Friday 31 July 2020

TRUNG ĐẠO CỦA ĐẠO PHẬT


(Vấn đạo được ghi chép từ pháp thoại trong giáo án Giới Hành băng số 25 - Trưởng lão Thích Thông Lạc giảng năm 1998 tại Tu viện Chơn Như)

Đáp: Ở đây có ba cái thọ: Thọ lạc, thọ khổ, và cái chỗ thọ không lạc cũng không khổ. Thường thường bên Thiền Đông Độ người ta chấp cái chỗ “không buồn cũng không vui”, không khổ mà cũng không có gì vui, tức là người ta không bị dính mắc vào hai chỗ này. Trạng thái chỗ thọ bất lạc bất khổ này, người ta nghĩ là TRUNG ĐẠO, đường lối của Đạo Phật. Nhưng sự thật ở đây, thọ là vô thường, dù là bất lạc bất thọ khổ chỉ trong một giây lát nào đó, rồi nó sẽ có thọ lạc hoặc thọ khổ, nó là bản chất vô thường rồi. Dù là thọ lạc, thọ khổ cũng bản chất vô thường, nó đâu phải thường hằng, vậy mà chúng ta chấp nó là TRUNG ĐẠO, đường lối của Đạo Phật thì không phải. 

Cho nên ở đây Thầy đáp: “Theo Đạo Phật có ba trạng thái: Thọ lạc, thọ khổ và thọ bất lạc bất khổ. Ba Thọ này Đức Phật không chấp nhận thọ nào cả, luôn luôn tu tập tìm mọi cách để xả ly chúng.” Xả ly ba cái thọ này, bởi vì thọ lạc, thọ khổ, thọ bất lạc bất khổ này không phải là TRUNG ĐẠO, không phải là cứu cánh. Nhưng Thiền Tông có thể chấp nhận nó là trạng thái “chẳng niệm thiện, niệm ác”, do cái chỗ nó không thiện không ác, chẳng buồn cũng chẳng vui. Thiện là vui, ác là khổ, mà đây nó không khổ cũng không vui, do đó nó là chỗ bất lạc, bất khổ của Phật đã chỉ. Chỗ này Đức Phật bảo đây là trạng thái còn vô thường, bởi vì nó là thọ vô thường, dù là thọ bất lạc bất khổ cũng vẫn vô thường, cho nên nó chưa phải là chỗ cứu cánh của chúng ta. Trong Kinh Đức Phật cũng xác định để chúng ta thấy rõ được con đường tu tập của chúng ta. Thọ bất lạc bất khổ, trạng thái này tương ưng với trạng thái “chẳng niệm thiện, niệm ác” của Thiền Đông Độ. Trạng thái này xét ra chỗ chẳng niệm thiện niệm ác, tức là niệm không vui, không buồn, thì nơi này coi như "bản lai diện mục hiện tiền". Nhưng chỗ này không phải là chỗ mà Đức Phật chấp nhận, vì nó còn cái thọ, thọ cái chỗ mà không vui, không buồn. Còn niệm không thiện, không ác tức là nó còn ở trong cái chỗ vô thường. Thí dụ bây giờ nghe danh từ “chẳng niệm thiện niệm ác”, thì chúng ta ngỡ tưởng là trong đầu của chúng ta không có niệm thiện niệm ác thì phải có một trạng thái nào đó, trạng thái đó là “bất khổ bất lạc thọ”. Nghĩa là không có khổ cũng không có lạc, cho nên không có niệm thiện niệm ác, tức là không vui cũng không buồn. Mà không vui không buồn thì nó phải có trạng thái thọ, thọ cái bất khổ bất lạc đó chứ? Chứ đâu phải nó không có niệm thiện niệm ác thì nó ở không ngơ, không có cái gì! Nó phải còn ở trong cái thọ đó. Cho nên khi nói “chẳng niệm thiện niệm ác” thì chúng ta phải suy nghĩ đến một trạng thái trong cái “chẳng niệm thiện niệm ác” này, là trạng thái “chẳng thọ khổ mà chẳng thọ lạc”. Như vậy chúng ta mới thấy rõ được chỗ mà chấp của bên Thiền Đông Độ. Chỗ đó là chỗ mà Phật đã thấy thọ là vô thường, dù là bất lạc bất thọ khổ cũng là vô thường, bởi vì thọ Phật đã nói vô thường mà. 

