Sunday, 7 April 2013

TRAU DỒI LÒNG TỪ

Lòng "Từ" là lòng yêu thương vô bờ bến, đa hướng, không ích kỷ và không phân biệt người thân quen, người xa lạ hoặc loài vật nào. Người có lòng Từ yêu thương sẽ không bao giờ sân giận người khác. Do vậy muốn khắc phục tâm sân giận của mình chỉ có cách trau dồi lòng Từ cho thấm nhuần thì chúng ta sẽ thấy hiệu quả cực kỳ hiệu nghiệm.

Lòng từ có thể chuyển hóa nhân quả từ xấu thành tốt, chuyển hóa người xấu thành người thiện, cảm hóa rất nhiều người và các loài vật, giúp cho mọi người yêu thương nhau hơn, biết tha thứ cho nhau và xích lại gần nhau hơn.

Mỗi sáng sau khi chúng ta thức dậy, hãy tự nhắc nhủ trong lòng rằng:
  1.     Hôm nay ta sẽ sống trọn một ngày yêu thương, chia sẻ những gì mình có với tất cả mọi người.
  2.     Hôm nay ta sẽ sống biết tha thứ cho tất cả mọi người và mọi vật gây tổn hại đến ta.
  3.     Hôm nay ta sẽ luôn biết cung kính và tôn trọng tất cả mọi người, kể cả những người nhỏ tuổi hơn ta.
  4.     Hôm nay ta chỉ nói những lời nói thương yêu, nhẹ nhàng, ôn tồn, nhã nhặn và dịu dàng với tất cả mọi người từ em bé cho đến những người gây tổn hại ta.
  5.     Hôm nay ta sẽ luôn sống nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng theo lời nói, ý kiến và việc làm của tất cả mọi người, để mọi người vui, mình vui.
  6.     Hôm nay, dù có chuyện gì xảy ra, đều là nhân quả của ta. Ta chỉ nhìn lỗi mình, không nhìn lỗi người. 

Khi quen dần với phương pháp này, chúng ta có thể trải rộng lòng yêu thương và tha thứ ra cả thế giới, khắp hành tinh ta đang sống: Ví dụ: Khi rãnh chúng ta ngồi nhắc thầm trong đầu rằng: "Ta sẽ luôn yêu thương và tha thứ cho tất cả mọi người và muôn loài vật; luôn cung kính và tôn trọng tất cả mọi người không phân biệt già trẻ, dân tộc, màu da, sang hèn; luôn sống nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng với mọi ý kiến, lời nói, yêu cầu và việc làm của người để người vui mình vui".

Đầu tiên ta nguyện sẽ sống đúng như câu trên với tất cả mọi người trong gia đình. Sau đó, sẽ trải rộng lòng yêu thương và tha thứ ra đến tất cả hàng xóm, mọi người xung quanh khu ta ở, sau đó trải rộng ra khắp quận huyện, tỉnh, thành, khắp nước Việt Nam, đến các nước láng giềng, khắp tất cả các nước thuộc Châu Á. Sau đó sẽ trải rộng tiếp đến mọi dân và các loài vật ở các nước thuộc Châu Âu, Châu Úc, Châu Mỹ, Châu Phi và khắp tất cả các đảo, bán đảo, quần đảo lớn nhỏ trên hành tinh này. Lòng yêu thương và tha thứ của ta sẽ phủ trùm khắp hành tinh này, luôn sống để đem niềm vui và hạnh phúc đến cho mình cho người và muôn loài vạn vật khác.


Kế tiếp, ta uớc nguyện cho tất cả mọi người và các loài vật sống chung quanh ta, từ những người thân trong gia đình, cho đến hàng xóm, những người trong thành phố ta ở, tất cả dân ở nước ta, cho đến tất cả dân ở các nước ở châu Á, châu Âu, Châu Mỹ, Châu, Phi, Châu Úc và tất cả dân trên khắp các hòn đảo lớn nhỏ trên trái đất này, sống luôn thương yêu và tha thứ; cung kính và tôn trọng nhau, chỉ nhìn lỗi mình, không nhìn lỗi người; sống biết nhẫn nhục tùy thuận và bằng lòng; luôn nói những lời ái ngữ thương yêu nhau để đem niềm vui và hạnh phúc cho nhau.

Thursday, 4 April 2013

Phương Pháp Như Lý Tác Ý

Để rèn luyện nhân cách đạo đức, phương pháp "Như Lý Tác Ý" không thể thiếu được, thiếu nó thì việc rèn nhân cách sẽ trở nên vô dụng và ít hiệu quả. Vậy phương pháp "Như Lý Tác Ý" là gì?

Đó là phương pháp hướng tâm, là phương pháp tự kỷ ám thị, nhắc tâm, đưa tâm vào thiện pháp.

Ví dụ: Khi tâm chúng ta sân giận, chúng ta nhắc thầm trong đầu: "Tâm không được sân giận, hãy thương yêu và tha thứ. Tâm sân giận là tâm ác, mày làm khổ tao và sẽ làm khổ mọi người, hãy cút đi"

Khi tâm đang tham ăn thì ta nhắc: "tâm không được tham ăn, tâm tham cút đi"

V.v...

Chỉ cần trạch ra một câu ngắn gọn rồi tác ý, nhắc thầm trong đầu cho thấm nhuần thì chúng ta sẽ thấy tánh tình của ta từ từ thay đổi.

Nhớ lúc xưa tánh tình tôi rất xấu thường hay nóng giận, cọc cằn, thô lỗ, tham lam, dối trá,...

Tôi tự soạn ra một danh sách những câu tác ý, để mỗi buổi sáng hoặc khi nào rãnh, tự ngồi một mình nhắc thầm trong đầu. Dần dần những câu đó thấm vào tận thân tâm, sau đó trước khi nói hay làm điều gì tôi đều suy nghĩ chính chắn, quán xét xem mình có phạm vào những điều ác, điều xấu hay không.

Ngoài ra tôi luôn tư duy về những điều ác, thấy rõ chúng có nguồn gốc là tham, sân si mạn nghi, chúng luôn làm khổ mình, khổ người khổ cả hai. Nếu như vậy thì tôi quyết từ bỏ chúng, còn ngược lại, không làm khổ mình, khổ người thì tôi cứ tư duy tăng trưởng những điều thiện để thân tâm thấm nhuần điều thiện, xa lìa điều ác.

