Saturday, 18 May 2013

CÁCH HÓA GIẢI HẬN THÙ

Có rất nhiều cách hóa giải hận thù. Hận thù làm cho con người tức giận và muốn trả thù. Hận thù làm cho con người mất đi lòng thương yêu, làm con người hao tốn năng lượng kể cả về tinh thần lẫn thể xác. Chính vì nuôi lòng thù hận, sự lo lắng, buồn phiền, sự bất toại nguyện, sự không bằng lòng mà con người dễ bệnh và đánh mất chính mình từ suy nghĩ, lời nói cho đến hành động dẫn đến làm khổ chính mình, làm khổ người và làm khổ muôn loài vạn vật khác.

  1. Cách 1: Quán Nhân Quả:
Quán nhân quả là nhìn mọi việc với đôi mắt nhân quả. Tất cả mọi việc xảy ra đều có nhân của nó. Do chính mình đã gieo nhân hại người, lừa gạt người, dối người mà ngày nay mình lại bị quả có người hại, lừa gạt hay dối mình. Do biết quán xét như vậy, mình biết lỗi của mình cho nên tự hứa không hại người, lừa gạt người hay dối người nữa và biết chấp nhận nhân quả xảy ra hằng ngày, không thù hận ai, chỉ biết tha thứ cho người hại, lừa gạt hay dối mình. Bởi vì chỉ có tha thứ mới chuyển đối được nhân quả, chỉ có tha thứ mới chuyển thù thành bạn, chỉ có tha thứ mới làm cho tâm hồn chúng ta thanh thản, an vui và vô sự, chỉ có tha thứ mới đem lại hạnh phúc thật sự cho cuộc đời này.

Có lúc chúng ta suy nghĩ rằng mình có bao giờ hại, lừa gạt hay dối người đó đâu mà sao mình lại bị người đó hại, lừa gạt hay dối gạt? Thưa không, nhân quả rất công bằng, không phải là mình chưa hại, lừa gạt hay dối người đó. Trong cuộc đời chỉ cần mình đã từng gieo nhân sống không thành thật, dối gạt, hay hại bất kỳ ai thì mình sẽ bị quả có người khác lừa gạt, dối gạt hay hại mình. Chính mỗi lần chúng ta gieo nhân xấu là chính chúng ta đã phát ra môi trường một từ trường ác, chính từ trường ác đó sẽ tương ưng với những người có từ trường ác có tính hãm hại, lừa gạt hay dối người.

Chính từ trường ác của mỗi chúng ta sẽ giao cảm tương ưng với hàng chục hàng trăm người khác để bị quả báo. Do vậy chỉ cần chúng ta gieo một nhân ác thì không phải chúng ta chỉ bị một quả xấu, mà là rất nhiều quả ác. Giống như đối với cây thực vật, khi con người gieo một hạt giống xuống đất, khi hạt giống đó nảy mầm, lớn thành cây, đơm hoa kết trái, cây đó có rất nhiều trái. Một nhân sanh nhiều quả là quy luật của tự nhiên.

Có khi chúng ta nghĩ rằng, đúng là trong cuộc sống có lúc chúng ta chỉ hãm hại, lừa gạt hay dối người một chút nhỏ, không đáng để lo, không ảnh hưởng gì nhưng tại sao chính chúng ta lại bị hãm hại, lừa gạt hay bị lừa dối thảm hại đến như vậy? Cũng giống như hạt và quả của cây thực vật, có hạt và quả nào là đồng lượng đâu, ai cũng muốn khi gieo một hạt nhỏ xuống đất thì có quả to. Quả có khi nặng gắp rất nhiều lần hạt. Nhân quả con người cũng vậy, chỉ cần gieo một nhân nhỏ, chúng ta phải bị chịu trả quả rất nặng nề và thảm khóc.

Do hiểu rõ những đặc tính của nhân quả như vậy, chúng ta hãy chấp nhận nhân quả hiện tại. Hãy luôn thương yêu và tha thứ cho tất cả mọi người làm hại đến ta, không nên giữ lòng thù hận mà lại làm khổ chính mình và người nữa. Chính tha thứ sẽ chuyển quả mọi nhân quả xấu ác thành nhân quả thiện, chính tha thứ sẽ chuyển đổi cuộc đời của con người từ đau khổ thành hạnh phúc.

  1. Cách 2: Quán tâm Từ:
Người quán tâm từ là người luôn sống với lòng thương yêu chân thật giống như một người mẹ thương yêu con cái, dù là con cái phạm tội lỗi gì người mẹ vẫn thương yêu và tha thứ bỏ qua tất cả mọi lỗi lầm của con cái.

Do hiểu rõ cuộc sống của con người phải bôn ba kiếm sống từng chén cơm manh áo, chật vật suốt cả ngày. Người sống với lòng thương yêu chân thật là người không màng danh lợi, buông xả tất cả, đã từ bỏ mọi bản ngã. Do vậy dù ai gây hại gì cho mình, kể cả đánh đập hay giết mình người đó đều thương yêu và tha thứ. Họ không tiếc bỏ một vật gì, không bao giờ coi vật gì là của mình, ai là của mình, không chiếm hữu ai, tôn trọng mọi việc làm của người khác.

Dù cho ai hãm hại, lừa gạt hay lừa dối, người có tâm từ đều thương yêu vì họ nghĩ rằng những người kia đều vì sự sống để lừa gạt, để dối trá, để hạm hại.

