Wednesday, 23 July 2014

LÒNG YÊU THƯƠNG CHÂN THẬT

Dưới đây là những lời nhắn nhủ quan trọng của thầy Thích Thông Lạc rút ra từ "Giáo án rèn nhân cách Đức Hiếu Sinh"
  1. Đức hiếu sinh là lòng yêu thương tất cả sự sống của muôn loài trên hành tinh này (đó là lòng yêu thương nhiều hướng ) thì chỉ có xuất gia, sống đời sống 3 y một bát, cắt ái ly gia, lìa xa ái dục thì mới thực hiện được lòng yêu thương rộng lớn đó.
  2. Hằng ngày phải sống với lòng yêu thương chân thật mà mình đã học được trong những bài học đạo đức có nhiều ấn tượng, có nhiều cảm xúc.
  3. Khi chúng ta tư duy suy nghĩ một việc thiện đem lại sự an vui cho mình, cho người, đó là lòng yêu thương thuộc về ý hành. Một người có ý thức tư duy các điều thiện là người có đạo đức hiếu sinh. Ai muốn tu tập lòng thương yêu rộng lớn thì nên tư duy suy nghĩ những điều lành tránh xa và từ bỏ tư duy suy nghĩ những điều ác. Càng tư duy suy nghĩ những điều lành là càng làm cho lòng yêu thương rộng lớn bao la như trời, như biển, như không gian vũ trụ. Người có lòng thương yêu rộng lớn như vậy là người đã làm chủ sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi sinh tử; người ấy đã thoát ra khỏi vòng quy luật nhân quả của vũ trụ.  
  4.  Về đạo đức thương yêu ý hành, trước khi muốn làm một điều gì và muốn nói một điều gì thì phải tư duy suy nghĩ cho chín chắn rồi mới nói hoặc hành động, còn khi thấy mình có tâm sân hận thì không nên nói hay làm một hành động nào cả mà hãy cố giữ tâm mình im lặng như Thánh. Chỉ có im lặng như Thánh thì chúng ta mới chuyển hóa được nhân quả từ vô lượng kiếp.
  5. Đạo đức hiếu sinh đối trị tâm sân rất tuyệt vời, chỉ những người có quyết chí xa lìa các pháp làm khổ mình khổ người thì nổ lực kiên cường khắc phục, nhẫn nhịn, im lặng như thánh không để ác lẫy lừng thì diệt tâm sân không phải khó khăn. Diệt trừ tâm sân thì ngay trên tâm sân khởi lòng thương yêu ý hành thì tâm sân sẽ bị diệt ngay liền tức khắc. 
  6. Trong cuộc sống này nếu ai cũng biết thương yêu và tha thứ những lỗi lầm của kẻ khác thì thế gian này là Thiên đàng, Cực lạc, con người sống hạnh phúc biết bao. 
  7. Người sống biết nhẫn nhịn là người có một lòng thương yêu chúng sinh rộng lớn như đất trời. Nhờ lòng yêu thương ấy nên  khi bị người khác mạ lị, mạt sát thậm tệ bằng những lời lẽ thô ác, hoặc khi bị nói oan ức,... họ vẫn làm thinh một cách kiên cường, anh dũng. Dũng cảm im lặng như thánh, họ không minh oan một lời nào cả, đó là sự tuyệt vời của đức hạnh hiếu sinh nhẫn nhục mà không thể có một đức hạnh nào hơn được. Không những nhẫn nhục im lặng mà người đó còn trao ra lòng yêu thương của mình đối với người ghét mình. Tình thương yêu đó thật tuyệt vời và cao thượng không thể nghĩ lường được. Đó chính là lòng yêu thương chân thật.
  8. Bất cứ chúng ta làm một điều gì giúp người khác không tính hơn thiệt đều xuất phát từ lòng yêu thương chân thật. Ví dụ như giúp người không cần đền đáp, không cần ai trả ơn, không nhận sự trả ơn, không cần ai biết, không cần ai khen, không mong phước báu gì cả.