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, ngũ uẩn này là vô thường. Rồi Đức Phật xác định bốn chỗ chúng ta đang tu tập cho nó gọt sạch được, để đi đến giải thoát. Thì Thân, Thọ, Tâm, Pháp Đức Phật cũng xác định bốn chỗ này vô thường, khổ, không, vô ngã. Bốn chỗ vô thường, khổ, không, vô ngã rõ ràng. Đức Phật cũng xác định ở chỗ Thọ này là Vô thường, mà nó là Không, nó cũng Vô ngã, cái Thọ này cũng không có ngã nữa. Có đủ duyên hợp lại nó mới thành mụn ghẻ, nó mới thành đau, thành đớn. Ví dụ tay chúng ta không đứt thì làm sao chúng ta có đau đớn được. Do nhân duyên chúng ta chặt trúc, hoặc chặt cây, hay làm gì đó, hoặc nhổ cỏ, nó mới đứt tay chúng ta. Cái duyên hợp lại làm cho hoàn cảnh đó xảy ra vết thương, từ đó chúng ta thấy ngón tay mình đau, thọ khổ đó mới xảy ra. Hoặc là chúng ta ăn miếng ăn đó nghe ngon, ngọt ở trong miệng, đó là do duyên hợp lại. Khi đó cảm xúc của chúng ta tiếp xúc với cái pháp trần sinh ra thọ lạc, ăn thấy ngon, vì vậy chúng ta mới sanh ra ái dục, cái ưa thích đó làm chúng ta đau khổ. Mình ưa thích nó thì mình phải tìm kiếm nó, như vậy mình sẽ gặp nhiều đau khổ trên sự yêu thích. Đó là nguyên nhân đau khổ, là nơi tập hợp tất cả sự đau khổ đến, vì ưa thích tức là nó phải tập hợp. Nó không thể được gọi là TRUNG ĐẠO của Đạo Phật. Nó chỉ là một trạng thái tâm bình thường không khổ không lạc mà thôi. Như bây giờ chúng ta không có khổ không có lạc, tức là trạng thái tâm bình thường. Trạng thái tâm bình thường này thuộc về ý thức không niệm thiện, niệm ác mà thôi. 

TRUNG ĐẠO của Đạo Phật không phải là pháp môn nằm giữa pháp môn đối đãi. Nghĩa là đừng nghĩ rằng TRUNG ĐẠO nằm giữa các pháp môn đối đãi. Pháp môn đối đãi bên đây khổ, bên đây lạc, thì TRUNG ĐẠO nằm giữa cái không khổ không lạc này mà nghĩ rằng đó là TRUNG ĐẠO của Đạo Phật. Không phải đâu! Bởi vì chúng ta phải hiểu rõ ràng, khi chúng ta học Tứ Chánh Cần chúng ta mới hiểu rõ rằng TRUNG ĐẠO của Phật không nằm giữa pháp đối đãi, hay pháp nhị nguyên đâu. Nó không phải là cái hiểu quá tầm thường như vậy. 

TRUNG ĐẠO của Đạo Phật là một pháp môn vượt ra khỏi nhân quả. Đường lối của Đạo Phật tu tập để giúp chúng ta vượt ra nhân quả, vì con người, vì muôn vật từ nhân quả mà sanh ra, chết đi về nhân quả. Cho nên chúng ta muốn ra khỏi sự sống chết, làm chủ sự sống chết, chấm dứt tái sanh luân hồi, thì chúng ta phải vượt ra khỏi nhân quả. Nếu chúng ta ở trong vòng nhân quả thì chúng ta sẽ bị nhân quả chi phối mà tái sinh luân hồi, và thọ biết bao nhiêu khổ và vui ở trong cái nhân quả. 