Tóm lại người sống với tâm từ có lòng thương yêu rộng lớn, bao phủ tất cả như lòng thương yêu của một người mẹ, không phân biệt thân sơ, không phân biệt loài vật hay người, họ không bao giờ muốn hại ai, phạt ai, kiện ai. Tâm họ chỉ có lòng thương yêu đa hướng rộng lớn. Chính vì vậy mà họ có thể tha thứ cho tất cả mọi ai làm hại đến họ dễ dàng.

  1. Cách 3: Quán tâm Bi:
Quán tâm bi là quán sự đau khổ của người khác để từ đó phát sinh ra lòng thương yêu của chúng ta. Giống như khi chúng ta thấy những người nghèo khổ, chúng ta liền muốn giúp đỡ, bố thí tiền bạc, v.v…Quán tâm bi chính là vậy.

Người hãm hại, lừa gạt hay dối mình là người đã tạo nghiệp xấu, chính vì họ tạo nghiệp ác thì họ sẽ phải chịu hàng chục, hàng trăm quả báo xấu và nặng gắp chục trăm lần những gì họ đã gây cho người khác. Khi tư duy đến đây chúng ta sẽ thấy rõ những sự đau khổ của họ trong tương lai mà thương yêu họ.

Đồng thời chúng ta cũng phải biết thương yêu chúng ta nữa. Bởi vì khi chúng ta bị hại, bị lừa gạt hay bị lừa dối, chúng ta nghĩ đến trả thù là chúng ta đã tự gieo thêm nhân xấu cho chính mình, chính vì lại gieo thêm nhân xấu thì phải bị gặt những quả xấu trong tương lại, khiến cho cuộc đời của chúng ta hết đau khổ này chồng lên những đau khổ khác.

Khi chúng ta trả thù thì người khác lại tìm cách hãm hại mình nữa, oan oan tương báo lúc nào mới chấm dứt, nhân quả ác chồng chất lên, chưa trả hết cái này lại bị cái khác chồng lên biết chừng nào mới trả xong hết những nghiệp ác cũ.

Hiểu rõ như vậy thì chúng ta hãy chấm dứt gieo những nhân hận thù, đó là cách giúp chúng ta tạo cuộc sống an vui, là cách giúp cho người khác không tạo thêm nhân quả ác nữa. Đó là cách quán tâm bi, đó là cách biết sống thương yêu chính mình và thương yêu người.

  1. Cách 4: Quán tâm Hỷ:
Chấp nhận vui vẻ mọi việc xảy ra hoặc xảy đến với mình.  Luôn tư duy tích cực, lạc quan để luôn sống vui vẻ. Ở đời chuyện thị phi rất nhiều, tốt xấu, đúng sai, phải trái, vui buồn, giàu nghèo, khen chê, thiện ác, chánh tà đều có đủ. Nhưng cái chính không phải ở những gì xảy ra bên ngoài, mà ở trong lòng người. Cái quan trọng là thái độ của chúng ta trước mọi việc. Chúng ta phải tự hỏi: tâm chúng ta có bất động trước mọi việc xảy ra hay không hay còn bị dính mắc ?

Chuyện đời tốt xấu, đúng sai, phải trái, khen chê, vui buồn, thiện ác,... là những chuyện tự nhiên trong cuộc sống. Nhưng đứng trước mọi việc như vậy mà tâm của chúng ta bất động, luôn làm chủ tâm mình, tâm luôn hướng thiện, không bị dính mắc vào những gì xảy ra thì lúc đó tâm sẽ luôn vui vẻ, an vui.

Chỉ vì con người còn bị dính mắc vào những chuyện đúng sai, phải trái, tốt xấu, thiện ác mà luôn cảm thấy buồn khổ, thấy lỗi của người khác, thấy đời bất công, thấy người khác xấu ác,...Ngược lại, người không bị dính mắc thì tâm hồn họ luôn bất động thanh thản, an lạc và vô sự. Ai sống sao, làm gì mặc kệ. Cái quan trọng là mình sống như thế nào? Mình có sống thiện hay không? Có đối xử tốt với mọi người hay không? Có sống yêu thương và tha thứ hay không? Có sống nhường nhịn hay không? Có sống cung kính và tôn trọng, đối xử bình đẳng với mọi người hay không?...

  1. Cách 5: Quán tâm Xả:
Khi tâm không còn nghĩ đến giận hờn hay thù hận ai nữa một cách thanh thản thì đã biết rằng đã buông xả tất cả. Người sống với tâm xả luôn chấp nhận tất cả mọi việc đến với tâm diệt ngã, buông xả, luôn nghĩ mọi người là người tốt, người thiện người lành. Không bao giờ nghi ngờ ai, nghĩ xấu về ai. Luôn tin tưởng mọi người. Dù ai hại mình họ đều nghĩ người đó đều đang giúp mình, đang thương yêu mình, đang tạo điều kiện tốt cho mình.

  1. Cách 6: Chỉ nhìn lỗi mình, không nhìn lỗi người.
Người biết nhìn lỗi mình là người biết quán nhân quả, lỗi do mình đã tạo nhân xấu trong quá khứ cho nên ngày nay bị người khác hãm hại, lừa gạt hay dối trá với mình.
Chỉ cần luôn thấy lỗi mình thì sẽ luôn thương yêu và tha thứ cho người hại mình.

  1. Cách 7: Quán vô thường:
Là cách quán mọi việc trên đời này đều bất biến, không cố định, luôn thay đổi. Gọi là quán vô thường.

