Wednesday 3 April 2013

ĐỨC LY MẠN

Mạn ở đây có nghĩa là ngã mạn, kiêu mạn.
  1. Ngã mạn là tự cho mình hay mình giỏi và có ý khinh chê người khác.
  2. Kiêu mạn chỉ tính tự cao tự đại, khinh người ngạo vật.
Trong ngũ triền cái có mạn triền cái là cái tự kiêu, tự đại che ngăn làm cho mình không thấy cái chỗ dở của mình. Thí dụ:
  •     Mình được bổ nhiệm làm quản lý, tưởng rằng mình ngon, mình giỏi, mình tài tổ chức họp hành, nhưng khi họp hành không biết nói gì, nói năng không mạch lạc, không đầu không đuôi, lòi cái dỡ của mình ra, thật là xấu hổ.
  •     Mình được thầy cho làm người đứng lớp, tưởng là mình giỏi, mình hơn người khác, sau một thời gian mới nhận ra sự hiểu biết của mình có giới hạn, có nhiều câu hỏi không biết trả lời. Do vậy nên nhớ lời đức Phật dạy "tu hành chưa xong thì chớ nên dạy đạo người khác".
  •     Mình ăn phi thời, phá giới luật, có vợ con, mà vẫn xem mình là một thầy tu, hiu hiu tự đắc, lên pháp đường thuyết giảng mà không biết xấu hỗ, thì đó là bị mạn triền cái ngăn che.
  •     Mình đi học từ nước ngoài về, tự hào, tưởng mình giỏi. Khi đi xin việc làm, cứ muốn làm chức cao, đòi lương cao, không ai nhận. Đến khi có người nhận thì khi đi làm mới thấy kinh nghiệm thực tế của mình không có, kém xa anh công nhân làm việc lâu năm, thật là xấu hổ.
  •     V.v...

“Người ngu nghĩ mình ngu
Nhờ vậy thành có trí
Người ngu tưởng có trí
Thật xứng gọi chí ngu”.
(Kinh Pháp Cú)

Tại sao con người lại có cái tâm ngã mạn, kiêu mạn ở đây? 

Bởi vì con người chấp vào cái thân và những pháp thế gian là mình, là của mình là tự ngã của mình. Họ đâu có biết cái thân hoặc các pháp trên thế gian này đều sanh, già, bịnh, chết, đều hoại diệt theo quy luật nhân quả, duyên đủ thì hợp, hết duyên thì tan. Con người đâu có làm chủ cái gì, họ muốn sống lâu cũng không được, muốn không già, không bệnh, không chết,...cũng không được, phải chấp nhận và xem sanh lão bệnh tử là quy luật tự nhiên.

Do chấp vào cái ngã là ta là của ta là tự ngã của ta mà từ đó các ác pháp xuất hiện, đem đến sự đau khổ cho chính mình, cho người khác và cho các loài vật khác. Ví dụ:

1/ Vì chấp vào cái thân là ta là của ta là bản ngã của ta, cho nên con người thường so sánh và thấy mình có cái gì đó bằng, hay hoặc hơn người khác.

- Thấy mình đẹp hơn, thấy mình thông minh hơn, thấy mình cao hơn, thấy mình khỏe hơn, thấy mình lanh lẹ hơn, thấy mình nhanh trí hơn, thấy mình sáng suốt minh mẫn hơn, thấy mình giỏi hơn, thấy mình tốt hơn, thấy mình có học vấn cao hơn, thấy mình nhanh trí hơn,...

Đối với tài sản của cải vật chất và các pháp thế gian khác, thì luôn thấy mình giàu có hơn, nhiều tài sản hơn, chức vụ cao hơn, có quyền lực nhiều hơn, có nhiều bạn bè hơn, có dòng họ đông và có tiếng hơn,...
 
Từ đó tâm kiêu mạn xuất hiện, cao ngạo, tự cho mình hơn người, khinh thường người khác, tự cho mình cái quyền phán xét, nhận xét, đánh giá người khác, luôn thấy lỗi người, không thích người khác đứng trên đầu mình, tự cho mình là con người, nên khinh chê các loài động vật, xem chúng là loài động vật bậc thấp, xem chúng là món ăn của con người, xem chúng là đồ giải trí như câu cá, săn bắn, biểu diễn xiếc,...

2/ Nếu như không có chấp vào cái thân là cái ngã, là ta, là của ta, là bản ngã của ta thì đâu có ngã mạn và kiêu mạn.