Cho nên mục đích TRUNG ĐẠO của Đạo Phật là làm sao vượt ra khỏi nhân quả, nhưng lấy thiện pháp làm nền tảng, làm điểm tựa, làm hòn đảo, làm ngọn đèn. Lấy Thiện pháp làm, cho nên ở kia thì nó phải bỏ thiện và bỏ ác, còn ở đây không bỏ thiện mà lấy thiện làm nền tảng để vượt ra nhân quả. Do nhân quả mới tạo ra thiện ác, các thầy phải hiểu. Nhưng nó không bỏ cái đối đãi của pháp ác, tức là nó lấy cái thiện để làm điểm tựa, chứ nó không phải chấp nhận cái thiện. Nó làm điểm tựa để vượt qua, vì vậy Đạo Phật mới lấy Giới luật làm đầu, bởi vì Giới luật của Phật là thiện pháp. Quý thầy đã hiểu chưa? Từ thiện pháp đó, những người tu sĩ chúng ta mới ly dục, ly ác pháp, mới có được Sơ Thiền. Còn nếu chúng ta không ly dục ly ác pháp thì chúng ta sẽ ở trong ác pháp, thì chúng ta đâu làm sao mà nhập Sơ Thiền được!
Cho nên phải hiểu TRUNG ĐẠO của Đạo Phật lấy Thiện pháp làm nền tảng, làm điểm tựa, làm hòn đảo, làm ngọn đèn sáng để soi cho mình đi trên con đường đó để vượt qua nhân quả. Vì nhân quả là nguyên nhân để chúng ta tái sinh luân hồi, mãi mãi nhiều kiếp, nhiều đời chúng ta ở trong lục đạo, ở trong sự đau khổ. Vì thế Đức Phật không chấp nhận thọ bất lạc bất khổ là cứu cánh, là Đạo mình. Nghĩa là Đức Phật không chấp nhận trạng thái đó là cứu cánh đâu. Cứu cánh của Đạo Phật là đoạn dứt ác pháp, tăng trưởng thiện pháp, tức là đoạn dục. Nghĩa là mình đoạn dục thì ác pháp sẽ không còn, mà khi đoạn dục tức là chúng ta còn ở trong Thiện pháp. Cho nên trong Sơ thiền Đức Phật có dạy rất kỹ, Thầy nhắc lại cho quý thầy thấy. Đức Phật nói ly dục ly ác pháp nhập Sơ thiền. Nhập Sơ thiền do ly dục sanh hỷ lạc có tầm có tứ. Có tầm là có sự suy nghĩ, mà suy nghĩ thiện thì Đức Phật đâu có cấm. Như bây giờ thấy một người đang đau khổ thì chúng ta giúp đỡ họ bằng cách này khác. Thấy người đang đói chúng ta đem cơm cho ăn, thì đâu phải niệm đó Đức Phật bảo chúng ta đừng có niệm. Cho nên chúng ta vẫn làm điều thiện được ở trong Tứ Vô Lượng, tức là tâm Từ, Bi, Hỉ, Xả của chúng ta vẫn tu tập được điều đó. Điều đó vẫn là thiện chứ đâu phải là ác, cho nên Đức Phật vẫn lấy cái thiện để từ cái thiện đó giúp cho chúng ta vượt qua pháp ác. Người ta chửi mình mà mình thương người, thì làm sao mình giận người ta được? Đó không phải là cách đối trị tâm Từ, tâm Bi của mình đối với tâm Sân của mình sao? Cho nên Đức Phật đứng trên nền tảng của Thiện để vượt qua nhân quả.

Khi vượt qua được nhân quả thì không còn thiện và ác. Bây giờ chúng ta đang ở trong ác pháp mà chúng ta không chấp nhận thiện pháp thì chúng ta lấy cái gì đối trị nó được? Cho nên Đạo Phật dạy chúng ta rất rõ, biết đứng ở chỗ đứng của chúng ta rất vững, từ đó chúng ta hoàn toàn được hạnh phúc của tâm hồn, vì Thiện không làm mình khổ, mà không làm người khác khổ, mục đích diệt Ác. Ở đây Thầy xin đọc lại chỗ này: "Cứu cánh của Đạo Phật là đoạn dứt ác pháp, tăng trưởng thiện pháp, tức là đoạn dục." Nói đoạn dứt ác pháp mà tăng trưởng thiện pháp, thì mình biết là đoạn dục. Dục là lòng ham muốn, đó là Tập Đế, do lòng ham muốn của mình mà nó tập bao nhiêu sự khổ đến cho mình. Đó là trong Tứ Diệu Đế Đức Phật đã chỉ định cho thấy nguyên nhân sanh ra khổ của con người là dục. Bây giờ chúng ta đoạn dứt ác mà tăng trưởng thiện, tức là đoạn dứt dục. Đoạn dục tức là Diệt Đế, còn gọi là Niết Bàn. Diệt Đế người ta có thể nói nó là Niết Bàn được, bởi vì tâm ham muốn chúng ta đã diệt được rồi, đoạn nó được rồi, thì trạng thái ở trong cái tâm đó là Niết Bàn, chứ không phải đi tìm cảnh giới nào mà có Niết Bàn. Chính trạng thái tâm của chúng ta đã hết ham muốn thì đó là Niết Bàn. Mà hết ham muốn thì không còn ác pháp, cho nên còn toàn là thiện pháp. Cho nên có tầm có tứ chứ đâu phải hết, tức là có sự suy tư ở trong pháp Thiện chứ không phải là còn suy tư ở trong pháp Ác. Không còn những thủ đoạn gian ác, không còn những ý nghĩ hung ác, không còn những lời nói dữ tợn nữa. Như vậy chúng ta thấy rất rõ con đường của Đạo Phật chỉ chúng ta cách thức đứng trên chỗ nào để chúng ta chuẩn bị cho cuộc chiến đấu với nội tâm của chúng ta. 

