1/ Trong ngũ triền cái có nghi triền cái sẽ ngăn che không cho chúng ta thấy sự thật, không còn sáng suốt, không muốn tìm hiểu sự thật đúng sai, nghe theo một chiều, không biết tìm hiểu thêm, tin tưởng mê muội, thiếu lý trí, thiếu khoa học, mê tín, tin vào thế giới siêu hình, tin có linh hồn, tin có thần thánh, quỷ, ma. VD: người ta nói một số pháp môn tu tập hiện hành trong Phật giáo là mê tín, là không đúng theo lời dạy của Phật Thích Ca, mình không tin, nghi ngờ lời nói đó sai (vì các pháp môn nầy do các Thầy, Tổ truyền lại). Chỉ tin vào Thầy, Tổ mà không chịu tìm hiểu cho rõ ràng, đó là bị nghi triền cái che ngăn.
Do đó khi có người khuyên bảo mình điều gì, chỉ dạy cho mình rõ chuyện gì. Mặc dù trái ý mình, trái với sự hiểu biết của mình, trái với trong sách báo, trái với lời thầy dạy, trái với ông bà xưa dạy, chúng ta cũng không nên bỏ qua ngoài tai, không tin họ. Nên tìm hiểu rõ, nếu thấy rằng thật sự những gì người kia nói là sự thật, có lợi ích cho mình, cho nhiều người thì nên tin, còn ngược lại, không có lợi ích thì không tin. Không nên coi thường ý kiến của người khác. Ai cũng có ý tốt, nên tin tưởng mọi người.
2/Người sống với tâm không nghi ngờ là người biết mang niềm vui và hạnh phúc đến cho mình và mọi người. Người đó luôn vui vẻ, không oán hận ai. Chấp nhận mọi việc đến với mình, tin tưởng mọi người. Do vậy chúng ta hãy:
• Luôn có ý nghĩ rằng mọi người là người tốt, người thiện, người hiền, người lành, người muốn tốt cho mình, người muốn dạy cho mình điều gì, người luôn thương yêu mình. Không ai xấu cả. Đừng nghi ngờ xấu ai cả. Khi nghĩ xấu về ai, nghi ngờ ai là mình đã đánh mất lòng thương yêu. Lúc mình nghi ngờ người khác xấu là tự mình đã cho mình biết mình vẫn còn xấu. Dù ai đó xấu, mình cũng không nên nghĩ xấu về người đó hoài được. Bởi vì khi ai sai, nhận ra được cái sai và sửa thì họ đã là người tốt rồi.
Không có cái gì trên đời này là cố định cả, tất cả đều thay đổi. Do biết vậy mà mình luôn nghĩ tốt về mọi người, bây giờ họ xấu, ác, lừa đảo, lợi dụng mình, nhưng một giây sau họ có thể trở thành người tốt khi họ biết sửa sai, chỉ một giây nhận ra cái sai và quyết từ bỏ cái sai thì một giây sau người đó đã trở thành người tốt. Đức này là đức không nghi ngờ.
3/Trong gia đình dù mất một cái gì cũng không nên nghi ngờ xấu cho ai. Lựa lời mà hỏi, biết ai cần thì vui vẻ cho ngay từ cây kim, đồng hồ, cái gối, hay tờ giấy, quyển tập. Đây là đức không nghi ngờ buông xả.
4/Dù ai làm việc gì cũng không nghi ngờ, mỗi người đều có lý do và nguyên nhân để họ làm việc mà họ đang làm. Nếu họ làm sai thì tự họ sẽ sửa. Chính những cái sai sẽ giúp con người trưởng thành. Chúng ta không nên nghi ngờ nghĩ xấu về mọi người, luôn tin tưởng tất cả mọi chuyện, mọi việc sẽ tốt đẹp.
5/ Nghi ngờ người khác sẽ hại mình, hại người thân, sẽ cướp đoạt tài sản, của cải của mình hoặc của người thân của mình. Đó là trường hợp phổ biến nhất trong xã hội, kể cả người trong gia đình.