Dù ai làm hại mình, dối gạt mình hay lừa gạt mình thì sau này người đó cũng thay đổi, trở nên người tốt, người thiện. Do vậy hãy thương yêu và tha thứ cho mọi người, đừng giữ trong lòng những điều xấu về họ nữa.

Ai nhìn đời bằng con mắt nhân quả hay duyên hợp thì sẽ hiểu rõ mọi pháp đều vô thường. Khi tâm thực sự thấm nhuần lý vô thường này thì tâm sẽ luôn bất động thanh thản an lạc và vô sự.

Tóm lại, có rất nhiều phương pháp để có thể sống trong thương yêu và tha thứ, mỗi người trong cuộc sống sẽ tự chọn cho mình một hoặc vài phương pháp thích hợp tùy hoàn cảnh, tâm trạng của mình. Miễn sao phương pháp đó giúp cho chính người đó không sống trong thù hận, sân giận hay ghen tức. Những cách trên là những cách hợp với tác giả bài viết. Mong rằng tất cả bạn đọc chia sẻ những phương pháp riêng của chính các bạn để tác gia được học hỏi thêm, nhằm giúp cho cuộc đời này thêm nhiều niềm vui và hạnh phúc, loại bỏ mọi thù hận, tức giận và ganh ghét.


Mời các bạn đọc tiếp những bài sau:
1- Tri kiến nhân quả
2- Tính chất nhân quả


Thursday, 9 May 2013

ĐỨC HIẾU SINH MỘT HƯỚNG và ĐA HƯỚNG

Tình yêu thương một hướng hay đa hướng đều gọi là đức hiếu sinh. Trong  đức hiếu sinh một hướng vẫn còn có sự khổ đau, hoặc khổ mình, hoặc  khổ người, hoặc khổ các loài vật. Còn đức hiếu sinh đa hướng thì không  có sự khổ đau nào.

I/ Trong ba điều kiện của đạo đức nhân bản - nhân quả: 1- không làm khổ mình, 2- khổ người và 3- khổ chúng sinh. Người sống với đức hiếu sinh một hướng là người chỉ biết thỏa mãn lòng yêu thương 1 hoặc 2 đối tượng ở trên, không để ý đến tính mạng và cảm nhận của những đối tượng còn lại, do vậy vẫn còn có sự đau khổ. Họ không nghĩ đến tác hại của lòng yêu thương đó có mang nguy hiểm đến cho chính mình, cho người hoặc cho các loài vật khác hay không. Họ không cần biết đến người khác hoặc các loài  vật khác nghĩ gì, có thích hay không, không thích cái gì, có muốn hay không,  không muốn cái gì, có lo lắng, sợ hãi điều gì, có quan tâm điều gì hay không. Họ chỉ biết  thỏa mãn lòng yêu thương của họ, bắt người khác, hoặc các loài vật khác làm theo, tuân theo ý của họ. Do vậy, mà có khi chính họ, hoặc người khác hoặc các loài vật khác vẫn bị đau khổ.


II/ Người sống với Đức hiếu sinh đa hướng là người không chỉ biết yêu thương mình, thương người và các loài vật khác, mà còn biết nghĩ đến cảm nhận của người khác, biết nghĩ đến hậu quả của việc làm của mình có làm khổ mình, khổ ai hoặc các loài vật khác hay không. Do có tư duy suy xét thấu đáo, người có đức hiếu sinh đa hướng không bao giờ làm mình, người khác hoặc các loài vật nào buồn khổ cả. Chính họ đã biết đem niềm vui và hạnh phúc đến cho mọi người và các loài vật, lấy niềm vui đó làm niềm vui cho chính mình.

Ví dụ:

1- Mình bắt một con rùa về nuôi, thương yêu nó, nhưng con rùa vẫn buồn  rầu, vì suốt ngày bị nhốt trong lồng, trong ao, không tự do như trước đây.  Tương tự, đối với cá, chim, tắt kè, gà, vịt, chó, bò và tất cả các loài vật khác khi bị bắt về nhốt trong lồng, trong chậu, trong hồ, trong ao, trong chuồn, bị cột, bị xích,...đều bị mất tự do, chúng rất đau khổ. Nhiều người thích  nuôi chim, thích nghe chim hót. Có ai nghĩ rằng chúng đang sầu não, cất  tiếng hót bi thương ngục tù, tiếng hót nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ con cái, nhớ cha mẹ hay không !? Đó là đức hiếu sinh một hướng.

- Người sống với Đức hiếu sinh đa hướng không bao giờ bắt loài vật nào về nuôi, họ biết tôn trọng sự sống của các loài vật, tôn trọng sự tự do của chúng.

2- Trong gia đình, cha mẹ rất yêu thương con cái, anh chị yêu thương em, nhưng đôi khi lòng yêu thương đó chỉ có một chiều, không hề nghĩ đến cảm nhận của con cái hoặc em mình như:

   - Muốn con cái mình học giỏi, bắt con cái học từ sáng đến tối, không cho chúng có thời gian đi chơi, thư giản, học suốt tuần, thứ bảy chú nhật cũng đăng ký cho con học thêm tiếng Anh, tiếng Hoa,...Lo sợ con cái học dỡ hơn người khác.
   - Khi biết con mình có người yêu thì cấm đoán, chê bai  người yêu của con mình xấu, không học thức, không danh vọng, không nghề nghiệp, không tải sản, ăn nói quê mùa, có gia đình nghèo không tiếng tăm, ở xa tít ở vùng nào đó không ai biết,...
   - Khi biết con mình có người yêu thì đi xem tuổi có hợp nhau hay không, nếu không hợp thì khuyên chúng bỏ nhau. Nếu mình thích và thấy ai đó hợp với con mình thì làm mai mối cho con mình, khuyến khích chúng cưới nhau, kể cả khi biết con mình không yêu thích gì người mai mối kia, cũng cố ép.
   - Muốn con mình học những ngành mà con mình không thích, như con mình thích học ngành kế toán, thì bắt con mình học ngành bác sĩ,...
   - Nghe nói chơi trò chơi điện tử sẽ hại con trẻ, về nhà không cho con mình chơi game nữa.
   - Sợ con cái còn nhỏ ra ngoài chơi sẽ bắt chước tính xấu của trẻ em khác, liền cấm không cho con ra ngoài, suốt ngày nhốt trong nhà như tù ngục.
   - Con cái không nghe lời thì la mắng, đánh đập, phạt, cột, treo lên,...
   - Chiều chuộng con cái, cho chúng nhiều tiền xài, ăn chơi, sanh tật đua đòi, sắm sửa cho con cái những thứ mắt tiền, khoe của cải cho con cái biết cha mẹ giàu có,...

Đó là tình yêu thương một hướng.

- Còn người sống với Đức hiếu sinh đa hướng không bao giờ áp đặt, bắt buộc, ép buộc con cái hoặc em mình làm theo những gì mình muốn, mình thích. Luôn tôn trọng ý kiến, việc làm của con cái và em mình. Cụ thể như.

- Không bắt con cái học suốt ngày, suốt tuần, khuyến khích con cái tự học, tự lên kế hoạch thời gian nào học, thời gian nào chơi, thời gian nào coi phim, thời gian nào phụ việc nhà,...
- Không bao giờ đánh đập, phạt con. Nếu con cái không nghe lời thì chỉ phạt bằng cách bắt con làm bài tập, ngồi đó đọc sách đạo đức, tự suy ngẫm về những hành động đạo đức, suy ngẫm về những hành động của mình có làm cho mình khổ, người khác hoặc các loài vật khác khổ không?
- Nếu con cái yêu thương người nào thì cũng đồng ý, miễn sao con cái thấy hạnh phúc là được. Không bao giờ chê bai người yêu của con mình hoặc gia đình của nó.
- Không phá hoại hạnh phúc của con cái mình bằng những việc mê tín dị đoan như xem tuổi của 2 đứa. Không làm mai mối cho con cái mình với bất kỳ ai, nếu như chúng không thích.
- Không chìu chuộng con cái, không nên tập cho chúng xài tiền lớn, dạy cho chúng biết quý từng đồng, từng cắt, biết tiết kiệm, biết quý trọng sức lao động làm ra từng đồng tiền, dạy cho chúng biết cha mẹ rất khổ cực làm ra từng đồng tiền, dạy cho chúng biết chia sẻ những gì chúng có cho những bạn thiếu may mắn hơn chúng, dạy cho chúng đạo đức làm người...

3- Trong gia đình vì phải lo cuộc sống cho cả gia đình, cha mẹ hoặc anh chị phải làm đủ mọi nghề để kiếm sống, chỉ cần biết kiếm tiền, họ đã vô tình làm những nghề ác như: săn bắn, chài lưới, buôn bán thịt sống, thịt chết, buôn bán rượu, buôn bán ngườinhững nghề khác phục vụ hoặc gián tiếp cho 6 nghề ở trên. Chính vì vậy họ tự tạo thêm nghiệp khổ cho họ. Họ nuôi sống con cái và em bằng cách cho ăn thịt động vật, thì lại tạo thêm nghiệp khổ cho con cái và em họ. Khi có ai trong nhà bị bệnh, thì họ cũng dùng thịt động vật bồi bổ cho người bệnh, chính vì vậy chính họ và người bệnh lại bị khổ chồng khổ do cứ huân tập nghiệp sát sanh. Tình yêu thương đó chỉ là tình yêu thương một hướng.

- Người sống với Đức hiếu sinh đa hướng không bao giờ làm những nghề ác, họ không bao giờ ăn thịt và giết hại các loài vật làm thức ăn cho mình. Do vậy họ không có bệnh hoặc rất ít bệnh, bệnh nặng cũng trở thành bệnh nhẹ, và bệnh nhẹ thì mau hết.

4- Có gia đình trọng nam khinh nữ, có gia đình cha mẹ thương người này nhiều hơn người kia, cho nên đến khi chia tài sản gia đình cho con cái thì cha mẹ chia cho đa con được thương nhiều hơn hoặc chia cho con trai nhiều hơn con gái. Dẫn đến anh em bất hòa. Đó là những cảnh của lòng yêu thương một hướng.

- Người có lòng yêu thương đa hướng thì sẽ yêu thương các con bình đẳng như nhau, không trọng nam khinh n. Khi chia sẻ tài sản cũng bình đẳng như nhau, không ai nhiều hơn ai. 

5- Trong xã hội có rất nhiều trường hợp như:

    Trong Cty xí nghiệp, người chủ là những người tạo công ăn việc làm cho mọi người, nhưng bắt nhân viên của mình làm việc quá 8 tiếng, bắt làm những việc mà họ không thích, không phải chuyên môn của họ, không biết lắng nghe những đóng góp ý kiến của họ, ai làm trái ý, làm sai thì trừ lương, đuổi việc.
  