Muốn diệt Ác pháp chỉ có Thiện pháp mới diệt được mà thôi. Các thầy thấy rất rõ là trong Thập Thiện Đức Phật dạy rất rõ, có Mười Điều Lành mà Mười điều lành đó thì mình nhắm vào ba điều lành của ý mình nói, tức là không tham, không sân, không si. Người nào có tham, có sân, có si, thì người đó ở trong ác pháp chứ gì, mà không tham, không sân, không si thì thiện pháp chứ gì, đó rất rõ ràng. Vì vậy bây giờ chúng ta muốn tăng trưởng thiện pháp, tức là kéo dài thời gian không tham, không sân, không si. Mà không tham, sân, si tức là đoạn dứt ác pháp rồi, thì đâu có gì mà không giải thoát tâm hồn chúng ta? Cho nên thấy rất rõ. Nếu chúng ta không đứng trên thiện pháp không tham, không sân, không si thì chúng ta đứng chỗ nào? Đứng chỗ chẳng niệm thiện, niệm ác tức là chúng ta đã hủy luôn nền tảng thiện pháp rồi, thì làm sao chúng ta gọi là giải thoát cho được? Dù chúng ta có tu một ngàn kiếp đi nữa cái chỗ “chẳng niệm thiện, niệm ác” thì chúng ta cũng chẳng giải thoát được khỏi “chẳng niệm thiện, niệm ác”. Bởi vì chúng ta đã xóa bỏ nó đi, xóa bỏ nó đi thì chúng ta đứng trên nền tảng nào để chúng ta biết được rằng tâm chúng ta giải thoát? Vì giải thoát của Đạo Phật nhắm vào tam độc tham, sân, si. Mà tham, sân, si là ác pháp, cho nên chúng ta mới dựa vào cái không tham, sân, si này là cái pháp thiện để chúng ta diệt ác pháp mới được. Còn bây giờ tâm chúng ta có tham mà chúng ta không biết, chúng ta nói không có tham, tức là sai. Cho nên người phá giới, ăn uống phi thời, ngủ nghỉ phi thời, vật chất đầy đủ mà họ nói rằng họ không dính mắc, sự thật ra thì người đó chưa phải là người trí tuệ của Đạo Phật, họ không thấy. 

Muốn diệt ác pháp, chỉ có thiện pháp mới diệt được mà thôi. Nhưng diệt được ác pháp thì cũng không dính mắc trong thiện pháp, nhưng lại sống trong thiện pháp. Cho nên bất thọ lạc, bất thọ khổ là một trạng thái chẳng thiện, chẳng ác. Ngược lại TRUNG ĐẠO của Đạo Phật sống trong thiện pháp mà không bị dính mắc thiện pháp. Cái hay là chúng ta lấy nó làm nền tảng để vượt qua nhân quả, cho nên trong hành động nhân quả chúng ta sẽ làm chủ được hoàn toàn, chúng ta không mắc vào thiện pháp. Còn nếu chúng ta mắc vào thiện pháp, chúng ta cứ lo đi từ thiện, cứu trợ hoặc làm chuyện này, chuyện kia, rồi kêu gọi phật tử đóng tiền cất Chùa, xây Tháp gọi là thiện pháp, thì cái đó không thiện gì nữa hết, mà đời chúng ta không giải thoát chỗ nào hết.
Note: Phần trên được bổ sung thêm vào bài đăng ngày 19/04/2020
—————

Hỏi: Thưa thầy! Trung đạo của đạo Phật là gì? Nó có khác gì so với đạo đức nhân quả hay không?

Thật sự ra thì hỏi về trung đạo thì hầu như người ta hiểu một cách mơ hồ lắm, cái trung đạo của đạo Phật mà so sánh với đạo đức nhân quả thì cái đạo đức nhân quả là cái trung đạo của đạo Phật. Nó từ cái nền tảng đó mà đi lên, thì nó trở về với cái đời sống mà thành tựu của đạo pháp, rồi thì cái đạo đức nhân quả đó là trung đạo. Nó toàn thiện chứ không phải là nửa thiện nửa ác, gọi là trung đạo. Nó nửa bên đây nửa bên kia thì nó là trung đạo. Không phải! Nó toàn thiện. Mà thiện của Phật nó không phải là chuyện cái kiểu mà làm mình khổ mà người khác vui không phải vậy, cho nên nó là cái đạo đức trung đạo, lấy cái nhân quả mà làm cái nền tảng của nó. Vì vậy mà coi như trung đạo là đạo đức nhân quả. 
Cho nên đạo Phật - cái đạo đức nhân quả là cái đạo đức của đạo Phật, nền đạo đức của đạo Phật ở chỗ đạo đức nhân quả.

No comments:

Post a Comment