Tiếp theo bài viết Học sinh Nhật học đạo đức như thế nào,
giới thiệu nội dung của SGK Đạo đức dành cho lớp 1-2, kỳ này Kilala
xin được tiếp tục giới thiệu đến độc giả Việt Nam những nội dung của SGK
Đạo đức dành cho học sinh lớp 3,4. Khung nội dung sẽ vẫn được giữ
nguyên, chỉ có điều nội dung trong mỗi phần đều được nâng cao hơn phù
hợp với lứa tuổi lớp 3, 4. Mới xem qua thì thấy không có gì mới lại so
với lớp 1,2... Nhưng thật ra, qua đó chúng ta có thể thấy được rằng
người Nhật chú trọng đến các nội dung cơ bản này đến thế nào, chính vì
vậy mới dạy lặp đi lặp lại các nội dung nhưng mở rộng và nâng cao dần,
sao cho những điều cơ bản này thấm sâu vào tâm trí các học sinh, trở
thành những điều bình thường quen thuộc đến hiển nhiên trong đời sống
hàng ngày của mỗi người khi trưởng thành.
Nội dung sách Giáo khoa Đạo đức 3-4
Trang đầu tiên là trang tự giới thiệu bản thân thông
qua các câu hỏi: trò chơi yêu thích nhất, món ăn yêu thích nhất, môn thể
thao yêu thích nhất, giỏi cái gì nhất, đam mê cái gì nhất, thích câu
chuyện hay cuốn sách nào nhất, thích nhất ở bản thân điều gì, mục tiêu
tương lai, giấc mơ của em là gì. Khép lại cuốn sách, trang cuối là tự
bản thân ghi lại những việc mình đã học được, làm được và ý kiến của
người thân.
Ứng với mỗi một bài học đạo đức là một câu chuyện cảm
động liên quan đến nội dung ấy, nhưng trong phạm vi bài viết không thể
tóm tắt hết được.
Phần I: Nâng cao năng lực và phẩm chất của bản thân
☀ Tự mình xây dựng cho bản thân thói quen sinh hoạt khoa học, đúng chừng mực: ăn
uống điều độ không kén chọn đồ ăn, biết dọn dẹp đồ sau khi chơi, tự lau
dọn phòng, tự giác học và ôn lại bài, không dùng đồ đạc một cách lãng
phí, chơi hòa đồng cùng bạn bè, rèn luyện thói quen dậy sớm ngủ sớm, ăn
uống chỉ giữ 8 phần bụng chứ không ăn no. Câu chuyện tham khảo: Ông lão
đánh cá và con cá vàng
☀Hãy tìm ra con đường của riêng mình: Dù cho
con đường đó là thẳng tắp, hay ngoằn ngoèo, gập ghềnh trắc trở, chật hẹp
hay thênh thang, dù cho nó có trải dài đến đâu thì đó cũng là con đường
mà chúng ta sẽ gặp được rất nhiều điều mới lạ trên đó, một trong số đó
chính là gặp gỡ với chính bản thân mình, một con người tuyệt vời như
mình vốn được sinh ra như thế.
☀ Việc gì đã quyết thì hãy làm đến cùng: Việc
nuôi dưỡng cho bản thân tinh thần cầu tiến, cầu thị là điều rất quan
trọng. Nên đề ra các mục tiêu và cố gắng đạt được mục tiêu ấy. Hãy tham
khảo về cuộc sống của các vận động viên thể thao để làm tấm gương phấn
đấu cho bản thân.
☀ Có dũng khí bảo vệ lẽ phải: Hãy khiến bản
thân mình trở thành một người có dũng khí. Nếu khi nào cảm nhận ta không
đủ dũng khí hãy suy nghĩ xem vì sao bản mình lại không đủ dũng khi bảo
vệ lẽ phải. Thử tìm ở bản thân những việc nào mình cho là có dũng khí.
☀ Hãy sống với trái tim thành thật và vui tươi: Nếu
bản thân mình sống thành thực với chính mình thì tinh thần luôn thanh
thản, vui tươi. Tìm kiếm bên trong con người mình trái tim thành thực
bằng cách trước tiên hãy thường xuyên dùng những lời nói “xin lỗi, cảm
ơn, cái đó là con làm, cái đó không được đâu, giỏi quá…”, đồng thời
tránh dùng những lời nói “không biết” (dù bản thân biết), “không thấy”
(dù bản thân có nhìn thấy), “ừ đúng vậy” (dù bản thân không nghĩ thế),
“không chỉ có mình con” (dù bản thân đã làm), “không liên quan đến con”
(dù có liên quan đến bản thân). Trước mỗi việc hướng bản thân đến cuộc
giằng co giữa hai vế “thành thực” và “giả dối”, để cân đo xem hậu quả
nhận được sẽ ra sao nếu mình nghiêng về mỗi vế.
