Wednesday 3 April 2013

ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP 3




Có bao nhiều ngành nghề trong cuộc sống, chắc không ai có thể nói ra được con số cụ thể, bởi vì chúng sẽ không ngừng tăng và tỉ lệ với sự tiến bộ của khoa học ngày nay. Nhưng có một điểm chung cho tất cả mọi nghề nghiệp và tôi không biết quý anh chị có bao giờ tự hỏi:

  1. Công việc mà mình dự tính hoặc đang làm có mang lại lợi ích nào cho mọi người hay không?
  2. Mình nên làm cái gì, điều gì có lợi, hữu ích cho mọi người, cho dân, cho đất nước và cho cả thế giới”
  3. Mình đã làm gì và nên làm gì để mang niềm vui và hạnh phúc đến cho mọi người, cho dân, cho đất nước và cho cả thế giới”.
 


Hay là trong đầu các bạn chỉ có câu hỏi: Công việc này đem đến lợi nhuận là bao nhiêu? Mình làm việc này sẽ nhận được bao nhiêu tiền lương mỗi tháng? Học ngành nào sẽ kiếm được nhiều tiền? Làm sao để kiếm thêm tiền, lên chức,... ? Vị trí, chức vụ này sẽ giúp cho mình có thể kiếm chác thêm như nhận hối lộ, tham ôv.v...




Những câu hỏi trên là những câu hỏi ích kỷ cá nhân, chúng sẽ làm hủy hoại đạo đức nghề nghiệp khiến cho con người chỉ nghĩ đến những lợi ích cá nhân ích kỷ, không biết lo nghĩ đến lợi ích và cảm nhận của người khác.




Chỉ cần trong đầu của chúng ta hiểu rõ đạo đức nghề nghiệp ngoài việc kiếm tiền lo cho cá nhân và gia đình, cái quan trọng nhất trong việc góp phần xây dựng một đất nước văn minh tiến bộ là biết nghĩ đến: "công việc ngành nghề của mình có mang lại lợi ích nào cho mọi người hay không?"


Chỉ cần có tư duy như vậy thôi thì từng suy nghĩ, hành động và lời nói của chúng ta sẽ thay đổi hoàn toàn khác từ một việc nhỏ cho đến những việc lớn luôn luôn mong muốn đem đến niềm vui và hạnh phúc cho người khác. Ví dụ:




