Wednesday, 12 August 2020

CHỨNG ĐẠO

YẾU CHỈ TU TẬP - TRƯỞNG LÃO THÍCH THÔNG LẠC 
Album pháp âm đức Trưởng lão khai ngộ trạng thái chứng đạo và cô đọng những phương pháp tu tập.
Khai ngộ trạng thái chứng đạo:
“Bởi vậy cho nên Thầy thấy khi mà hiểu rồi sao mà đạo Phật dễ quá, mà chưa hiểu thì sao lại khó quá. Mà hầu hết Thầy thấy quý thầy chưa hiểu cho nên tu coi khó, đi khất thực thì mặt nào cũng ỉu xìu, đi cứ gầm gầm gầm gầm hổng có thấy cái vẻ hân hoan gì hết, tu thì phải hân hoan vui vẻ chứ tu gì mà coi khổ quá, quá khổ. 
Tại sachúng ta lại dẹp hết vọng tưởng để trở thành cây đá? Tu là làm chủ cái sự đau khổ để hết đau khổ chứ đâu phải tu để làm cho chúng ta trở thành con người ngơ ngơ ngẩn ngẩn, gầm gầm đi không dám nhìn ngó ai. Tu là đem lại cho tâm hân hoan vui vẻ, đoan trang, chánh trực, không liếc xéo, liếc ngang, không nói xấu nói lỗi người, không ly gián người này với người khác, tu là đi đứng khoan thai nhẹ nhàng, thoải mái chứ đâu phải đi cúi đầu, khom lưng bước thấp, bước cao. Tu là tĩnh giác nhưng tĩnh giác đâu có nghĩa là chỉ có biết bước đi, hơi thở mà tĩnh giác là tĩnh giác trong tất cả mọi sự việc xung quanh chúng ta. Nghĩa là đâu có tĩnh giác ở trên bước đi không đâu, mà đây là tĩnh giác những chuyện gì xung quanh chúng ta xảy ra, ta biết rõ thiện ác, biết rõ cái bị sanh, bị già, bị chết biết rõ, sự kiện xảy ra biết được, đó là mới tĩnh. Chứ không phải tĩnh mỗi trong hơi thở, biết hơi thở ra, biết hơi thở vô.

Chứng đạo cũng như người bình thường, nhưng người bình thường thì đang bị sanh già bệnh chết làm dao động, còn người chứng đạo thì không bị sanh già bệnh chết gì hết, bất động. Cho nên người bình thường và người chứng đạo khác nhau ở chỗ tâm bất động trước ác pháp và các cảm thọ. Tu như vậy đâu có nghĩa là khó khăn phải không quý vị. Tu đâu có nghĩa là làm cho chúng ta thay đổi thân tâm khác thường, mà làm cho thay đổi thân tâm khác thường thì đâu gọi là tu đúng. Tu là ngăn diệt những hành động làm khổ mình, khổ người đó là cách thức tu.
Tu mà làm cho mấy con quá cực khổ, đó là cái sai. Cho nên khi mà chứng đạo rồi đức Phật nói, con đường khổ hạnh đức Phật không có chấp nhận, mà con đường lợi dưỡng cũng không có chập nhận, hai cái ngả này Phật không chấp nhận, cho nên nó trung đạo, trung đạo là trung đạo cái chỗ nào? Cho nên trung đạo là cái chỗ không tự làm khổ mình. Tu mà làm khổ mình quá như vậy thì làm sao mà tu cho tới nơi tới chốn được? Cho nên cái tu mà làm khổ mình tức là khổ.

Đâu phải tu hết các tưởng là chứng đạo, đâu phải tĩnh giác là chứng đạo, đâu phải thần thông là chứng đạo, đâu phải ngồi thiền nhiều là chứng đạo, chứng đạo là tâm định tỉnh, nhu nhuyễn dễ sử dụng, ý muốn gì sai bảo thì thân tâm làm theo. Các con có nghe cái câu mà đức Phật đã dạy không? Tâm định tỉnh nhu nhuyễn dễ sử dụng.

Chứ không nhẽ bây giờ con người mình tu rồi mình làm cái gốc cây, cục đá ngồi hàng rào chứ, ngồi bất động đó sáu tháng như cái chú bé người Ấn Độ đó, làm gì đó. Không lẽ tu như vậy sao, các con thấy Thầy bác sạch ba cái thứ quỷ quái này. Con người thì con người chứ tại sao con người tu để rồi bây giờ ngồi đó sáu, bẩy tháng không ăn uống gì hết, không nói gì hết, để làm gốc cây sao?

Chứng đạo là làm chủ sanh già bệnh chết khi tâm ham muốn một điều gì ý thức bảo không được ham muốn điều đó là nó không làm, chứng đạo là vậy

“Cho nên hôm cái bài pháp tuy nó ngắn gọn nhưng nó cô đọng đầy đủ những cái phương pháp.Người nào mà chưa ngộ được cái sự chứng đạo, cái trạng thái chứng đạo rồi đến hỏi Thầy, cần thiết để hiểu biết cái này này chứ đừng có hiểu biết cái ba lăng nhăng mà tập ức chế tâm, hỏi Thầy lăng nhăng ba cái tưởng này tưởng kia, ba cái đó dẹp xuống hết đi, ở đây không có ba cái thứ đó nữa.”

“Đây là người tu chứng đạo ý thức làm chủ sự sống chết, tâm lúc nào cũng thoải mái dễ chịu hoan hỷ vui vẻ. Các con thấy mình đuổi nó rồi thì nó bình an cho mình thì ngồi vui vẻ chơi chứ có làm cái gì đâu, chứ đâu phải quá dụng công dụng sức tu tập mệt nhọc quá cho nên mặt héo xèo.”
(Thư viện Thầy Thông Lạc)

Saturday, 8 August 2020

SỢ Ở TÙ



Đối với 1 người bình thường chưa bao giờ ở tù thì sự sợ hãi đó sẽ đ bám và ám ảnh người đó suốt ngày đêm, từ từ trở thành 1 tâm bệnh, dẫn đến trầm cảm và các triệu chứng tâm thần khác. 

Vậy có cách nào vượt qua được sự sợ hãi đó không ? Dĩ nhiên là có.

1/ Nếu chúng ta hỏi những người thường xuyên phạm tội ở tù thì họ sẽ trả lời “Ở tù nhiều lần rồi quen thôi, không còn sợ nữa“. 

2/ Cách 2 là tìm bác sĩ tâm lý, uống thuốc an thần. 

3/ Cách thứ 3 là ta phải dùng phương pháp của Phật Giáo. Phương pháp của Phật giáo chỉ rõ nguồn gốc của tâm sợ đó từ đâu mà có rồi diệt chúng. 

Phật giáo là một tôn giáo có nền tảng đạo đức nhân bản-nhân quả, dạy con người sống có đạo đức để làm chủ nhân quả của mình. Bởi nhân quả luôn công bằng, không thiên vị ai, dù người đó là Phật, cũng chịu nhân quả chi phối. 

Thời đức Phật còn tại thế có một tên cướp tàn ác thích giết người, giết xong cắt tai và xâu lại đeo trên người. Sau khi gặp được đức Phật, đức Phật độ hóa cho anh ta giúp anh ta hiểu rõ được đâu là thiện ác, đâu là giải thoát. Anh ta bèn muốn quy y Phật. Đức Phật dĩ nhiên là đồng ý nhưng với điều kiện anh ta phải ra đầu thú và chấp nhận sự trừng phạt của pháp luật thời đó. 

Qua câu chuyện trên chúng ta thấy đức Phật là một người có trí tuệ và rất công bằng, không dùng quyền uy của mình xen vào nhân quả của anh cướp đó, vì nếu đức Phật nhúng tay vào thì xã hội sẽ không còn công bằng nữa, dân chúng sẽ căm phẫn và ghét Phật hơn. Nếu chúng ta xen vào nhân quả của ai đó thì chúng ta phải chịu gánh nhân quả thay cho họ. 

Anh cướp sau khi được đức Phật độ hóa thì tìm thấy được con đường giải thoát cho nên sẽ sẵn sàng chấp nhận mọi nhân quả đến với mình khi ra đầu thú dù là bị treo cổ tử hình. 

Có lẽ chúng ta sẽ hỏi nếu như anh cướp bị treo cổ chết thì làm sao theo Đức Phật tu tập giải thoát. Trong Phật giáo có câu “Phật tại tâm” . Khi anh cướp hiểu rõ những hành động cướp giết người của mình xưa kia là ác, là đem đau khổ đến cho người, cho mình. Rồi quyết tâm từ bỏ, quay đầu trở thành một người tốt thì chính ngay đó tâm của anh ta đã giải thoát. Mà đã giải thoát rồi thì dù có ở trong tù, bị đày hay bị treo cổ, tâm anh ta cũng đã giải thoát rồi. Bởi những việc cướp giết kia đều đã là quá khứ, anh cướp đang sống với tâm giải thoát trong hiện tại. 