   Đối với chính quyền thì người lãnh đạo là người phải có tấm lòng thương yêu dân, nhưng lại không biết nghe ý kiến của dân, độc quyền, độc đoán, không cần biết dân kêu oan vấn đề gì, không giải quyết khiếu nại của dân, không tôn trọng quyền dân chủ, không tôn trọng tự do tôn giáo, tự do báo chí, không có nhân quyền. Luôn áp đặt, bắt bớ, phạt, giam những ai chống đối lại đường lối lãnh đạo của họ. Từ đó dẫn đến khởi nghĩa, nổi dậy, biểu tình, nội chiến khắp nơi. Không nhận thức rõ vai trò lãnh đạo là phục vụ dân, lo cho dân, lắng nghe dân, giúp dân yên ổn, ấm no, giúp dân giải quyết mọi tranh chấp, khiếu nai,...ngược lại chỉ biết áp đặt, khi làm sai thì không biết nhận lỗi, không biết thấy xấu hổ từ chức. Đó là người lãnh đạo vì danh vì lợi chứ không phải vì dân.  

Đó là tình yêu thương một hướng.

- Người sống với Đức hiếu sinh đa hướng khi làm lãnh đạo hoặc người quản lý dù là trong Cty xí nghiệp, hoặc các đoàn thể, tập thể, hội chúng, chùa, tu viện hoặc đối với chính quyền nhà nước, họ không chỉ là người biết yêu thương nhân viên, yêu thương hội viên, tín đồ, tu sinh, yêu thương dân, lo cho dân, phục vụ dân, mà còn phải không độc quyền độc đoán, không áp đặt. Họ biết lắng nghe ý kiến của nhân viên, hội viên, tín đồ, tu sinh, dân của mình; giải quyết những chuyện oan ức cho họ. Tôn trọng nhân quyền, tự do tôn giáo của mọi người dân, tự do báo chí, tự do ngôn luận, dân chủ. Người lãnh đạo một đất nước là người phải biết hiểu rõ dân của mình muốn gì, cần gì, lo lắng điều gì, sợ hãi điều gì. Chính sự tự do báo chí và ngôn luận là những đầu mối, nguồn thông tin quan trọng để hiểu rõ dân, biết dân đang lo lắng, sợ hãi, bất an điều gì hoặc có những thông tin về những tệ nạn tham ô, tham nhũng, hối lộ trong bộ máy quản lý ở đâu đó hoặc những thông tin về những tội ác, tội phạm trong đất nước, từ đó người lãnh đạo đưa ra cách giải quyết sớm nhất để giúp cho dân, giúp cho đất nước được bình an vô sự... Chứ đâu có nhà lãnh đạo nào có đủ thời gian đi thị sát từng nhà, từng khu phố, từng địa phương. Thời phong kiến chưa có báo chí, cho nên vua, quan đi thị sát dân là đúng, nhưng cũng đâu có đi thị sát hết được, đi bên đông thì bên tây làm loạn, đi bên tây thì bên đông tham nhũng,... không sao giải quyết hết được. Ngày nay nhờ có báo chí, internet và các cơ quan truyền thông khác như TV, radio,...mọi thông tin đến từ khắp thế giới rất nhanh, chính xác và đầy đủ. Người lãnh đạo chỉ cần ngồi một chổ lắng nghe từ nhiều nguồn khác nhau, so sánh, tổng kết lại, tìm cách giải quyết và xử lý kịp thời. Có làm được như vậy thì dân sẽ an, không còn biểu tình, nổi dậy, khởi nghĩa, nội chiến nữa. Kể cả khi dân muốn mình từ chức thì mình phải tự ý từ chức. Ở Nhật Bản, các vị thủ tướng khi cảm thấy bất tài, không lo được cho dân để nhà máy điện hạt nhân bị rò rĩ chất phóng xạ, đã làm đơn xin từ chức ngay. Đó là những người lãnh đạo vì dân vì nước, chứ không phải vì danh vì lợi.
6- Vào bất kỳ nơi nào dù là trong chùa, tu viện hay tập thể, tổ chức nào cũng vậy. Ở đâu cũng có những khiếm khuyết, ở đâu cũng có những người lãnh đạo, quản lý thiếu kinh nghiệm, ở đâu cũng có cái sai và thiếu xót. Ai ai cũng có lúc sai phạm hoặc thiếu xót điều gì đó, nhưng nếu ta thấy được điều sai, điều xấu, hoặc cái lỗi nào của ai, rồi ta góp ý hoặc nhắc cho họ biết thì chưa chắc là giúp họ, mình tưởng mình thương họ, mình nhắc cho họ, ai ngờ đâu họ bị tự ái, họ lại càng giận, càng ghét mình thêm, càng tránh xa mình hơn. Khi mình thấy vậy, thì mình hối hận vì đã bị hiểu lầm "làm ơn mắc oán", rồi bực tức sanh ra đi nói xấu người kia, nói với người khác mình có tâm tốt muốn giúp họ, ai ngờ lại bị ghét thêm. Đó là người có lòng yêu thương một hướng.

- Người có đức hiếu sinh đa hướng, họ không bao giờ nói cái sai, cái lỗi, cái xấu của bất kỳ ai trước mặt lẫn sau lưng. Họ chỉ nói hoặc góp ý khi có người nhờ góp ý hoặc nhờ chỉ lỗi dùm. Vì khi đó, nói ra không làm ai buồn phiền, sân giận, và mình cũng cảm thấy là giúp được người chứ không phải hại họ.