  1. Không bao giờ nói to tiếng với khách hàng, chỉ nói những lời nói nhỏ nhẹ, thương yêu, ôn tồn, nhã nhặn, lịch sự, cung kính và tôn trong.
  2. Không nói ồn ào lớn tiếng ở chổ đông người như trên máy bay, xe buýt, rạp hát,
  3. Làm việc gì cũng cẩn thận nhẹ nhàng không gây tiếng động lớn để tránh làm người khác giật mình từ việc đóng cửa tủ, để một ly nước lên bàn, đóng cửa ra vào, v.v…
  4. Không bao giờ nhận tiền hối lộ, luôn cố gắng phục vụ tốt cho mọi người, thấy rõ trách nhiệm công việc của mình là phục vụ tốt cho mọi người, để mọi người luôn hài lòng, đúng với câu “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”
  5. Khi có đủ điều kiện mở hãng xưỡng thì nghĩ rằng sẽ đem đến bao nhiêu việc làm mới cho mọi người.
  6. Mở quán cơm chay để giúp cho mọi người tập ăn chay, càng nhiều người ăn chay thì sẽ có hàng trăm ngàn hoặc triệu con vật ngày đó không bị sát hại, không phải chịu cảnh đau đớn khi bị đập đầu, cắt cổ lấy máu, lóc da, rọc thịt,… Hon nữa khoa học cũng đã chứng minh ăn chay tốt cho sức khỏe.
  7. Không bỏ rác ngoài đường phố để giúp cho môi trường, đường phố trong sạch, người dọn quét rác sẽ không phải cực khổ nhiều, hàng xóm xung quanh không phải hít phải những mùi ô uế hôi thiêu thúi của rác. Đường phố sạch sẽ giúp cho người du lịch, người nước ngoài đến xứ ta có cái nhìn đánh giá con người và đất nước Việt Nam là văn minh, lịch sự và có đạo đức.
  8. Dựa vào vị trí, chức vụ cao cấp của mình để đem đến nhiều lợi ích đến cho người dân như: quét sạch mọi tệ nạn tham ô nhận hối lộ trong bộ máy nhà nước (hải quan, cảnh sát giao thông, công an khu vực, ủy ban quận, huyện, phường, xã…), trong các công trình đầu tư thầu xây dựng,…Áp dụng những công nghệ cao trong việc quản lý hành chánh; đảm bao lương bổng đủ sống cho mọi công nhân viên chức; Xây dựng một nhà nước dân chủ rõ rệt, luôn công bằng và có pháp lý bảo vệ quyền công dân. Mạnh dạn từ bỏ những hệ thống sai lạc, áp dụng những hệ thống quản lý mới và có hiệu quả để đem nhiều lợi ích, niềm vui và hạnh phúc cho mọi người dân trên khắp cả nước. Mạnh dạn dẹp bỏ những tệ nạn xấu cho xã hội như đóng cửa kinh doanh các quán karaoke ôm, café ôm, quán rượu bia ôm,…
  9. Biết rõ rượu bia, thuốc lá có hại cho sức khỏe, hằng năm vào những ngày lễ lớn như Tết, có hàng ngàn vụ tai nạn giao thông do rượu bia gây ra, mỗi năm có hàng triệu người chết do hút thuốc và khói thuốc lá. Do vậy người có đạo đức nghề nghiệp sẽ không bao giờ làm nghề sản xuất, buôn bán rượu bia, thuốc lá. Riêng nhà nước nên mạnh dạn cấm sản xuất, buôn bán rượu bia, thuốc lá triệt để 100%. Theo tôi nghĩ đối với pháo đốt vào những ngày Tết, nhà nước còn cấm được thì những chất gây hại gấp chục lần như rượu, bia và thuốc lá thì tại sao nhà nước làm không được kia chứ.
  10. Có một cái khổ của người nông dân mà ít ai biết đến, đó là họ ngày ngày sống chung với muỗi. Nếu bạn nào làm việc tại viện Sốt rét hoặc viện công nghệ sinh học động vật, xin các bạn vì cái khổ của người nông dân, lấy đề tài này để nghiên cứu, tìm tòi và ứng dụng những phương pháp mới nhất vào Việt Nam để giúp bà con nông dân bớt khổ  (biến đổi gene của muỗi không hút chích máu người nữa, chỉ hút nhựa cây thôi.)
  11. Người sản xuất ra bất kỳ vật nào cũng nên nghĩ đến mọi người, làm ra hàng hóa chất lượng cao, không có hóa chất độc hại; xử lý chất thải độc hại trước khi được thải ra môi trường.
  12. Biết được Trung Quốc thường làm  những hàng hóa giả và độc hại chúng ta không nên mua đồ của Trung Quốc về bán cho dân mình. Khi biết được những hàng hóa giả và độc hại thì nên báo ngay cho cảnh sát thị trường để kịp thời ngăn chặn, không tiếp tay với người Trung Quốc làm hại dân mình.
  13.  Những người có trình độ khoa học chuyên môn trong mọi lảnh vực cuộc sống, nên tư duy rõ những gì mình làm có mang đến lợi ích cho con người hay không?
  14. Bất cứ ai cũng có thể làm một điều đó gì hữu ích, có lợi để mang niềm vui và hạnh phúc đến cho mọi người, cho dân, cho đất nước và cho cả thế giới.Có những người dùng đồng tiền họ làm ra bằng trí óc và sức lao động của mình để đi làm từ thiện giúp những người nghèo cơ cực, túng thiếu,…
  15. Có những người dùng khả năng và tài lực của mình đi làm từ thiện như những y tá, bác sĩ khám bệnh, chữa mắt, châm cứu, chỉnh xương, đo huyết áp, chích thuốc, chích vacxin miễn phí, sinh viên, thợ hồ, kỹ sư xây nhà tình thương, nhà tình nghĩa,…
  16. Và đâu phải khi đi làm từ thiện mới gọi là làm điều gì đó có lợi, hữu ích cho mọi người, cho dân, cho đất nước. Chỉ cần chúng ta có tấm lòng, có ý nghĩ muốn giúp người, giúp dân, giúp đất nước thì dù là ai, tay nghề gì cũng có thể. Chỉ cần quen biết nhau khi sống chung cùng một con hẻm, một dãy phố hoặc ở chung cùng một nhà cao ốc, chung cư, nếu biết ai cần giúp đỡ về sửa chữa các máy móc điện tử và điện gia dụng, sửa xe, sửa nhà, ống nước, toilet, máy điều hòa, máy phát điện, máy nhà, sửa bàn, sửa ghế, sửa tủ, sửa máy tính, nối mạng, gắn camera, … với tay nghề sẵn có chúng ta tình nguyện giúp đỡ ngay mà không cần đền đáp hoặc được trả tiền.
  17. Hoặc khi thấy có một ổ gà nhỏ giữa đường, giữa hẻm. Chúng ta đừng nghĩ đến là đó trách nhiệm của nhà nước, không phải của ta. Nếu có khả năng, hãy mạnh dạn đi mua xi măng, cát, đá về trét lại ổ gà đó. Bởi vì chúng ta ai cũng biết, bất kỳ lúc nào, thời gian trôi qua trễ một phút cũng có thể xảy ra tai nạn . 
  18.  Mỗi sáng quét sân trước nhà, chúng ta cũng có thể quét luôn sân nhà hàng xóm hoặc quét hết khu phố hẻm của mình, hoặc đoạn đường trước nhà mình.
  19.  V.v…





