cảm với nỗi đau, bạn sẽ sáng tạo nhân bản hơn.
  3. Hãy hỏi : Có cách nào làm tốt hơn không? Nói "không" là chặn đứng sự tiến bộ.
  4. Hãy làm ngược với cách người khác đã làm.
  5. Hãy nhớ: "Lời khen là sự khích lệ trong giây lát, lời chê mới là ân huệ lâu dài người đờiời ban tặng chúng ta!"     

Do hiểu đúng vai trò của một người đi làm là PHỤC VỤSÁNG TẠO vì mọi người, thì người đó sẽ làm đúng và tốt TRÁCH NHIỆM của mình. Chính người đó đã biết mang niềm vui và hạnh phúc đến cho mọi người và chính họ lấy niềm vui và hạnh phúc của mọi người làm niềm vui và hạnh phúc cho chính mình.



Vì khi một người biết PHỤC VỤ cho mọi người là người đó đã dẹp bỏ bản ngã của mình, không còn ỷ vào vai trò chức vụ quyền hành của mình, không còn có những hành vi hách dịch cao mạn xem thường người khác như nghĩ rằng ở đây mình là chủ, mọi người phải nghe theo mình, làm theo mình. Từ những tư tưởng sai lầm đó đã dẫn đến đánh mất vai trò và trách nhiệm PHỤC VỤ của người đi làm công, đánh mất đi đạo đức nghề nghiệp.



Đạo đức nghề nghiệp gồm những đức chính sau:

  • Đức nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng.
  • Đức thương yêu và tha thứ.
  • Đức cung kính và tôn trọng.
  • Đức bình đẳng tôn trọng.
  • Đức điềm tĩnh trước mọi lời nói và việc làm của người.
  • Đức lắng nghe, quan sát và phân tích.
  • Đức ái ngữ.


Khi hiểu rõ ý nghĩa của những đức trên thì người nhân viên sẽ làm tốt vai trò phục vụ mọi người của mình. Thời gian đầu chưa quen, người nhân viên luôn phải thầm nhắc trong đầu của mình những đức trên để khi tiếp xúc với mọi người người đó thực hiện tốt vai trò của một người phục vụ mọi người là đem niềm vui và hạnh phúc đến cho mọi người. Khi đã thấm nhuần ý nghĩa của những đức trên thì không cần nhắc nữa, lúc đó từng ý nghĩ, hành động và lời nói của người nhân viên sẽ toát ra một nét thanh cao của người có đạo đức, gương mặt luôn tươi cười, dễ gần gủi, thân thiện, lời nói ôn tồn nhẹ nhàng dịu dàng mang đến một cảm giác an toàn, phục vụ, tận tâm, thiện cảm đến với tất cả mọi người.


1) Đức nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng:

  • Nhẫn nhục là im lặng, không nói lại bất kỳ lời nói nào phản bác lại lời nói hay hành động của người khác. Chỉ cần mở lời nói là đã đánh mất đức nhẫn nhục. Trừ khi đó là lời nói xin lỗi, lời nói nhận lỗi về mình, lời nói hứa sửa sai.
  • Tùy thuận là làm theo lời nói, yêu cầu, sự mong muốn của người khác để người đó vui.
  • Bằng lòng là chấp nhận vui vẻ mọi lời nói, yêu cầu, việc làm của mọi người.

Ba đức này luôn đi chung với nhau để tạo nên một không khí vui vẻ của một môi trường đạo đức biết sống PHỤC VỤ để đem niềm vui và hạnh phúc đến cho người và cho chính mình.


2) Đức thương yêu và tha thứ. Tất cả mọi người đều muốn hạnh phúc, muốn toại nguyện, muốn đạt được những gì mình muốn, muốn có quà, muốn có đầy đủ vật chất, muốn khỏe mạnh, muốn giàu sang, muốn sống lâu, muốn người khác thương yêu và tha thứ lỗi lầm cho mình, muốn người khác tôn trọng và cung kính mình, muốn người khác nói lời nói dịu dàng, ôn tồn nhẹ nhàng với mình, muốn những điều tốt lành đến với mình,… Do vậy chúng ta hãy thương yêu tất cả mọi người bằng cách thỏa mãn những cái muốn của con người để đem niềm vui và hạnh phúc đến cho mọi người.


Do không muốn người khác đau khổ trong cuộc sống cho nên chúng ta nên cẩn thận từng lời nói của mình như:

  • Không nói cái sai, cái xấu hay cái lỗi của bất kỳ ai.
  • Không nên nói lời nói lừa gạt.
  • Không nên nói lời nói chia rẽ, ly gián ai.
  • Không nên nói xấu ai sau lưng.
  • Không nên nói lời nói dối, không thành thật.
  • Không nên hứa mà không làm.
  • Không nên có ánh mắt sân giận, thù hằn, đe dọa, hung dữ, mà ngược lại chỉ có ánh mắt thương yêu và tha thứ.
  • Miệng không ngậm lại như câm tức một điều gì hay lẩm bẩm điều gì bực bội ấm ức mà ngược lại chỉ có mĩm cười thân thiện với ước mong nói những điều làm người khác vui và đúng với ý muốn hay yêu cầu của người.
  • Không nên dùng tay, chân, gậy đánh đập người mà ngược lại chỉ có cử chỉ cung kính, tôn trọng.
  • v.v…