☀ Hãy phát huy những điểm mạnh của bản thân:
Những điểm mạnh của bản thân là gì có thể không phải là điều gì quá to
tát mà chỉ là: chào hỏi mọi người rõ ràng, dịu dàng với các em nhỏ, vui
vẻ với bạn bè, tích cực lao động…Đồng thời thử nhìn nhận có điểm nào ở
bản thân cần phải khắc phục. Việc đọc những tấm gương của những nhà khoa
học, học giả, vận động viên, …những người nổi tiếng để học tập cách
phát huy điểm mạnh ở bản thân họ như nào là một việc nên làm.
Phần II: Bản thân trong mối quan hệ với người khác
☀ Luôn chân thành với tất cả mọi người: Việc
thể hiện sự lễ nghi và đúng phép tắc trong giao tiếp hay ứng xử với mọi
người là điều rất quan trọng. Mỗi người đều cần tạo cho mình thói quen
chào hỏi như trước khi đi, hay khi đi đầu về, khi gặp người khác, tiếp
đến là học cách trả lời khi nhận điện thoại, khi nói chuyện với người
lớn, khi nói với bạn bè. Rồi các quy tắc trong sinh hoạt hàng ngày như
mời mọi người ăn cơm, khi nghe người khác nói thì nghe hết câu mà đừng
ngắt lời, nên quan tâm đến mọi người xung quanh.
☀ Luôn thân thiện và biết suy nghĩ cho người khác: Nuôi
dưỡng tấm lòng nhân ái biết giúp đỡ người gặp khó khăn, biết an ủi khi
người khác buồn, khi người khác vui biết chia sẻ niềm vui cùng họ. Và
điều cơ bản nhất trong mối quan hệ với mọi người chính là một trái tim
biết sống vì người khác.
☀ Hãy cùng bạn bè thấu hiểu lẫn nhau: Các em
có biết có bạn bè là một điều tuyệt vời không. Vì đó là người sẽ an ủi
khi ta buồn, lắng nghe và cho lời khuyên khi ta cần tâm sự, khi ở cùng
nhau sẽ là những giây phút vui vẻ. Hãy luôn nhìn những mặt tốt của bạn
bè, và cảm nhận tầm quan trọng của bạn bè đối với mình như thế nào.
☀ Hãy có thái độ biết ơn, và kính trọng với mọi người: Trong
cuộc sống hàng ngày chúng ta đều nhận được sự giúp đỡ và che chở từ rất
nhiều người. Đó không chỉ là gia đình đã nuôi ta khôn lớn cho ta ăn
học, không chỉ là thầy cô đang dạy dỗ ta, đó là tất cả mọi người trong
xã hội này, người may quần áo cho ta mặc, làm ra nước máy cho ta dùng,
trồng ra thực phẩm cho ta ăn, làm sạch đường phố cho ta đi…vì thế chúng
ta nên có thái độ thành kính và trân trọng với tất cả mọi người.
Phần III: Chạm vào sự sống
☀ Hãy coi trọng cuộc sống: Thế nào gọi là
chúng ta đang sống và sống một cách tích cực. Chúng ta ăn uống, hít thở,
cười nói hàng ngày cũng là đang sống, luôn cố hết sưc mình cho mọi
việc, hay dù gặp bệnh tật khó khăn cũng không buông xuôi thì đó cũng là
sống. Vì sao sống lại quan trọng. Vì trong cuộc sống, chúng ta cần sự
giúp đỡ của rất nhiều người, cũng như có thể giúp đỡ lại cho rất nhiều
người, nên luôn cố gắng sống tốt mỗi ngày.
☀ Hãy coi trọng thiên nhiên và các loài động thực vật: Động
vật và thực vật cũng có một sức sống. Các em hãy tìm xung quanh mình
những hình ảnh các động thực vật đó để cảm nhận sự sống kỳ diệu của
chúng. Đồng thời trong thế giới động thực vật có những loài có sức sống
vô cùng kỳ diệu. Đó là con ve lột xác, là cây sakura nứt đá để mọc lên…
☀ Hãy biết cảm nhận vẻ đẹp của tự nhiên: Vẻ
đẹp của thiên nhiên có một sức mạnh kỳ diệu có thể khiến chúng ta cảm
động đến sững sờ bởi ẩn sâu trong mỗi vẻ đẹp là sức mạnh kỳ diệu và thần
bí. Các em hãy thử kể những phong cảnh thiên nhiên khiến trái tim mình
rung động.