  9. Giá trị chân thật của một con người chính là lòng yêu thương, ai đánh mất lòng yêu thương là đã đánh mất giá trị của chính mình. Khi đứng trước mọi tình trạng, mọi cảnh huống như thế nào vẫn không đánh mất lòng thương yêu của mình (đức hiếu sinh) đối với sự sống trên hành tinh, người đó là người có lòng yêu thương chân thật. Người có lòng yêu thương dù đứng trước hoàn cảnh nào thà chịu chết chớ không giết hại và ăn thịt chúng sinh; người có lòng yêu thương sự sống dù đứng trước hoàn cảnh nào thà chịu nghèo đói, chứ không bao giờ lấy của không cho; người có lòng yêu thương sự sống, dù đứng trước hoàn cảnh nào thà chịu khổ chia sẻ ngọt bùi có nhau, chớ không bẻ gánh sang ngang; người có lòng yêu thương sự sống dù đứng trước hoàn cảnh nào thà chịu chết chứ không nói dối lường gạt người khác; người có lòng yêu thương sự sống trước hoàn cảnh nào thà chịu bị đánh đập, chửi mắng ,ngu si có khi bị giết cũng không bao giờ uống rượu và ăn thịt chúng sinh. Cho nên đạo đức hiếu sinh là một đạo đức tuyệt vời làm cho giá trị con người mãi mãi trường tồn.  
  10. Tình thương một hướng là tình thương ích kỷ, nhỏ mọn, hẹp hòi, nó thuộc về tình thương trong thất tình lục dục. Người sống với tình thương một hướng sẽ làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai. Lòng yêu thương đặt nhiều hướng là lòng yêu thương thuộc về ĐỨC HIẾU SINH TỨ VÔ LƯỢNG TÂM, nó là một thứ tình thương yêu rộng lớn như trời cao, như biển rộng. Bởi làm người chúng ta cần phải tu học và rèn luyện nhân cách ĐỨC HIẾU SINH TỨ VÔ LƯỢNG TÂM NÀY để luôn luôn lúc nào cũng sống với đức HIẾU SINH. Nhờ có sống với ĐỨC HIẾU SINH rộng lớn như vậy mới đem lại sự an vui cho mình, cho người và cho tất cả sự sống trên hành tinh này.
  11. Đức yêu thương và đức thành thật rất quan trọng đối với giá trị của con người. Người có yêu thương mình và người khác thì không bao giờ nói dối. Người nào sống biết thương yêu mọi sự sống trên hành tinh này là người ở gần bên Phật, người nào đánh mất lòng yêu thương là người sống xa Phật. Đó là điều đúng như vậy, vì Phật là lòng thương yêu rộng lớn vô bờ bến, cho nên người nào có lòng yêu thương thì sẽ tương ưng với lòng yêu thương của Phật tức là sống bên Phật. 
  12.  Chỉ có lòng yêu thương mà con người trở thành một người toàn thiện, một người không còn bị ác pháp chi phối, tâm luôn luôn bất động thật là tuyệt vời. Chỉ có lòng yêu thương mà con người trở thành một người chứng quả giải thoát vô lậu. Bởi vậy ông Phú Lâu Na và em ông Cấp Cô Độc chỉ có thành tựu lòng yêu thương mà chứng quả A La Hán như trong kinh sách nguyên thủy thường nhắc đến. Đó là những gương hạnh tu tập TỨ VÔ LƯỢNG TÂM tức là tu hạnh HIẾU SINH. 
  13. Ở đâu có nghi ngờ, ở đó mất đoàn kết; ở đâu có nghi ngờ, ở đó nội lực bị suy yếu; ở đâu có nghi ngờ, ở đó có khổ đau; ở đâu có nghi ngờ, ở đó không có lòng yêu thương. Cho nên lòng nghi ngờ là một ác pháp cực ác, nó đánh mất tất cả đạo đức của con người nhất là đức hiếu sinh. Một khi người ta sinh nghi ngờ người khác thì lòng thương yêu sẽ bị đánh mất, lòng yêu thương đánh mất thì chỉ còn tâm ghét cay, ghét đắng v.v...Chỉ còn lòng căm ghét là nỗi khổ đau tùy miên trong lòng người nghi ngờ. Cho nên người tu hành theo Phật giáo là phải biết triệt hạ tâm nghi, nếu tâm nghi còn là còn khổ đau. 
