Wednesday, 3 April 2013

Đức Nhẫn Nhục, Tùy Thuận và Bằng Lòng (2)

Tại sao chúng ta tu tập 3 đức Nhẫn Nhục Tùy Thuận và Bằng Lòng?
Bởi vì 3 đức này giúp cho mình và người chuyển hóa được nhân quả ác thành thiện. Biến đau khổ, giận hờn, lo lắng thành an vui và hành phúc.
1) Sống nhẫn nhục:

Sống nhẫn nhục rất quan trọng, nó giúp cho cuộc sống giữa người và người được hòa hợp, hòa thuận và vui lòng nhau, do đó nhẫn nhục là một đức hạnh tuyệt vời của con người.  Vậy sống như thế nào để khi nhẫn không phải là nén lòng và ức chế thân tâm?

Đa số mọi người chịu nhẫn nhục nén lòng khi thấy mình yếu kém hơn, nhỏ con hơn, yếu thế hơn, bị oan ức, bị người khác ức hiếp, thấy thiếu bình đẳng, mất tự do, thấy người khác hơn mình… Nhưng nhẫn nhục như vậy là nén lòng, tuy nhẫn nhục nhưng trong lòng vẫn bực tức, sân giận, buồn khổ, lo lắng, sợ hãi và nhớ đến nó hoài. Còn người biết sống nhẫn nhục là vì họ hiểu sống nhẫn nhục là biết thương yêu người, thương yêu mình cho nên tâm họ luôn thanh thản, an vui và hạnh phúc.

Phản ứng của người không nhẫn nhục dễ thấy nhất qua lời nói hoặc hành động. Lời nói thì chửi mắng, trách móc, nói xấu, chê bai,...Hành động thì động tay động chân đánh đá nhau, hoặc có thể dùng đến vũ khí như dao, búa, cây, súng, ... gây hại nhau, dẫn đến bị bắt, vào tù, bị đánh đập,...

Người biết sống nhẫn nhục họ biết im lặng, không đáp trả lại lời nào, không hành động gì. Vì họ hiểu rằng sống nhẫn nhục là yêu thương. Họ hiểu rằng người kia đang đau khổ, đang tạo ác pháp, đang sống trong ác pháp, đang tạo nghiệp khổ, họ đang lo lắng, sợ hãi người khác. Nếu ta sống không nhẫn nhục thì giống như dầu đổ thêm vào lửa sẽ làm cho người kia giận hơn, nóng hơn, lo lắng, sợ hãi hơn hoặc buồn hơn dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn cho họ, cho mình hoặc cho cả hai. Do biết tư duy như vậy, mình thể hiện lòng yêu thương nhẫn nhục của mình là im lặng, hoặc nhận lỗi về mình nói tiếng xin lỗi.

Người hiểu rõ quy luật nhân quả khi thấy những chuyện trái ý nghịch lòng trong cuộc sống, họ liền hiểu rằng quả ngày nay là do chính mình đã gieo nhân trong quá khứ. Nghĩa là trong quá khứ mình cũng đã làm như vậy đối với người khác, cho nên ngày nay phải nhận quả như vậy. Lỗi là của mình trước. Do thấy được lỗi mình, tự hiểu rõ nên im lặng để cơn giận, sự nóng tánh của người khác được từ từ hạ xuống (hạ hỏa), bớt lo buồn và sợ hãi,...

Hoặc khi nghe ý kiến, lời nói hoặc việc làm của người khác trái ý ta, ta cũng nên im lặng nhẫn nhục vì ta hiểu chỉ cần ta nói hoặc làm điều gì trái với ý của người kia thì sẽ làm cho họ buồn, tổn hại đến thanh danh họ, làm họ bực tức, dẫn đến tranh cãi, mất hòa khí, tình cảm sứt mẻ,... Vì biết sống yêu thương, không muốn gây tổn hại đến người khác, nên ta im lặng. 

Chính vì hiểu sống nhẫn nhục là cách sống yêu thương, cho nên tâm hồn ta luôn vui vẻ, không bị ức chế, nén lòng hoặc có bất kỳ buồn phiền nào. Sống được như vậy gọi là người có đức nhẫn nhục.

2) Sống Tùy Thuận:

Sống tùy thuận là sống theo, làm theo ý kiến, lời nói và việc làm của người khác. Đó là cách sống diệt bản ngã, diệt cái tôi, không sống theo ý của mình. Tại sao vậy?

Sống biết bỏ cái tôi đi, bỏ cái thói quen luôn cho mình đúng, luôn thấy mình hơn người, thấy mình có hiểu biết, có kinh nghiệm, do vậy thích bảo vệ ý kiến của mình, xem thường ý kiến, lời nói và việc làm của người khác. Đó là bản ngã cái tôi của con người. 