Sợ tù tội là một tâm bệnh, bởi vì chúng ta không hiểu nhân quả, không chấp nhận nhân quả. Dù cho chúng ta có đi bao nhiêu bác sĩ, uống bao nhiêu thuốc quý hiếm, đi chùa, tụng kinh, làm việc thiện bao nhiêu cũng là những cách trị ngọn hoặc trị không đúng bệnh chứ không phải trị đúng gốc bệnh. 

Trị bệnh tận gốc là phải dùng sự hiểu biết tư duy quán xét vấn đề cho thấu đáo để thấy rõ quả tù tội hôm nay là do tâm tham, sân, si của chúng ta mà ra. Do bị tâm tham chi phối cho nên nói hay làm những việc trái pháp luật nên phải chịu bị pháp luật trừng trị. 

Pháp luật cũng là một phần của nhân quả. Mà đã là nhân quả thì nó sẽ công bằng không thiên vị ai cả, không ai có thể hối lộ để thoát được. Do vậy đừng nghĩ rằng đi chùa, cầu cúng Phật hay thần thánh nào sẽ thoát khỏi tù tội. Đó là chúng ta đang bị tâm tham lừa dối. Nếu chúng ta nghĩ như vậy thì tâm sợ hãi của chúng ta càng mạnh hơn mà thôi. 

Chỉ có đối diện nhân quả, chấp nhận và vượt qua. Sau khi quán xét thấy rõ do nhân tham trước kia mà có quả hôm nay, thì chúng ta tự quyết tâm sửa đổi, không bao giờ lặp lại những hành động tham kia nữa dù bất kỳ hoàn cảnh nào, nghĩa là trong hiện tại chúng ta đang sống với tâm không tham. Mà tâm không tham chính là tâm giải thoát. 

Do vậy khi tâm sợ tù tội khởi lên trong đầu chúng ta hãy dùng phương pháp “Như lý tác ý”. Đây là một phương pháp nhắc tâm,  như cái lý giải thoát nhắc tâm bằng cách tác ý để dẫn tâm vào chỗ giải thoát. 

Ví dụ như chúng ta nhắc “ tâm  tham cút đi, mày là tâm ác, mang đau khổ đến cho người, cho mình, từ đây về sau ta sẽ sống thiện, không tham nữa. Dù cho tù tội gì tôi cũng chấp nhận hết. Tâm sợ hãi cút hết“

Hoặc là nhắc : “Hiện tại tâm ta không có tham, ta đang sống với tâm giải thoát, thì có gì phải sợ, nhân quả nào đến ta cũng chấp nhận hết, tâm sợ hãi cút đi”

Sau Khi nhắc đuổi tâm sợ hãi thì tác ý “ tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự”

Tùy nhân quả và tâm trạng của mình mà chúng ta trạch ra câu tác ý để đuổi những tâm tư tiêu cực. Chỉ có như vậy chúng ta mới vượt qua được nhân quả. 

Nói rõ hơn về tâm sợ hãi Đức Phật đã dạy qua bài“ năm sợ hãi và hận thù”. https://www.nguyenthuychonnhu.net/index.php/bdt/106-5sohai      

Do không sống đúng ngũ giới mà con người thường sống trong sợ hãi và hận thù. Ai sống đúng ngũ giới thì họ đâu còn có sợ hãi, dù nhân quả gì đến họ đều chấp nhận vì họ biết trong hiện tại họ đang gieo nhân thiện thì tương lai họ sẽ gặt quả thiện.
1-  Người thường sát sanh, ăn thịt chúng sanh thì luôn sợ bị giết, bị đánh đập, sợ bị đau bệnh, sợ già, sợ chết
2-  Người thường trộm cắp thì sợ nghèo túng, sợ mất đồ, sợ trộm cắp, sợ tốn tiền hao của, sợ bị lừa gạt tiền tài của cải, sợ tù tội. 
3-  Người thường có những tà hạnh thì sợ người hay vật hại mình, sợ người khác phát hiện việc làm xấu của mình, sợ ở tù. 
4-  Người thường nói dối thì sợ bị lừa dối, sợ bị gạt, luôn sống trong nghi ngờ người khác, không tin tưởng ai, sợ bị phát giác, sợ người khác phát hiện mình nói dối, lừa gạt người khác. 
5-  Người thường uống rượu thì sợ bệnh, sợ người khác hơn mình, chèn ép mình,...

Ngoài ra vì con người không hiểu lý nhân duyên, thường chấp cái thân, tâm là mình, là của mình cho nên chạy theo ngũ dục lạc: sắc, danh, lợi, ăn và ngủ. Hết thích cái này đến cái khác, do vậy luôn sợ mất, sợ thân bị tổn hại, sợ xấu, sợ bị giết, bị già, bị chết,...sợ đủ thứ. Suốt đời làm nô lệ cho cái thân và tâm, bị chúng coi như nô lệ, bị sai bảo, suốt ngày chạy đông chạy tây, tâm  như con khỉ hết suy nghĩ cái này đến suy nghĩ cái khác không bao giờ yên lặng trừ lúc đi ngủ. 

Tóm lại, muốn trị được mọi bệnh tận gốc thì phải hiểu rõ nhân quả, luôn sống thiện nghĩa là luôn hành thập thiện và có tri kiến giải thoát thì tâm bệnh sợ hãi sẽ được diệt trừ tận gốc. 