Chính vì thương yêu người cho nên dù ai có lỗi lầm gì chúng ta cũng bỏ qua tha thứ cho họ để tâm họ được lắng dịu xuống, yên vui. Bởi vì ta biết rằng ai cũng có lúc sai, chỉ cần ta biết chấp nhận cái sai của mọi người, tha thứ bỏ qua tất cả là ta đã biết sống thương yêu. Không vì bản ngã của mình mà muốn chứng minh mình đúng người sai. Lúc đó chúng ta phải biết áp dụng đức nhẫn nhục tùy thuận và bằng lòng ngay. Nhẫn nhục im lặng trước cái sai của người, tùy thuận qua để họ vui, nhưng không làm theo ý họ, vẫn vui vẻ để họ yên tâm.


3) Đức cung kính và tôn trọng. Ở nhà cũng như ngoài xã hội, con cái luôn biết cung kính và tôn  trọng cha mẹ. Vậy thì ở ngoài xã hội chúng ta cũng áp dụng sự cung kính và tôn trọng đó với tất cả mọi người trong xã hội, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, có học hay không học, nông dân hay dân thành thị, quan chức hay người làm công, chủ hay tớ, già hay trẻ, nam hay nữ, có tôn giáo hay không tôn giáo, cùng dân tộc hay khác dân tộc. Ai ai ta cũng cung kính và tôn trọng như cung kính và tôn trọng cha mẹ của chúng ta vậy. Đây cũng là đức bình đẳng tôn trọng.


Do biết áp dụng và hiểu đúng đạo đức nghề nghiệp thì mỗi người công dân sẽ làm tốt vai trò của chính mình là PHỤC VỤ mọi người thì đâu đâu cũng toàn là niềm vui và hạnh phúc.


Ví dụ: các cô chiêu đãi viên hàng không luôn nở nụ cười trên môi, phục vụ để đem niềm vui đến cho mọi người, luôn cung kính và tôn trọng mọi người bằng từng cử chỉ, hành động, ánh mắt, nụ cười, lời nói nhẹ nhàng không còn có những hành động cử chỉ hay ánh mắt lạnh lùng, ngã mạn xem thường mọi người, coi trọng mình, xem mình là người quan trọng nữa thì các cô đã làm tốt vai trò trách nhiệm của mình là PHỤC VỤ hành khách trên máy bay.


Trong cơ quan hành chánh quận, huyện, phường xã các quan chức phục vụ nhân dân, đáp ứng mọi yêu cầu của dân, cung cấp đủ, nhanh mọi thủ tục giấy tờ cần thiết cho dân, gương mặt luôn mĩm cười, thân thiện, gần gủi, lời nói ôn tồn, nhẹ nhàng, cử chỉ ôn hòa dịu dàng, giúp đỡ, tận tâm với nhân dân chính là những hành động nói lên tinh thần PHỤC VỤ tốt của những người đi làm đúng với một người có đạo đức nghề nghiệp.


Bởi con người ai cũng có bản ngã, khi chức vụ địa vị càng cao, lương bỗng thu nhập càng cao, quyền hành càng cao thì chính con người đó bị tâm ngã mạn lừa mình và tự xây cho mình một bản ngã xem thường người khác, lúc đó họ đã đánh mất đi vai trò trách nhiệm của một người nhân viên đi làm là PHỤC VỤ mọi người. Họ đâu có hiểu rằng họ cũng như bao nhiêu người khác cũng phải vì sự sống đi làm kiếm tiền, cũng bị bệnh tật tai nạn như bao nhiêu người khác, và cũng phải chết chứ đâu phải khi địa vị chức vụ cao, lương bỗng thu nhập cao, quyền hành cao thì họ không khổ, không bệnh tật, không tai nạn, không chết đâu.


Chức vụ, địa vị, lương bổng, thu nhập là tùy thuộc vào công việc, bởi vì mỗi công việc có nhiệm vu, nghĩa vụ và trách nhiệm riêng của công việc đó, nghĩa là mỗi công việc có độ nặng nhẹ, sử dụng chất xám, thời gian học hỏi khác nhau, nhưng không vì những chức vụ, địa vị, lương bổng hay thu nhập mà đánh mất hay quên nhiệm vụ vai trò chính của mình là PHỤC VỤ mọi người.

Ai hiểu rõ được 2 chữ PHỤC VỤ  và SÁNG TẠO này là người đó luôn hạnh phúc, người đó luôn sống vì mọi người, biết đem niềm vui và hạnh phúc đến cho người và chính họ lấy niềm vui và hạnh phúc của người làm niềm vui và hạnh phúc cho chính mình.


Mời các bạn đọc tiếp bài "Đạo đức nghề nghiệp 2"

No comments:

Post a Comment