Ai sống biết diệt bản ngã, bỏ cái tôi đi thì sẽ biết sống yêu thương, biết sống đem niềm vui và hạnh phúc đến cho mọi người. Con người ai cũng bị kẹt vào cái tôi này mà đánh mất lòng thương yêu hằng ngày cả trăm ngàn cơ hội. Càng lớn tuổi thì cái tôi càng lớn, càng học nhiều, đọc nhiều, hiểu biết nhiều, có kinh nghiệm nhiều, trải đời nhiều thì cái tôi càng lớn. Không muốn lắng nghe ai, không biết nhường nhịn ai, luôn thấy lỗi người khác, ai nói trái ý mình thì lên tiếng ngay bảo vệ ý mình cho bằng được. Chính vì vậy mà đánh mất lòng thương yêu.

Nếu biết áp dụng đức tùy thuận thì chúng ta sẽ làm cho người khác vui. Đó là biết sống có thương yêu, bởi vì ai cũng muốn mình đúng, muốn người khác nghe lời mình, sống và làm theo ý mình,... Nếu như có ai đó tùy thuận, nghe theo, làm theo ý của mình thì mình sẽ vui, tâm hồn thanh thản, cuộc sống bình yên vui vẻ. Ngược lại, nếu có ai không nghe theo, làm theo ý của mình thì mình buồn, mình giận, mình lo lắng, sợ hãi, rồi tính toán đủ mọi cách để đạt được mục đích,... Do chính mình hiểu rõ mình như vậy thì người khác cũng vậy, không ai vui khi bị trái ý nghịch lòng, khi bị người khác phản đối ý kiến, hoặc khi nghe người khác nói hoặc làm trái ý của mình.

Vậy chúng ta nên sống tùy thuận theo ý kiến, lời nói và việc làm của người để người khác luôn luôn vui vẻ, lấy cái vui đó làm niềm vui cho mình. Người sống được như vậy là người có đức tùy thuận.


3) Sống bằng lòng:

Sống bằng lòng là sống luôn vui vẻ với mọi lời nói, việc làm và ý kiến của người khác, không còn cố chấp vào ý của mình là đúng nữa mà chỉ biết sống tùy thuận vào người khác. Vui vẻ vì hiểu rằng ta đã sống biết yêu thương, biết sống không làm cho người khác buồn phiền, sân giận,lo lắng hoặc sợ hãi. Người sống được như vậy gọi là người có đức bằng lòng.

Qua việc phân tích trên chúng ta đã hiểu rõ về 3 đức nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng. Bài viết này muốn đọc giả chú ý một điểm quan trọng là ba đức hạnh này khi đi chung với nhau chúng sẽ mang đến một kết quả bất ngờ. Khi chúng đi chung với nhau thì mọi nơi đều đầy tiếng cười, niềm vui và hạnh phúc. Sẽ không còn bất kỳ sự cãi cọ, tranh cãi, giận hờn, lớn tiếng, động tay động chân,.. nào nữa. Mọi người sẽ luôn sống hòa hợp, đoàn kết, yêu thương nhau, sống vì nhau, sống biết mang niềm vui và hạnh phục đến cho người khác, lấy niềm vui và hạnh phúc đó làm niềm vui và hạnh phúc cho mình.

Cấp độ thứ nhất là hiểu được sống nhẫn nhục là yêu thương. Cấp độ thứ hai là tiếp tục phát triển lòng yêu thương đó bằng cách sống tùy thuận vào ý kiến, lời nói và việc làm của người để làm người khác vui vẻ và hài lòng. Cấp độ thứ ba là ta biết sống bằng lòng nghĩa là chính chúng ta cũng vui vẻ. Khi người khác thấy chúng ta biết sống tùy thuận theo ý họ, lại còn thêm vui vẻ thì họ sẽ yên tâm tuyệt đối. Họ sẽ cũng yêu thương chúng ta nhiều hơn, lời nói của họ cũng tràn đầy yêu thương hơn đối với ta.

Còn riêng chúng ta hiểu rõ khi ta áp dụng ba đức hạnh này là muốn đem lòng yêu thương của ta đến cho mọi người, muốn thấy mọi người vui vẻ và hạnh phúc. Làm được như vậy thì lòng ta sẽ luôn hân hoan, thanh thản,...

Chúng ta đâu cần phải đi xa làm từ thiện để có được sự an vui thanh thản. Ngay chính từ cuộc sống hằng ngày, khi va chạm, giao tiếp, chung đụng với nhau,...chúng ta biết cách áp dụng ba đức hạnh nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng thì ta sẽ thấy rõ cuộc đời này ta đã sống có ích và  ý nghĩa rồi.

No comments:

Post a Comment