Friday, 31 July 2020

TỰ TẠI SANH TỬ


(Trích ở sách: NGƯỜI PHẬT TỬ CẦN BIẾT tập 5 trang 64/
http://nguyenthuychonnhu.net/imag…/ebooks/PhatTuCanBiet5.pdf)
LỜI PHẬT DẠY
“Này các Tỳ kheo, Tỳ kheo có đầy đủ tín, đầy đủ giới, đầy đủ văn, đầy đủ thí, đầy đủ trí tuệ. Vị ấy nghĩ: “Mong rằng với sự đoạn trừ các lậu hoặc, với thắng trí Ta chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại tâm giải thoát vô lậu!”
“Vị ấy với sự đoạn trừ các lậu hoặc, với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại tâm giải thoát, tuệ giải thoát vô lậu. Này các Tỳ kheo, các Tỳ kheo này không sinh ra một nơi nào, không sinh ra một chỗ nào”. (Kinh Trung Bộ tập III trang 289 kinh Đại Hành Sanh).
CHÚ GIẢI:
Kinh Đại Hành Sanh là một bài kinh mà đức Phật đã xác định vị trí thế đứng vững chắc giáo pháp của mình là sự an trú trong hiện tại tâm giải thoát, tuệ giải vô lậu. Mục đích giải thoát là phải tu tập đến chỗ tâm vô lậu này thì không còn tái sanh, dù bất cứ nơi đâu. Cho nên đường lối của đạo Phật đã xác định rõ ràng khi đạt đến mục đích này không sanh nơi nào, không có chỗ nào để tái sanh. 
Bài kinh này xác định rõ đạo Phật không có cảnh giới nào để sinh: “Tỳ kheo này không sinh một nơi nào, không sinh ra một chỗ nào?” Như vậy cảnh giới Niết Bàn, Cực Lạc, Phật tánh không phải là chỗ của Phật đến.
Trong kinh Đại Hành Sanh đức Phật đã đưa ra từ cõi người làm vua chúa cho đến 33 cõi Trời, không có cõi nào là chỗ đức Phật đến. Chỗ đức Phật đến chỉ là nơi tâm vô lậu. Chỗ tâm vô lậu là chỗ bất sanh, bất diệt: “Mong rằng với sự đoạn tận các lậu hoặc” Như vậy rõ ràng những gì kinh sách Đại Thừa xây dựng lên mọi cảnh giới đều không đúng nơi đức Phật đến.
Nếu người có trí một chút đọc đoạn kinh này là biết rõ mình tu đến đâu, còn tái sanh hay đã hết tái sanh. Và còn tái sanh về đâu, nơi đâu, đều biết rõ ràng.
Tâm nguyện của người tu sĩ Phật giáo không cầu về cõi Cực Lạc Tây Phương, Niết Bàn, hay kiến tánh thành Phật, hoặc trở về với bản thể Chân Như. Mục đích của người tu sĩ Phật giáo là phải chứng đạt được tâm vô lậu. Vậy tâm vô lậu là gì?
Tâm vô lậu là tâm không còn khổ đau phiền não, lo lắng, sợ hãi, tức giận, than khóc v.v…Tâm vô lậu là tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ. Là tâm không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai, là tâm không còn dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Vì thế, sự tu tập của đạo Phật rất rõ ràng là nhắm vào chỗ đoạn diệt tất cả các lậu hoặc, đem lại sự thanh thản, an lạc và vô sự cho một thân tâm giải thoát.
Đối tượng sự tu tập giải thoát của Phật giáo là tâm lậu hoặc, tâm lậu hoặc sạch là các bạn đã tu tập xong, chứ không phải đợi kiến tánh thành Phật hoặc chứng quả vị này quả vị khác. hoặc sinh về cõi này, cõi kia hoặc nhập vào bản thể vạn hữu. 
Kính thưa các bạn! Tất cả những quả vị từ xưa đến nay trong các kinh sách Đại Thừa đã xây dựng, đó là những cảnh giới không thực tế, mơ hồ, trừu tượng, ảo giác để lừa đảo mọi người.
Còn mục đích của đạo Phật xác định rất rõ ràng và cụ thể. Hôm nay chúng tôi xin xác quyết rõ ràng để các bạn tu tập cho cụ thể không còn hiểu biết một cách mơ hồ, và không còn sống trong những cảm giác ảo tưởng cõi này, cõi kia nữa.
Kính thưa các bạn! Các bạn có biết tâm vô lậu là gì không? Khi nào người ta chê bạn, nói xấu, mạ lị, mạt sát, chửi mắng bạn, mà tâm bạn vẫn thản nhiên không buồn giận hờn, không oán ghét vv… đó là tâm vô lậu.
Khi nào bạn không thương, không ghét một người nào, không sợ hãi, lo lắng sống luôn luôn thanh thản, an ổn và không có một chướng ngại gì trong tâm các bạn, đó là tâm vô lậu. Khi nào tâm các bạn không còn tham muốn một vật gì, dù đó là một món ăn rất ngon, rất thích khẩu của các bạn, nhưng các bạn cũng thản nhiên không thèm, không ham thích muốn ăn. Có thì ăn, không có ăn thì thôi, đó là tâm vô lậu.
Khi nào các bạn thấy sự lười biếng, hôn trầm, thùy miên không còn tấn công các bạn khi các bạn muốn thức dù bất cứ giờ nào, các bạn cũng đều tỉnh thức, đó là tâm vô lậu của các bạn.
Khi nào tất cả mọi cảm thọ đến với bạn mà tâm bạn không lo, không sợ hãi thì đó là tâm vô lậu.
Khi nào tất cả mọi pháp làm động khiến tâm các bạn bất an, nhưng các bạn vẫn thản nhiên, với tâm thanh thản, an lạc và vô sự thì đó là tâm vô lậu.
Khi nào các bạn nhận xét thấy rõ ràng tâm mình được như vậy là các bạn đã tu xong, tức là các bạn đã chứng đạt chân lí, nếu còn chưa được như vậy thì các bạn phải tác ý để tâm các bạn bất động, tức là các bạn còn đang hộ trì chân lí, đó là các bạn còn tu tập. Như vậy chỗ tu tập còn hay đã xong là các bạn đều biết rất rõ ràng.
Tâm vô lậu bất động là chỗ các bạn an trú trong khi các bạn còn sống cũng như lúc các bạn đã chết. Tâm hữu lậu chưa bất động là không phải chỗ các bạn an trú. Mà nếu các bạn an trú nơi đó thì các bạn phải chịu nhiều đau khổ. Muốn không an trú chỗ tâm hữu lậu thì các bạn phải tu tập nhiều nữa.
Như vậy chỗ tu tập để chứng đạt chân lí của Phật giáo không phải khó khăn, chỉ có tu tập đúng pháp thì tâm lậu hoặc sẽ được diệt sạch. Tâm diệt sạch lậu hoặc là chỗ an trú của Phật. Xin các bạn lưu ý những lời dạy này.

TRUNG ĐẠO CỦA ĐẠO PHẬT


(Vấn đạo được ghi chép từ pháp thoại trong giáo án Giới Hành băng số 25 - Trưởng lão Thích Thông Lạc giảng năm 1998 tại Tu viện Chơn Như)

Đáp: Ở đây có ba cái thọ: Thọ lạc, thọ khổ, và cái chỗ thọ không lạc cũng không khổ. Thường thường bên Thiền Đông Độ người ta chấp cái chỗ “không buồn cũng không vui”, không khổ mà cũng không có gì vui, tức là người ta không bị dính mắc vào hai chỗ này. Trạng thái chỗ thọ bất lạc bất khổ này, người ta nghĩ là TRUNG ĐẠO, đường lối của Đạo Phật. Nhưng sự thật ở đây, thọ là vô thường, dù là bất lạc bất thọ khổ chỉ trong một giây lát nào đó, rồi nó sẽ có thọ lạc hoặc thọ khổ, nó là bản chất vô thường rồi. Dù là thọ lạc, thọ khổ cũng bản chất vô thường, nó đâu phải thường hằng, vậy mà chúng ta chấp nó là TRUNG ĐẠO, đường lối của Đạo Phật thì không phải. 

Cho nên ở đây Thầy đáp: “Theo Đạo Phật có ba trạng thái: Thọ lạc, thọ khổ và thọ bất lạc bất khổ. Ba Thọ này Đức Phật không chấp nhận thọ nào cả, luôn luôn tu tập tìm mọi cách để xả ly chúng.” Xả ly ba cái thọ này, bởi vì thọ lạc, thọ khổ, thọ bất lạc bất khổ này không phải là TRUNG ĐẠO, không phải là cứu cánh. Nhưng Thiền Tông có thể chấp nhận nó là trạng thái “chẳng niệm thiện, niệm ác”, do cái chỗ nó không thiện không ác, chẳng buồn cũng chẳng vui. Thiện là vui, ác là khổ, mà đây nó không khổ cũng không vui, do đó nó là chỗ bất lạc, bất khổ của Phật đã chỉ. Chỗ này Đức Phật bảo đây là trạng thái còn vô thường, bởi vì nó là thọ vô thường, dù là thọ bất lạc bất khổ cũng vẫn vô thường, cho nên nó chưa phải là chỗ cứu cánh của chúng ta. Trong Kinh Đức Phật cũng xác định để chúng ta thấy rõ được con đường tu tập của chúng ta. Thọ bất lạc bất khổ, trạng thái này tương ưng với trạng thái “chẳng niệm thiện, niệm ác” của Thiền Đông Độ. Trạng thái này xét ra chỗ chẳng niệm thiện niệm ác, tức là niệm không vui, không buồn, thì nơi này coi như "bản lai diện mục hiện tiền". Nhưng chỗ này không phải là chỗ mà Đức Phật chấp nhận, vì nó còn cái thọ, thọ cái chỗ mà không vui, không buồn. Còn niệm không thiện, không ác tức là nó còn ở trong cái chỗ vô thường. Thí dụ bây giờ nghe danh từ “chẳng niệm thiện niệm ác”, thì chúng ta ngỡ tưởng là trong đầu của chúng ta không có niệm thiện niệm ác thì phải có một trạng thái nào đó, trạng thái đó là “bất khổ bất lạc thọ”. Nghĩa là không có khổ cũng không có lạc, cho nên không có niệm thiện niệm ác, tức là không vui cũng không buồn. Mà không vui không buồn thì nó phải có trạng thái thọ, thọ cái bất khổ bất lạc đó chứ? Chứ đâu phải nó không có niệm thiện niệm ác thì nó ở không ngơ, không có cái gì! Nó phải còn ở trong cái thọ đó. Cho nên khi nói “chẳng niệm thiện niệm ác” thì chúng ta phải suy nghĩ đến một trạng thái trong cái “chẳng niệm thiện niệm ác” này, là trạng thái “chẳng thọ khổ mà chẳng thọ lạc”. Như vậy chúng ta mới thấy rõ được chỗ mà chấp của bên Thiền Đông Độ. Chỗ đó là chỗ mà Phật đã thấy thọ là vô thường, dù là bất lạc bất thọ khổ cũng là vô thường, bởi vì thọ Phật đã nói vô thường mà. 

