Wednesday, 3 April 2013

ĐỨC TĨNH GIÁC CHÁNH NIỆM

A/ Trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu danh từ tĩnh giác trước. Giác ở đây là "GIÁC NGỘ", mà GIÁC NGỘ có nghĩa là phân biệt biết rõ các pháp nào ác và các pháp nào thiện, giác ngộ ra chân lý, giác ngộ ra sự giải thoát, giác ngộ ra con đường đem đến sự giải thoát, giác ngộ ra con đường thiện, giác ngộ ra nên sống ngăn và diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện, giác ngộ ra cuộc đời này là "khổ", giác ngộ ra nguyên nhân của cái khổ là "lòng ham muốn", giác ngộ ra con đường đưa đến hạnh phúc hết khổ đau là "Bát Chánh Đạo", giác ngộ ra trạng thái hết khổ là "tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự", giác ngộ ra lý vô thường của các pháp thế gian, không có gì là ta, là của ta là bản ngã của ta, giác ngộ ra nhân quả,...

Do vậy muốn giác ngộ thì con người phải "quán xét" hoặc "suy xét", chứ không phải tự nhiên tin đại, tin bừa thiếu trí tuệ tư duy. Do quán xét hoặc suy xét những điều được nghe, được thấy đem đến lợi ích cho mình, cho người, và cho các loài chúng sinh khác cho nên tin rằng con đường này là con đường đưa đến an vui và hạnh phúc cho mình, cho người và cho muôn loài vạn vật khác.

Tĩnh ở đây là sự định tĩnh, sự bình tĩnh, sự im lặng sáng suốt.

Người có đức tĩnh giác là người luôn bình tĩnh, định tĩnh, im lặng sáng suốt luôn tư duy quán xét mọi việc có làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sinh hay không.

Còn chánh niệm là những niệm thiện, niệm thiện là niệm không làm khổ mình, khổ người và khổ các loài vật khác. Niệm theo hành động sống của các bậc thánh như đức Phật, các vị thánh tăng, của những lời Phật dạy, của giới luật, niệm sống bảo vệ và giữ gìn lý giải thoát "tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự."

Sau khi quán xét tư duy thì họ chỉ sống trong thiện pháp nghĩa là sống trong chánh niệm để đem niềm vui và hạnh phúc đến cho mình, cho người và muôn loài vạn vật. Do vậy gọi là tĩnh giác chánh niệm. Chánh niệm luôn đi sau tĩnh giác là vậy.

Trước mọi việc xảy ra trong cuộc sống, người có tĩnh giác chánh niệm luôn sáng suốt, bình tĩnh giải quyết công việc từ nhỏ đến lớn rất chu đáo, thấu suốt để không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai. Do vậy tĩnh giác chánh niệm có rất nhiều lợi ích:
 

  1.     Tĩnh giác là tỉnh thức luôn luôn sáng suốt nhận xét tất cả mọi sự việc xảy ra xung quanh chúng ta một cách đúng với chánh pháp.
  2.     Tĩnh giác là tâm an vui.
  3.     Tĩnh giác là tâm bình tĩnh trước các ác pháp và các cảm thọ luôn luôn sáng suốt quan sát từng các đối tượng (sáu trần) tiếp xúc sáu căn (mắt thấy, tai nghe…) để giúp cho người tu hành không dính mắc, nên nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng một cách dễ dàng để tâm được an lạc, thanh thản và vô sự.
  4.     Tĩnh giác là tâm sáng suốt chủ động biết rõ từng hành động thân, miệng, ý của mình trước khi làm, nghĩ và nói những cái gì.
  5.     Tĩnh giác là thiện pháp không làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai.
  6.     Tĩnh giác là thiện pháp, mà thiện pháp là chuyển ác pháp nên người tu tập tỉnh giác ít xảy ra tai nạn.
  7.     Tĩnh giác lá một pháp xuất thế gian, giúp cho con người luôn sống trong thiện pháp và chân lý giải thoát.
  8.     Tĩnh giác là một giới đức trong pháp môn QUÁN VÔ LẬU của Phật giáo nên nó có phương pháp tu tập, vì thế nó có sức gạn lọc tâm tư thanh tịnh không còn các ác pháp và trong khi tu tập nó còn có một sức bình tĩnh kỳ lạ khi đứng trước các ác pháp nó rất định tĩnh, nếu tu tập đúng đặc tướng.
  9.     Tĩnh giác chánh niệm trong kinh Phật dạy dùng sức “BÌNH TĨNH” quan sát phân biệt các pháp nào thiện để tăng trưởng và ngăn chặn, diệt trừ các pháp nào ác để “XẢ TÂM”, đó là để giúp tâm bất động trước các pháp ác; là để giúp tâm thanh thản, an lạc và vô sự; đó là để bảo vệ CHÂN LÝ nơi bất sinh bất diệt của loài người.
  10.     Tĩnh giác chánh niệm dùng để tu tập TỨ CHÁNH CẦN xả tâm phần thô.

