Wednesday, 3 April 2013

ĐỨC HOAN HỶ

Danh từ "Triết lý cuộc sống" nghe sao thấy quá cao siêu, nhưng sự thật theo tôi nghĩ chúng đều rất đơn giản, bình dị, gần gủi với những đức hạnh đạo đức của con người trong cuộc sống hằng ngày, một trong những đức hạnh đó chính là sống hoan hỷ.

Hoan hỷ là chấp nhận và bằng lòng với mọi việc xảy đến, với mọi biến cố xảy ra, với mọi thay đổi biến đổi, với mọi sóng gió, khó khăn ở đời,... Khi sống biết chấp nhận và bằng lòng thì tâm luôn hoan hỷ vui vẻ lạc quan và không còn lo lắng, buồn phiền, sợ hãi hoc đau khổ nữa.

Vậy cụ thể hơn chúng ta nên hoan hỷ với những gì ?

  1.     Hoan hỷ với mọi ý kiến, lời nói, yêu cầu, sự sắp đặt, bố trí và việc làm của mọi người.
  2.     Hoan hỷ với hoàn cảnh môi trường xung quanh.
  3.     Hoan hỷ với mọi thành bại, được mất, chê khen, vui buồn trong cuộc sống.
  4.     Hoan hỷ với cuộc sống hiện tại dù giàu hay nghèo, sang hay hè, ông chủ hay người làm công.
  5.     Hoan hỷ với công việc trong hiện tại, không do đo với người, không tranh giành quyền lực, vị trí, lợi ích với ai, dù bị giáng hay được tăng chức, khi giảm hoặc tăng lương, bị đuổi hay được nhận vào làm, tâm vẫn hoan hỷ.
  6.     Hoan hỷ với những biến cố, với mọi thăng trầm, rủi may, phước họa, thiện ác, xấu tốt,... xảy ra trong đời.
  7.     Hoan hỷ với mọi lời nói chê bai, chỉ trích, nói xấu, dèm pha, nói móc, chọc ghẹo...của người.
  8.     Hoan hỷ trước mọi lời nói than phiền, trách móc của người.
  9.     Hoan hỷ với sự không vâng lời, với thái độ hổn ngược của con cái.
  10.     Hoan hỷ với những ai có hành động trái ngược ý muốn của mình.
  11.     Hoan hỷ với tất cả những bất toại nguyện, sự thất bại ở đời.
  12.     Hoan hỷ với sự chia tay, chia ly, xa cách, ...
  13.     Hoan hỷ với sự giận dữ của người khác.
  14.     Hoan hỷ trước sự thành công, sự chiến thắng, sự đoạt giải nhất, đoạt danh hiệu,... của người khác.
  15.     Hoan hỷ với mọi đau đớn của bệnh tật, sự suy yếu già nua của cơ thể, sự chuẩn bị ra đi của chính mình hoặc người thân quen lúc lâm chung.
  16.     Hoan hỷ với những việc xảy ra trong gia đình và ngoài xã hội.
  17.     Hoan hỷ với sự hoan hỷ của người.
  18.     V.v...

Khi biết sống với tâm hoan hỷ với mọi việc xảy ra ở đời thì người đó luôn có cái nhìn tích cực lạc quan, bởi vì họ biết:

  • Quán xét mọi việc xảy ra đều do nhân quả, đã gieo nhân thì chắc phải có quả ngày nay, do biết là nhân quả của chính mình, cho nên họ chấp nhận và bằng lòng với mọi việc xảy ra dù nhỏ hay lớn. Tâm họ luôn bất động thanh thản an lạc và vô sự. Do giữ được tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự cho nên dù có sóng gió, khó khăn gì họ cũng vượt qua và chuyển đổi được nhân quả của mình từ xấu thành tốt, tốt thành an vui.
  • Thông cảm với mọi người, không chủ quan phán xét, đánh giá người mà họ thường đặt mình vào vị trí của mọi người để thông cảm với họ, tin rằng với hoàn cảnh của họ, mọi người có lý do để quyết định làm những gì họ đã làm là đúng.
  • Tất cả mọi việc đều thay đổi, hoàn cảnh sẽ thay đổi, con người cũng sẽ thay đổi. Không cố chấp vào quá khứ, vào những gì đã xảy ra.
  • Luôn sống với tấm lòng yêu thương và tha thứ vô bờ bến.
  • Tin tưởng rằng mọi người là người tốt, người thiện, người lành.
  • Người biết cách chấp nhận và bằng lòng như vậy gọi là người có đức hoan hỷ.