Người sống không có ngã thì họ sống:

  1. Khiêm tốn, khiêm cung, kín đáo, cẩn thận, dè dặt, im lặng, không khoe khoang, không so sánh hơn thua hoặc bằng ai,...
  2. Sống nhẫn nhục tùy thuận và bằng lòng, biết lắng nghe ý kiến của mọi người và làm theo.
  3. Luôn nhìn thấy lỗi mình, do vậy không có nói cái sai, cái xấu, cái lỗi của bất kỳ ai.
  4. Luôn dùng lời nói ái ngữ, ôn tồn, nhẹ nhàng, dịu dàng không quát tháo, hung dữ, lớn tiếng với bất kỳ ai.
  5. Luôn nhường nhịn, không tranh giành, tranh cãi, tranh luận, bàn cãi với bất kỳ ai.
  6. Thích im lặng như thánh.
  7. Sống thiểu dục tri túc, không màn danh lợi.
  8. Sống biết thương yêu và tha thứ, xem tất cả mọi người là người tốt, người hiền, người lành, người đang giúp họ, đang thương yêu họ, đang dạy họ điều gì đó, đang truyền kinh nghiệm sống cho họ,...
  9. Luôn cung kính và tôn trọng tất cả mọi người dù là trẻ em, người nhỏ tuổi hơn, biết lắng nghe mọi người.
  10. Sẵn sàng bố thí chia sẻ những gì mình có, mình biết cho mọi người mà không cần ai đền đáp hoặc biết đến.
  11. Họ không coi trọng cái thân, xem nó là vô thường, thay đổi, bất tịnh, hôi thúi, bẩn thỉu,...nay khỏe mai ốm, nay đẹp mai xấu, nay trẻ mai già, nay thông minh ngày mai ngu dốt, nay học được ngày mai học hết được, nay lanh lẹ ngày mai chậm rạp, lù khù, nay sống mai chết, ...
  12. Tự họ biết núi này cao có núi khác cao hơn, do vậy không so đo hơn thua với ai, không tham gia thi đấu tranh đua đoạt giải với bất kỳ ai, không cần lời khen, danh hiệu, huy chương gì cả.
  13. Sống với lòng yêu thương các loài vật, tôn trọng sự sống của chúng, xem chúng là bạn, là người thân trong gia đình, đối x với chúng như là một thành viên trong gia đình từ cho ăn đến mặc áo tắm rữa, rữa bát cho chúng, dẫn chúng đi chơi, không cột, nhốt chúng,...
  14. Luôn quán xét mọi pháp thế gian là vô thường, không có gì là ta là của ta, mọi pháp đều hoại diệt, đều suy tàn, đều ô nhiễm, có chúng càng nhiều thì càng chuốc lấy nhiều khổ đau. Hôm nay giàu ngày mai nghèo trắng tay, hôm nay có địa vị cao ngày mai mất chức, hôm nay nhận lương cao, ngày mai mất việc, hôm nay là ông chủ ngày mai có thể là đầy tớ, cuộc sống ai cũng ba chìm bảy nổi, sáu lênh đênh, có thành có bại, có vui có buồn, có được có mất, lên voi xuống chó là chuyện bình thường, không có gì vững bền và chắc chắn c.
  15. V.v...

Do hiểu được các pháp thế gian là vô thường như vậy, cho nên con người sống không còn ngã mạn hoặc kiêu mạn nữa. Ngã mạn hoặc kiêu mạn cho ai bây giờ? Có gì là ta, là của ta đâu mà ngã mạn, kiêu mạn. Có gì là thường còn, bất biến đâu mà ngã mạn, kiêu mạn.

Khi tâm ngã mạn hoặc kiêu mạn khởi ra, ta nên  quán xét lý vô thường, vô ngã, rồi dùng câu tác ý đập chúng xuống "tâm ngã mạn cút đi", sau đó dẫn tâm vào lý giải thoát :"tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự".

Sau một thời gian thường xuyên quán xét tâm mạn này, hiểu rõ, thấm nhuần và đã sống xả ly chúng, ta sẽ thấy tâm không còn khởi lên những tâm niệm mạn này nữa. Nếu lâu lâu chúng có xẹt vào thì ta chỉ cần hướng tâm đến chân lý giải thoát "tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự" thì chúng sẽ biến mất.

Sống với tâm không ngã mạn và kiêu mạn, người đó sẽ cảm thấy cuộc đời đầy niềm vui và hạnh phúc, không còn làm khổ mình, khổ người và khổ các loài vạn vật khác nữa, sống bình đẳng hòa đồng với mọi người, mọi người xích lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn, thương yêu nhau hơn, tự hiểu rõ ai ai cũng có cái hay của họ, ai ai cũng có cái tài riêng của họ, tất cả mọi người đều là thầy của mình, mình nên
biết lắng nghe, học hỏi và biết ơn họ,...

Mời các bạn đọc tiếp bài "Đức Không Nghi Ngờ"

No comments:

Post a Comment