  14. Bất cứ ai trong cuộc đời này làm những điều mờ ám như: gian tham, trộm cắp, cướp giựt, giết người hay làm bất cứ một việc ác hại nào khác chúng ta cũng đừng nghi ngờ. Họ làm ác không thể nào trốn tránh khỏi quả đau khổ; không thể nào tránh luật pháp Nhà nước được, còn riêng chúng ta phải giữ tâm mình không nghi ngờ ai hết. Nếu tâm vừa khởi nghi là dẹp xuống liền, đừng để ôm ấp trong lòng. Dẹp xuống liền bằng cách nào? Dẹp xuống liền bằng cách tư duy suy nghĩ: đức Phật dạy có năm điều ác trong tâm của mọi người, đó là: tham, sân, si, mạn, nghi. Năm tâm ác này chỉ có lòng yêu thương là diệt sạch ngay liền. Cho nên khi thấy ai đang ở trong ác pháp thì chúng ta khởi lòng yêu thương họ, khi yêu thương họ thì tâm tham, sân, si, mạn, nghi trong lòng chúng ta liền xả sạch. Lòng yêu thương là đệ nhất pháp xả tâm, nếu ai sống với lòng thương yêu tròn đầy thì người ấy là bậc A La Hán.  
  15. Muốn bỏ qua những bực dọc ngã mạn, những tức giận thù oán, những điều nghi ngờ, những lòng tham lam không đáy, những mê mờ không sáng suốt thì chỉ có lòng yêu thương thì mới xóa bỏ những trạng thái tâm ác ở trên. Bất cứ trên đời này có những sự khổ đau như thế nào, có những ác pháp như thế nào, muốn thoát ra mọi sự khổ đau ấy và các ác pháp thì chỉ có lòng yêu thương rộng lớn mới cứu chúng ta thoát khỏi; mới đem chúng ta đến với tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Vì vậy ở đâu có tình thương yêu thì ở đó có sự bình an, yên vui và hạnh phúc. 
  16. Danh dự lớn nhất là lòng yêu thương, người có lòng thương yêu biết tha thứ mỗi lỗi lầm của người khác, đem lại sự an vui cho mình, cho người là danh dự lớn nhất trên thế gian này. Người giết con mà có danh dự gì, chỉ che giấu được người khác, chứ làm sao che giấu được tâm mình. Chuyện trai gái, chồng vợ là chuyện rất tầm thường, nhưng con người hơn các loài động vật là lòng chung thủy, biết thương nhau có trách nhiệm chồng vợ và con cái, khi đã hòa hợp cuộc sống với nhau, chứ không phải vì chữ trinh giá đáng nghìn vàng mà làm nên tội giết người, nhất là người mẹ lại giết con của mình thì tội còn nặng nhất trong lịch sử loài người. Khi ai đã lỡ lầm không làm chủ được tâm mình thì hãy tự thương mình, thương con của mình, đó là danh dự lớn nhất đời của đời người. Nếu ai biết thương mình và con mình thì đạp trên dư luận khen chê tốt xấu mà đi. Trên đời này không có điều gì xấu cả mà chỉ có ác và thiện; ác là đau khổ; thiện là hạnh phúc an vui. Nếu ai nạo bỏ thai nhi là người đó tạo tội lỗi giết người. 