Đúng như lời Phật dạy: "Sống luôn ngăn ác, diệt ác; sanh thiện, tăng trưởng thiện"

Làm Gì Khi Bị La Mắng Nạt Nộ



Người lớn tiếng trách mắng nạt nộ người khác là người đang giận bực tức trong lòng vì điều gì đó hoặc vì ta đã làm sai điều gì. Do không kiềm chế được cơn giận hoặc không thể tha thứ được hoặc không dằn được sự tức giận, họ đành phải lớn tiếng trách mắng nạt nộ người khác cho hả giận. Sau khi trút ra hết sự tức giận của mình thì trong lòng của họ sẽ thấy nhẹ nhỏm và không còn tức giận nữa.
Khi chúng ta hiểu được sự tức giận là một tâm bệnh, nó có thể làm cho con người mất sáng suốt, trở nên cau có, khó chịu, gương mặt không còn tươi cười nữa, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, có thể gây ra nhiều loại bệnh khác nhau như lên máu, mặt nóng, đau tim, thần kinh bị ức chế, nhức đầu, chóng mặt, nội tạng không làm việc đều hòa,… thì chúng ta hãy thương yêu những người đang tức giận. Nhẫn nhục nghe họ trút hết sự tức giận, xem mình như là một thùng rác cho người khác trút giận.
Giống như một người có nhiều tâm sự buồn phiền, người bạn thân luôn sẵn sàng cho mượn bờ vai để khóc, sẵn sàng lắng nghe tất cả những nỗi buồn, sự oan ức của bạn mình. Sau khi thổ lộ hết tâm sự thì sự buồn phiền sẽ được nguôi giảm rất nhiều và trở nên thoải mái.
Người bị lớn tiếng trách mắng nạt nộ cũng vậy, họ cũng là một bác sĩ trị tâm bệnh, thương yêu nhẫn nhục im lặng lắng nghe tất cả, không đáp lại lời nói nào để giúp người đang giận dữ trút hết những phiền muộn, tức giận trong lòng ra.
Sau khi giúp cho người giận dữ trút hết cơn giận, chúng ta hãy tự kiểm điểm lại mình xem đã làm điều gì sai, tự hứa với bản thân đừng tái phạm để mọi người không phải giận dữ, buồn phiền vì ta nữa. Người tức giận là những người rất đáng thương, họ rất khổ sở, họ đang có tâm bệnh, tâm bệnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.
Nếu ta bị oan ức thì hãy quán nhân quả. Sở dĩ bị người khác lớn tiếng trách mắng nạt nộ ngày hôm nay là do trong quá khứ ta cũng đã làm như vậy với người khác. Những gì xảy ra hôm nay là bộ phim quay lại cảnh ta đã làm như vậy trong quá khứ với người khác. 

Hơn nữa, người đang tức giận là người đang gieo nhân xấu, sẽ gặt quả xấu trong tương lai. Họ rất đáng thương, chúng ta không nên đổ thêm dầu vào lửa. Nhẫn nhục im lặng chính là đang thương yêu họ.
Do vậy để chuyển đổi nhân quả của mình từ xấu thành tốt, từ ác thành thiện thì chúng ta hãy áp dụng đức thương yêu nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng vui vẻ vào đời sống gia đình và xã hội. Không tranh cãi đúng sai, không đổ lỗi cho ai, chỉ im lặng mỉm cười. Vì ta hiểu rằng ta đã giúp cho họ trút hết cơn giận, ta đã giúp cho họ hết bệnh. Ai làm được điều này, người đó không khác gì một bác sĩ chuyên khoa. Không cần phải mất 7-10 năm đi học, cũng có thể trở thành một bác sĩ trị tâm bệnh.
Tóm lại, để hóa giải những lời nói lớn tiếng trách mắng, nạt nộ của người khác. Chúng ta hãy:
1.    Thương yêu nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng.
2.    Nhìn thấy lỗi mình, không tìm lỗi người.
3.    Quán nhân quả.
4.    Chuyển đổi nhân quả.

Khi bị trách mắng nạt nộ, chúng ta nên nhắc thầm trong đầu: "Người đang trách mắng nạt nộ ta là người đang đau khổ, hãy thương yêu nhẫn nhục im lặng giúp họ trút hết cơn giận, sau đó họ sẽ cảm thấy thoải mái bình thường và mọi việc đâu sẽ vào đó, nhất quyết không đáp lại bất kỳ lời nào"
Mời các bạn đọc tiếp bài “Sống Không Làm Khổ Mình”

Wednesday, 3 April 2013

SỐNG LÀ TU

Hỏi: Kính thưa Thầy, Sống là tu, tu là sống như thế nào?

Đáp: Thường người ta quan niệm tu hành, khác với cuộc sống. Khi tu phải lìa xa cuộc sống thế gian, không có sống chung với người thế gian, nghĩa là khi đi tu thì phải cắt ái, ly gia, bỏ vợ, bỏ con, bỏ cả sự nghiệp, lìa xa gia đình, những người thân, ngay cả cha mẹ và anh em dòng họ, v.v...Người tu hành phải thực hiện các pháp môn hằng ngày như: ngồi thiền, tụng kinh, niệm chú, niệm Phật, lạy hồng danh chư Phật ,v.v…
Những pháp môn này không phải của đức Phật dạy mà của ngoại đạo khéo lồng vào giáo pháp của đức Phật để lừa đảo tín đồ Phật giáo.

Bước vào Đạo Đế tức là bước vào một chân lý trong bốn chân lý của đạo Phật. Mà Đạo Đế là pháp hành của đạo Phật dạy chúng để sống trong cuộc sống với mọi người thì làm gì có dạy chúng ta ly gia cắt ái, bỏ vợ, bỏ con, bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ gia đình sự nghiệp, v.v…Khi bắt đầu vào tu theo pháp môn của đạo Phật thì Ngài dạy chúng ta phải sống đúng chánh kiến, nghĩa là hằng ngày chúng ta phải thấy và hiểu biết: Cái nào thiện thì biết là thiện, cái nào ác thì biết là ác; biết thiện thì tăng trưởng, vì thiện không làm khổ mình khổ người; biết ác thì ngăn ngừa và diệt chúng để không làm khổ mình khổ người. Người thấy và biết sống như vậy là tu tập chánh kiến.

Sống không làm khổ mình, khổ người là tu, mà người tu tập phải sống có chánh kiến như vậy, mà sống có chánh kiến như vậy tức là tu tập. Như vậy đạo Phật không có dạy chúng ta tụng kinh, ngồi thiền, trì chú, cúng bái, tế lễ v.v...mà dạy chúng sống đúng Chánh kiến, sống đúng Chánh tư duy, sống đúng Chánh ngữ, sống đúng Chánh nghiệp, sống đúng Chánh mạng, sống đúng Chánh tinh tấn, sống đúng Chánh niệm và như vậy chúng ta sẽ sống đúng Chánh định tức là Chánh thiền định mà Chánh thiền định, tức là bắt đầu từ Sơ Thiền cho đến Tứ Thiền, mà Sơ Thiền tức là ly dục ly ác pháp, mà ly dục ly ác pháp tức là Chánh kiến.