 7-  Một người thấy 5 em bé rơi xuống sông sắp chết đuối, anh ta nhảy xuống cứu được 4 em. Đến em cuối cùng, sức lực của anh đã cạn kiệt, nhưng vì lòng yêu thương, anh ta cố nhảy xuống, không những không cứu được mà anh cũng bỏ mạng luôn. Đó là lòng yêu thương một hướng.

- Người có đức hiếu sinh đa hướng, đối với việc cứu người, phải tùy theo sức của mình, nếu mình thấy mình không có khả năng thì nên nghĩ cách khác hoặc nhờ người khác cứu.
 

8- Trong lịch sử có những giai đoạn người giàu bóc lột người nghèo, từ đó những anh hùng rơm xuất hiện, vì thương người nghèo, họ đã trở thành tướng cướp, cướp của người giàu chia cho người nghèo. Dù đó là hành động giúp người, nhưng vẫn mang tội ăn cướp, khi bị bắt vẫn phải bị treo cổ, tống giam hoặc giết chết. Còn người nhận tiền ăn cướp thì cũng phải bị phạt, bị đánh, bị đối xử tệ hơn. Đó là lòng yêu thương một hướng.

- Người có đức hiếu sinh đa hướng, muốn làm anh hùng rơm cứu giúp người nghèo thì nên làm những việc thiện như tự mình buôn bán kiếm tiền, có tiền rồi thì giúp ai cũng được, vì lúc đó mình giúp người bằng đồng tiền trong sạch. Có như vậy thì không bao giờ làm khổ mình, khổ người.
 

9- Đất nước Mỹ là một đất nước rất mạnh về quân sự và quyền lực trên quốc tế. Do vậy chính quyền Mỹ rất thích can thiệp vào mọi đất nước khác trên thế giới với ý là diệt trừ những nhà lãnh đạo độc tài, độc quyền độc đoán, tham ô, tham nhũng, tiêu diệt những tổ chức khủng bố,.... Tạo ra chiến tranh ở các nước khác như ở Iraq, Afghanistan,..., làm bao gia đình cửa mất nhà ta, người thân ly tán nhau. Từ đó làm cho nhiều người, các tổ chức và các nước khác không thích, dẫn đến khủng bố đối với dân Mỹ và trên đất nước Mỹ, làm người dân Mỹ lo lắng bất an. Chiến tranh thì hao tốn quá nhiều tiền đóng thuế của người dân Mỹ.  Đó là lòng yêu thương một hướng.

- Nếu các nhà lãnh đạo Mỹ có đức hiếu sinh đa hướng, nên chấm dứt can thiệp vào chuyện chính trị, kinh tế, quốc phòng, nội bộ của các nước khác. Nếu nước Mỹ thương yêu nước khác thì chỉ nên trợ giúp nhân đạo là đủ, không nên can thiệp quân sự vào bất cứ nước nào. Không nên bán vũ khí cho bất kỳ nước nào, chỉ nên sản xuất vũ khí để tự vệ thôi. Không can thiệp vào nước khác thì làm gì có kẻ thù, có khủng bố. Nếu có khủng bố thì hợp tác với các nước khác diệt trừ các tổ chức khủng bố đó qua các đội đặc nhiệm Interpol là đủ. Không tạo ra chiến tranh thì nước Mỹ đâu có nợ nhiều như ngày hôm nay. Tiền đó là tiền mồ hôi nước mắt của dân Mỹ đóng thuế.
 

10- Trong tôn giáo:

    Chùa, nhà thờ, tu viện là nơi giúp mọi người về đó tu sửa thân tâm cho toàn thiện hơn. Tu sửa bằng sự hiểu biết rõ đạo đức nhân bản - nhân quả, giúp cho con người xa lìa những ác pháp, chỉ sống thiện. Sự thay đổi đó chính là nhờ tự lực mỗi người nhận thức được sự nguy hai và nguy hiểm của những hành động ác, cho nên họ quyết định xa lìa, đoạn và diệt nó. Sau đó làm cho sinh và tăng trưởng thiện pháp trong thân tâm mình. Nhưng nếu như những tôn giáo lại truyền bá những tư tưởng có thế giới siêu hình, có ngọc hoàng, thượng đế, đấng tạo hóa, có thần thánh ban thưởng, thì con người sẽ ỷ y, nương tựa vào thần thánh, mất đi tính tự lực sửa mình, chỉ sống trong tha lực, cầu khẩn. Khi có chuyện gì lạ xảy ra, không giải thích được, thì họ cho đó là bàn tay của thần thánh, của đấng tạo hóa, do thần thánh hay đấng tạo hóa xếp đặt, giống như số mạng đã an bài, đã định sẵn, phải chấp nhận. Từ đó dẫn đến khi có bất cứ chuyện gì xảy ra, con người liền nghĩ đến thần thánh và đấng tạo hóa, rồi cầu nguyện, xin xỏ. Họ luôn sống trong sợ hãi, lo lắng và đau khổ, mất đi sự tự tin. Ví dụ:

a- Khi con người bị bệnh, tai nạn thì họ cho đó là tự nhiên, hoặc xui xẻo hoặc nói do thần thánh xếp đặt, an bài để thử thách họ hoặc đổ lỗi cho ma quỷ. Còn khi hết bệnh, tai qua nạn khỏi thì nói rằng do thần thánh cho hết bệnh, giúp cho tai qua nạn khỏi.

b- Khi con người tôn thờ thần thánh thì sẽ bị mê muội mất đi tính tự lực, họ không còn chịu trách nhiệm cho những gì họ làm, nếu có làm sai thì đi xưng tội sẽ được thần thánh tha thứ cho hết tội. Cứ như vậy mà họ càng không sợ tội, vẫn sống ác, vẫn bị bệnh, tai nạn và vẫn khổ.