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, ngũ uẩn này là vô thường. Rồi Đức Phật xác định bốn chỗ chúng ta đang tu tập cho nó gọt sạch được, để đi đến giải thoát. Thì Thân, Thọ, Tâm, Pháp Đức Phật cũng xác định bốn chỗ này vô thường, khổ, không, vô ngã. Bốn chỗ vô thường, khổ, không, vô ngã rõ ràng. Đức Phật cũng xác định ở chỗ Thọ này là Vô thường, mà nó là Không, nó cũng Vô ngã, cái Thọ này cũng không có ngã nữa. Có đủ duyên hợp lại nó mới thành mụn ghẻ, nó mới thành đau, thành đớn. Ví dụ tay chúng ta không đứt thì làm sao chúng ta có đau đớn được. Do nhân duyên chúng ta chặt trúc, hoặc chặt cây, hay làm gì đó, hoặc nhổ cỏ, nó mới đứt tay chúng ta. Cái duyên hợp lại làm cho hoàn cảnh đó xảy ra vết thương, từ đó chúng ta thấy ngón tay mình đau, thọ khổ đó mới xảy ra. Hoặc là chúng ta ăn miếng ăn đó nghe ngon, ngọt ở trong miệng, đó là do duyên hợp lại. Khi đó cảm xúc của chúng ta tiếp xúc với cái pháp trần sinh ra thọ lạc, ăn thấy ngon, vì vậy chúng ta mới sanh ra ái dục, cái ưa thích đó làm chúng ta đau khổ. Mình ưa thích nó thì mình phải tìm kiếm nó, như vậy mình sẽ gặp nhiều đau khổ trên sự yêu thích. Đó là nguyên nhân đau khổ, là nơi tập hợp tất cả sự đau khổ đến, vì ưa thích tức là nó phải tập hợp. Nó không thể được gọi là TRUNG ĐẠO của Đạo Phật. Nó chỉ là một trạng thái tâm bình thường không khổ không lạc mà thôi. Như bây giờ chúng ta không có khổ không có lạc, tức là trạng thái tâm bình thường. Trạng thái tâm bình thường này thuộc về ý thức không niệm thiện, niệm ác mà thôi. 

TRUNG ĐẠO của Đạo Phật không phải là pháp môn nằm giữa pháp môn đối đãi. Nghĩa là đừng nghĩ rằng TRUNG ĐẠO nằm giữa các pháp môn đối đãi. Pháp môn đối đãi bên đây khổ, bên đây lạc, thì TRUNG ĐẠO nằm giữa cái không khổ không lạc này mà nghĩ rằng đó là TRUNG ĐẠO của Đạo Phật. Không phải đâu! Bởi vì chúng ta phải hiểu rõ ràng, khi chúng ta học Tứ Chánh Cần chúng ta mới hiểu rõ rằng TRUNG ĐẠO của Phật không nằm giữa pháp đối đãi, hay pháp nhị nguyên đâu. Nó không phải là cái hiểu quá tầm thường như vậy. 

TRUNG ĐẠO của Đạo Phật là một pháp môn vượt ra khỏi nhân quả. Đường lối của Đạo Phật tu tập để giúp chúng ta vượt ra nhân quả, vì con người, vì muôn vật từ nhân quả mà sanh ra, chết đi về nhân quả. Cho nên chúng ta muốn ra khỏi sự sống chết, làm chủ sự sống chết, chấm dứt tái sanh luân hồi, thì chúng ta phải vượt ra khỏi nhân quả. Nếu chúng ta ở trong vòng nhân quả thì chúng ta sẽ bị nhân quả chi phối mà tái sinh luân hồi, và thọ biết bao nhiêu khổ và vui ở trong cái nhân quả. 

Cho nên mục đích TRUNG ĐẠO của Đạo Phật là làm sao vượt ra khỏi nhân quả, nhưng lấy thiện pháp làm nền tảng, làm điểm tựa, làm hòn đảo, làm ngọn đèn. Lấy Thiện pháp làm, cho nên ở kia thì nó phải bỏ thiện và bỏ ác, còn ở đây không bỏ thiện mà lấy thiện làm nền tảng để vượt ra nhân quả. Do nhân quả mới tạo ra thiện ác, các thầy phải hiểu. Nhưng nó không bỏ cái đối đãi của pháp ác, tức là nó lấy cái thiện để làm điểm tựa, chứ nó không phải chấp nhận cái thiện. Nó làm điểm tựa để vượt qua, vì vậy Đạo Phật mới lấy Giới luật làm đầu, bởi vì Giới luật của Phật là thiện pháp. Quý thầy đã hiểu chưa? Từ thiện pháp đó, những người tu sĩ chúng ta mới ly dục, ly ác pháp, mới có được Sơ Thiền. Còn nếu chúng ta không ly dục ly ác pháp thì chúng ta sẽ ở trong ác pháp, thì chúng ta đâu làm sao mà nhập Sơ Thiền được!
Cho nên phải hiểu TRUNG ĐẠO của Đạo Phật lấy Thiện pháp làm nền tảng, làm điểm tựa, làm hòn đảo, làm ngọn đèn sáng để soi cho mình đi trên con đường đó để vượt qua nhân quả. Vì nhân quả là nguyên nhân để chúng ta tái sinh luân hồi, mãi mãi nhiều kiếp, nhiều đời chúng ta ở trong lục đạo, ở trong sự đau khổ. Vì thế Đức Phật không chấp nhận thọ bất lạc bất khổ là cứu cánh, là Đạo mình. Nghĩa là Đức Phật không chấp nhận trạng thái đó là cứu cánh đâu. Cứu cánh của Đạo Phật là đoạn dứt ác pháp, tăng trưởng thiện pháp, tức là đoạn dục. Nghĩa là mình đoạn dục thì ác pháp sẽ không còn, mà khi đoạn dục tức là chúng ta còn ở trong Thiện pháp. Cho nên trong Sơ thiền Đức Phật có dạy rất kỹ, Thầy nhắc lại cho quý thầy thấy. Đức Phật nói ly dục ly ác pháp nhập Sơ thiền. Nhập Sơ thiền do ly dục sanh hỷ lạc có tầm có tứ. Có tầm là có sự suy nghĩ, mà suy nghĩ thiện thì Đức Phật đâu có cấm. Như bây giờ thấy một người đang đau khổ thì chúng ta giúp đỡ họ bằng cách này khác. Thấy người đang đói chúng ta đem cơm cho ăn, thì đâu phải niệm đó Đức Phật bảo chúng ta đừng có niệm. Cho nên chúng ta vẫn làm điều thiện được ở trong Tứ Vô Lượng, tức là tâm Từ, Bi, Hỉ, Xả của chúng ta vẫn tu tập được điều đó. Điều đó vẫn là thiện chứ đâu phải là ác, cho nên Đức Phật vẫn lấy cái thiện để từ cái thiện đó giúp cho chúng ta vượt qua pháp ác. Người ta chửi mình mà mình thương người, thì làm sao mình giận người ta được? Đó không phải là cách đối trị tâm Từ, tâm Bi của mình đối với tâm Sân của mình sao? Cho nên Đức Phật đứng trên nền tảng của Thiện để vượt qua nhân quả.

Khi vượt qua được nhân quả thì không còn thiện và ác. Bây giờ chúng ta đang ở trong ác pháp mà chúng ta không chấp nhận thiện pháp thì chúng ta lấy cái gì đối trị nó được? Cho nên Đạo Phật dạy chúng ta rất rõ, biết đứng ở chỗ đứng của chúng ta rất vững, từ đó chúng ta hoàn toàn được hạnh phúc của tâm hồn, vì Thiện không làm mình khổ, mà không làm người khác khổ, mục đích diệt Ác. Ở đây Thầy xin đọc lại chỗ này: "Cứu cánh của Đạo Phật là đoạn dứt ác pháp, tăng trưởng thiện pháp, tức là đoạn dục." Nói đoạn dứt ác pháp mà tăng trưởng thiện pháp, thì mình biết là đoạn dục. Dục là lòng ham muốn, đó là Tập Đế, do lòng ham muốn của mình mà nó tập bao nhiêu sự khổ đến cho mình. Đó là trong Tứ Diệu Đế Đức Phật đã chỉ định cho thấy nguyên nhân sanh ra khổ của con người là dục. Bây giờ chúng ta đoạn dứt ác mà tăng trưởng thiện, tức là đoạn dứt dục. Đoạn dục tức là Diệt Đế, còn gọi là Niết Bàn. Diệt Đế người ta có thể nói nó là Niết Bàn được, bởi vì tâm ham muốn chúng ta đã diệt được rồi, đoạn nó được rồi, thì trạng thái ở trong cái tâm đó là Niết Bàn, chứ không phải đi tìm cảnh giới nào mà có Niết Bàn. Chính trạng thái tâm của chúng ta đã hết ham muốn thì đó là Niết Bàn. Mà hết ham muốn thì không còn ác pháp, cho nên còn toàn là thiện pháp. Cho nên có tầm có tứ chứ đâu phải hết, tức là có sự suy tư ở trong pháp Thiện chứ không phải là còn suy tư ở trong pháp Ác. Không còn những thủ đoạn gian ác, không còn những ý nghĩ hung ác, không còn những lời nói dữ tợn nữa. Như vậy chúng ta thấy rất rõ con đường của Đạo Phật chỉ chúng ta cách thức đứng trên chỗ nào để chúng ta chuẩn bị cho cuộc chiến đấu với nội tâm của chúng ta. 