Như vậy, không phải sống là tu hay sao? Và tu là sống không làm khổ mình khổ người thì có đúng không? Cho nên thiền định là cuộc sống mà tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ, chứ không phải thứ thiền định lìa cuộc sống “Ngồi thiền”.
Sự tu tập của đạo Phật không lìa cuộc sống, kẻ nào lìa cuộc sống ngồi thiền, tụng kinh, v.v...thì tu hành không bao giờ có sự giải thoát. Xa lìa cuộc sống mà sống phạm giới, phá giới, thì có khác gì cuộc sống của người thế gian, thì người đó tu không đúng đạo Phật, mà đang tu theo ngoại đạo. Tu theo ngoại đạo thì sẽ rơi vào tà kiến, tà niệm, tà thiền, tà định, thì đời đời kiếp kiếp sẽ trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi.
(Trích Đường Về Xứ Phật tập III)

Những Lời Nên Và Không Nên Nói


Sống yêu thương là một nghệ thuật sống giúp cho cuộc sống này luôn đầy niềm vui và hạnh phúc. Có nhiều người đặt câu hỏi: Làm sao để có thể sống biết yêu thương nhau? Lòng yêu thương luôn thể hiện qua 3 nơi: suy nghĩ, lời nói và hành động. Những suy nghĩ, lời nói hay hành động nào không làm khổ mình, khổ người hoặc không làm khổ các loài vật khác thì nên suy nghĩ, nên nói và nên làm. Ngược lại, những suy nghĩ, lời nói hoặc hành động nào làm khổ mình, làm khổ người và làm khổ các loài vật khác thì không nên. Trong bài viết này sẽ nói về sự quan trọng của lời nói.

Qua lời nói chúng ta sẽ biết được con người có yêu thương nhau hay không? Qua lời nói chúng ta có thể đánh giá được giá trị của một con người. Qua lời nói chúng ta có thể biết được là người tốt hay người xấu. Qua lời nói chúng ta biết được mức độ yêu thương,...

Chính lời nói là đường đi lối về của nhân quả. Một lời nói ra luôn sẽ có những hậu quả của chúng. Hậu quả thường thấy ngay trong 2 trường hợp:
  • Ngay lập tức. Ví dụ khi ta trách mắng người khác thì bị người khác lớn tiếng trách mắng lại hoặc bị họ đánh trả lại, động tay động chân,... Khi ta nói những lời nói thương yêu thì được mọi người thương yêu đáp lại bằng những lời nói chân thật, sự tin cậy, lời nói của họ cũng nhẹ nhàng, ôn tồn hơn,... hoặc bằng những hành động thương yêu như ôm vào lòng, cho tặng quà,...
  • Trong tương lai. Có ai tự hỏi là tại sao mình bị lừa dối, dối gạt, bị trách mắng, bị chê bai, bị chỉ trích, bị người khác ly gián, mạ nhục,...hay không? Đó là vì trong quá khứ chúng ta đã từng gieo nhân lừa dối, dối gạt, trách mắng, chê bai, chỉ trích, ly gián, mạ nhục,... người khác. Khi ta được mọi người tin cậy, nói những lời nói chân thật thật lòng, không dối gạt là do trong quá khứ chúng ta đã từng nói những lời nói chân thật, thật lòng và không dối gạt mọi người.

Là người có trí tuệ sống biết yêu thương, chúng ta không nên nói bừa bãi, nên lựa lời mà nói, trước khi nói nên suy nghĩ xem lời nói:

  1. Có đúng thời hay phi thời,
  2. Có chân thật hay không chân thật,
  3. Có lợi ích hay không lợi ích,
  4. Có nhu nhuyến hay không nhu nhuyến,
  5. Có nói với tâm không sân giận với lòng "Từ" thương yêu mọi chúng sanh hay không?

Có như vậy ta mới tránh được các nhân quả khổ đau do lời nói được nói ra. Do đó khi nói, ta không nên nói láo, nói lời bịa đặt, nói lời nói thêu dệt , thêm bớt, nói hai lưỡi, nói xấu người, chê bai, chỉ trích, dọa nạt người ta, chửi thề hay nói lời nói hung dữ ác độc. Có tránh các lời nói ác đó thì ta mới gây được lòng tin nơi người khác, là biết sống yêu thương, không có làm khổ mình, làm khổ người và làm khổ chúng sanh khác.

Ngược lại để có được lời nói tao nhã, chân thật, có lợi ích, ôn tồn, nhã nhặn, nhẹ nhàng. Cụ thể hơn chúng ta hãy cùng xem xét những lời nói sau:

1)Nói vọng ngữ:
Là nói không đúng sự thật, là nói láo, nói dối, nói lường gạt hay nói những lời nói không đáng tin cậy.

Những người nói vọng ngữ là những người ác có âm mưu che đậy sự thật. Họ là những người ích kỹ chỉ nghĩ đến cái lợi cho bản thân. Đồng thời họ cũng sợ mang tiếng, bị tai tiếng, bị khinh chê, hay bị người đời khinh chê những cái sai của họ nên họ muốn che dấu cái xấu của họ cho nên họ nghĩ ra đủ trò để nói láo, lường gạt người khác.

  • Tất cả những người làm nghề buôn bán đều phạm lỗi lầm này là nói vọng ngữ, không ai là không nói dối. Cho nên họ làm cho mọi người mất lòng tin vào họ. Đến khi nói thật thì không ai tin họ cả. Ví dụ họ nói bán 1 Kg đậu chỉ lời có 1000 đồng.
  • Những người xem bói, xem tướng, xem tử vi, xem chỉ tay, xem phong thủy, xem ngày giờ chết, xem ngày gả vợ gả chồng là những ngưòi nói dối và không căn cứ.
  • Những người làm nghề luật sư cũng không tránh khỏi.

Chính vì vậy mà những người nói láo sẽ bị mất uy tín và mọi người sẽ tránh xa. Muốn trở thành một người có đạo đức về vọng ngữ chúng ta phải cương quyết :

  • Từ bỏ nói láo
  • Tránh xa nói láo: đó là tránh xa người nói láo, tránh xa những nơi nói láo và tránh xa lời nói láo.
  • Chỉ nói những lời nói chân thật.
  • Y chỉ sự thật: có sao nói vậy, không phóng đại, không bóp méo, chỉ nói thẳng, nói thật không sợ ai cả.
  • Nói những lời chắc chắn đáng tin cậy: là những lời nói đem lại kết quả rõ ràng, không trừu tượng mơ hồ.
  • Nói lời nói không lường gạt

Chúng ta hãy thường nhắc tâm mình “Không được nói dối , chỉ nói đúng sự thật, dù cho nói dối không hại ai tôi cũng không nói” Có cương quyết và biết sợ hãi, xấu hổ từng lỗi nhỏ nhặt của mình thì thân tâm mới yên vui đạt được sự thanh thản, an lạc và vô sự.

2) Lời nói hai lưỡi:
Là những lời nói ly gián mọi người, đem cái xấu của người này nói cho nguời khác và ngược lại để gây chia rẽ. Đó là những lời nói ác đem đau khổ đến cho mình cho người và cho cả hai. Vì khi người ta biết mình có ý ác như vậy thì người ta sẽ tránh xa, không tin tưởng mình. Lúc đó mình còn mặt mũi đâu mà nhìn người ta.