Chúng ta hãy cùng xem vài ví dụ dưới đây về đức tĩnh giác chánh niệm:

  1.     Khi đi đường, chúng ta nên không những nhìn xuống đất mà còn phải chú ý xung quanh, lắng nghe những tiếng động xung quanh. Chứ không phải nói phòng hộ sáu căn là nhắm mắt, bịt tai, bóp mũi, bịt miệng, cột tay, cột chân hoặc không cho ý thức khởi niệm gì.
  2.     Nếu tĩnh giác thì khi đi chúng ta sẽ không vấp đá, lọt ổ gà bị té, hoặc giẫm đạp lên chúng sanh và các loài cây cỏ dưới đất.
  3.     Đồng thời nếu tĩnh giác đang đi, ta nghe tiếng đập đập phía trước thì phải nhìn xem là gì, có khi đó là một công trình xây dựng, họ đang gỡ mái nhà xuống, ta cứ lo đi nhìn xuống đất, bịt tai lại, có nghe cũng không để ý, thì khi đi ngang qua công trình, rũi không may, mái ngói rớt xuống đầu, xuống chân thì lỗi tại ai. Nếu ta có tĩnh giác thì khi ta thấy có công trình đang xây dựng, ta đã tránh xa qua đường khác đi.
  4.     Khi cầm nắm bất cứ vật gì, cũng tĩnh giác xem trên vật đó có các loài vật nhỏ côn trùng như kiến, gián,... hay không. Nếu có thì ta nhẹ nhàng đem chúng ra ngoài.
  5.     Khi để vật gì lên mặt bàn thì cũng nên tĩnh giác xem trên mặt bàn đó có các loài vật côn trùng hay không, kẻo ta để vật đó đè lên các loài chúng sanh khiến chúng bị thương hoặc chết.
  6.     Khi nằm, ngồi, đứng cũng vậy ta đều phải tĩnh giác xem xét, ở trên ghế, trên giường, dưới đất có các loài côn trùng hay không, kẻo ta vô tình là hại chúng.
  7.     Khi đi, ngoài việc nhìn xuống đất tránh giẫm đạp các loài vật, chúng ta cũng nên chú ý những vật khác ở dưới đất có khả năng gây hại cho người như đinh, vỏ chuối, dây điện treo lòng thòng từ trên xuống,... nếu có ta nên lượm đinh ốc lên, gạt vỏ chuối vào tường, dùng cây dài móc dây điện qua hướng an toàn để không chạm vào người và xe chạy ngang.
  8.     Khi lái xe 2 bánh cũng vậy, ngoài việc tĩnh giác khi lái xe nhìn ngang, dọc, đôi khi chúng ta cũng phải nhìn xuống dưới đường để tránh ổ gà, tránh đinh, ốc, và nhất là phải làm chủ tốc độ không chạy nhanh quá tốc độ cho phép.
  9.     Khi đi bộ đến ngã tư, phải nhìn tứ phía có xe không rồi hả băng qua, đừng nghĩ rằng mình là người đi bộ, tất cả xe đều phải tránh. Nếu mình lái xe, dù là mình đang trên đường ưu tiên đèn xanh, cũng phải xem xe 2 bên kia có đâm ra hay không để tránh hoặc nhường họ. Đó là người có tĩnh giác.
  10.     Khi đi hoặc lái xe ngang qua con hẻm, cũng phải tĩnh giác lắng nghe có tiếng xe chạy đâm ra hay không để tránh họ, đừng nghĩ xe phải tránh người đi bộ, hoặc xe đó phải tránh xe mình vì mình đang trên đường ưu tiên hơn.
  11.     Khi đang lái xe, muốn chuyển sang lane khác để đi thì không những phải bật đèn sang lane, mà còn phải nhìn kiếng chiếu hậu và quay đầu nhìn ra sau. Có khi xe sau đang ở tầm khuất của kính chiếu hậu thì nếu không nhìn ra sau sẽ không thấy xe đó. Đến khi chuyển lane thì mới thấy đã quá muộn, may thì không có gì nhưng sẽ bị người tài xế kia la cho một trận, hoặc mình đã làm cho họ hết hồn hết vía, sợ hãi, đó là mình đang làm khổ họ.