  17. "Nếu sự sống có giá trị thật, thì chỉ có lòng thương yêu mới bảo vệ giá trị sự sống ấy được". Vì sự sống không có lòng yêu thương, nên giá trị sự sống bị chà đạp, bị đánh mất. Trên đời ai cũng có sự sống và muốn sống, nhưng lại xem thường giá trị sự sống, nên vì sự sống mà chà đạp lên sự sống, đành phải đánh mất lòng yêu thương.  Nếu ai chạm đến sự sống của muôn loài là người vô đạo đức hiếu sinh không xứng đáng làm con người. Làm con người phải có lòng yêu thương rộng lớn mới được được gọi là con người. 
  18. Chỉ có lòng yêu thương thì con người mới dám hy sinh mình cho người khác, mới đem lại hạnh phúc an vui cho con người trên hành tinh này; chỉ có lòng yêu thương chân thật mới phá tan những hận thù oán ghét; chỉ có lòng yêu thương chân thật mới không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sinh; chỉ có lòng yêu thương chân thật thì con người mới gần nhau mà không làm khổ cho nhau; chỉ có lòng yêu thương chân thật con người mới đem lại lợi ích cho con người, cho gia đình, cho xã hội, cho đất nước, cho thế giới. 
  19. Luật nhân quả rất công bằng, muốn tạo ra sự sống cho mình mà làm hại sự sống của loài vật khác thì sự sống của mình sẽ không được bảo đảm, bằng chứng sự sống của loài người trên hành tinh này nay không chiến tranh chỗ này thì mai lại có chiến tranh chỗ khác, thiên tai lũ lụt, sóng thần, bão tố, động đất không nước này thì nước khác, cho nên sự sống của loài người đang bị đe dọa. Vậy mà con người có biết do đâu mà ra không? Do giết hại và ăn thịt chúng sinh. Hằng ngày số chúng sinh bị giết trên hành tinh này máu chảy thành sông, xương chất như núi. Ôi! Thật là kinh khủng. Ai cũng tham sống sợ chết như nhau thế mà nỡ nhẫn tâm lấy sự sống của loài vật làm sự sống cho mình, thật là con người sống như vậy mà sống được, sống phi đạo đức hiếu sinh, sống phi nhân bản, sống như một loài cầm thú chỉ biết giết hại và ăn thịt nhau như loài hùm beo, lang sói, kên kên, quà quạ v.v... Mình muốn sống mà giết hại chúng sinh thì cái sống của mình có bảo đảm hay không? Cho nên mình muốn sống thì phải thương sự sống của người khác, loài vật khác thì sự sống của mình mới bảo đảm. Đó mới chính là lòng yêu thương chân thật.
  20. Làm người lòng yêu thương phải rộng lớn vô bờ bến thì mới xứng đáng làm người. Làm người mà hẹp hòi ích kỷ không biết thương những loài vật khác nỡ tâm giết hại loài vật ăn thịt thì làm người như vậy có xứng đáng làm người chưa? Bởi căn bản con người sinh ra là người nào cũng có sẵn lòng yêu thương, nhưng lòng yêu thương ấy cần phải được rèn luyện trong nền đạo đức hiếu sinh nhân bản thì con người mới phát triển lòng yêu thương tối đa. Không có người nào là không có tình thương, nhưng tình thương ích kỷ nhỏ mọn chỉ biết thương mình. Chỉ biết thương mình thì lòng thương ấy không trọn vẹn; chỉ biết thương mình thì lòng thương ấy không bảo đảm sự sống của mình; chỉ biết thương mình thì lòng thương ấy là sợi chỉ mành treo chuông. Loài người hãy suy tư lại đi, những việc làm cướp mạng sống của loài vật khác có xứng đáng là lòng thương yêu của con người nữa không?