Muốn diệt Ác pháp chỉ có Thiện pháp mới diệt được mà thôi. Các thầy thấy rất rõ là trong Thập Thiện Đức Phật dạy rất rõ, có Mười Điều Lành mà Mười điều lành đó thì mình nhắm vào ba điều lành của ý mình nói, tức là không tham, không sân, không si. Người nào có tham, có sân, có si, thì người đó ở trong ác pháp chứ gì, mà không tham, không sân, không si thì thiện pháp chứ gì, đó rất rõ ràng. Vì vậy bây giờ chúng ta muốn tăng trưởng thiện pháp, tức là kéo dài thời gian không tham, không sân, không si. Mà không tham, sân, si tức là đoạn dứt ác pháp rồi, thì đâu có gì mà không giải thoát tâm hồn chúng ta? Cho nên thấy rất rõ. Nếu chúng ta không đứng trên thiện pháp không tham, không sân, không si thì chúng ta đứng chỗ nào? Đứng chỗ chẳng niệm thiện, niệm ác tức là chúng ta đã hủy luôn nền tảng thiện pháp rồi, thì làm sao chúng ta gọi là giải thoát cho được? Dù chúng ta có tu một ngàn kiếp đi nữa cái chỗ “chẳng niệm thiện, niệm ác” thì chúng ta cũng chẳng giải thoát được khỏi “chẳng niệm thiện, niệm ác”. Bởi vì chúng ta đã xóa bỏ nó đi, xóa bỏ nó đi thì chúng ta đứng trên nền tảng nào để chúng ta biết được rằng tâm chúng ta giải thoát? Vì giải thoát của Đạo Phật nhắm vào tam độc tham, sân, si. Mà tham, sân, si là ác pháp, cho nên chúng ta mới dựa vào cái không tham, sân, si này là cái pháp thiện để chúng ta diệt ác pháp mới được. Còn bây giờ tâm chúng ta có tham mà chúng ta không biết, chúng ta nói không có tham, tức là sai. Cho nên người phá giới, ăn uống phi thời, ngủ nghỉ phi thời, vật chất đầy đủ mà họ nói rằng họ không dính mắc, sự thật ra thì người đó chưa phải là người trí tuệ của Đạo Phật, họ không thấy. 

Muốn diệt ác pháp, chỉ có thiện pháp mới diệt được mà thôi. Nhưng diệt được ác pháp thì cũng không dính mắc trong thiện pháp, nhưng lại sống trong thiện pháp. Cho nên bất thọ lạc, bất thọ khổ là một trạng thái chẳng thiện, chẳng ác. Ngược lại TRUNG ĐẠO của Đạo Phật sống trong thiện pháp mà không bị dính mắc thiện pháp. Cái hay là chúng ta lấy nó làm nền tảng để vượt qua nhân quả, cho nên trong hành động nhân quả chúng ta sẽ làm chủ được hoàn toàn, chúng ta không mắc vào thiện pháp. Còn nếu chúng ta mắc vào thiện pháp, chúng ta cứ lo đi từ thiện, cứu trợ hoặc làm chuyện này, chuyện kia, rồi kêu gọi phật tử đóng tiền cất Chùa, xây Tháp gọi là thiện pháp, thì cái đó không thiện gì nữa hết, mà đời chúng ta không giải thoát chỗ nào hết.
Note: Phần trên được bổ sung thêm vào bài đăng ngày 19/04/2020
—————

Hỏi: Thưa thầy! Trung đạo của đạo Phật là gì? Nó có khác gì so với đạo đức nhân quả hay không?

Thật sự ra thì hỏi về trung đạo thì hầu như người ta hiểu một cách mơ hồ lắm, cái trung đạo của đạo Phật mà so sánh với đạo đức nhân quả thì cái đạo đức nhân quả là cái trung đạo của đạo Phật. Nó từ cái nền tảng đó mà đi lên, thì nó trở về với cái đời sống mà thành tựu của đạo pháp, rồi thì cái đạo đức nhân quả đó là trung đạo. Nó toàn thiện chứ không phải là nửa thiện nửa ác, gọi là trung đạo. Nó nửa bên đây nửa bên kia thì nó là trung đạo. Không phải! Nó toàn thiện. Mà thiện của Phật nó không phải là chuyện cái kiểu mà làm mình khổ mà người khác vui không phải vậy, cho nên nó là cái đạo đức trung đạo, lấy cái nhân quả mà làm cái nền tảng của nó. Vì vậy mà coi như trung đạo là đạo đức nhân quả. 
Cho nên đạo Phật - cái đạo đức nhân quả là cái đạo đức của đạo Phật, nền đạo đức của đạo Phật ở chỗ đạo đức nhân quả.

NGŨ TRIỀN CÁI VÀ THẤT KIẾT SỬ

(Trích từ CẨM NANG TU PHẬT 1 – THẦY THÍCH THÔNG LẠC)

Ngũ Cái hay Ngũ Triền Cái là năm cái màn che đậy: 

1/. Tham triền cái : Tham là lòng ham muốn của mình che đậy, làm cho mình không thấy vật ham muốn đó sẽ làm khổ mình. 
-- Thí dụ thấy một chiếc xe Dream (xe mô tô hiện đại của Nhật) khởi tâm ham muốn, tìm mọi cách làm để mua sắm nó. Đó là cái khổ thứ nhất.
-- Đến khi sắm được xe, chạy xảy ra tai nạn gảy chân tay. Đó là cái khổ thứ hai. Thế mà khi lòng ham muốn nổi lên, người ta không thấy cái khổ. Cho nên gọi đó là triền cái (ngăn che không thấy khổ). 
2/. Sân triền cái là lòng tức giận, ngăn che không thấy khổ. Thí dụ khi nghe người khác mạ nhục, mình tức giận rút cây, hoặc dao rựa ra đánh, hoặc chém người cho hã giận. Khi hết giận thì sự khổ phải ôm lấy, như nằm nhà thương, hoặc ở tù. Lòng sân che đậy không thấy sự khổ sẽ đến với mình đầy dẫy trong cuộc sống hàng ngày nên gọi là sân triền cái. 
3/. Si triền cái là cái màn che trí tuệ làm cho nó không hiểu biết chánh pháp, tà pháp, thiện ác. Ví dụ, người ta nói thiền xuất hồn là của đạo Phật, chúng ta liền tin theo, mà không cần suy nghĩ, đó là si triền cái. 
4/. Mạn triền cái là cái tự kiêu, tự đại che ngăn làm cho mình không thấy cái chỗ dở của mình. Thí dụ như mình ăn phi thời, phá giới luật, có vợ con, mà vẫn xem mình là một thầy tu, hiu hiu tự đắc, lên pháp đường thuyết giảng mà không biết xấu hỗ, thì đó là bị mạn triền cái ngăn che. 
5/. Nghi triền cái là cái lòng nghi ngờ ngăn che không thấy sự thật. Ví dụ, người ta nói một số pháp môn tu tập hiện hành là mê tín, là không đúng theo lời dạy của Phật, mình không tin, nghi ngờ lời nói đó sai (vì các pháp môn nầy do các Thầy, Tổ truyền lại). Chỉ tin vào Thầy, Tổ mà không chịu tìm hiểu cho rõ ràng, đó là bị nghi triền cái che ngăn. 