Chỉ khi mỗi người ý thức được công việc của mình mang lợi ích đến cho mọi người thì tự người đó sẽ làm tốt mọi việc và làm nhiều việc có ích cho mọi người. Từ đó từng suy nghĩ, lời nói và hành động của người đó sẽ toát ra đạo đức nghề nghiệp chân thật luôn mang niềm vui và hạnh phúc đến cho mọi người.





Rất tiếc là ngày nay con người chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân nhiều hơn là nghĩ đến lợi ích của mọi người, thế hệ trẻ ngày nay chỉ biết nghĩ đến đồng tiền, nghĩ đến ngành nghề nào làm ra nhiều tiền mà thôi. Kể cả những nghề cao cả như bác sĩ cứu người mà tôi còn nghe nói, ai đi học bác sĩ cũng muốn sau khi học xong mở phòng mạch kiếm tiền, có bác sĩ mở phòng mạch thì lấy phí khám chữa bệnh rất cao, chỉ có đại gia mới có tiền đi khám. Hoặc những người làm bác sĩ trong bệnh viện ăn chia với tiệm bán thuốc tây viết toa thuốc cho bệnh nhân kê thêm rất nhiều loại thuốc không cần thiết,…





Đạo đức nghề nghiệp rất quan trọng, chúng giúp cho tư duy của con người thay đổi theo chiều hướng tích cực. Nhiều người có tư duy đúng và tích cực thì xã hội sẽ văn minh và tiến bộ. Nhất là ở  độ tuổi các em học sinh được giáo dục có ý thức về đạo đức nghề nghiệp thì đất nước Việt Nam trong tương lai sẽ trở thành con rồng vàng của Châu Á. Do vậy chúng ta hãy luôn tự nhắc và xét lại mình xem “Công việc của mình có mang đến lợi ích đến cho mọi người chưa?”



No comments:

Post a Comment