  21. Người giết hại ăn thịt chúng sinh mà muốn cho mình không bệnh tật đau khổ, không tai nạn hiểm nghèo thì không bao giờ có. Lấy máu của chúng sinh tức là giết hại chúng sinh, làm khổ chúng sinh mà muốn cho mình không tội lỗi thì điều ấy không bao giờ xảy ra. Lời dạy này còn một nghĩa nữa là giết hại chúng sinh cúng tế quỉ thần thì chẳng có thần thánh nào mà rửa tội cho mình được. Lời dạy này là lời cảnh giác để mọi người đừng bị tà sư ngoại đạo lừa đảo bằng cách giết chúng sinh cúng tế cầu an cầu siêu, cầu tài, cầu lợi, cầu quan, cầu thi đậu v.v...  Tóm lại lời dạy này là một đạo đức hiếu sinh khẩu hành rất tuyệt vời, vừa ngăn chặn sự giết hại chúng sinh, vừa khiến cho mọi người đem lại tình thương yêu chan hòa cùng nhau với mọi loài, mọi sự sống trên hành tinh này và nhất là con người tránh khỏi bị những tôn giáo thần quyền lừa đảo cúng tế thần thánh ban phước giải trừ tai ách một cách phi đạo đức hiếu sinh. 
  22. Trong luật nhân quả dạy ai làm lành thì hưởng được phước, ai làm ác thì phải gánh chịu hậu quả đau thương, chứ không có thần thánh nào ban phước rửa tội cho. Cho nên đức Phật khẳng định: "Xin các vị thiên thần tha tội là làm một việc vô ích". Lời dạy này quý vị nên ghi nhớ: Cầu khẩn cúng bái van xin thánh thần để ban phước cho quý vị là một việc làm vô ích. Một việc làm dối trá phi đạo đức. Làm ác, giết người cướp của, hiếp dâm, hằng ngày giết hại mạng chúng sinh để ăn thịt mà đến chùa, đình, điện, miếu để cầu cho được bình an, hạnh phúc yên vui thì không bao giờ có. Quý vị sống biết thương yêu sự sống của muôn loài, thường sống không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sinh thì cuộc sống của quý vị không cần cầu Thần, Thánh, Tiên, Phật, Ngọc Hoàng, Thượng Đế phò hộ mà vẫn bình an, yên ổn, hạnh phúc. Quý vị có tin không? Có tin nhân quả không? Nếu tin thì quý vị sẽ trở thành những nhà đạo đức nhân bản – nhân quả, những con người đầy lòng thương yêu rộng lớn bao la đối với muôn loài sống trên hành tinh này. Quý vị sẽ là những người hạnh phúc nhất trần gian. 
  23. Chúng ta là những người tu hành theo Phật giáo thì phải sống trong đức hạnh hiếu sinh thương mình, thương người nên lúc cũng phải cẩn thận tỉnh giác trong mọi tình huống. Người sống trong đức hiếu sinh thương mình, thương người thì không bao giờ thiếu đức hạnh cẩn trọng tỉnh giác thân hành. Vì thế người có đức hạnh cẩn trọng tỉnh giác là có đức hiếu sinh thương mình, thương người và thương tất cả chúng sinh. Trong cuộc đời này chỉ có đức hiếu sinh mới đem lại sự bình an cho hành tinh. 
  24. Lòng còn ganh tị hơn thua là còn bản ngã; lòng còn tức giận là còn bản ngã; lòng còn nói xấu, vu khống mạ lị mạt sát người khác là còn bản ngã; người nào còn bản ngã là người chưa có lòng yêu thương thật sự. Những người này còn phải học hỏi đạo đức hiếu sinh nhiều nữa, nếu cố chấp không chịu học đạo đức thì họ chỉ là một con thú vật hung dữ mà thôi. Người nào còn mang bản tính kiêu mạn là người còn đầy đủ tánh hung ác, là người chưa biết thương mình, thương người, thường làm khổ mình, khổ người. 
  25. Một ý nghĩ thương yêu người, vật đến cỏ cây, đất đá núi sông, hồ ao v.v... đều là đức hiếu sinh thể hiện qua ý hành; một lời nói ái ngữ khuyên bảo, an ủi ai đó làm điều lành cũng là đức hiếu sinh khẩu hành; một hành động ra tay cứu vớt người, vật dù là giúp một côn trùng thoát chết khỏi một đoàn kiến hoặc vớt một con kiến khỏi vũng nước, đó đều là đức hiếu sinh thân hành. Nếu hằng ngày chúng ta đều có những hành động thân, miệng, ý thương yêu và tha thứ mỗi lỗi lầm, biết tránh không làm tổn hại sinh mạng sống chúng sinh, không làm đau khổ cho người khác loài vật khác. Đó là đạo đức hiếu sinh thân hành ý hành và khẩu hành. Muốn thoát khỏi sanh tử luân hồi thì chỉ có lòng yêu thương là pháp độc nhất giúp chúng ta ra khỏi sông mê bể khổ của cuộc đời này.
