Wednesday 3 April 2013

ĐỨC THÀNH THẬT



Đức thành thật giúp cho con người có được sự tín nhiệm của người khác, được mọi người tin tưởng, kính nể, tôn trọng và được giao cho những công việc lớn. Người sống với đức thành thật là người:
  1.     Luôn nói sự thật, không dối trá lật lọng, không nói láo.
  2.     Không trườn uốn như con lươn, lý luận bao che, che đậy sự thật, che đậy sự dốt nát, che đậy lỗi lầm của mình giống như những câu: "sắc tức thị không, không tức thị sắc", "uống rượu cũng như không uống, không uống cũng như uống", "ăn thịt chó cũng như không ăn, không ăn cũng giống như ăn thịt chó"...;
  3.     Không nói hai lời, nay nói như thế này, mai nói khác;
  4.     Nói đúng sự thật: Có thì nói có, không thì nói không. Nghe sao nói lại như vậy, không thêm không bớt, không nói khác đi. Nghe thì nói là nghe, thấy thì nói là thấy.
  5.     Không nói thêu dệt, thêm bớt, thêm mắm thêm muối.
  6.     Không nói những lời phóng đại sai sự thật, bóp méo sự thật. Nghe một nói ra đến mười.
  7.     Hứa thì giữ lời, không phản bội, không thất hứa, không lý luận, không che đậy sự thật...
  8.     Không nói những lời nói lừa gạt để đạt được mục đích.
  9.     Chỉ nói những lời đáng tin cậy, không nói trừu tượng, giả thiết, mơ hồ, nói những lời nói có bằng chứng rõ ràng.
  10.    Không vu oan, đổ oan cho bất kỳ ai.
  11. Không gian lận (thi cử, thi đấu,...), không sao chép bài thi, không quay đề thi,...
  12. Không dùng chất kích thích trong những trận đấu thể thao.
  13. Không làm đồ giả, đồ nhái của những sản phẩm nổi tiếng.
  14. Không dùng, mua,  sao chép băng đĩa, phim ảnh, phần mềm lậu.
  15. Không sản xuất, mua, dùng bằng giả, bằng cấp giả, giấy tờ giả.
  16. Không kê khai kế toán giả, làm sổ sách hóa đơn giả, trốn thuế.
  17. Không gian lận kê khai thông tin giả để được lợi. VD khai thất nghiệp, khai là thương binh, binh lính chiến tranh để được hưỡng tiền trợ cấp quân binh, mặc dù không có thất nghiệp, không có đi lính,...
  18. Không lách luật, lợi dụng sơ hở của luật pháp để kiếm lợi,...
  19. Không giảng dạy những gì mình không có kinh nghiệm, không sống được. VD: người tu hành sống không đúng phạm hạnh, không có kinh nghiệm tu tập mà giảng các phương pháp tu tập làm chủ sinh già bệnh chết. Thầy đạo đức chưa sống đúng đạo đức mà dạy học trò thì làm sao học trò nghe.
  20. V.v...
   
Những người nói vọng ngữ là những người ác có âm mưu che đậy sự thật. Họ là những người ích kỹ chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân, tìm đủ mọi cách để đạt được mục đích hoặc để đạt được sự đồng lòng và
sự thông cảm của người khác ,.... Đồng thời họ cũng sợ mang tiếng, sợ bị tai tiếng, sợ bị khinh chê, nên họ muốn che dấu cái xấu của họ cho nên họ nghĩ ra đủ trò, đủ cách để nói láo, lường gạt, nói không đúng sự thật. 

Trong xã hội dễ thấy nhất là những người làm kinh tế, buôn bán, làm kế toán, người bán hàng, luật sư, những thầy bói, xem tướng, xem tử vi, phong thủy, xem mồ, xem mã, những người nói chuyện về thần linh, về thế giới siêu hình,...

Thường người ta vì dục vọng tham muốn, muốn đạt được điều gì nên ưa thích che dấu sự thật, tìm cách lật lọng, gian trá để nói lời lừa gạt người khác. Người có đức thành thật sẵn sàng từ bỏ mọi dục vọng ham muốn luôn nói lời nói thành thật chứ không nói dối nữa lời.

Muốn trở thành một người có đạo đức về vọng ngữ chúng ta phải cương quyết :

  • Từ bỏ nói láo. 
  • Tránh xa nói láo: đó là tránh xa người nói láo, tránh xa những nơi nói láo và tránh xa lời nói láo.
  • Chỉ nói những lòi nói chân thật. Cương quyết nói sự thật, không sợ bất kỳ tốn hại nào, chấp nhận mọi việc xấu đến với mình. Không sợ thất bại, không sợ hỏng việc, không sợ mất thanh danh, mất uy tính. Họ đặt đức thành thật lên trên mục đích, dục vọng và danh dự của họ.
  • Y chỉ sự thật: có sao nói vậy, không phóng đại, không bóp méo, chỉ nói thẳng, nói thật không sợ ai cả.
  • Nói những lời chắc chắn đáng tin cậy: là những lời nói đem lại kết quả rõ ràng, không trừu tượng mơ hồ.
  • Nói lời nói không lường gạt.
  • Dù cho nói chơi cũng không nói láo. Không nói dối để vui, để đùa.
  • Khi dạy con cái cũng không nên dùng cách nói dối để gạt con. VD: muốn con ăn cơm, nói rằng nếu con ăn thì mẹ sẽ dẫn con đi chơi và mua đồ chơi cho con. Khi con ăn xong thì mẹ không dẫn con đi chơi và mua đồ chơi gì cả. Cách dạy này là cách dạy con cái học cách nói gạt, nói dối.
      
Chúng ta hãy thường nhắc tâm mình  “Không được nói dối , chỉ nói đúng sự thật, dù cho nói dối không hại ai tôi cũng không nói” Có sự cương quyết và biết sợ hãi, xấu hổ từng lỗi nhỏ nhặt của mình thì thân tâm mới yên vui đạt được sự thanh thản, an lạc và vô sự.

Nhờ sống có đức thành thật mà người đó được mọi người tín nhiệm, rất có uy tín, được người đời tin tưởng, có tiếng tốt đồn xa, làm việc gì cũng thuận buồm xuôi gió, bền lâu và được tín nhiệm, lương tâm không bị cắn rứt, tối ngủ yên, tâm hồn luôn thanh thản, không phải lo lắng và sợ hãi.


Ngược lại, nếu ta gieo nhân sống không thành thật thì lương tâm luôn bị cắn rứt, hối hận, bất an, mất ăn mất ngủ, tiếng xấu đồn xa, không còn ai tin tưởng, mất úy tín với mọi người, không còn ai tin tưởng, làm ăn khó khăn, việc nhỏ không thành thì làm sao làm được việc lớn, người người xa lánh.


Mời bạn đọc bài "Bài Học Từ Một Chuyến Đi"

No comments:

Post a Comment