  12.     Khi ăn cơm nóng, uống canh hoặc nước nóng cũng phải tĩnh giác, không nên có thói quen cứ ăn, cứ uống không để ý gì đến cái nóng của cơm, canh hoặc nước, khi ăn uống xong thì đã phỏng lưỡi, phỏng miệng rồi.
  13.     Khi đang làm bếp, sắc rau, mà cứ lo nghĩ việc này việc nọ, dao cắt vào tay không hay biết, đó là do thiếu tĩnh giác.
  14.     Khi cầm thau nước gần đầy đi xuống cầu thang, thì phải tĩnh giác nhìn ngó tứ phía, xem có vật cản hay không để tránh, đồng thời nhìn thao nước có nghiêng hay không, kẻo đổ ra cầu thang, ra sàn nhà là làm khổ mình phải lau sạch nước đổ,...
  15.     Khi làm việc gì, người tĩnh giác luôn quán xét mọi việc có nằm trong khả năng của mình không, khi nào làm, ai làm, ai kiểm tra, nếu có không như ý muốn thì như thế nào, có khả năng về tài chánh hay không? mất bao nhiêu thời gian,...
  16.     Khi các pháp đến, người có tĩnh giác phải luôn quán xét xem pháp đó có phải là dục hay ác pháp hay không, có làm khổ mình, khổ người, khổ các loài vật hay không. Nếu có thì không làm, nếu khổ thì nói và làm.
  17.     Bác sĩ mổ xong mà để quên dụng cụ hoặc bông thấm máu trong người bệnh nhân là thiếu tĩnh giác.
  18.     Người thợ sửa xe, khi tháo ra có 12 con ốc, lắp lại còn dư một con là biết thiếu tĩnh giác.
  19.     Học sinh mặc dù học giỏi, làm bài kiểm tra xong, tất cả đều đúng, nhưng quên ghi tên mình lên giấy kiểm tra, cũng là thiếu tĩnh giác.
  20.     Người em gái nhờ mình rước cháu học ở nhà trẻ về dùm, chiều nay lúc 4h. Mình lo làm việc của mình quên mất chuyện đi rước cháu, để cháu một mình cuối cùng ở lại trường, làm cho bé lo, khóc. Cô giáo phải gọi điện báo cho mẹ biết, mẹ giật mình phải gọi điện về nhờ người khác đi đón. Đó là mình thiếu tĩnh giác.
  21.     Người có tĩnh giác, trước khi bước vào chùa hoặc tu viện tu tập giữ hạnh độc cư, thì phải thông suốt những gì cần thông suốt, nghĩa là đã thông suốt đường lối tu tập chưa, hiểu rõ các pháp hành chưa, khi nào áp dụng chúng, khi nào không, đã hiểu rõ chân lý giải thoát là gì chưa? Đã giải quyết chuyện gia đình chưa?... Bởi vì khi đã giữ hạnh độc cư thì không thể đọc sách tiếp duyên thưa hỏi nữa. Người chưa thông suốt sẽ tu sai, mất thời gian, có khi dẫn đến bị bệnh nhiều hơn, bị tẩu quả nhập ma,...
  22. Người có tĩnh giác luôn dùng ái ngữ, khi nói luôn nói lời thành thật, ôn tồn, nhẹ nhàng, lịch sự, không nói lớn tiếng, lời nói hung dữ, thêu dệt, lật long, ly gián chia rẻ, nói xấu, nói cái sai, cái lỗi,...của bất kỳ ai.
  23. Người có tĩnh giác làm việc gì cũng nhẹ nhàng, đặt vật gì lên bàn, vào đâu cũng nhẹ nhàng, không để lớn tiếng làm động người khác, làm họ giật mình, làm phiền mọi người vì tiếng động do mình gây ra: đi mạnh, dậm chân, lê dép, đóng cửa cái rầm, khua nồi muỗng trong bếp loang choang,... 
  24. Người có tĩnh giác khi làm việc gì đều từ tốn, chậm rãi khoan thai, nhìn trước được những nguy hiểm để tránh từ mọi việc nhỏ nhặt hằng ngày, không để bất kỳ điều gì không tốt xảy ra với mình, với người và các loài vật khác. Người có tĩnh giác chánh niệm luôn điềm đạm tư duy suy xét mọi vấn đề một cách cẩn thận, không vội vàng hấp tấp, làm ẩu.  
  25. V.v...