  26. Muốn có được tâm bình tĩnh sáng suốt, thì hằng ngày phải tập sống tỉnh thức thân hành, khẩu hành và ý hành với lòng yêu thương bao la rộng lớn đối với tất cả chúng sinh, lúc nào chúng ta cũng đem lòng yêu thương chúng, tránh không làm tổn thương và khổ đau chúng.
  27. Tĩnh giác chánh niệm là đức hạnh điềm đạm giúp cho chúng ta không giận dữ, bình tĩnh trước các ác pháp, giúp cho chúng ta được bình an trong cuộc sống. Chúng ta hãy rèn luyện đức điềm đạm hiếu sinh ý hành tức là ngồi yên lặng một lúc rồi mới tư duy, tập như vậy lâu thành một thói quen rất tốt. Muốn tập yên lặng được như vậy thì nương vào hơi thở tác ý tâm thanh thản, an lạc và vô sự rồi mới suy tư 1 ý niệm gì hay muốn nói 1 điều gì hoặc làm 1 việc gì.
  28. Ngoài tình yêu thương bản thân và gia đình không bao giờ có tình thương yêu rộng lớn đến với mọi người, mọi vật. Nhưng nếu không có tình thương yêu rộng lớn đến với muôn người, muôn lòai vật thì không bao giờ bảo vệ được tình thương yêu bản thân và gia đình.
  29. Mỗi lần tìm thấy được lỗi mình là mỗi lần huân tập thêm đạo đức. Mỗi lần thấy lỗi người là mỗi lần đánh mất đức hiếu sinh. Đánh mất đức hiếu sinh là làm khổ mình, khổ người và như vậy cuộc sống là địa ngục tràn đầy mọi sự khổ đau.
  30. Khi ban lòng yêu thương chân thật cho mọi người thì chúng ta phải có một hành động đi kèm theo, như người mẹ thương con thì hành động thương con bằng cách ôm hôn con, đó là ban tình thương cho con.
  31. Khen tặng một điều làm tốt của người khác cũng là ban tặng lòng yêu thương đến với họ. Tha thứ mọi lỗi lầm của người khác cũng là đạo đức hiếu sinh.
  32. Nếu không có lòng yêu thương thì không bao giờ có sự bình đẳng. Người ta kêu gọi sự tự do bình đẳng nhưng người ta không có lòng yêu thương thì sự tự do bình đẳng đó không bao giờ có. Cho nên tất cả những đức hạnh khác cũng từ đức hiếu sinh mà ra. Người có đức hiếu sinh bình đẳng thì đánh mất tính ngã mạn, tính tự cao, tự đại của mình. Cho nên càng học cao thì càng lộ đức khiêm hạ, lúc đó học giỏi học cao mới được mọi người quý trọng.
  33. Có đức khiêm hạ thì mới có đức cung kính và đức tôn trọng. Có đức cung kính và tôn trọng thì mới có lòng yêu thương chân thật.
  34. Lúc nào cũng nhớ mọi người thương mình và lúc nào mình cũng đang nhớ yêu thương mọi người, mọi loài chúng sinh. Có sống được như vậy mới thể hiện đức bình đẳng hiếu sinh. 
  35. Người sống không có giai cấp là người sống với lòng yêu thương chân thật.
  36. Chứng đạo của đạo Phật chỉ cần hiểu rốt ráo các pháp vô thường, khổ và vô ngã. Nhờ hiểu biết như vậy nên buông xả sạch. Khi ngộ các pháp là vô thường, khổ và vô ngã thì biết các pháp không có gì là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Người tu theo đạo Phật chỉ có tri kiến hiểu biết, tri kiến hiểu biết là giác ngộ các pháp vô thường, khổ và vô ngã.