Làm người muốn có được hạnh phúc an vui thật sự thì ta phải:
  • Từ bỏ nói lời nói hai lưỡi.
  • Tránh xa nói hai lưỡi: tránh xa người nói hai lưỡi, tránh xa những nơi nói hai lưỡi, và tránh xa lời nói hai lưỡi.
  • Sống hòa hợp với những kẻ ly gián bằng đức nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng. Chỉ nói lời tốt đẹp về người khác. Khuyên nhủ người ly gián đoàn kết nhau, thương yêu và tha thứ những lỗi lầm của nhau.
  • Khuyến khích những kẻ sống hòa hợp: không nói lời nói chia rẽ, vui mừng khi thấy sự hòa hợp, giúp nhau hiểu nhau hơn. Cùng nhau chia sẽ những buồn vui trong cuộc sống.
  • Nói những lời đưa đến hòa hợp: Khuyến khích nhau xem nhau như những người trong nhà, không khách sáo tự nhiên. Phải hiểu rõ nhau để nói về những sở thích của nhau v.v Biết xin lỗi , nhận lỗi lầm về phần mình. Nói những lời nói giúp nhau giảm bớt sự lo lắng.

Biết được sự quí báo của sự sống hòa hơp chúng ta hãy thường nhắc tâm mình “Hãy sống hòa hơp với mọi người, biết nhẫn nhục tùy thuận và bằng lòng. Chỉ nói những lời đưa đến sự hòa hợp và đoàn kết .” Đó là ta tự tạo cảnh vui cho mình và cho mọi người.

3)Lời nói phù phiếm:
Là nói những lời nói bịa đặt, thêm bớt làm sai sự thật, không còn mang đến lợi ích cho mình cho người nữa.
Người nói lời phù phiếm là những người ba hoa, nói nhiều, thêm bớt những hiểu biết, kiến giải của họ thêm, nói những lời nói ảo tưởng, trừu tượng không đúng sự thật, không đúng chân lý của cuộc sống và không đúng với khoa học tự nhiên.
Những người như vậy có thể làm hại và tiêu hủy cả một cơ đồ, làm mất đi những chân lý quý báo của con người như các Tổ và các Thầy tu hành chưa đến đâu mà kiến giải và giải thích Phật pháp theo ý của mình làm lệch ý những lời Phật dạy. Làm cho muôn vàn đệ tử theo tu Phật giáo phải khổ sở tu hành, ức chế thân tâm, sống trong điên đảo, đời không ra đời mà đạo cũng không ra đạo.
Để tránh những lời nói phù phiếm chúng ta nên:
  • Từ bỏ nói lời nói phù phiếm.
  • Tránh xa lời nói phù phiếm: tránh xa người nói phù phiếm, tránh xa nơi nói lời phù phiếm và tránh xa những lời nói phù phiếm.
  • Không nói phi thời: khi nói đúng thời, có đủ nhân duyên đầy đủ thì lời nói mới có giá trị, có ích lợi cho mọi người.
  • Không nên nói những lời phi chân lý.
  • Không nên nói những lời nói không lợi ích.
  • Không nên nói những lời phi pháp.
  • Không nên nói những lời nói phi luật.
  • Không nên nói những lời không đáng giữ gìn: là những lời nói không có ích, là những lời ác, những lời nói ngụy biện che đậy.

Ví du: ta nói nước Mỹ là một nước tự do tín ngưỡng đó là lời nói đúng luật pháp của nước Mỹ.

Để tránh những lời nói phù phiếm chúng ta nên thường xuyên tác ý “Lời nói phù phiếm là những lời nói ảo tưởng đưa đến hại mình, hại người. Ta phải từ bỏ những hiểu biết, kiến giải, tri thức của ta để tránh nói lòi nói phù phiếm.”

4)Lời nói hung dữ và ác độc:
Là những lời nói cực ác, sắc bén như kiếm đâm vào tim người nghe, làm cho người nghe nghẹn ngào, cứng họng, e thắt giọng không nói được lời nào, có thể khóc và xúc động mạnh đưa đến các bệnh tật phát khởi, v.v.

Người nói lời hung dữ ác độc là người tự biến mình thành con thú độc ác và hung dữ không còn chút nào tình người. Chỉ có những người nghe và người ngoài thấy, biết gương mặt, điệu bộ, lời nói và hành động của người nói lời hung dữ và ác độc. Còn chính họ thì như người điên thì làm sao nhận ra được gương mặt, điệu bộ, lời nói và hành động của họ.

Lời nói của họ cộc cằn, gay gắt như một lưỡi dao lam mõng cắt cổ, như một nhát chém nhanh của thanh kiếm bén.

Tự người nói lời hung dữ ác độc làm mất đạo đức giá trị của mình, tự biến mình thành con người không văn hóa, không giáo dục. Tự đẩy mình xuống đáy xã hội, tự mình giết mình. Làm cho mọi người tránh xa, không dám tiếp xúc.

Nếu ai thấy rõ những lời nói ác đó là không tốt thì hãy tự biết xấu hổ, quyết tâm sữa đổi thì chắc chắn sẽ được. Do đó ta phải quyết tâm

A - Từ bỏ những lời độc ác: là những lời nói sau đây:
  • Chửi mắng, mạ lị, mạt sát người khác.
  • La lớn tiếng, nạt nộ khiến cho người khác sợ hãi.
  • Nói châm biếm, chế giễu người, khiến cho người ta xấu hổ và đau khổ.
  • Nói vu khống người, nói oan ức cho người.
  • Nói lưỡi hai chiều.
  • Xưng hô gọi nhau bằng: mày, tao, mi , tớ.v.v
  • Nói tục tĩu, chửi thề v.v.
  • Nói mắng mỏ nhau.
  • Khi nói đến một người nào mà gọi là “đồ đó” hay “thứ đó”, v.v...
  • Hù dọa hâm he khiến cho người khác sợ
  • Tự thề những lời nói độc ác làm hại mình, hại người. Ví dụ: "nếu nói dối thì ra đường bị xe cán chết"
  • Nói những lời nói khuyến khích người khác sát sanh, nói lời nói tán thán hoan hỷ người khác sát sanh.
  • Nói những lời nói khuyến khích người khác trộm cướp , nói lời nói tán thán hoan hỷ người khác trộm cướp .
  • Nói những lời nói khuyến khích người khác tà hạnh, nói lời nói tán thán hoan hỷ người khác tà hạnh.
  • Nói những lời nói khuyến khích người khác nói dối, nói lời nói tán thán hoan hỷ người khác nói dối.
  • Nói những lời nói khuyến khích người khác nói 2 lưỡi, nói lời nói tán thán hoan hỷ người khác nói 2 lưỡi.
  • Nói những lời nói khuyến khích người khác nói phù phiếm, nói lời nói tán thán hoan hỷ người khác nói phù phiếm.
  • Nói những lời nói khuyến khích người khác nói lòi nói hung dữ, nói lời nói tán thán hoan hỷ người khác nói lời nói hung dữ.
  • Nói những lời nói khuyến khích người khác tham tài sản của người khác, nói lời nói tán thán hoan hỷ người khác tham tài sản của người khác.
  • Nói những lời nói khuyến khích người khác sân giận, nói lời nói tán thán hoan hỷ người khác sân giận.
  • Nói những lời nói khuyến khích người khác có tà kiến, nói lời nói tán thán hoan hỷ người khác có tà kiến.