Mỗi ngành nghề trong cuộc sống đều cần đức tĩnh giác chánh niệm để sống không làm khổ mình, khổ người và khổ các loài vật.

Do vậy đức tĩnh giác chánh niệm rất quan trọng trong đời sống và trong đạo, chúng giúp cho con người từ si mê trở nên sáng suốt, từ thiếu cẩn thận trở nên luôn tĩnh giác, quan sát nhìn rõ mọi việc. Không vội vàng hấp tấp, bình tĩnh từ tốn giải quyết mọi việc ổn thỏa vừa lòng mọi người, không tổn thương đến ai.


B/ Trong ngũ triền cái có si triền cái là hôn trầm thùy miên, cái buồn ngủ, cái ham ngủ. Chính nó làm cho mình ngu, lười biếng, không siêng năng, làm cho mình không sáng suốt, làm cho mình không có trí tuệ, làm cho mình là người sống thiếu đức thiếu hạnh, tham ăn, tham ngủ,...

Dùng định chánh niệm tỉnh giác để phá hôn trầm thùy miên, tu định chánh niệm tỉnh giác thì phải đi kinh hành, chứ không phải ngồi yên một chổ. Đi kinh hành ở đây không có nghĩa là tập trung liên tục vào tĩnh giác đó, tĩnh giác vào bước đi của mình. Vì sức tỉnh thức của mình chỉ có 1 phút à, mà bây giờ mình đi hoài cho hết buồn ngủ, mình cứ tập trung như vậy thì ức chế nó, làm cho mình sanh loạn tưởng, tu như vậy là sai.

Do chổ tu tập không đúng cách, mình đi kinh hành, nên đi một cách thư giản của mình và mình chỉ nhắc: “cái hôn trầm này phải rời khỏi cái thân này, không được ở đây ” đi với cách không được tập trung vào bước chân đi. Chủ yếu ở đây là mình làm sao cho cái thân mình động để không buồn ngủ, và thường xuyên mình nhắc “cái hôn trầm hãy đi đi, không được ở đây”. Nhắc như vậy, nhưng mà phải đi, chứ không phải ngồi đó. Nhắc và đi, đừng tập trung vào bước chân vì sức tỉnh thức của mình chưa đủ 30 phút hoặc 1 tiếng động hồ để hết hôn trầm, ở đây mình chỉ đi tới đi lui, đi qua đi lại, có lúc mình thấy khỏe thì mình nhắc: “đi kinh hành tồi biết tôi đi kinh hành” Cứ đi, cứ động thân, miển sao phá cho sạch cái hôn trầm này.

Có lúc khi đi mình dùng định vô lậu, suy tư về tâm si, về hôn trầm thùy miên, si là ngu, là lười biếng, là làm cho mình không sáng suốt, làm cho mình không có trí tuệ, làm cho mình là người thiếu đức thiếu hạnh, tham ăn, tham ngủ, do đó phải đi, đi đến cho hết rồi mới không đi, không được nghe theo lười biếng mà nằm xuống. Ra lệnh như vậy mạnh lên, làm cho nghị lực của ta mạnh lên trên từng bước đi.

Do vậy khi chúng ta dùng pháp hướng, nhiệt tâm, tinh cần khắc phục thì cái hôn trầm thùy miên sẽ hết.

Khi bị hôn trầm thùy miên thì bỏ hết những pháp khác, chỉ lấy định chánh niệm tỉnh giác mà phá cho được hôn trầm thùy miên. 

 

Mời các bạn đọc tiếp những bài sau để hiểu rõ hơn về tĩnh giác:
1- Sự khác biệt giữ tĩnh giác, cẩn thận và tỉnh thức .
2- Sự khác biệt giữa tĩnh giác và cảnh giác.

No comments:

Post a Comment