  37. Dù là vua, quan, làm dân hay bất cứ một người nào trong xã hội đều phải sống với đức khiêm hạ. Có đức khiêm hạ thì mới có đức bình đẳng.
  38. Ông Phú Lâu Na có cái nhìn hiếu sinh kỳ lạ luôn luôn thấy mọi người đều thương ông, đều tốt, không có người nào ác xấu, vì thế ông chứng quả Alahan dễ dàng.
  39. Giai cấp sống là giai cấp bình đẳng từ loài vật cho đến loài người đều sống như nhau.
  40. Bởi sự sống trên hành tinh này là sự sống nương tựa vào nhau, cái này đau khổ thì cái kia đau khổ, cái này an vui thì cái kia an vui.
  41. Nếu người tu hành nào cũng lắng nghe những sự đau khổ, buồn phiền của những người xung quanh mình và tìm mọi cách an ủi, giúp đỡ và hướng dẫn họ biết phương pháp xả tâm để không còn buồn phiền nữa. Hành động giúp đỡ người như vậy là ban cho tình thương đến họ, tức là yêu thương người. Đức hiếu sinh cũng vậy thường khởi lên trong ý nghĩ, lời nói, trong hành động bằng cách ban cho mình, cho người, đó là áp dụng đức hiếu sinh vào đời sống hằng ngày.
  42. Dù trong lòng có sự lo lắng, những buồn phiền hay có những sự đau khổ, chúng ta cũng không nên thổ lộ cho người khác biết, vì biết rằng sẽ làm cho họ buồn phiền, lo lắng, đau khổ. Đó là chúng ta thiếu lòng yêu thương người, tức là làm khổ người.
  43. Chỉ có đức hiếu sinh mới có sự thương mình, thương người. Thương mà không nói là THƯƠNG mà chỉ nói những lời ÁI NGỮ, lời nói êm dịu, nhẹ nhàng, ôn tồn, thanh lịch, nhã nhặn,...
  44. Khi chúng ta đứng trước các pháp dù thiện hay ác, chúng ta hãy vui lòng, chấp nhận, thương yêu và tha thứ mọi lỗi lầm của kẻ khác. Chính nhờ sự chấp nhận, yêu thương và tha thứ mà chúng ta xả được tâm tham, sân, si, mạn, nghi.
  45. Đạo Phật dạy chúng ta CHO mà không ai bíết ơn mình, CHO mà không cần trả ơn, CHO mà không mong ước cầu được phước báu. Người biết cách CHO như vậy là người đầy đủ tình yêu thương nhiều hướng, vì lòng yêu thương chân thật tự trong thân tâm.
  46. Đứng trước các người ác, pháp ác, chúng ta hãy ban cho họ lòng tha thứ và thương yêu, hãy dang rộng vòng tay và chia sẻ, nâng đỡ và giúp họ vượt lên, lìa xa không làm những điều ác ở trên. Chúng ta làm được điều này đều do xuất phát từ lòng yêu thương rộng lớn. Nếu không có lòng yêu thương rộng lớn thì không thể dang rộng vòng tay, thì không thể chia sẻ, cảm thông và giúp đỡ họ được. Ngay khi chúng ta thương yêu thực sự thì đức buông xả có ngay liền. 
  47. Khi người đáng ghét nhất, người ác nhất gặp tai nạn, hay có sự cố, sự đau khổ, bệnh tật gì xảy đến cho họ thì chúng ta hãy mau mau sẵn sàng chia sẻ, an ủi và giúp đỡ với lòng yêu thương chân thật.