B-Tránh xa nói lời nói độc ác: tránh xa người nói lời nói độc ác, tránh xa những nơi nói lời nói độc ác và tránh xa những lời nói độc ác.

C- Nói những lời nói không lỗi lầm: Nghĩa là phải cân nhắc rõ ràng kỹ lưỡng trước khi nói. Phản tỉnh từng lời nói để không làm khổ mình , làm khổ người và làm khổ chúng sanh, ví dụ như:
  • Lời nói không chân thật
  • Lời nói hung dữ
  • Đặt điều nói xấu người khác
  • Đem chuyện người này nói chuyện với người kia và ngược lại.
  • Xưng hô một cách phách lối.
  • Nói oan ức cho người khác
  • Nói hai chiều.
  • Nói lời thô tục tục tĩu
  • Nói lời ly gián
  • Nói lật lọng

D-Nói những lời đẹp tai : khiến cho người nghe vui lòng, mang đến cho người nghe sự cảm mến, một niềm vui an lạc và hạnh phúc. Những lời đep tai gồm có:
  • Lời ca ngợi khen tặng đúng chánh pháp.
  • Lời nói chia sẽ những nỗi niềm ưu tư với những người khác.
  • Lời nói nhẹ nhàng, ôn tồn nhã nhặn và êm dịu.
  • Lời nói gợi lòng yêu thương tổ quốc.
  • Lời nói gợi lòng hiếu hạnh đối với cha mẹ.
  • Lời kêu gọi thiết tha giúp đỡ những người bất hạnh.
  • Lời khuyên lơn an ủi giúp cho người khác bình tỉnh để vượt qua những chặng đường đầy khó khăn, đầy chông gai và nguy hiểm.
  • Tiếng xưng hô ngọt ngào, ông, bà, cha, mẹ, chú, bác, cô, dì, anh, chị, em,v.v
  • Lời nói tạo duyên đoàn kết, gây tình yêu thương, xả bỏ lòng thù hận.
  • Lời kêu gọi thương yêu sự sống muôn loài, đừng làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh.

E- Nói những lời dễ thương: là những lời nói ái ngữ, êm dịu, nhẹ nhàng ôn tồn và nhã nhặn, v.v... Lúc nào cũng phải cẩn thận không được phát ngôn bừa bãi, không được nói nghịch ý trái lòng mọi người, không được mắng chưởi mạ nhục người khác, không được to tiếng nạt nọ người khác, không được nói xấu người khác.
 
    Khi nói ra khiến người nghe có cảm tình thương mến, tức là oai nghi tế hạnh truyền đạt ngôn ngữ làm cho người nghe dễ chịu có thiện cảm, có tình thương yêu chân thật. Muốn được vậy các bạn nên cẩn thận dè dặt khi nói ra phải phản ảnh từng lời nói; khi nói ra phải là lời nói thân thiện, ái ngữ; khi nói ra phải tránh những lời nói chạm tự ái người khác; khi nói ra phải tránh xa những lời nói phách lối, kiêu căng tự đắc, tự phụ; khi nói ra không được nói xấu người khác, không được nói chuyện xấu của người khác; khi nói ra phải nói tốt người khác, nói chuyện tốt của người khác; khi nói ra không được nói thêu dệt, không được nói lật lọng; khi nói ra không được nói oan ức cho người khác, vu khống người khác; khi nói ra phải nói những lời chân thật, không dối trá gian xảo, đó là đức hạnh về ngôn ngữ mà làm người ai ai cũng phải học tập và rèn luyện những ngôn ngữ này để xứng đáng là một người có đạo đức.

F-Nói những lời thông cảm đến tâm mọi người: là những lời nói ôn tồn, nhẹ nhàng khiêm tốn, nhất là những lời nói chân thật, thông hiểu mọi tâm lý của kẻ khác.

Nếu muốn có những lời nói cảm thông đến tâm mọi người như vậy thì phải có lòng yêu thương chân thật, phải cùng sống trong cảnh ngộ, phải có hoàn cảnh như nhau thì lời nói cảm thông mới dễ dàng.
  1. Ví dụ 1: Tai nạn giao thông để lại một sự đau thương cho một người vợ trẻ và hai đứa con thơ năm, sáu tuổi. Ai có hoàn cảnh này thì mới cảm thông người vợ trẻ goá chồng và hai đứa con thơ. Nhờ có sống trong hoàn cảnh này nên mới có những lời nói cảm thông đến tâm mọi người
  2. Ví dụ 2: Khi rút mũi tên ra, vượn mẹ biết mình không thể sống được, nên trao con cho chồng, rồi buông tay rơi xuống đất. Ai có làm mẹ mới cảm thông được lòng mẹ thương con
  3. Ví dụ 3: Ai nỡ lòng nào nhai thịt chúng sanh và nuốt vào lòng. Ai có lòng thương yêu sự sống của chúng sanh thì mới cảm thông được sự khổ đau của chúng sanh trong lời nói này.
  4. Ví dụ 4: Trước giờ phút chia tay đi vào cõi vĩnh hằng của một người mẹ, đứa con ôm mẹ kêu khóc: “Mẹ ơi! Mẹ đừng bỏ con...” Ai có sống trong cảnh này các bạn mới cảm thông tiếng kêu nức nở của đứa con sắp mất mẹ. Phải không các bạn?

G-Những lời nói tao nhã: là những lời nói thanh cao, trang nhã, lịch sự.
  • Ví dụ 1: “Kính thưa các bạn! Những điều chúng tôi đã viết trên đây, có những điều chi sơ sót, xin các bạn vui lòng chỉ giáo cho, chúng tôi thành kính tri ân”, đó là những lời nói thanh cao, trang nhã và lịch sự.
    - “Đứa nào lười biếng ngồi chơi không chịu làm việc hãy đập nát đầu nó đi”, đó là những lời nói không thanh cao, trang nhã và lịch sự
  • Ví dụ 2: “Cháu ngoan hãy lại đây bác thương cháu nhiều”, đó là những lời nói thanh cao, trang nhã và lịch sự.
    Mày hãy lại đây tao bảo”, đó là những lời nói không thanh cao, trang nhã và lịch sự.
Những lời nói tao nhã là đức hạnh mang đến sự an vui cho mình và cho mọi người; mang đến cho mọi gia đình đầm ấm hạnh phúc; mang đến cho xã hội có trật tự an ninh. Vậy mong các bạn cố gắng tu tập rèn luyện để mỗi khi nói ra một điều gì bằng những lời nói tao nhã, thanh lịch.

