(Trích từ CẨM NANG TU PHẬT 1 – THẦY THÍCH THÔNG LẠC)
Ngũ Cái hay Ngũ Triền Cái là năm cái màn che đậy:
1/. Tham triền cái : Tham là lòng ham muốn của mình che đậy, làm cho mình không thấy vật ham muốn đó sẽ làm khổ mình.
-- Thí dụ thấy một chiếc xe Dream (xe mô tô hiện đại của Nhật) khởi tâm ham muốn, tìm mọi cách làm để mua sắm nó. Đó là cái khổ thứ nhất.
-- Đến khi sắm được xe, chạy xảy ra tai nạn gảy chân tay. Đó là cái khổ thứ hai. Thế mà khi lòng ham muốn nổi lên, người ta không thấy cái khổ. Cho nên gọi đó là triền cái (ngăn che không thấy khổ).
2/. Sân triền cái là lòng tức giận, ngăn che không thấy khổ. Thí dụ khi nghe người khác mạ nhục, mình tức giận rút cây, hoặc dao rựa ra đánh, hoặc chém người cho hã giận. Khi hết giận thì sự khổ phải ôm lấy, như nằm nhà thương, hoặc ở tù. Lòng sân che đậy không thấy sự khổ sẽ đến với mình đầy dẫy trong cuộc sống hàng ngày nên gọi là sân triền cái.
3/. Si triền cái là cái màn che trí tuệ làm cho nó không hiểu biết chánh pháp, tà pháp, thiện ác. Ví dụ, người ta nói thiền xuất hồn là của đạo Phật, chúng ta liền tin theo, mà không cần suy nghĩ, đó là si triền cái.
4/. Mạn triền cái là cái tự kiêu, tự đại che ngăn làm cho mình không thấy cái chỗ dở của mình. Thí dụ như mình ăn phi thời, phá giới luật, có vợ con, mà vẫn xem mình là một thầy tu, hiu hiu tự đắc, lên pháp đường thuyết giảng mà không biết xấu hỗ, thì đó là bị mạn triền cái ngăn che.
5/. Nghi triền cái là cái lòng nghi ngờ ngăn che không thấy sự thật. Ví dụ, người ta nói một số pháp môn tu tập hiện hành là mê tín, là không đúng theo lời dạy của Phật, mình không tin, nghi ngờ lời nói đó sai (vì các pháp môn nầy do các Thầy, Tổ truyền lại). Chỉ tin vào Thầy, Tổ mà không chịu tìm hiểu cho rõ ràng, đó là bị nghi triền cái che ngăn.
THẤT KIẾT SỬ
Thất Kiết Sử là bảy pháp trói buộc con người, khiến cho đau khổ. Bảy pháp đó gồm có:
1/. Ai kiết sử: lòng thương yêu, ưa mến, thích thú của mình đã trói buộc lại mình, làm khổ mình.
2/. Sân kiết sử: lòng sân hận, buồn tức, giận dữ của mình đã trói buộc lại mình, làm hổ mình.
3/. Kiến kiết sử: sự cố chấp cho sự hiểu biết của mình là đúng, còn tất cả sự hiểu biết khác cho là sai. Thế là nó đã trói buộc mình, làm khổ mình, và ai nói gì mình cũng chẳng nghe.
4/. Nghi kiết sử: lòng nghi ngờ tự trói buộc mình, chẳng bao giờ chịu rời bỏ khiến cho mình mất hết nghị lực.
5/. Mạn kiết sử: lòng ngã mạn, kiêu căng, tự đắc, tự trói buộc mình, lúc nào cũng tự xem mình là trên hết. Chính lòng hiu hiu tự đắc nầy đã làm khổ mình mà không dứt bỏ.
6/. Hữu tham kiết sử: những vật mà mình buông bỏ chẳng được, cứ bị nó trói buộc, làm khổ mình hoài.
7/. Vô minh kiết sử: điều mình không hiểu mà cứ nghĩ rằng mình đã hiểu.
-- Thí dụ: không hiểu Tứ Thánh Định mà cứ cho là mình hiểu nên xếp nó vào loại Tiểu Thừa thiền, phàm phu thiền, ngoại đạo thiền. Không ngờ thiền nầy là Thánh Trú, là Phạm Trú, Như Lai Trú, vv..
No comments:
Post a Comment