Monday 10 November 2014

PHÂN BIỆT TỐT XẤU

Nếu như chúng ta từ nhỏ không được dạy như thế nào là tốt xấu thì khi ra đời chúng ta rất dễ bị nhiễm những tính xấu của đời rất nhanh, bởi vì những dục lạc thế gian như ăn uống, sắc dục, danh, lợi có sức hút cám dỗ rất mạnh, khiến cho tâm trí con người điên đảo trở nên mù quáng, không còn phân biệt tốt xấu nữa, lúc đó chúng ta trở thành nô lệ cho chúng, tìm đủ mọi cách để có được những thứ mình đang muốn, bất chấp tất cả, hại mình, hại người, mất hết nhân tính, trở nên ích kỷ, hẹp hòi, coi thường mạng sống của mình và người khác,...

Ông bà, cha mẹ hoặc người lớn thường dạy "không hại người là tốt, hại người là xấu". Đó là một câu nói chung chung, chưa thể lột tả hết và chưa đi sâu vào chi tiết. Do vậy, khi ra đời, gặp người gặp việc, đối diện với thực tế trong đời sống, chúng ta cần nhạy bén nhận ra đâu là tốt, đâu là xấu ngay.

Vậy tốt, xấu nằm ở đâu ? Tốt xấu được đức Phật chia ra làm 5 giới, 10 điều lành và 10 điều ác:


Mười điều lành và mười điều ác này thường thể hiện ở 3 nơi: thân ( tay, chân), khẩu (miệng), ý.

Ngũ giới và Mười điều lành có nhiều điểm chung gộp lại thành 11 điều gồm:

(1)   Thân có ba việc làm lành:
-          Không sát sanh, không dùng gậy, gộc, cây, dao, búa, súng hay bất kỳ vật nào làm hại người và vật.
-          Không trộm cắp, không lấy của không cho.
-          Không tà dâm

(2)     Khẩu có năm việc làm lành:
-          Không nói dối
-          Không nói thêu dệt
-          Không nói lật lọng (nói lưỡi đôi chiều)
-          Không nói lời hung ác

-          Không nên uống rượu bia, hút thuốc lá, uống coffee, chơi ma túy,...

(3)     Ý có ba việc làm lành:
-          Không tham lam
-          Không sân hận
-          Không si mê

Ngược lại với 11 điều lành là 11 điều ác: 1- Sát sanh, ăn thịt người và vật, dùng gậy, cây, dao, búa hay bất kỳ vật nào làm hại người và vật; 2: Tham lam trộm cắp, lấy của không cho; 3: Tà dâm, hãm hiếp người khác, phá hoại trinh tiết người khác, phá hoại hạnh phúc gia đình người khác, tự thủ dâm; 4: Nói dối, lường gạt người; 5: Nói thêu dệt thêm bới; chuyện không nói có chuyện có nói không; 6: Nói lật lọng; nói 2 chiều trắng thành đen, đen thành trắng; trước mặt nói như thế này, sau lưng nói thế khác, gây chia rẽ, ly gián; 7: Nói những lời hung ác, dữ tợn, hung dữ, lớn tiếng, chửi thề, xưng hô phách lối, nói oan ức cho người khác,...; 8: uống rượu bia, hút thuốc lá, ma túy, uống các chất kích thích như coffee,...; 9; tham lam; 10: sân giận; 11: Si mê, mê mờ không hiểu rõ đâu là tốt xấu,...

Để hiểu rõ thêm về 10 điều lành, chúng ta nên đọc quyển sách "Sống mười điều lành" tại đây.

Ngoài hiểu rõ mười điều lành trên, chúng ta cũng nghiên cứu thêm "Những lời nên và không nên nói" tại đây.

Tóm tắt ngắn gọn lại của việc sống tốt là sống thiện, sống thiện được định nghĩa là sống không làm khổ mình, khổ người và khổ các loài vật khác. Ngược lại, sống xấu là sống ác, nghĩa là sống mang đau khổ đến cho mình, cho người và cho các loài vật khác. 

Chỉ cần trước khi làm hay nói điều gì, chúng ta tư duy suy nghĩ xem lời nói và việc làm đó có đem đau khổ đến cho mình, cho người và cho các loài vạn vật khác hay không. Nếu không thì chúng ta mới nói và làm,  còn nếu có làm khổ ai thì dứt khoát không nói và làm.

Trong 11 điều thiện trên, mỗi một điều là một đức hạnh của con người. Ví dụ: không sát sanh nói về đức hiếu sinh, không tham lam trộm cắp nói về đức buông xả, không tà dâm nói về đức gia đình chung thủy, không nói dối nói về đức thành thật, không uống rượu bia nói về đức minh mẫn,...

Người sống thiện là những người tốt, người sống ác là những người xấu. Tiêu chuẩn tốt xấu đã được phân tích rõ ràng. Ngoài ra mỗi một hành động tốt đều mang theo những đức hạnh tốt như đã nói ở trên và còn vô số những đức hạnh cần biết như đức tha thứ, đức khiêm tốn, đức bố thí, đức chia sẻ, đức cung kính và tôn trọng, đức trân trọng, đức nhìn lỗi mình, đức giác ngộ, đức không ích kỷ, đức vệ sinh, đức cẩn thận an toàn giao thông, đức tĩnh giác, đức nhường nhịn, đức quan tâm, đức trách nhiệm, đức nghề nghiệp, ...

Tóm lại, tốt xấu đều có tiêu chuẩn rõ ràng, không thể hiểu chung chung hoặc sơ sài được. Có hiểu rõ thì chúng ta mới không phạm phải những tính xấu, có hiểu rõ thì chúng ta mới rèn luyện mình thành người tốt, có hiểu rõ thì mới phân biệt được tốt xấu trong cuộc sống, phân biệt được người tốt và người xấu. Cha mẹ và người lớn cần dạy rõ cho trẻ em những tiêu chuẩn phân biệt tốt xấu để giúp đường đời của các em sau này không phải vấp ngã vào đường xấu.