Friday, 5 January 2018

ĐỜI VÀ ĐẠO


(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích ĐVXP.1, TG. 2013, tr. 310-312)
Nguồn: Sách: Đường Về Xứ Phật - Tập 1

Hỏi: Kính thưa Thầy! Có phải đường đời và đường đạo là hai ngả cách ngăn không sao dung hòa được phải không thưa Thầy? Con thường nghe người ta nói: Khi một người thành công trên đường đời thì không thành công trên đường đạo. Có phải vậy không?
Ðáp: Lời nói này không đúng con ạ! Người ta đứng trên góc độ những tôn giáo mê tín mà nói thì đời và đạo là hai ngả, còn đứng trên góc độ những tôn giáo đạo đức, không mê tín thì đời và đạo là một ngả.
Tại sao vậy? Bởi tôn giáo mê tín là tôn giáo lừa đảo mọi người nên đời đạo cách xa như hai ngả đường, còn tôn giáo không mê tín là tôn giáo đạo đức, tôn giáo đạo đức là đời sống của con người, nên đời và đạo không hai. Nếu đời sống con người không đạo đức là đời sống của loài thú vật, đời sống đau khổ, đời sống u tối như bóng đêm. Còn đời sống có đạo đức là đời sống tôn giáo như đạo Phật Nguyên Thủy, đạo Ông Bà, đạo Nho Giáo. Cho nên, tôn giáo nào không chứng minh được rõ ràng mục đích, thường không cụ thể, không thực tế, mơ hồ, ảo tưởng là tôn giáo mê tín, còn tôn giáo nào chứng minh được rõ ràng mục đích cụ thể, không mơ hồ, ảo tưởng thì tôn giáo đó là tôn giáo đạo đức của con người. Vì thế, đạo đức của con người thì làm sao gọi là đời và đạo hai ngả? Nếu đời sống không có đạo đức là đời sống của loài thú vật. Có đúng như vậy không các con? Còn đời sống có đạo đức là đời sống có tôn giáo, chứ không phải theo tôn giáo mới gọi là có tôn giáo. Các con có hiểu ý này không?

Thành công trên đường đời mà không thành công trên đường đạo là thành công trên đường ác. Thành công trên đường đời mà thành công trên đường đạo là thành công trên đường thiện, cho nên đời có đạo là đời thêm tươi, thêm hạnh phúc cho mình và cho muôn người, muôn vật; còn đạo không đời là không phải đạo... Ví dụ: Một người giàu có mà không đạo đức là người bóc lột mồ hôi công sức của những người khác. Ðây là thành công trên đường đời mà không thành công trên đường đạo. Cho nên, đời thì phải có đạo mà đạo thì phải có đời, đời mà không có đạo là đời sống của loài thú vật như trên đã nói, còn đạo mà không có đời thì làm đạo cho ai. Ðến đây các con đã hiểu đời như thế nào là đời đúng, hiểu đời như thế nào là đời sai. Và đạo như thế nào là đạo đúng, đạo như thế nào là đạo sai.

No comments:

Post a Comment