Tuesday 28 July 2020

NHÂN QUẢ XUNG QUANH

Có người đặt câu hỏi: con người từ đâu sinh ra. Đức Phật nói rằng: con người từ nhân quả sinh ra, sống trong nhân quả và chết với nhân quả.

Vậy hiện tại hằng ngày con người sống trong nhân quả nghĩa là sao ? Điều đó nghĩa là mọi việc xảy ra xung quanh chúng ta trong hiện tại đều là nhân quả. Cụ thể như: 

1/ Là những ý kiến tốt, ý kiến xấu, suy nghĩ tốt, suy nghĩ xấu.
2/ Là những lời nói tốt, lời nói xấu, là khi bị nói oan ức, la mắng, chê bai, trách cứ, là những lời nói vô tâm như con dao sắc đâm nát tâm can, là những lời nói dối, lời nói lừa gạt, tráo trở, thay trắng đổi đen, là những lời nói ly gián, chia rẽ, đâm chọc,... 
3/ Là những hành động tốt, hành động xấu, là bị đánh, bị đâm, bị chém, bị bắn, bị giết, là tai nạn, là khổ vì sanh nhai, là nợ, là bệnh tật, là già, là chết, là thất nghiệp, bị chèn ép, xua đuổi, xem thường, bị phân biệt chủng tộc, bị đối xử như nô lệ, bị tù tội, bị rượt đuổi, ra tòa, hay nằm bệnh viện, thương tật, chết đi sống lại,...
4/ Là hoàn cảnh giàu, nghèo, khỏe hay bệnh, thành công hay thất bại, hạnh phúc hay đau khổ, vui hay buồn, nơi sinh sống, nơi chết, nhiều bạn hay ít bạn, người thương hay người ghét, người giúp hay người hại, người đòi nợ hay trả nợ, cha, mẹ, anh chị em, bà con bạn bè, các loài động vật và cây cỏ xung quanh,...theo tôn giáo, chính tri hay tổ chức nào,...làm từ thiện hay ăn xin,...
5/ Là những chuyện không tin được như thần đồng, thiên tài, khả năng đặc biệt như siêu nhân, siêu trí tuệ,... Hoặc ngược lại có người ngu dốt, tự ti, thần kinh, không coi ai ra gì, thích quậy phá, chơi bời, thích bắn súng, giết người, trộm cắp. Có người thích trở thành bác sĩ, kỷ sư, phi hành gia, nhà khoa học, có người thích làm nông dân, doanh nhân, người thám hiểm, tài tử,...

Tất cả những gì chúng ta thấy xung quanh đều là nhân quả.


Đôi khi chúng ta thấy Nhân quả rất tàn nhẫn, vô tâm, không lý lẽ, không tình thương, không khoan dung tha thứ. Nhưng đã là nhân quả thì nó rất công bằng, bởi vì những gì chúng ta đang đón nhận đều là do nhân chúng ta đã tạo ra trong quá khứ. Quả hiện tại như tấm gương giúp chúng ta thấy được những gì chúng ta đã nói, làm và đối xử với người vật khác trong quá khứ.

Thí dụ như cha mẹ của chúng ta, họ cũng chỉ là những khối duyên nhân quả thường xuyên bị nhân quả chi phối, có khi ta thấy họ rất yêu thương ta, chiều chuộng, nhẹ nhàng. Nhưng cũng có khi họ đánh đập ta rất tàn nhẫn, la mắng, giận dữ, quát tháo to tiếng, luôn dùng thái độ xem thường chúng ta, không coi trọng ý kiến, lời nói và việc làm của chúng ta, họ luôn nghĩ họ đúng, chúng ta làm gì cũng sai, luôn bị họ quát mắng, tư tưởng ý kiến luôn bất đồng,...Tất cả những hành động, lời nói, ý kiến vô minh của họ đều đang bị nhân quả của họ điều khiển và sai khiến. Họ thật đáng thương, không làm chủ được tham, sân si mạn nghi, do vậy bị chúng điều khiển và sai khiến. Chính vì vô minh, họ không phân biệt được thiện ác, nên họ vẫn đang sống làm khổ họ, khổ người và làm khổ các loài vật khác mà không biết. Càng ngày càng tạo thêm nghiệp khổ cho chính họ và người khác.


Nhân quả tốt thì ít, nhưng nhân quả xấu thì nhiều, mà còn liên tục, mãi mãi dai dẳng kéo dài cho đến hơi thở cuối cùng của cuộc đời. 


Im lặng, nhẫn nhịn nhìn nhân quả đến từng giây, từng phút, từng ngày, chúng ta mới cảm nhận được cuộc đời này đúng là khổ, không đáng cho chúng ta lưu luyến. 


Nhờ im lặng, nhẫn nhịn và biết yêu thương tha thứ, nhân quả sẽ tự thay đổi. Do đó chúng ta cảm nhận được sự vô thường của chúng. Sự trui rèn và giác ngộ đó rất có ích cho tâm cảnh của chúng ta. 


Dù nhân quả gì cũng từ duyên mà ra, đủ duyên thì hợp, hết duyên thì tan. Duyên có duyên trong, duyên ngoài. Duyên trong có thể là tâm tham, sân, si, mạn, nghi, là sự sợ hãi, lo lắng, đau khổ, phiền não, là nóng là lạnh, là yếu là khỏe, là nội tạng, là vi trùng, ... Duyên ngoài có thể là cảnh vật, hình dáng, âm thanh, hương, vị, xúc chạm, là ý kiến, lời nói và hành động của người vật khác hoặc hoàn cảnh, điều kiện môi trường, thời tiết xung quanh,... 


Nếu  đủ duyên trong và ngoài kết hợp thì sẽ có nhân quả, nhưng nếu chỉ có duyên trong mà không có duyên ngoài hoặc có ngoài mà không có trong thì nhân quả sẽ không thành. Ví dụ: khi trong tâm có sân thì khi nghe ai la mắng mình, mình sẽ giận và la mắng lại. Nhưng nếu không có tâm sân giận thì dù ai la mắng mình mình cũng không giận và không la mắng lại. Hoặc dù cho tâm có sân nhưng bên ngoài không ai la mắng mình thì mình cũng không tự giận mà la mắng người khác. 

Thấu triệt được nhân quả để thấy không có cái ngã, cái tôi, cái của tôi, không có mình, không có người khác, không người thân, tất cả chỉ là duyên nhân quả mà thôi. Có như vậy chúng ta mới có thể bất động, thay đổi nhân quả.

No comments:

Post a Comment