THẤT KIẾT SỬ 

Thất Kiết Sử là bảy pháp trói buộc con người, khiến cho đau khổ. Bảy pháp đó gồm có: 
1/. Ai kiết sử: lòng thương yêu, ưa mến, thích thú của mình đã trói buộc lại mình, làm khổ mình. 
2/. Sân kiết sử: lòng sân hận, buồn tức, giận dữ của mình đã trói buộc lại mình, làm hổ mình. 
3/. Kiến kiết sử: sự cố chấp cho sự hiểu biết của mình là đúng, còn tất cả sự hiểu biết khác cho là sai. Thế là nó đã trói buộc mình, làm khổ mình, và ai nói gì mình cũng chẳng nghe. 
4/. Nghi kiết sử: lòng nghi ngờ tự trói buộc mình, chẳng bao giờ chịu rời bỏ khiến cho mình mất hết nghị lực. 
5/. Mạn kiết sử: lòng ngã mạn, kiêu căng, tự đắc, tự trói buộc mình, lúc nào cũng tự xem mình là trên hết. Chính lòng hiu hiu tự đắc nầy đã làm khổ mình mà không dứt bỏ. 
6/. Hữu tham kiết sử: những vật mà mình buông bỏ chẳng được, cứ bị nó trói buộc, làm khổ mình hoài. 
7/. Vô minh kiết sử: điều mình không hiểu mà cứ nghĩ rằng mình đã hiểu. 
-- Thí dụ: không hiểu Tứ Thánh Định mà cứ cho là mình hiểu nên xếp nó vào loại Tiểu Thừa thiền, phàm phu thiền, ngoại đạo thiền. Không ngờ thiền nầy là Thánh Trú, là Phạm Trú, Như Lai Trú, vv..