Sống được với tấm lòng hoan hỷ thì mọi việc đều chuyển đổi theo hướng tích cực, xấu thành tốt, tốt thành an vui. Những ác pháp không thể xâm chiếm tâm hồn họ được, họ không bao giờ sống ích kỷ, oán hận, giận hờn, ghen ghét, ganh đua với ai
 -------------------------------------------------------------------------------------


Chúng ta hãy đọc câu truyện sau:

"Tác giả chuyên mục nổi tiếng Sydney Harries và một người bạn dừng chân mua báo ở một quầy bán báo, người bạn mua xong rất lịch sự nói lời “cám ơn” nhưng người chủ quầy báo thì ngược lại, mặt lạnh như tiền một tiếng cũng không mở miệng.

Hai người rời quầy báo tiếp tục đi về phía trước, Sydney Harries hỏi “ông chủ đó thái độ kỳ quái quá phải không”?Anh bạn nói “cứ mỗi buổi tối là anh ta đều như vậy cả”.

Sydney Harries lại hỏi tiếp “như vậy, tại sao bạn lại đối xử tử tế với ông ta chứ”?Người bạn trả lời: “tại sao tôi để ông ta quyết định hành vi của tôi chứ”?

Một người biết nắm chắt chìa khóa niềm vui của mình, thì người đó không đợi chờ người khác làm cho mình vui mà ngược lại mình còn có khả năng đem niềm vui đến cho người khác. Trong tâm của mỗi người đều có “chìa khóa của niềm vui”, nhưng chúng ta lại không biết nắm giữ mà đem giao cho người khác quản lí.

-Một người phụ nữ thường than phiền trách móc: “tôi sống rất buồn khổ, vì chồng tôi thường vắng nhà!”, cô ta đã đem chìa khóa niềm vui của mình đặt vào tay chồng.

-Một người mẹ khác thì nói “con trai tôi không biết nghe lời, làm cho tôi thường xuyên nổi giận!”, bà đã trao chìa khóa vui của mình vào tay con trai.

-Một vị trung niên của một công ty thở dài nói “công ty không thăng chức cho tôi, làm tinh thần tôi giảm sút,...!” anh ta lại đem chìa khóa niềm vui của cuộc đời mình nhét vào tay ông chủ.

-Bà cụ kia than thở “con dâu tôi không hiếu thuận, cuộc đời tôi sao mà khổ!”.

-Một thanh niên trẻ từ tiệm sách bước ra la lên “thái độ phục vụ của ông chủ đó thật đáng ghét, ...”

Những người này đều có một quyết định giống nhau, đó là để người khác đến khống chế tâm tình của mình. Lúc chúng ta cho phép ngừơi khác điều khiển và khống chế tinh thần chúng ta, chúng ta có cảm giác như mình là người bị hại, đối với tình huống hiện tại không có phương pháp nào khác nên trách móc và căm giận trở thành chọn lựa duy nhất của chúng ta.

Chúng ta bắt đầu trách móc người khác đồng thời chúng ta cũng truyền tải một yêu cầu là “tôi khổ như vậy là do anh/ chị/con ...và anh/ chị/con... phải chịu trách nhiệm về nổi khổ này”! Lúc đó chúng ta đem trách nhiệm trọng đại phó thác cho những người xung quanh và yêu cầu họ làm cho chúng ta vui. Chúng ta dường như thừa nhận mình không có khả năng tự chủ lấy mình, mà chỉ có thể nhờ người nào đó xếp đặt và chi phối mình.

Những người như thế làm người khác không muốn tiếp cận, nhưng nhìn mà thấy sợ. Nhưng, một người biết nắm chắt chìa khóa niềm vui của mình thì người đó không đợi chờ người khác làm cho mình vui mà ngược lại mình còn có khả năng đem niềm vui đến cho người khác. Tinh thần người đó ổn định, biết chịu trách nhiệm về chính mình không đỗ lổi cho người khác; biết làm chủ cảm xúc và biết tạo cũng như giữ được niềm vui cho chính mình, như thế thì trong cuộc sống và công việc hằng ngày người đó sẽ thảnh thơi vui vẻ không bị áp lực từ người khác.

Chìa khóa của bạn ở đâu rồi? Đang nằm trong tay người khác phải không? Hãy nhanh lên mà lấy lại bạn nhé!!! Chúc mọi người đều giữ được niềm vui."


Mời các bạn đọc tiếp bài " Đức Vượt Qua "

No comments:

Post a Comment