  48. Đừng sống ích kỷ, hẹp hòi cá nhân chỉ biết nghĩ đến mình, lo cho mình. Tâm lượng lòng yêu thương rộng lớn như trời biển dung chứa tất cả cái xấu cũng như cái tốt, cái dơ cũng như cái sạch, lòng yêu thương ấy vẫn xem như nhau. Thương mình mà cứ lo cho mình là không thương mình, là làm khổ mình. Thương người mà lo cho người, giúp đỡ người, đó mới chính là thương mình, đem sự an vui cho mình. 
  49. Phải sống có lòng tin rằng rất cả mọi người đều thương yêu chúng ta.
  50. Cuộc sống chúng ta là 1 cuộc sống liên kết chặc chẽ với nhau, người này nương tựa và người kia, vật kia và ngược lại. Vì chúng ta không biết sự sống có sự liên kết với nhau nên thường nghĩ "Trên đời này chỉ có mình là trên hết, xem mọi người mọi vật không ra gì, lúc nào cũng dữ tợn, la hét, chửi mắng, nói nặng, nói nhẹ, đánh đập người vật khác, còn đối với các lòai vật thì giết hại và ăn thịt, luôn chà đạp lên sự sống của người khác vật khác". Do không hiểu bíết sự sống có liên kết chặc chẽ với nhau, chúng ta mới làm khổ mình, khổ người và khổ muôn lòai vạn vật cho đến cỏ cây đất đá núi sông. Do vậy chỉ có đức hiếu sinh mới dung thông người này với người kia, người này với người nọ, lòai vật với cỏ cây, cỏ cây với lòai vật. Nhờ có sự hiểu biết như vậy mới đem lại sự bình an cho nhau. Chúng ta thương yêu người khác chính là chúng ta thương yêu chúng ta.
  51. Người nào muốn biết mình là ai thì hãy sống với lòng yêu thương rộng lớn như đất trời thì mới biết mình là ai, từ đâu đến, và như vậy họ mới sống cho mình. Còn không thì họ phải sống theo nghiệp báo nhân quả.
  52. Đức hiếu sinh bao gồm cả thiện pháp và ác pháp. Niềm vui là thiện pháp, nổi buồn là ác pháp, nhưng đối với người có đức hiếu sinh gặp vui thì chia sẻ với mọi người, gặp buồn thì chuyển đổi cho mình và mọi người cùng vui. Đức hiếu sinh đến đâu thì phải có trí tuệ sáng suốt đến đó, vì thế gặp ác pháp thì nó chuyển đổi thành thiện pháp. Đức Phật dạy: "Tri kiến ở đâu thì giới luật ở đó, giới luật ở đâu thì tri kiến ở đó". Lời dạy này có nghĩa là "Lòng yêu thương ở đâu thì tri kiến ở đó, tri kiến ở đâu thì lòng yêu thương ở đó" Có hiểu bíết thì mới có lòng yêu thương chân thật.
  53. Dù gian nan lao khổ, nhọc nhằn đến đâu cũng không nên lìa lòng yêu thương của quý tu sinh.
  54. Muốn tâm lúc nào cũng được thanh thản, an lạc và vô sự thì phải giữ gìn lòng yêu thương rộng lớn như đất trời, lúc nào cũng hiện hữu lòng yêu thương không để đánh mất. Dù trong cảnh thuận hay cảnh nghịch cũng không được đánh mất. Nói chung là tất cả thời gian nào, hoàn cảnh nào và các ác pháp nào cũng không được để tâm bất an, mà phải bảo vệ tâm thanh thản, an lạc và vô sự.
  55. Niệm Phật chính là niệm lòng yêu thương đến chúng sanh, đến cây cỏ, sông hồ, ao núi, thời tiết, khí hậu, môi trường, thiên nhiên và toàn thể những gì có trong vũ trụ này. Thật là hạnh phúc biết bao khi được niệm Phật bằng ý hành yêu thương, bằng khẩu hành yêu thương, bằng thân hành, bằng hành động yêu thương đối với muôn loài vạn vật có sự sống trên hành tinh này. Niệm Phật như vậy mới thực tế và có nhiều lợi ích.

No comments:

Post a Comment