H-Nói những lời đẹp lòng nhiều người: là khen tặng và ca ngợi đúng sự thật không nịnh bợ. Khen ngợi là phải khen ngợi đúng sự thật, phải chính xác 100%, đó là khen ngợi đúng chánh pháp. Không được khen ngợi theo kiểu a dua, xu nịnh, bợ dỡ v.v..., đó là khen ngợi không đúng chánh pháp.

Biết áp dụng những lời nói đẹp trên, chúng ta sẽ sửa tính hung dữ và ác độc của mình thành một người có thiện ngôn, nghe đẹp tai, nói đẹp lòng đến tâm của mọi người. Biết đươc hiệu quả như vậy thì ta nên tự nhắc tâm mình “ Từ bỏ nói lời nói hung dữ và độc ác, chỉ nói những lời nói đẹp lòng người khác.”

Tóm lại, lời nói rất quan trọng trong cuộc sống. Khi lỡ nói ra những gì không nên nói thì sẽ làm khổ mình, khổ người và khổ các loài vạn vật có sự sống khác. Lời nói sai sẽ không thể lấy lại được. Do vậy, trước khi nói nên suy nghĩ cẩn thận.

Để có thói quen biết suy nghĩ trước khi nói, chúng ta hãy tập sống một mình, thường tư duy lại những suy nghĩ, những lời nói và việc làm trong ngày, thường xuyên tự mình nhắc nhủ tâm mình từ bỏ những lời không nên nói. Từ đó thành một thói quen, trước khi nói sẽ biết suy nghĩ, uốn lưỡi 7 lần.

Phần lớn nội dung của bài này đều nương vào sách “Văn hóa truyền thống tập II.” tại đây.

LỢI ÍCH SỐNG MƯỜI ĐIỀU LÀNH - LỢI ÍCH CỦA HÀNH THẬP THIỆN


Mười lợi ích này được trích ra từ sách “Hành Thập Thiện” của thầy Thích Thông Lạc tại đây. hoặc tại tu viện Chơn Như.    
  Các bạn có thể tải sách đọc audio "Hành thập thiện"  tại đây.
I/ Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo dạy: Nếu ai không sát sanh thì sẽ được mười điều lợi ích như sau:

1/. Tất cả chúng sanh đều kính mến.

2/. Lòng từ bi mở rộng đối với tất cả chúng sanh.
3/. Trừ sạch thói quen giận hờn.

4/. Thân thể thường được mạnh khỏe

5/. Tuổi thọ được lâu dài.

6/. Thường được Thiên Thần hộ trì.
 (Thiên thần không có nghĩa là một vị thiên thần, mà là một năng lực thiện từ việc làm thiện phóng xuất ra để chuyển hoá ác nghiệp tức là khổ ách)
7/. Ngủ ngon giấc và không chiêm bao, ác mộng.
8/. Trừ được các mối thù oán.

9/. Khỏi bị đọa vào ba đường ác.

10/. Sau khi chết được sanh lên cõi Trời. (Cõi trời không có nghĩa là thế giới siêu hình mà là một trạng thái tâm an ổn, thanh thản,...)


II/ Kinh MƯỜI ĐIỀU LÀNH dạy: “Nếu không trộm cắp mà còn bố thí thì sẽ được mười quả báo phước lành như sau”:

1/ Tiền của có dư, không bị vua quan, giặc giã cướp mất, không bị nạn lũ
lụt trôi, lửa cháy, hay con cái phá tán.
2/ Được nhiều người kính mến và tin cậy.
3/ Không bị ai lừa dối gạt gẫm.
4/ Xa gần đều khen ngợi lòng ngay thẳng của mình.
5/ Lòng được an ổn, không lo sợ về sự tổn hại nào.
6/ Tiếng lành đồn xa.
7/ Ở chỗ đông người lòng không khủng khiếp.
8/ Tiền của, tánh mạng, nhan sắc, sức khỏe an vui, biện tài vô ngại.
9/ Thường sẵn lòng bố thí cho tất cả chúng sanh.
10/ Khi chết được sanh lên cõi Trời.

III/ Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo dạy rằng: Không tà dâm và giữ được tiết hạnh sẽ được bốn điều lợi ích:

1) Sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) đều được vẹn toàn.
2) Đoạn trừ hết thảy những phiền não quấy nhiễu.

3) Ở trong đời được người khen ngợi, được tiếng tốt.

4) Vợ con không ai dám xâm phạm.


IV/ Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo dạy: Người không nói dối được tám điều lợi ích như sau:

1/. Được thế gian kính phục.

2/. Lời nói nào cũng đúng lý, được người, trời kính yêu.

3/. Miệng thường thơm sạch, nói ra có mùi thơm, như hoa ưu bát la.
4/. Thường dùng lời êm ái, an ủi chúng sanh.

5/. Được hưởng lạc thú như ý nguyện, và ba nghiệp đều trong sạch.
6/. Lời nói không buồn giận, mà còn tỏ ra vui vẻ.

7/. Lời nói tôn trọng, được người trời đều vâng theo.

8/. Trí tuệ thù thắng, không ai hơn.


V/ Người không nói lời thêu dệt sẽ được ba món công đức mà kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo dạy:

1/. Được người trí yêu mến.

2/. Thường đáp được những câu hỏi khó khăn.

3/. Được làm người có uy tín cao quý trong cõi Trời và cõi người.


VI/ Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo dạy: Kẻ nào nói lời hòa giải thì được năm điều không thể phá hoại:

1/. Được nhân bất hoại, vì bản thân mình không bao giờ có ý hại người.
2/. Được làm con trong dòng họ sum họp, vì nhân mình không gây chia rẽ bà con quyến thuộc của người.
3/. Được đức tin bất hoại vì nhân thuận theo nghiệp đời trước của mình.
4/. Được pháp hạnh bất hoại vì nhân chỗ tu của mình rất kiên cố.

5/.Được thiện hữu tri thức bất hoại vì nhân mình không hay nói dối người.



VII/ Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo dạy rằng: Kẻ nào không nói lời hung dữ sẽ được tám món công đức:

1/. Không nói sai pháp.

2/. Nói ra lời nào cũng có ích lợi.

3/. Nói lời nào cũng đúng chơn lý.

4/. Lời nói nào cũng khôn khéo.

5/. Nói điều chi ai cũng vâng theo.

6/. Lời nói nào thốt ra cũng được người ta tin dùng.
7/.Nói điều chi cũng không có ai chê bai.

8/. Nói ra lời nào cũng được yêu mến.