TU TẬP GIẢI THOÁT 1

Tóm Tắt Bài Giảng "Tu Tập Giải Thoát"
Bài giảng này của thầy Thích Thông Lạc được cắt ra làm 4 bài nhỏ chỉ rõ cách thức tu tập giải thoát đún
g của đạo Phật, để mọi người không bị lọt vào tu ức chế tâm.
Phần I
1. Trong quá trình tu tập, chúng ta tu chỉ cần sơ sót một chút là ức chế tâm, cái sơ sót đó là khi chúng ta ráng quá là nó sai. Khi tu tập chúng ta phải thấy được sự giải thoát ngay liền làm cho thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự.
2. Nó thanh thản như thế nào, nó an lạc như thế nào. Nó an lạc là cái thân không có mệt nhọc, không có khó chịu. Khi cái thân nó an lạc sẽ làm cho cái tâm thanh thản, không có nghĩ ngợi cái này cái nọ, không bị chướng ngại nào cả.
3. Do vậy khi tu chúng ta nương vào pháp của Phật chúng ta phải luôn cảm thấy sự an lạc của cái thân, giống như bây giờ chúng ta tự xem xét lại cái thân hiện giờ có an lạc không, có đau nhức chỗ này chỗ kia không, hoặc nó mỏi mệt, hoặc nó lừ đừ hay không, nếu không thì nó đang an lạc. Còn nếu cái thân lừ đừ, buồn ngủ, gục tới gục lui thì sao gọi là an lạc. Như vậy do chỗ nào mà chúng ta tu sai? Đó là cách để chúng ta xét.
4. Ngược lại, cảm thấy tâm thanh thản, không có bị hôn trầm thùy miên thì là tốt. Pháp tu không có làm cho chúng ta khổ chỗ nào hết, do vậy đức Phật nói “pháp ta không có thời gian, tới để mà thấy” nghĩa là khi tu không phải tới một ngày nào đó mới thấy sự giải thoát, mà ngay khi tu tập là thấy sự giải thoát ngay.
5. Vậy thì bây giờ mình xét: tâm mình nó không sân nè, không tham nè, không có gì hết thì nó giải thoát chứ gì. Thân nó không đau nhức, bệnh tật, lừ đừ, hôn trầm thùy miên, … thì nó giải thoát chứ gì. Vậy là tâm đang thanh thản an lạc. Mình cứ nghiệm xét đi.
6. Rồi bây biờ mình bắt đầu tu tập, đứng lên ngồi xuống, nghe nó mệt nhọc. Ví dụ chúng ta tu 5 hơi thở đi 1 vòng chưa mệt nhọc, 2 vòng chưa mệt nhọc,… 5 vòng mệt nhọc thì chúng ta ngồi nghỉ. Nghĩa là có chướng ngại rồi, có mệt nhọc thì mình ngồi mình nghỉ ngay. Nghỉ một chút rồi một lát tu lại. Đó là sự giải thoát.
7. Còn bây giờ nghe thầy nói được tu từ 10 phút đến 30 phút. Cố gắng cố gắng tu 10 phút được rồi, ráng tu 30 phút thấy nó mệt nhọc quá mà vẫn ráng tu cho được 30 phút. Chiếm cái giờ của mình làm cho đúng, chứ thiệt ra tu phải giải thoát chứ không phải chiếm cái giờ tu cho có cái giờ, mà tu phải tìm thấy từng giây, từng phút trong sự giải thoát đó mời đúng.
8. Cho nên người ta tu thấy nhẹ nhàng thanh thản, càng tu càng thích, càng thấy tiến bộ. Tiến bộ ở chỗ nào? Tiến bộ không phải ở chỗ ngồi nhiều, tiến bộ ở chỗ chúng ta thấy cái tâm nó thanh thản an lạc và vô sự. Hằng ngày chúng ta thấy thích thú, nó làm cho chúng ta vui, thấy thích sống một mình, không duyên ra cảnh. Còn chúng ta thấy mệt nhọc, buồn bã, buồn ngủ, đủ thứ hết, tại vì mình tu sai.
9. Chúng ta xét sự tu tập trong đạo Phật. Thầy đã nêu lên như chữ “thanh thản”, “an lạc”, “ vô sự” thì luôn luôn lúc nào tu chúng ta cũng cảm thấy “thanh thản, an lạc và vô sự”. Nếu không thanh thản an lạc vô sự là sai. Nó có một trạng thái gì là sai.
10. Ví du bây giờ trong cái giờ chúng ta tu từ 7h-10h, trong khoảng thời gian từ 7-8h, 30 phút đầu chúng ta nghe nó tốt, 30 phút sau nghe nó mệt nhọc, thì chúng ta ngồi nghỉ, xả, đừng tu tập nữa. Ngồi chơi, xả nghỉ. Khi đó nếu chúng ta ngồi chơi xả mà buồn ngủ thì chúng ta đi kinh hành, đi tới đi lui như một người đi vô sự, chứ không phải như một người đi tập trung cho nó mệt nhọc nữa, đi cho nó động thân không buồn ngủ nữa, đi tới đi lui, đi vòng vòng, đi với một người vô sự. Bây giờ nó mỏi chân quả, mỏi chân là có chướng ngại rồi, mất đi sự an lạc rồi, thì mình ngồi lại.
11. Khi ngồi lại, buồn ngủ thì chúng ta dùng hơi thở, hít vào sâu chậm chậm, thở ra chậm chậm 1 hơi thở, sau đó thì hít vào thở ra 5 hơi thở bình thường, cứ như vậy 1 hơi thở chậm chậm, 5 hơi thở bình thường cho đến khi hết hôn trầm thùy miên. Khi có tỉnh giác thì chúng ta tu sẽ cảm thấy thoải mái thân an lạc trở lại. Không thở 2 hơi thở chậm liên tục, thở như vậy sẽ ức chế. Chỉ thở 1 hơi thở chậm, nhẹ và 5 hơi thở bình thường thôi, không thở 2 hơi thở chậm, 5 hơi thở bình thường.
12. Có 3 cách phá hôn trầm; cách đầu tiên khi đang bị hôn trầm thì đi kinh hành 20 bước, ngồi thở 5 hơi thở, đứng dậy đi 20 bước rồi lại ngồi thở 5 hơi thở. Cách thứ hai cũng phá đang bị hôn trầm là ngồi hít thở 1 hơi thở chậm nhẹ sâu, sau đó thở lại bình thường 5 hơi thở. Cách thứ 3 là ngăn ngừa hôn trầm thùy miên bằng cách đi kinh hành, chúng ta biết giờ đó sẽ bị hôn trầm thì chúng ta đứng dậy đi trước, đi nhẹ nhàng như người vô sự. Cách 1 và 2 dùng để đối trị, cách 3 dùng để ngăn ngừa hôn trầm.
13. Do vậy tu phải khéo léo, tu nhiều quá thì bị hôn trầm, sống độc cư quá thì bị tuôn trào. Do vậy khi độc cư chúng ta cũng phải khéo léo sử dụng: cái giờ này chúng ta cố gắng phòng hộ mình, giờ sau chúng ta đi kinh hành hoặc chúng ta lao tác, nhổ cỏ, quét sân hoặc làm cái gì đó để cho nó thoái mái dễ chịu hơn là chúng ta ngồi không, vì khi chúng ta ngồi không thì chúng ta không chịu nổi sự tuôn trào đâu.
14. Sau khi cái tâm nó chịu độc cư rồi, thì nó không cần chúng ta lao động đâu. Nghĩa là nó không thích lao đông đâu, nó chỉ thích vô sự thôi. Còn bây giờ nó cảm thấy cô đơn, thích lao động. Chúng ta biết cái thích của nó để nương dần hướng dẫn nó đi vào đôc cư. Thường khi chúng ta bị hôn trầm, thùy miên, vô ký, cô đơn thì chúng ta đi kinh hành một vòng rộng, đi như vậy thì không phòng hộ 6 căn được, do vậy chúng ta chỉ nên đi vòng hẹp thôi, xung quanh thất của mình thôi.
15. Còn bây giờ, nếu lúc đó chúng ta không chịu đi, trong thấy đóng cửa thì sẽ bị hôn trầm. Do vậy khi bị hôn trầm thì chúng ta không nên đi một vòng quá hẹp trong phòng, mà nên đi ra ngoài cho thoái mái, nhưng không nên đi vòng rộng quá vì khi đó mắt của chúng ta sẽ không được phòng hộ dễ dính mắc, bị phóng dật đến những chuyện xung quanh.
16. Do vậy khi tu tập cần phải luôn phòng hộ 6 căn và giữ gìn thân tâm luôn thanh thản an lạc và vô sự. Không tu căng quá mà cũng không lơ là quá giống như dây đàn lúc căng lúc chùn quá thì không đàn không được. Cố gắng ngăn không bị hôn trầm bằng cách đi chơi, đi vô sự, mắt nhìn xuống không ngó 2 bên. Nhìn xuống thực hiện Từ tâm tránh giẫm đạp chúng sinh, đi như người vô sự, không tập trung vào bước đi, giúp đỡ, cứu giúp các loài vật đang gặp nạn, làm những công việc đó là tu lòng Từ, chúng ta sẽ thấy tâm thanh thản an lạc vô sự. Do vậy khi tu, chúng ta chỉ cần làm việc gì mà thấy tâm thanh thản an lạc và vô sự thì đó là cách tu đúng.
17. Chỉ cần tu đúng lòng Từ thì cũng chứng đạo.
18. Hằng ngày chúng ta chỉ cần khởi lòng từ bi, thể hiện mọi hành động như cứu giúp các loài vật đang đau khổ thì chúng ta cũng thấy rõ hạnh phúc, thanh thản an lạc và vô sự trong lòng chúng ta. Chính từ tâm đó mà người khác chửi mình và mắng mình, mình không có giận hờn, không còn tham muốn nữa, chính từ tâm đó làm cho ta ly dục ly ác pháp nhập sơ thiền.
19. Tu Tứ Vô Lượng Tâm đâu có dạy chúng ta ngồi thiền đi kinh hành, hằng ngày chỉ khởi lòng thương yêu, chăm sóc các loài vật xung quanh để chúng thoát khỏi sự vô tình các loài vật giết hại nhau, … chỉ khởi tâm đừng có hại nhau thì cuối cùng chứng quả Alahan. Tu rất tự nhiên. Không cần ngồi thiền nhập định gì cả.
20. Khi đức Phật dạy ông Châu Lợi Bàn Đạt cũng vậy, chỉ lo ngồi quét tâm trên tứ niệm xứ, đâu có dạy ông ngồi thiền, hơi thở, hít thở gì cả, đâu có dạy ông nhiều, trái lại ông chỉ ngồi đó quét cái tâm của ông thôi, vậy thì ông quét cái tâm bằng cách nào? ông phải nhìn thân thọ tâm pháp của ông, có cái gì trên đó là ông đẩy lui thôi, tức là ông quét sạch cái tâm đó. Nói “thân, thọ, tâm, pháp” chứ sự thật mỗi mỗi đều do cái tâm của mình.
21. Trong kinh pháp cú, tâm dẫn đầu mà. Nếu tâm làm điều thiện thì nó giải quyết được 4 chỗ này được đẩy lui và chướng ngại pháp. Nếu nó làm điều ác thì 4 chỗ này phải bị thọ khổ đau của nó. Cho nên rõ là Tâm dẫn đầu, mà nói đến tâm tức là ở trên tứ niệm xứ quét cái tâm cho sạch sẽ, làm cho tâm thanh tịnh.
22. Khi thầy nhận ra được pháp của Phật, pháp “như lý tác ý”. Thầy đâu còn khổ khi còn tu pháp Tri Vọng đâu? Thầy ngồi chơi, hoặc ngồi bán già, hoặc kiết già, hoặc đi kinh hành thầy đều quan sát 4 chỗ thân, thọ, tâm, pháp của mình với một người vô sự. Rồi cứ mỗi chướng ngại gì trên đó đẩy lui mà không chương ngại, thầy thường nhắc tâm “tâm như đất, không có tham sân si nữa” nhắc nữa, nhắc mãi, nhắc rồi cứ thanh thản mà đi chơi chứ không có làm gì nữa hết, thấy rõ nó thanh thản an lạc và vô sự. Và cuối cùng tâm thầy hoàn toàn không phóng dật, luôn luôn lúc nào nó định trên hơi thở của nó. Đó là cách tu rất tự nhiên và nhẹ nhàng.