Phần IV: Sinh hoạt trong cộng đồng
☀ Hãy tôn trọng quy tắc mà xã hội đặt ra: Việc
tôn trọng những quy tắc, hành vi ứng xử được xã hội quy chuẩn là điều
rất quan trọng. Ví dụ như việc chúng ta xếp hàng để nhận chờ tiếp tế
trong cơn động đất sóng thần ở miền Đông Bắc năm 2011 chính là một ví dụ
điển hình cho điều ấy. Các em hãy tìm ra cho mình những thói quen và
quy tắc để cùng mọi người vui vẻ cùng nhau trong sinh hoạt ở trường học
như lớp học, thư viện, nhà ăn tập thể, rồi đến những thói quen nơi công
cộng như khi nào sang đường, nhà vệ sinh công cộng, xếp hàng mua đồ…
Đặc biệt có những quy tắc mà tất cả chúng ta đều
không được phạm phải: không làm tổn thương người khác, không lấy đồ của
người khác, không nói dối, không bắt nạt kẻ yếu, không làm hành động hèn
nhát như nói xấu người khác sau lưng, quay cóp…
☀ Hiểu tầm quan trọng của lao động: Các em hãy
cùng nghĩ xem vì sao lao động lại quan trọng. Lao động mới tạo ra của
cải vật chất và tinh thân để duy trì cuộc sống trong xã hội mà chúng ta
đang sống. Mỗi người một công việc từ cô y tá, bác công nhân, chú lính
cứu hỏa, giáo viên, bác nông dân, nhân viên văn phòng…. Ở trường học hay
ở nhà em có thể tham gia vào những công việc nào (dọn lớp, dọn đồ ăn
cho bạn, giúp mẹ làm việc nhà..)
☀ Cùng nhau chia sẻ với mọi thành viên trong gia đình: Gia
đình chính là người luôn ở bên bảo vệ và dõi theo mỗi bước trưởng thành
của chúng ta. Khi chúng ta được sinh ra ai chăm sóc chúng ta, ai dẫn
chúng ta đến trường buổi đầu tiên, ai chăm khi chúng ta ốm nếu không
phải là gia đình, là những người luôn yêu thương ta hết mực với tình yêu
vô điều kiện.
☀ Cùng nhau đoàn kết, hợp tác với bạn bè để tạo ra mái trường vui vẻ: Mái
trường là nơi thầy cô dạy dỗ chúng ta bao điều, là nơi chúng ta cố gắng
để phát huy những năng lực của mình, là nơi cùng bạn bè vui chơi với
nhau trong các hoạt động tập thể, và là nơi cho chúng ta rất nhiều kỉ
niệm đẹp. Vì thế hãy tích cực trò chuyện với bạn bè, tham gia các hoạt
động tập thể, hoạt động ngoại khóa.
☀ Hãy yêu quê hương vì “quê hương là chùm khế ngọt”: Quê hương chính là nơi nuôi dưỡng tâm hồn ta khôn lớn. Hãy kể xem em yêu quê em nhất ở điều gì.
☀ Coi trọng những giá trị văn hóa truyền thống: Văn
hóa truyền thống của Nhật Bản là những giá trị văn hóa được truyền lại
từ xa xưa ví dụ như trang phục Kimono, các món ăn Nhật, nhà kiểu Nhật,
các lễ hội truyền thống trong năm mà chúng ta phải gìn giữ. Hãy cùng tìm
hiểu nét văn hóa truyền thống của các quốc gia khác trên thế giới.
Kết luận
“Bất kỳ ở đâu, bất kỳ khi nào, bao nhiêu lần đi nữa
các em hãy giở cuốn sách đạo đức, để suy nghĩ xem trong cuộc sống điều
gì là quan trọng nhất đối với chúng ta, và hãy phát huy nó trong đời
sống của bản thân mình”. Cha mẹ cũng có thể dùng nó để dạy dỗ con cái.
Có thể nói, điều khác biệt nhất trong việc dạy Đạo đức trong nhà trường ở
Nhật Bản không chỉ là nằm ở nội dung, mà còn cách giảng dạy thiết thực
và sinh động. Chính vì vậy, để lại dấu ấn rất sâu sắc trong tâm hồn và ý
thức của mỗi học sinh.