VIII/ Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo dạy rằng: Kẻ nào không tham đắm dục lạc thế gian sẽ được năm món công đức tự tại:

1/. Ba nghiệp thân, khẩu, ý được tự tại, vì nhơn các căn được đầy đủ.
2/. Của cải được tự tại, vì tất cả giặc thù đều không làm hại được.
3/. Phước đức tự tại, vì khi tâm muốn gì đều được như ý.
4/. Ngôi vua tự tại, vì các của cải quí báu đều được người đem đến dâng hiến.
5/. Được hưởng phần lợi gấp trăm lần mình đã định, vì kiếp trước mình không có lòng bỏn xẻn.


IX/ Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo dạy rằng: Kẻ nào làm chủ được tâm sân thì sẽ được tám món công đức:

1/. Tâm không tổn não.

2/. Tâm không giận hờn.

3/. Tâm không tranh giành.

4/. Tâm được nhu hòa, ngay thẳng.

5/. Tâm được từ bi như Phật.

6/. Tâm thường làm lợi ích và an ổn cho chúng sanh.

7/. Thân tướng được trang nghiêm, mọi người đều tôn kính.

8/. Có đức nhu hòa, nhẫn nhục, sau được lên cõi Trời Phạm Thiên.


X/ Nếu người hành Thập Thiện phá trừ được si mê thì sẽ thành tựu mười công đức như Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo dạy:

1.- Được ý vui chân thiện và bạn chân thiện.

2.- Tin sâu nhân quả, thà bỏ thân mạng chớ không làm điều ác.
3.- Chỉ quy y theo Phật, không quy y theo Thiên Thần ngoại đạo.
4.- Tâm được ngay thẳng chánh kiến.

5.- Thường sanh lên cõi Trời, khỏi bị đọa ba đường ác.

6.- Phước huệ không lường, thường tăng lên mãi.

7.- Dứt hẳn đường tà, chăm tu chánh đạo.

8.- Không còn lòng chấp ngã, bỏ hết nghiệp ác.

9.- Trụ nơi chánh kiến.

10.- Khỏi bị nạn dữ.





SÁU NGHỀ NÊN TRÁNH

Người cư sĩ có 6 nghề không nên làm: Sáu nghề ác.

Trong kinh A Hàm và Nikaya, Đức Phật đã ngăn cấm người cư sĩ không nên hành sáu nghề ác, vì sáu nghề này không phù hợp với tâm từ bi của Đạo Phật. Sáu nghề ác đó như sau:


1. Không làm nghề săn bắn, nghề săn bắn là một nghề cực ác, giết hại biết bao nhiêu loài cầm thú rừng: nai, hươu, khỉ, chồn, heo, gà rừng và các loại chim chóc khác nữa v.v...

2. Không làm nghề chài lưới, nghề chài lưới cũng là một nghề rất độc ác, chuyên bắt tôm cá, giết hại loài thủy tộc như: đặt rọ, lờ, chài, lưới, vó, câu v.v...

3. Không làm nghề buôn bán thịt sống, nghề buôn bán thịt sống là nghề sát sanh trâu, bò, heo, dê, ngựa, chó, gà, vịt v.v...
Người làm nghề này, gọi là đồ tể giết gia súc bán từng ký lô cho người khác mua về làm thực phẩm, nghề này rất độc ác, giết hại chúng sanh không chút lòng thương xót.

4. Không làm nghề buôn bán thịt chín, nghề buôn bán thịt chín là nghề lấy thịt chúng sanh nấu thành thực phẩm như: phở, cháo lòng, hủ tiếu, bánh canh, bì chả, nem v.v... Nghề này cũng là nghề độc ác, người hành nghề này cũng đánh mất tâm từ bi.

5. Không làm nghề sản xuất và buôn bán rượu, vì sản xuất và buôn bán rượu khiến người ta nghiện ngập say sưa, không còn trí thông minh, nên họ có thể la xóm, mắng làng, chửi vợ mắng con, bất kể cha, mẹ, anh, em ruột thịt, không biết dơ sạch, nằm ngoài đường, ngủ bụi, ngủ bờ, nằm sương nằm nắng, làm mất thể diện con người, thân thể dễ sanh bệnh tật, tạo cảnh khổ đau cho cha, mẹ, anh, em, vợ, con v.v...

6. Không làm nghề buôn bán người, nghề buôn bán người là nghề mãi nô (bán nô lệ) nghề buôn hương bán phấn (nghề mãi dâm) cũng là nghề buôn bán người. Nghề này rất độc ác, dùng thế lực, tiền bạc, vật chất bắt ép những người cô thân thất thế đang cảnh nghèo đói bán thân làm nô lệ, làm gái mãi dâm, khiến cho gia đình khổ đau và tan nát.

Nghề mãi dâm là một nghề tồi bại làm mất nhân phẩm của con người, khiến con người không còn đạo đức và còn tệ hơn loài thú vật, vì con vật có lúc dâm và cũng có lúc không dâm, cho nên kẻ làm nghề bán trôn nuôi miệng là kẻ làm xấu xa thân phận làm người.

Sáu nghề nghiệp này, là sáu nghề nghiệp độc ác, giết hại chúng sanh và làm khổ đau bệnh tật muôn người, nhất là nghề sản xuất và bán rượu, sản xuất và bán thuốc phiện, sản xuất và bán xì-ke ma túy, sản xuất và bán thuốc lá, thuốc lào v..v.. là những thứ gây bệnh tật nghiện ngập hao tổn tiền bạc, của cải, tài sản biết bao nhiêu người, trải qua bao nhiêu thế hệ phải gánh lấy hậu quả đau khổ này.

Do thế, những người hành những nghề nghiệp này để nuôi thân mạng, cha mẹ, gia đình và làm giàu trên sự đau khổ của muôn người muôn vật.
Họ là những người vô minh không thấy luật nhân quả đang chi phối diễn biến từng phút giây trong mỗi con người, luật nhân quả sẽ không tha thứ một ai, nếu ai đã làm điều ác thì phải hứng lấy hậu quả khổ đau.

Nếu quý vị không tin lời Phật dạy, thì hỏi thăm những gia đình đang hành những nghề nghiệp này. Trông bề ngoài có vẻ giàu sang sung sướng nhưng bên trong chẳng có hạnh phúc gì cả. Thường những gia đình này hay có những người đau ốm bệnh tật, không người này thì đến người khác, tai nạn thường xảy ra, khiến gia đạo bất an, lúc nào cũng lo lắng sợ sệt, cuộc sống của gia đình họ chẳng bao giờ êm ấm yên vui hạnh phúc.

Làm ác thì phải lãnh quả khổ. Không làm sao và cũng không ai cứu thoát khổ được.

Vì thế, Đức Phật biết rất rõ nhân quả thiện ác, nên Ngài muốn cho đệ tử của mình thoát ra khỏi cảnh khổ đau, Ngài thường ngăn cấm không cho người cư sĩ hành sáu nghề nghiệp ác, dù nghề nghiệp ấy kiếm tiền rất dễ, nhưng nó không phải là hạnh phúc chân chánh. Do đó, Ngài muốn cho các đệ tử của mình sống an vui hạnh phúc chân chánh, không còn gặp cảnh đau khổ nữa.