23. Do đó suy ra các thánh tăng ngày xưa như em của ông Cấp Cô Độc cũng thực hiện lòng từ. Hằng ngày ông sống xung quanh thất không chơi với ai. Nhưng ông khởi sự lòng thương yêu đối với các loài vật xung quanh thất ông. Mỗi một con vật rơi trong vũng nước, con kiến nhỏ, ông đều vớt bỏ lên bờ, ông dùng những chiếc lá cây cứu bao nhiêu loài vật bị một cơn mưa, do đó ông thấy lòng ông thanh thản an lạc và vô sự. Và từ đó lòng từ của ông phát triển đến mức độ không còn tham sân si nữa. Ông tu rất tự nhiên, đâu cần phải ngồi thiền, đâu cần phải niệm Phật, tu Tứ Niệm Xứ gì đâu, nhưng mà khi khởi lòng từ thì tâm tham sân si đều bị quét sạch.
24. Tuy là chúng ta tu theo đạo Phật, 37 phẩm trợ đạo rất nhiều, từ Tứ Chánh Cần,Tứ Niệm Xứ, Tứ Bất Hoại Tịnh,Tứ Như Ý Túc cho đến Tứ Thánh Định. Tất cả những pháp này chỉ cần thực hiện tâm không còn tham sân si nữa mà thôi.
25. Nhưng chúng ta mỗi người có một căn duyên với một pháp nào đó, khi hợp với pháp nào thì chúng ta ôm pháp đó mà thực hiện. Có người tu Tứ Vô Lượng Tâm, có người tu Tứ Niệm Xứ. Nếu chúng ta ngồi đây mà thấy trên Tứ Niệm Xứ mà tâm thanh thản an lạc và vô sự thì chúng ta dùng pháp Tứ Niệm Xứ mà tu. Còn nếu chúng ta dùng pháp Tứ Chánh Cần thì chúng ta phải tu định niệm hơi thờ, tu chánh niệm tỉnh giác, tu định sáng suốt, … Pháp Tứ Chánh Cần nó có nhiều pháp, có pháp ngăn và pháp diệt, cho nên nó nhọc nhằn, do vậy pháp Tứ Chánh Cần dùng cho người cư sĩ, tại sao? Vì người cư sĩ người ta chung đụng với ác pháp, người ta phải ngăn và diệt nó. Còn chúng ta là người tu sĩ, chúng ta chỉ ngồi không, có làm gì đâu, không có lao tác, chúng ta khởi sự thì quá dễ dàng cho nên 7 tháng, 7 năm là chúng ta thành tựu.
26. Vậy tại sao có nhiều người tu vài tháng rồi mà chưa thấy kết quả. Tại vì chúng ta phóng duyên nhiều quá. Khi vào đây phải khép chặt, quyết định là 7 tháng phải thành tựu. Như vậy sự nhiệt tâm của mình phải làm sao, làm sao đừng cho ức chế tâm mặc dù pháp đó là pháp của Phật. Do vậy từ xưa tới giờ các Tổ đâu phải tu sai pháp của Phật, nhưng tại vì các Ngài tu không đúng cách mà bị ức chế tâm, từ đó kiến giải đẻ ra pháp ức chế, chớ đâu có gì sai, nhưng khi bị ức chế, thì nó giống pháp của ngoại đạo. Khi pháp Phật giống pháp của ngoại đạo thì nó bị đồng hóa với pháp ngoại đạo. Do vậy các Tổ chỉ vô tình tu sai lọt vào tu ức chế mà không biết. Pháp thì đúng, nhưng hành động tu thì sai.
27. Khi thầy nhận ra được cách tu do đức Phật dạy trong kinh nguyên thủy, thầy thấy nhẹ nhàng quá, không còn khổ như trước kia nữa. Do đó, bây giờ thầy ngồi chơi vẫn giữ được Tứ Niệm Xứ của mình thanh thản an lạc vô sự. Chỉ còn đợi đủ năng lực của nó thì nhập các định. Sự suy tư của thầy như vậy nó giúp cho thầy đi đúng quỷ đạo của đạo Phật. Làm cho thầy không còn ức chế tâm, ngồi chơi, chớ không còn ngồi đó giữ tâm không vọng tưởng, ngồi chơi để mà quan sát thân thọ tâm pháp của mình có thanh thản an lạc và vô sự hay không. Chỉ xem nó có thanh thản an lạc hay không? chỉ xem nó có giải thoát hay không?
28. Nếu nó không giải thoát thì nó phải khởi niệm nào đó, nếu có thì nó phải có tham, sân, si. Có phiền não, có lo thì nó mới khởi những niệm đó. Còn niệm không tham, không sân, không si thì nó đi vào chỗ nào? Truy ra tất cả những niệm đó, sự truy ra đó thấy được sự xả ly hơn là ngồi ức chế tâm trong vọng tưởng.
29. Do vậy từ khi biết được pháp tu của đạo Phật, thầy thấy được trong sự tu tập của các con có sự ức chế nào đó, chứ chưa phải xả. Thầy nhìn thấy nhưng không biết nói làm sao để các con xả. Dường như khi tu là các con lọt vào cái thói quen ức chế. Do vậy khi các con trình cho thầy là thầy biết có ức chế, dù là ít nhiều, làm cho các con thấy nó mệt nhọc, khó khăn. Càng tu tập, càng cố gắng tu tập nghe nó mệt nhọc, càng bị hôn trầm. Càng cố gắng, càng nổ lực, càng loạn tưởng . Nó sanh ra điều này, sanh ra điều kia. Nó luận điều này, luận điều kia, nó luận đến nổi nó không còn tin thầy nữa. Tất cả những chỗ này đều do chỗ ức chế tâm mà sanh ra. Thầy biết.
30. Cho nên hôm này thầy nói: tu làm sao mà nhẹ nhàng, phải thấy được sự giải thoát của tâm hồn.
31. Sống giống như một người sống bình thường. Người bình thường họ sống chạy theo dục lạc, còn mình thì cũng sống bình thường như họ, chỉ duy nhất là không tham sân si mà thôi. Chỉ duy nhất vậy thôi, khi nào trong tâm có tham sân si thì đuổi ra, làm sao cho các niệm đó không còn nữa mà thôi. Còn cái niệm mà duy nhất gọi là vô lậu đó là cái niệm thanh thản, an lạc và vô sự. Cái niệm đó chính là sự giải thoát của tâm hồn chúng ta.
32. Do vậy từ đây các con hãy xét lại và sống cho được giới luật: ăn một ngày một bữa, sống độc cư trầm lặng như con tê ngưu một sừng. Phải quyết định trong từ tháng thứ 1 đến tháng thứ 7 chúng ta phải quyết định chứng đạt được tam minh. Dùng mọi cách thức phá cho được hôn trầm. Phá bằng 3 phương pháp nói ở trên. Không được để trạng thái bị hôn trầm rồi mới phá, cho nên chúng ta ngăn ngừa trước, khi xảy ra rồi thì có pháp phá nhẹ nhàng. Đợi nó bị hôn trầm, đi ủi qua ủi lại thì quá nặng, quá vất vả quả khổ. Do vậy trong bước đường tu mà để xảy ra những trường hợp như vậy thì sẽ sanh ra nhiều bệnh tật làm cho đường tu tập của chúng ta bị thối chuyển.
33. Các con nhớ trong quá trình tu tập, thanh thản an lạc và vô sự là một trạng thái vô lậu. Do vậy chúng ta biết được tâm mình giải thoát từng phút từng giây, nó ở chỗ nào đều biết được. Và sự tu tập của chúng ta tự nhiên biết hơi thở là tốt, đừng có gò bó nó nhiều quá trong hơi thở là không tốt. Cũng như gò bó nó trên từng bước đi là không tốt, mà để tự nhiên nó biết bước đi là tốt nhất.
34. Chúng ta chỉ duy nhất có một pháp tu tập nhiều nhất đó là pháp như lý tác ý. Luôn luôn lúc nào cũng nhớ: “tâm như đất, không có tham sân si” hay hoặc “tâm ly dục ly ác pháp nhập sơ thiền”. Cứ nhắc bao nhiêu đủ cho chúng ta trong bước đường tu tập. Tâm hồn phải thanh thản an lạc và vô sự, nhưng phải sống trọn vẹn độc cư, không tiếp duyên ngoại duyên. Vì tiếp duyên ngoại duyên thì không bao giờ chúng ta thực hiện được “tâm không phóng dật”.
35. Thầy bảo đảm nếu tu đúng như lời thầy dạy thì trong vòng 7 tháng 7 năm là giải thoát. Còn tu không đúng cách thì 70 năm, 700 năm cũng không giải thoát. Giữ thân tâm đúng cách thì 7 năm là quá lâu, chỉ cần 7 tháng sẽ đạt được.
36. Không cần tu nhiều đời nhiều kiếp. Đức Phật đã xác định 7 ngày 7 tháng 7 năm thì sự giải thoát là thực tế nếu tu đúng.
37. Thời gian nhập định không lâu, chỉ cần ra lệnh là được, sau đó hướng tâm về quá khứ; thiên nhãn minh, thấy biết cái này cái kia, tất cả không gian vũ trụ này nó đều biết hết; tìm hiểu rõ lậu tận minh, truy ra nguồn gốc tái sanh luân hồi của con người, tìm hiểu xem nó hiểu như thể nào,…sau đó nó thấy mầm tái sanh luân hồi trên thân thọ tâm pháp không còn nữa. Tức là dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu cuả nó không còn nữa. Tức là nó đã chấm dứt tái sanh luân hồi, nghĩa là nó biết chỗ nó về rồi.
38. Và bây giờ thầy đã biết, thầy nói lại cho các con biết tâm thanh thản an lạc và vô sự là trạng thái mà chư Phật đang ở đó, là chỗ bất động tâm của mọi người. Thế mà các con không giữ được trạng thái bất động tâm này để cho mình bị trôi lăn trong lục đạo sao? Cho nên các con nghe những người đệ tử của thầy họ sắp sửa giờ chết, thầy bảo họ cố gắng giữ tâm thanh thản an lạc vô sự trước những cơn đau như buốt mà vẫn thản nhiên, xem nó là vô thường. Thọ là vô thường mà, cái thọ này vô thường, thường hằng đâu mà sợ hãi , ai cũng đau cũng khổ rồi cũng chết. 
Chúng ta là người tu sĩ phải gan dạ, phải vững tâm, không hề sợ hãi trước cái đau đớn đó, do đó chúng ta thanh thản an lạc và vô sự trong cái sự thọ khổ đó. Cuối cùng thì chúng ta vào Niết Bàn. Đó là một chỉ điểm rất rõ ràng để chúng ta biết trạng thái đó , để chúng ta nắm giữ nó, để mà tu hành.
39. Bởi vì mục đích của đạo Phật là bất động tâm. Bất động tâm thì nó phải có trạng thái thanh thản an lạc và vô sự. Thầy đã chỉ điềm cho tất cả ai cũng biết hết rồi. Chỉ bây giờ quý vị có giữ được cái tâm này không? Cái Thân, Thọ, Tâm, Pháp của quý vị có giữ được trọn vẹn trạng thái này không? Nếu trạng thái được 1 phút thì quý vị đang ở Niết Bàn 1 phút, 2 phút thì quý vị đang ở Niết Bàn 2 phút, 1 giờ thì quý vị đang ở Niết Bàn 1 giờ, 2 giờ thì quý vị đang ở Niết Bàn 2 giờ.
40. Thầy đã xác định nếu 24 tiếng đồng hồ mà được luôn như vậy thì quý vị sẽ nhập các định làm chủ sự sống chết một cách cụ thể. Đâu có nhiều. Còn đức Phật thì xác định từ 1 ngày đến 7 ngày. Nếu trên thân thọ tâm pháp mà thanh thản an lạc và vô sự trong vòng 1 ngày, 24 tiếng thì sẽ thành tựu. Trong vòng 24 tiếng, tâm không phóng dật là chúng ta thành chánh giác.
41. Do vậy pháp của Phật đơn giản và cụ thể, không có khó khăn, không có gò bó, không có luyện tập làm cho cái thân của mình khổ.
(Còn tiếp phần 2, 3, 4)