Wednesday 3 April 2013

ĐỨC ĐOÀN KẾT

Sống với đức đoàn kết là:

• Không nói xấu nhau, chỉ nói những lời nói hòa thuận,
• Sẵn sàng cho tặng nhau bất kỳ vật gì mà mình có, đối với người thân không nên buôn bán;
• Sẵn sàng góp của cải chung để sống tốt hơn,
• Khi có việc cần bàn thì đem ra bàn tròn mà bàn.
• Có của nhiều thì biết chia đều cho người khác, không thiên vị ai.
• Luôn có ý nghĩ tốt về nhau, không nên nghi kỵ nhau. Luôn tin tưởng nhau.
• Dẹp bỏ bản ngã, luôn cho mình luôn đúng. Biết sống với đức nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng.

. Có khổ hay hoạn nạn cùng khổ, có vui sướng thì cùng chia. Không nên thấy khổ, thấy thất bại thì rút lui, tránh né, nói xấu nhau, chỉ tội, lỗi của nhau.

Ví dụ người có đất, kẻ có tiền thì cùng góp với nhau để xây một căn nhà ở, người có đất đừng nghĩ rằng đợi lúc có tiền mới xây nhà, hay người có tiền thì nghĩ để dành thêm tiền mua đất rồi có dư thì xây lên ở riêng. Thường ai cũng muốn có cuộc sống riêng, nhưng lúc khó khăn biết đoàn kết nhau thì cuộc sống sẽ vui vẻ, tình nghĩa anh em luôn gắn bó. 


Trong bài kinh Đại Bát Niết Bàn thuộc Trường Bộ Kinh, Đức Phật có dạy cho chúng ta những điều cần thiết để một đất nước, một tập thể hay một Tăng Ni đoàn sống có đoàn kết và cường thịnh. 



Đối với dân:

  1. Thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau.
  2. Dân tụ họp trong niệm đoàn kết giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết.
  3. Không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống như đã ban hành thời xưa
  4. Dân tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão và nghe theo lời dạy của những vị này.
  5. Không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ phải sống với mình.
  6. Tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp.
  7. Dân bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A-la-hán đã đến được sống an lạc.
Đối với Tỳ Kheo:

  1. Khi nào chúng Tỷ-kheo thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau
  2. Khi nào chúng Tỷ-kheo tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc Tăng sự trong niệm đoàn kết.
  3. Khi nào chúng Tỷ-kheo không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với những học giới được ban hành.
  4. Khi nào chúng Tỷ-kheo tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc Tỷ-kheo thượng tọa những vị này là những vị giàu kinh nghiệm, niên cao lạp trưởng, bậc cha của chúng Tăng, bậc thầy của chúng Tăng và nghe theo lời dạy của những vị này.
  5. Khi nào chúng Tỷ-kheo không bị chi phối bởi tham ái, tham ái này tác thành một đời sống khác.
  6. Khi nào chúng Tỷ-kheo thích sống những chỗ nhàn tịnh.
  7. Khi nào chúng Tỷ-kheo tự thân an trú chánh niệm, khiến các bạn đồng tu thiện chí chưa đến muốn đến ở, và các bạn đồng tu thiện chí đã đến ở, được sống an lạc.
Này các Tỷ-kheo, khi nào bảy pháp bất thối này được duy trì giữa các vị Tỷ-kheo, khi nào các vị Tỷ-kheo được dạy bảy pháp bất thối này, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.


Bảy pháp bất thối khác:

  1. Khi nào chúng Tỷ-kheo không ưa thích làm thế sự, không hoan hỷ làm thế sự, không đam mê làm thế sự.
  2. Khi nào chúng Tỷ-kheo không ưa thích phiếm luận, không hoan hỷ phiếm luận, không đam mê phiếm luận.
  3. Khi nào chúng Tỷ-kheo không ưa thích ngủ nghỉ.
  4. Khi nào chúng Tỷ-kheo không ưa thích quần tụ, không hoan hỷ quần tụ, không đam mê quần tụ.
  5. Khi nào chúng Tỷ-kheo không có ác dục vọng, không bị chi phối bởi ác dục vọng.
  6. Khi nào chúng Tỷ-kheo không bạn bè ác dục vọng, không thân tín ác dục vọng, không cộng hành với ác dục vọng.
  7. Khi nào chúng Tỷ-kheo không dừng ở nửa chừng, giữa sự đạt đáo những quả vị thấp kém và những quả vị thù thắng.

Này các Tỷ-kheo, khi nào bảy pháp bất thối này được duy trì giữa các vị Tỷ-kheo, khi nào các vị Tỷ-kheo được dạy bảy pháp bất thối này, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.


Bảy pháp bất thối khác:

·         Khi nào chúng Tỷ-kheo có tín tâm, có tàm, có quý, có nghe nhiều, có tinh tấn, có chánh niệm, có trí tuệ.
·         Khi nào chúng Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi, tu tập trạch pháp giác chi, tu tập tinh tấn giác chi, tu tập khinh an giác chi, tu tập định giác chi, tu tập xả giác chi
·         Khi nào chúng Tỷ-kheo tu tập vô thường tưởng, tu tập vô ngã tưởng, tu tập bất tịnh tưởng, tu tập nguy hiểm tưởng, tu tập xả ly tưởng, tu tập vô tham tưởng, tu tập diệt tưởng.

Sáu pháp bất thối khác:

  1. Khi nào các vị Tỷ-kheo đối với các vị đồng tu phạm hạnh, tại chỗ đông người và vắng người, gìn giữ thân nghiệp từ hòa.
  2. Khi nào các vị Tỷ-kheo đối với các vị đồng tu phạm hạnh, tại chỗ đông người và vắng người gìn giữ khẩu nghiệp từ hòa.
  3. Khi nào các vị Tỷ-kheo đối với các vị đồng tu phạm hạnh, tại chỗ đông người và vắng người, gìn giữ ý nghiệp từ hòa.
  4. Khi nào các vị Tỷ-kheo phân phối không thiên vị, chung thọ hưởng với các bạn giới đức đồng tu, mọi lợi dưỡng chơn chánh, hợp pháp, cho đến những vật thọ lãnh trong bình bát khất thực.
  5. Khi nào các vị Tỷ-kheo sống với các bạn đồng tu, tại chỗ đông người và vắng người, trong sự thọ trì những giới luật đúng với Sa-môn hạnh, những giới luật không bị gẫy vụn, không bị sứt mẻ, không bị tỳ vết, không bị uế trược, những giới luật đưa đến giải thoát, được người có trí tán thán, không bị ô nhiễm bởi mục đích sai lạc, những giới luật hướng đến định tâm.
  6. Khi nào các vị Tỷ-kheo sống với các bạn đồng tu, tại chỗ đông người và vắng người, trong sự thọ trì những tri kiến đúng với Sa-môn hạnh, những thánh tri kiến đưa đến giải thoát, hướng đến sự diệt tận khổ đau cho những ai thực hành theo.

No comments:

Post a Comment