Qua đó chúng ta tự hỏi: tại sao ta lại nghi ngờ người khác? Bởi vì:
- Ta chấp vào cái thân là của mình, là mình là bản ngã của mình rồi lo lắng, sợ hãi người khác làm hại nó, xâm phạm nó. Chấp vào cái thân của những người bà con thân quen là của họ, là họ là bản ngã của họ, rồi lo lắng, sợ hãi cho họ. Khi có tâm lo lắng và sợ hãi như vậy thì nghi ngờ người khác có ý đồ hại hoặc xấu với mình và những người thân quen hoặc sẽ hại nó, đánh đập, tạt axit, giết, cho xe cán, mưu tính hại hoặc nói xấu trước mặt cũng như sau lưng, sợ bị chê bai, sợ bị oán trách, trách móc,...
- Tâm chấp vào của cải, tài sản, vật chất là của mình. Khi có tài sản, của cải, vật chất,...thì tâm sẽ lo lắng, sợ hãi người khác chiếm đoạt, trộm cướp, giết mình để lấy, lừa gạt mình, lừa dối mình,...do vậy, tâm sẽ nghi ngờ người này, người kia có ý đồ xấu đến của cải tài sản của mình..
Tóm lại, khi ta còn dính mắc vào mọi pháp thế gian thì sẽ có lo lắng và sợ hãi, khi đó ta sẽ có tâm nghi ngờ người này người kia không tốt với mình. Chỉ cần buông xuống sạch tất cả, hiểu rõ lý vô thường của mọi pháp thế gian, hiểu rõ không có gì là ta, là của ta là bản ngã của ta thì sẽ không còn lo lắng sợ hãi nữa, lúc đó tâm nghi ngờ sẽ mất. Khi ta hiểu không có gì của ta đâu thì lo lắng, sợ mất cho ai ?
Ta chỉ sống với tâm thương yêu và tha thứ rộng lớn. Xem mọi người là người tốt, người thiện, người lành, người hiền, người tốt muốn dạy cho ta điều gì hay, người thương yêu ta, người muốn mang hạnh phúc đến cho ta. Dù cho có ai có ý làm hại ta, muốn đánh đập ta, giết ta, ta cũng tự biết đó là nhân quả của mình, do lỗi của mình trước đã tạo nhân trong quá khứ, cho nên ngày nay gặt quả như vậy. Và thấy rõ mọi người vẫn còn thương yêu mình, như gương sáng của ông Phú Lâu Na.
Khi đức Phật trắc nghiệm sự chứng đạo của ông Phú Lâu Na, Đức Phật hỏi ông:
- Khi ông đến thành phố đó, người dân ở đó mắng nhiếc ông thì ông sẽ làm gì. Ông trả lời: họ mắng nhiếc con là họ còn thương con, chưa đánh con.
- Nếu như họ đánh ông, thì ông sẽ làm gì. Ông trả lời: họ đánh con là vẫn còn thương con, chưa giết con.
- Nếu như họ giết ông, thì ông sẽ làm gì. Ông trả lời: họ giết con là vẫn còn thương con, giúp con giải thoát khỏi cảnh khổ thế gian nay.
Qua đó cho ta thấy ông Phú Lâu Na không bao giờ nghi ngờ ai xấu hoặc nghĩ ai là xấu, là ác.Vì sao?
Ông không còn chấp vào cái thân là ông là của ông nữa, ông đã buông xuống sạch, ai làm gì mặc kệ, cái thân đâu phải của ông đâu mà ông lo. Ngược lại ông chỉ sống với một tâm thương yêu và tha thứ rộng lớn, luôn thấy mọi người là người tốt, người hiền, người lành, người thương yêu ông, người muốn tốt cho ông, người muốn ông hạnh phúc,.... Do vậy ông không nghi ngờ xấu về ai cả.
Tóm lại, khi hiểu các pháp thế gian là vô thường, là không có gì là ta, là của ta, là bản ngã của ta, thì ta sống buông xả sạch, không còn dính mắc vào pháp thế gian nào thì tâm sẽ không còn lo lắng, sợ hãi, phiền não, khi đó tâm sẽ không còn nghi ngờ ai, ngược lại, chỉ thương yêu người mà thôi.
Mời các bạn đọc bài này sẽ hiểu rõ hơn về tác hại của sự nghi ngờ "Bỏ Qua Oán Hờn"
No comments:
Post a Comment