Chính vì hằng ngày, trong cuộc sống chúng ta đã tạo ra nhiều nhân ác nên phải chịu những quả khổ đau đời đời kiếp kiếp, chứ không ai mang đến quả khổ ấy cho ta được dù kẻ đó là quỉ thần ác độc. Cũng như không có một vị thần Thánh nào hay một Đức Phật cùng những vị Bồ Tát nào ban phúc lành cho chúng ta được. Xin các bạn lưu ý cho điểm này.

Nhân quả là một đạo luật công bằng, chính chúng ta làm ra là chúng ta phải chịu, không thể người khác chịu thay cho chúng ta được. Vì thế, không ai mang đến khổ đau cho chúng ta mà chính là do chúng ta cũng như không ai mang đến hạnh phúc an vui cho chúng ta mà cũng do chính chúng ta.

Người cư sĩ không thấy luật nhân quả rất công bằng và công lý, cho nên trong cuộc sống họ không biết chọn nghề nghiệp, chỉ thấy nghề nào làm ra tiền và có cơm ăn áo mặc dễ dàng, nhất là môi trường sống, nơi đó mọi người làm nghề sát sanh là dễ kiếm tiền thì họ bắt chước làm theo, nhưng không ngờ lại tạo ra vô vàn tội ác. Từ những hành động tạo ra sự chết chóc và đau khổ cho chúng sanh thì chính bản thân họ và ngay cả gia đình đều phải thọ lãnh những quả khổ đau ấy từ người này đến người khác.

Là đệ tử của Đức Phật, những hàng cư sĩ phải lưu ý sáu nghề nghiệp ác độc này, luôn luôn phải vâng theo lời dạy của Đức Phật thì mới tìm thấy chơn hạnh phúc, an vui của cá nhân và của cả gia đình mình.
Hành nghề đúng như vậy mới gọi là chánh nghiệp, chính nghề nghiệp chân chánh mới nuôi được chánh mạng của mình và của mọi người trong gia đình. Hạnh phúc từ ấy sẽ đến với các bạn. Các bạn có tin những lời dạy này không?



Mời các bạn đọc bài "Đạo đức nghề nghiệp"
(Trích Đường Về Xứ Phật tập I - Trưởng Lão Thích Thông Lạc - www.chonlac.org)

PHƯỚC HỮU LẬU VÀ PHƯỚC VÔ LẬU



  
Tu theo đạo Phật thì không nên cầu phước hữu lậu, vì phước hữu lậu là phước về danh và lợi mà danh lợi là ác pháp. Thế nên, người tu theo đạo Phật phải xa lià danh lợi là ly dục ly ác pháp. Ly dục ly ác pháp là phước vô lậu, phước vô lậu là giải thoát. Vì thế nên người tu sĩ đạo Phật khước từ phước hữu lậu như chùa to, Phật lớn, tiền bạc, danh lợi. Đức phật dạy: "Có danh có lợi thì nên ẩn bóng".

Người có phước hữu lậu giàu sang, quyền tước mà không từ bỏ, xa lià thì khó mà ngăn ác, diệt ác pháp, và không thể nào ly dục ly ác pháp được. Ta phải hiểu rằng phước hữu lậu là phước báo trong đau khổ. Cho nên người càng có phước báo nầy thì càng đau khổ nhiều. Cứ nghiệm cuộc đời của các Tổng Thống Mỹ, và người có hàng tỷ bạc như Minh Phụng, Trần Đàm v.v... thì thấy họ đang khổ hơn chúng ta nhiều. Có khổ đau là có ác pháp. Người giàu sang, quyền quí cũng có ác pháp, người tu hành không đúng chánh pháp cũng là ác pháp (tu khổ hạnh, hành thân, hoại thể, ráng ngồi thiền thật lâu chân đau nhức như ai bẽ giò, tức ngực, v.v...).

Phước báo hữu lậu và phước vô lậu không thể nào đi chung với nhau được. Người chấp nhận phước hữu lậu thì không thể nào có phước vô lậu được, ngược lại, người chấp nhận phước vô lậu thì từ khước phước báo hữu lậu. Các nhà học gỉa chỉ nghiên cứu chứ không có kinh nghiệm tu chứng nên đã hiểu sai lệch về Phật giáo. Vì vậy các ngài hướng dẫn người tu làm những điều lành như: trai tăng, cúng dường, xây tháp, đúc chuông, và làm những việc từ thiện khác nữa v.v... Đó là tạo phước hữu lậu, cho nên cuộc sống họ không giải thoát. Họ (các thí chủ) chỉ được tiếng khen và vô tình trở thành người cho vay để lấy nặng lãi. "vay một, trả mười". Ngược lại, Phật giáo không làm từ thiện, mà chỉ sống đúng đạo đức nhân quả, không làm khổ mình, khổ người. Cho nên khi thấy ai khổ là thấy nhân quả của họ, chứ không phải ta làm khổ họ, mà chính họ tự làm khổ họ. Chúng ta có duyên gặp họ trong cảnh khổ, đó là nhân duyên nhân quả của ta đối với họ nên mới có sự gặp gỡ nầy thì chúng ta giúp đỡ và an ủi họ tùy theo nhân quả của họ.

Chúng ta không làm từ thiện như các nhà Đại Thừa vì chúng ta không làm sao cho họ hết khổ được, tại họ tạo ra nhân ác thì họ phải gánh chịu lấy quả khổ. Chúng ta cũng không làm từ thiện (theo lời dạy của một số tu sĩ)... làm thiện để mong cầu được lên Thiên Đàng, Cực Lạc, để được làm quan, giàu sang, sung sướng, v.v...). Chúng ta chỉ biết làm theo đạo đức làm người mà Đức Phật đã dạy: "Không làm khổ mình, khổ người".

Người không hiểu Phật pháp, tuyên dương "phước huệ song tu" là một sự sai lầm lớn. Có phước hữu lậu làm sao tu huệ được? Huệ là giới luật, là đức hạnh của con người và của các bậc Thánh Tăng. Đối với các vị Thánh Tăng thì chỉ có ba y và một bình bát, đi xin ăn mỗi ngày thì làm sao có phước hữu lậu cho được? Trong kinh Nguyên Thủy, Đức Phật đã xác định rõ ràng: "Trí tuệ ở đâu thì giới luật ở đó, trí tuệ làm thanh tịnh giới luật, giới luật làm thanh tịnh trí tuệ".

Người có phước hữu lậu thì không bao giờ có trí tuệ; người có phước hữu lậu thì không bao giờ giữ gìn nghiêm chỉnh giới luật; người có phước hữu lậu thì không bao giờ được gọi là Trưởng Lão, nghĩa là không chứng quả giải thoát, vì chẳng bao giờ ly dục ly ác pháp. Chẳng ly dục y ác pháp thì chẳng bao giờ ngăn ác diệt ác pháp, do đó tu hành chỉ uổng phí một đời mà thôi.