Đó là lòng yêu thương một hướng.

Ngược lại nếu tôn giáo nào có tình yêu thương đa hướng, họ hiểu rõ tất cả tôn giáo đều lấy đạo đức làm nền tảng căn bản xây dựng tôn giáo của mình. Khi con người sống có đạo đức thì việc có thần thánh hay không có đối với họ không còn là quan trọng nữa. Chúng ta không nên tuyên truyền những tư tưởng thần thánh vào lòng người dân. Tôn giáo nào cũng tự sáng chế ra thần thánh của mình là cao siêu nhất, vĩ đại nhất, toàn năng nhất. Để làm gì? để lôi kéo tín đồ hay là để mê hoặc con người. Con người đến với tôn giáo là vì những sự cao siêu, toàn năng, phép lạ của thần thánh hay là đến với tôn giáo vì nền đạo đức, sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sinh. Câu trả lời là: con người tìm thấy niềm vui và hạnh phúc khi biết sống đạo đức. Họ tự biết chịu trách nhiệm cho những gì mình làm sai, và họ vui vẻ khi gặt được những phước báu do những gì họ đã sống thiện. Họ không cần nương tựa vào thần thánh nào, vì họ đã hiểu mọi việc xảy ra trên đời này đều có nhân quả, không có gì là tự nhiên có, nhân quả rất công bằng, thưởng phạt phân minh, không ai có thể mua chuộc được ai. Do vậy ở đâu có đạo đức nhân bản- nhân quả, ở đó sẽ có niềm vui và hạnh phúc. Chỉ như vậy là đủ. Đối với người sống có đạo đức nhân bản - nhân quả, có thần thánh, thượng đế, đấng tạo hóa hay không, không quan trọng. Họ chỉ biết sống trong hiện tại, sống đem niềm vui và hạnh phúc đến cho mọi người và chính mình, như vậy là đủ. Họ không quan tâm, tại sao con người có mặt trên đời này, sống để làm gì, chết đi về đâu, kế hoạch của đấng tạo hóa là gì, tương lai có vị thần thánh nào xuất hiện hay không?....

11- Người vào chùa, tu viện tu hành là người đã từ bỏ mọi thứ ở đời. Với mục đích làm chủ sinh lão bệnh tử, giải phóng mình khỏi nhân quả, họ quyết tâm tu hành ráo riết. Nhưng nếu như chưa thông suốt hết đường lối tu tập, bị dính mắc vào các pháp tu, dính mắc vào các trạng thái khinh an, hỷ lạc, không chịu buông bỏ, bị hôn trầm thùy miên không chịu đi kinh hành, tưởng là mình đang nhập định thì coi chừng đường tu của mình bị đứt đoạn tại đây. Tu chưa xong, mà đã bị tẩu quả nhập ma, người không ra người, ma không ra ma, dở dở ương ương là đang làm khổ mình, khổ người, khổ gia đình mình thêm. Đó là lòng yêu thương một hướng.

- Người có đức hiếu sinh đa hướng vào chùa, tu viện tu hành nên thông suốt tất cả đường đi nước bước  tu tập, thông hiểu ý nghĩa của việc tu hành là sửa những hành động ác thành thiện, là ngăn ác diệt ác pháp, chứ không phải là ngồi thiện, niệm Phật, niệm thần chú, hoặc thích các trạng thái khinh an hỷ lạc, rồi bám vào để có định, có tuệ. Tu phải bằng ý thức, không nên để ý thức mất. Ý thức mất thì tưởng thức sẽ dẫn vào thế giới tưởng, bị tẩu quả nhập ma. Do đó phải cẩn thận, dè dặt từng chút một, phải làm chủ cho được hôn trầm thùy miên, vô ký, ngoan không và hôn tịch, không để tâm lờ mờ, lim dim, cà dờ cà dật, gật lên gật xuống, nghiêng trái nghiêng phải, ...

12- Người tu hành là người biết thương mình thương người, đi tu là để sửa đổi thân tâm thành người tốt, để sau này tu xong giúp những người thân, giúp đời. Nhưng khi vào chùa vào tu viện thì bị tâm ái kiết sử dày vò, lôi kéo, lo lắng bất an. Đó là vì trước khi đi tu chưa giải quyết xong chuyện gia đình, chưa có sự đồng ý của cha mẹ, vợ (chồng), con cái. Vẫn thấy mình còn làm khổ họ. Đó là lòng yêu thương một hướng.

- Người có đức hiếu sinh đa hướng trước khi vào chùa nên giải quyết chuyện gia đình cho đâu vào đó, xả bỏ mọi dính mắc ở đời, được sự đồng thuận của cha mẹ, vợ (chồng) con cái, anh em và những người thân trong gia đình. Có như vậy thì tâm mới yên ổn, không còn trạo cử, trạo hối, không còn bị ái kiết sử dày vò, lôi kéo.

13- Tu viện, chùa là nơi luôn rộng cửa đón chào mọi người đến tu tập sửa chữa thân tâm. Dù cho tu sinh hoặc tín đồ có làm sai điều gì hoặc tu sai thì cũng không nên vì lý do đó đuổi họ về hoặc gọi người nhà của họ lên đón về. Đó là lòng yêu thương một hướng.

- Người có đức hiếu sinh đa hướng khi làm quản lý hoặc các thầy cô có trách nhiệm tìm cách giúp đỡ, tháo gỡ những vướng mắc, giúp họ thông suốt đường lối tu tập, hoặc chuyển họ sang khu tu tập nhẹ hơn vừa với sức của họ, không nên đuổi họ về nhà và cũng không gọi người thân của họ tới đón về. Bởi vì có những người đã từ bỏ bán hết hoặc chia hết của cải tài sản cho người thân, thì họ đi đâu bây giờ. Vác cái mặt bị đuổi về nhà hay sao? Hay là phải lang thang khắp đường phố, hay là phải nương nhờ vào những chùa, tu viện của ngoại đạo? Do vậy, trước khi quyết định cho họ về nhà thì phải tìm hiểu kỹ, gia đình họ có chấp nhận cho họ về hay không? Cuộc sống của họ sau này sẽ ra sao? Có làm khổ họ hay không? khổ gia đình của họ hay không?....

14- Phóng sanh là một hành động thương yêu các loài vật, nhưng nếu ai ai cũng đi mua các loài vật bị bắt đem đi phóng sanh thì sẽ có nhiều người làm nghề đi bắt các loài vật đem bán lấy tiền. Do vậy việc phóng sanh trên có còn là việc thiện không? Vì sự phóng sanh của mình mà tạo ra bao nhiêu người làm nghề ác. Đó là lòng yêu thương một hướng.

- Người có đức hiếu sinh đa hướng chỉ phóng sanh những con vật có duyên với mình, khi mình tình cờ gặp những con vật bị sập bẫy, những con cá bị trôi dạt lên bờ, những con giun, con sên bò ra giữa đường đi, thì mình cứu giúp chúng tháo bẫy ra, đem chúng xuống nước, đem vào bãi cỏ để người khác đi ngang không giẫm đạp lên chúng. Không nên tiếp tay mua những con vật do người khác bắt đem bán. Hoặc thấy người thân của mình mua chim, rùa, cá về nuôi, mình nên khuyên họ thả chúng đi, trả tự do cho chúng. Mình cũng thích tự do, tại sao mình lại giam hãm kẻ khác để làm vui cho mình, vui trên sự đau khổ của kẻ khác đâu phải là niềm vui thực sự. Trả tự do cho chúng mới là niềm vui thực sự.

15- Người chưa tu hành xong, chớ nên dạy đạo cho người. Đừng nghĩ rằng mình đã tu được một thời gian, dẫu sao cũng có một chút kinh nghiệm. Do có suy nghĩ như vậy, cho nên thích đàm luận, tranh luận, bàn luận với người khác về đạo, rồi sau đó thích nhận xét, đánh giá, phê phán, chê bai sự hiểu biết của người khác hoặc đạo của người khác, rồi sau đó tự cho là mình giỏi, giảng dạy đạo luôn cho người ta. Người như vậy không phải thương người mà chính đang tự hại người hại mình. Đó là lòng yêu thương một hướng.

- Người có đức hiếu sinh đa hướng, khi chưa tu xong chỉ nên im lặng như thánh, chỉ nên học hỏi, trau dồi kiến thức, trau dồi tri kiến giải thoát để xả tâm, chứ không đàm luận, tranh luận, bàn luận với ai về đạo. Không nhận xét ai đúng, ai sai, ai phải ai trái. Có biết gì thì nên im lặng. Sợ hãi từng lỗi nhỏ nhặt, nhất là sợ những lời khen ngợi, và tránh xa nơi đó hoặc những người đó. Có như vậy thì mới không làm khổ mình, khổ người.


16- V.v...

Kết Luận: 


  Đức hiếu sinh một hướng là lòng yêu thương ích kỷ, chỉ biết có mình mà quên đi cảm nhận của người khác và các loài vật khác muốn gì, hoặc chỉ biết yêu thương người khác và các loài vật khác mà không nghĩ đến tính mạng của mình, không quán xét rõ hậu quả của sự yêu thương đó có phải là một chiều hay đa chiều. Tình yêu thương đó vẫn còn đau khổ.
  

Đức hiếu sinh đa hướng là lòng yêu thương không có sự đau khổ của bất kỳ ai, bất kỳ loài vật nào. Ai ai cũng thấy vui vẻ và hạnh phúc. Người sống với lòng yêu thương đa hướng luôn luôn mang niềm vui và hạnh phúc đến cho mọi người và muôn loài vật, lấy niềm vui đó làm niềm vui cho chính mình. Vui trên cái vui của người khác.

    - Ở đâu có đức hiếu sinh đa hướng, thì ở đó sẽ không có lòng ganh tỵ, ghen ghét, sân giận, thù hận, đố kỵ hoặc bất kỳ ác pháp nào.
    - Ở đâu có đức hiếu sinh đa hướng, ở đó sẽ có sự yên bình, hòa thuận, đoàn kết và không bao giờ có chiến tranh.

Sống trong gia đình, xã hội, mỗi cá nhân các bạn sẽ còn có nhiều kinh nghiệm thấy rõ đức hiếu sinh một hướng và đa hướng trong môi trường và hoàn cảnh của mình. Sự dẫn chứng trên chỉ là sơ bộ và chắc chắn có điều gì đó sai sót, xin các bạn bổ sung, sửa đổi và đóng góp ý kiến để làm rõ hơn về đức hiếu sinh một hướng và đa hướng này.

Xin chân thành cám ơn.